Thursday, December 8, 2016

Độc Thoại Giữa Đêm Khuya - Lê Mai Lĩnh 

Tôi ngồi đó, dưới vòm trời nhà hát đó, đêm nay mà lòng quặn đau khôn nguôi. Chung quanh tôi là 37 khán giả người Mỹ, trước mặt tôi là những đồng bào tôi, trên sân khấu, đang trình diễn những cây đàn và những bài hát của quê hương, dân tộc.

Tôi cũng nhận ra ngay, rất rõ ràng, là người cán bộ Cộng sản đó, trưởng đoàn, là thằng bạn thân của tôi hơn 30 năm về trước, khi chúng tôi còn học chung một trường, tôi hơn anh hai lớp, và ngày đó, tôi và anh đang tập tễnh cầm bút, viết văn, làm thơ.

Đêm hôm nay, ở đây, tôi đến để phá anh. Tôi tin tưởng là việc làm của tôi đúng. Tôi phải phá đoàn văn công của anh. Tôi phải phá đoàn văn công của anh. Nếu có khả năng làm được, đàn, tôi cho theo đường đàn, trống, tôi cho theo đường trống. Tôi phải đập nát, phá nát. Trừ những con người, thì tôi không động đến.

Nhưng tôi không làm được điều đó vì tôi chưa làm được điều đó. Vả lại, nếu có làm được, chắc chắn tôi cũng không làm, trong hoàn cảnh đó, điều kiện đó. Những suy nghĩ và ý định phải làm của tôi, là đúng, nhưng những người Mỹ kia, rõ ràng là họ không hiểu ý nghĩa việc làm của tôi và chấp nhận hành động của tôi.

Những người Mỹ kia, họ không hiểu là đúng, nhưng có một số người Việt chúng ta, xem chừng trí thức lắm, cũng làm như không biết ý đồ thâm độc của những người lãnh đạo CSVN. Đó là, chúng đang sử dụng âm nhạc dân tộc nói riêng hay văn hóa nói chung, như những Viên-Đạn-Bọc-Đường hay Bàn-Tay- Sắt Bọc Nhung, một mặt, đánh vào hàng ngũ những người chống Cộng ở hải ngoại, một mặt che giấu tôi ác và lừa bịp người lưu vong nhẹ dạ, cả tin và dư luận thế giới.

Âm nhạc dân tộc là hay, văn hóa dân tộc là quý, nhưng chúng ta phải thấy rằng, còn có một cái hay và quý hơn cả âm nhạc và văn hóa, đó là con người của dân tộc. Nhưng hơn mấy mươi năm qua, từ ngày ông Hồ đem chủ nghĩa Cộng sản vào Việt nam đày đọa nhân dân, có bao giờ ông Hồ và tập đoàn CSVN nhắc nhở hay phát triển văn hóa dân tộc đâu.

Từ trong nhà trường Tiểu học, trong lớp mẫu giáo, trẻ em đã được khuyến khích, được dạy: «Tiếng đầu đời con gọi Stalin». Hay «Thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương mình thương một, thương ông (Stalin) thương mười». Đầu môi, chót lưỡi, ngay cả ông HỒ và những người lãnh đạo chóp bu, mỗi lần nói ra điều gì cũng Marx nói. Engel dạy, Stalin khuyên, Mao chủ tịch bảo. Chứ có bao giờ họ nói Tổ Hùng Vương, Thánh Trần Hưng Đạo, ông cha ta nói đâu. Họ làm gì có văn hóa dân tộc. Tuyển tập Mao, tuyển tập Lenin, tuyển tập Engel, tuyển tập Karl Marx là sách gối đầu giường, là kinh nhật tụng của đảng viên, thì làm gì có văn hóa Văn Lang, văn hóa dân tộc. Âm nhạc dân tộc, văn hóa dân tộc, mấy mươi năm qua bị đày đọa tận cùng bằng số.

Con-người-dân tộc bị những người lãnh đạo Cộng Sản dẫn dắt vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, phục vụ cho những âm mưu ngoại bang dưới chiêu bài nghĩa vụ Quốc tế.

Và hiện nay, họ đang chuẩn bị cho con-người-dân tộc vốn đã bị đọa đày đó nhận lãnh một bất hạnh mới, là làm Tiền đồn chống Trung cộng cho thế lực ngoại bang mới. Bây giờ, chủ nghĩa Cộng sản đã chết, những thần tượng, những thánh sống, như Stalin, Marx, Lenin, Hồ Chí Minh đã là đất sét, bùn nhơ, chúng lại tìm về ve vãn, vuốt ve, tâng bốc nhạc dân tộc, văn hóa dân tộc. Nói cách khác, họ đang dùng văn hóa dân tộc, trong đó có âm nhạc, như chiếc phao để kéo dài sự chết chìm cho chính họ.

Trước mặt tôi, đêm nay, là người bạn của tôi hơn 30 năm về trước. Tôi không hận thù bạn tôi. Những ý định, lời nói và việc làm, như những cái búa tạ, tôi định gõ lên đầu những người lãnh đạo CSVN, đêm nay, tôi không dùng nó để gõ lên đầu người bạn tôi được.
Những nghệ sĩ đó, già nua, hốc hác, ốm đói, tôi không hận thù họ. Hơn thế, tôi thương họ vô cùng.

Những khó khăn của đời sống gia đình họ, tôi biết. Những cay đắng của thời kỳ vây bủa trên thân phận họ, tôi biết. Tôi biết rằng, trong thâm tâm họ, làm sao có thể quên những ngôi mộ tập thể do VC chôn sống đồng bào họ năm Mậu Thân trên chính quê hương của Huế.
Một chuyến di Mỹ trình diễn âm nhạc, với họ, như một lô trúng độc đắc, sẽ có một số tiền sẽ có những chuyện kể xứ lạ quê người làm quà cho bà con, bạn bè. Nhưng tiền bạc, thì chắc chắn không bao nhiêu, vì thế nào mà họ không phải chia chác cho đám cán bộ địa phương để thực hiện đề nghị ra đi. Không loại trừ khả năng, là họ phải hiến dâng thể xác để được lên đường với một lũ cán bộ hám tiền và hám gái. Tôi nói điều này từ cơ sở nguồn tin, từ chính nhà văn nữ Dương Thu Hương đã tố cáo khi tôi còn ở trong nước, là, để được in một quyển sách, người lãnh đạo văn hóa Hà Nội cũng đòi Dương Thu Hương ủng hộ «khoản ấy». Hay như ca sĩ Ái Xuân tố cáo viên Giám đốc Sở Văn Hóa thành Hồ, đòi ủng hộ «cái ấy» mới được cho vào phái đoàn xuất ngoại trình diễn văn nghệ. Một dạo, báo chí thành Hồ công khai lời tố cáo này. Tôi đâu có nói ngoa.

Còn như chuyện vui xứ lạ, chẳng lẽ họ phải nói, đêm hôm trước bị ném cà chua và trứng thối ở Massachussettes, đêm hôm sau bị giàn chào ở New Heaven v.v. và v.v...
Tôi thương họ. Vì giá như đất nước được lãnh đạo bởi những người thực tình thương dân, thương nước, tạo được cơm no, áo ấm cho mọi người, mọi người đều được quyền sống tối thiểu làm người, thì sẽ không còn ai chống lại họ, thì đêm hôm nay, chúng tôi đã đón tiếp đồng hương của mình trong tình yêu thương máu mủ.

Tôi đoán biết, rồi đây, khi đoàn trở về, báo chí CS ở Huế, ở VN sẽ ca tụng đoàn thành công rực rỡ. Dối trá là nghề của họ.

Tôi ngồi đó, đêm nay lòng quặn đau như thắt. Một cái gì đó đã ngăn cách, chia lìa, tình cảm giữa tôi và người bạn văn nghệ của tôi hơn 30 năm trước. Một cái gì đó, ngăn cách tình đồng hương giữa tôi và những người nghệ sĩ kia. Tôi nói lại, tôi không thù oán họ, tôi thương họ.

Nhưng tôi cũng không thể để yên, bằng lòng cái việc, qua họ, những người lãnh đạo CSVN đang dùng âm nhạc dân tộc, văn hóa dân tộc như những viên-đạn-bọc-đường hay là bàn-tay-sắt-bọc-nhung đánh vào những lực lượng yêu nước chống Cộng ở hải ngoại, một lực lượng, nếu làm tốt được vai trò lịch sử  của mình, thì sẽ dự phần rất lớn lao, yểm trợ cho những lực lượng trí thức và quần chúng trong nước, trong nỗ lực giải trừ chế độ Cộng sản Việt Nam. Cơn hấp hối và ngày tàn của chế độ CS đã quá rõ ràng, nhưng không phải vì thế chúng ta ngồi chờ cho đến lúc nó sụp đổ, mà chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, tăng cường đấu tranh, thường trực đấu tranh, cho ngày đó tới mau được ngày nào hay ngày đó. Vì rằng, mỗi ngày kéo dài của chế độ là mỗi ngày nhân dân ta tiếp tục lầm than, đày đọa giữa địa ngục đỏ cộng sản.

Chương trình kết thúc, buổi văn nghệ đã vãn, tôi tiến tới bắt tay người bạn tôi. Sau khi đã nhận diện ra nhau, tôi nói thẳng với anh, là tôi trong phái đoàn đến đây để chống phá buổi văn nghệ của anh. Tôi nói với anh, như tôi đã nói trên, là ý đồ của những người lãnh đạo CSVN đang dùng âm nhạc dân tộc như những viên-đạn-bọc-đường, những bàn-tay-sắt-bọc-nhung, mà bạn và những nghệ sĩ kia là người thực hiện công tác, chuyên chở vũ khí ra hải ngoại, làm công việc chống đỡ cho chế độ độc tài phi dân tộc. Khi tôi nói ra điều suy nghĩ đó, người bạn tôi lấy tay dụi vào mắt, tôi áng chùng bạn tôi muốn khóc. Và khi đó, tôi chuyển câu chuyện qua hướng khác. Tôi nói với bạn tôi, rằng bây giờ, gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, tạm thời chúng ta quên chuyện đó, chúng ta nói về những kỷ niệm, những bạn bè còn lại ở Huế của chúng tôi. Anh cho tôi biết nhà thơ Lê Văn Ngăn còn ở lại Quy Nhơn, làm báo. Nhà thơ Thái Ngọc San, sau khi trả thẻ đảng, giờ làm phóng viên thường trực cho tờ Thanh Niên ở Huế. Nhà thơ Trần Sao Vàng đã trở lại viết cho tờ Sông Hương mỗi tháng ra một số.

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và anh (nhà thơ Võ Quê) đêm nay, làm tôi liên tưởng đến lần gặp gỡ của nhà văn Mai Thảo và người bạn học cũ là nhân vật Bình Sứt  trong truyện ngắn «Người Đàn Bà Trong Vành Đai Trắng» mà tôi đã đọc cách đây hơn 30 năm.

Sau những ngày tham gia kháng chiến, tác giả (Mai Thảo) nhận diện được bộ mặt CS giành phần lãnh đạo và hướng cuộc kháng chiến của toàn dân đi theo con đường Maxism, tác giả lựa chọn trở về thành (dinh tê). Trên đoạn đường trở về thành từ vùng kháng chiến, tác giả phải đi qua một «vành đai trắng» đầy bất trắc. Ở đó, anh có thể ăn đạn từ hai phía, Pháp và Việt Minh.Trên đoạn đường đó có một ngôi nhà thờ đổ nát, nơi đó, thường xuyên có những tên du kích rình rập để ám sát, bắn lén hay chặt đầu, những người chạy về thành, bị xem như hợp tác với Pháp.

Tác giả lên đường, hướng về thành, ngang qua một ngôi giáo đường, mặc cho số mệnh, năm ăn năm thua, lòng hồi hộp, lo âu, thấp thỏm. Ngôi nhà thờ đổ nát kia, như là lưỡi hái của định mệnh, như là bản án tử hình, như là hồi chuông báo tử, như là giờ cáo chung của phận người, số kiếp. Và, đúng như dự báo, một bóng đen, từ ngôi nhà thờ đi ra, chậm rãi, khi tác giả còn khoảng cách 200 thước. Cái gì đây để chọn. Bênh cách nào đây. Dương cũng chết mà thủ cũng chết. Mậu bênh thì không có rồi. Thua là cái chắc. Trắng tay trước mắt. Cứ đi tới. Tiến bước. Và hai người đã cùng lúc nhận ra nhau. Không cười. Cười được cái nỗi gì lúc đó. Nhưng cũng không đến nỗi ngầu hay mang bộ mặt đám ma với nhau.
Hai người là bạn. Bạn từ những ngày còn ở truồng, bạn từ những ngày còn mặc quần xà lỏn, bạn từ những ngày còn phá xóm phá làng, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Và bây giờ, họ nói với nhau về kỷ niệm bạn bè. Con Thúy, hoa khôi lớp ngày xưa, đã lấy chồng và bây giờ là góa phụ. Con Hằng, chồng mất tích trong mặt trận Sông Lô, giờ ở Hà NỘi bán một cửa hàng tạp hóa. Chồng nó là thằng Quân, một cây văn nghệ ngày xưa của lớp mình. Thầy Hòa dạy Văn giờ ở Nam Định, không biết đời sống ra sao?

Bình Sứt là là cái tên tác giả (Mai Thảo) đặt cho Bình từ những ngày thơ ấu đó, vì Bình bị sứt một phần ở môi. Có thể nào đây là cơ hội cho Bình trả thù vì sự đùa nghịch đó. Tác giả nghĩ thầm trong bụng. Nhưng khi trở lại thực tế, khi được Bình hỏi, giờ cậu định đi đâu, tác giả không thể nói dối được. 

«Tôi muốn về Hà Nội. Những năm tháng kháng chiến đã qua không thể làm cho tôi đủ sức tiếp tục nữa. Tôi muốn về tìm một đời sống khác. Rồi tính sau». Bình Sứt im lặng. Mặt nhìn xuống đất, tay vân vê cái gì cộm cộm ở bên hông, áng chừng như khẩu súng lục. Bình Sứt nói với tôi Cậu đi đi. Và  tôi thấy Bình Sứt khóc. Và tôi đi. Và tôi đi. Nhưng tôi cũng không thể không chờ đợi những viên đạn bắn từ phía sau, từ nòng súng của bạn tôi. Đi được một khoảng thật xa, tôi ngoái nhìn lại và tôi thấy Bình ngồi xuống, gục mặt trong lòng hai bàn tay».

Đoạn văn trên không phải là nguyên văn của Mai Thảo, nhưng tôi nhớ lại, áng chừng Mai Thảo viết như thế. Những giọt nước mắt của nhà thơ Võ Quê, những giọt nước mắt của Bình Sứt hôm đó, cùng với những tiếng nói phản kháng, phê bình như những cái búa tạ đập lên đầu chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay, như những gáo nước lạnh tạt vào mặt những tay lãnh đạo Hà Nội của Ủy viên Bộ Chính trị CS là Vũ Oanh, là tướng Trần Độ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng hay những nhà trí thức nhận được chân lý, lẽ phải, như Ngô Thức, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Phan Đình Diệu, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Hộ, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự v.v... là dấu hiệu cho thấy, là đến lúc cái «nhất điểm lương tâm» còn lại trong con người họ bắt đầu lên tiếng nói, cái tia lửa cuối cùng của trái tim họ bắt đầu chiếu sáng. Và chính những giọt nước mắt đó, những  tiếng nói lương tâm đó, những tia lửa trái tim đó, sẽ đưa tới sự cáo chung của chế độ dối trá, bạo tàn và phi nhân, là chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay. 

Tôi cũng nhớ tới một tình huống khác của một người bạn tôi, nhà văn Trần Hoài Thư, trong truyện ngắn Vườn Mía, đăng trên tạp chí Dân Việt số này. Nguyên văn đoạn văn hay tình huống đó như sau: 

«Một ngày nọ đại đội chúng tôi rời Tam Quan trở lại đơn vị sau gần một tháng hành quân, khi về Bồng Sơn, đoàn xe ngừng để đám lính vào chợ mua sắm và những sĩ quan ghé quán cà phê bên đường. Chúng tôi cùng nhau đấu láo, đủ điều, đủ chuyện. Riêng tôi không ngừng liếc trộm bờ tay lông măng cùng đôi mày rậm đen của cô hàng nước. Bỗng nhiên một cái bóng nhỏ vụt chạy đến. Tôi nhận rõ thằng bé cỡ 11, 12 tuổi. Nó quăng vào quán trái lựu đạn. May mắn cho chúng tôi, lựu đạn đã không nổ. Tôi chụp súng chạy đuổi theo thằng bé. Nó chạy vào trong xóm. Rồi nó băng ra đồng. Nó chui vô vườn mía. Nhưng làm sao nó có thể chạy bằng tôi và làm sao nó qua mặt được con mắt của tôi. Tôi chạy tới vườn mía. Tôi làm bộ la lên: Tao biết mày ở đâu rồi. Ra tao tha, thằng nhỏ. Sau đó tôi lên đạn cách cách, nói lớn, tao đếm một đến năm, nếu mày không ra, thì đừng trách tao. Tôi la một, hai, chậm và chờ đợi. Đến tiếng thứ ba thì thằng bé xuất hiện. Nó bò ra khỏi vườn. Tôi nhìn nó. Hay tôi nhìn lại tôi. Hay tôi nhìn cái tuổi thơ tôi. Hay tôi nhìn cái tuổi thơ Việt Nam. Tôi bỏ súng xuống, mắt cay nồng. Tôi bảo thằng bé chạy đi. Lần sau tao bắt được, đừng trách tao."

Sau khi đọc xong truyện ngắn trên, tôi gọi phone cho Trần Hoài Thư.
- A lô, cho tôi gặp anh Trần Hoài Thư
- Tôi là Trần Hoài Thư đây
- Anh biết tôi là ai không ?
- Tôi biết rồi. Có gì nói đi người anh em
- Ông thật có tội với nhân dân và lịch sử
- Cái gì mà khiếp thế
- Tôi đọc xong Vườn Mía của ông rồi
- Mà sao ?
- Cái thằng nhỏ ném lựu đạn mà ông tha cho nó chạy, sau này chính là thằng Lê Đức Thọ, quậy nát trời ông địa trong Bộ Chính Trị Hà Nội và là thằng có nhiều tội lỗi nhất lịch sử.

Sau đó chúng tôi cười với nhau qua điện thoại và hẹn tháng sau gặp nhau uống rượu tại nhà Ngô Minh Hằng với nhà thơ XuânThiên Vị và Trần Trung Đạo... trong dịp họa sĩ Vũ Hối triển lãm tranh. Nhưng bây giờ, nếu gặp lại anh, tôi sẽ cảm ơn anh đã tha cho thằng bé hôm đó, vì thực ra, thằng bé đó chính là Ủy viên Bộ Chính trị Cộng sản hiện nay là Vũ Oanh, hay nó là tướng Trần Độ, ủy viên ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản. Những cái búa tạ, những gáo nước lạnh, đập lên đầu, tát vào mặt đảng Cộng Sản Việt Nam là để nhớ tới ông Trần Hoài Thư đã tha chết cho nó ngày trước.

Điều sau cùng tôi muốn nói là, việc giết thằng bé thì dễ quá, nhưng lựa chọn việc cho thằng bé chạy là một lựa chọn đầy tính nhân đạo. Chúng ta chiến đấu vì con người, thì trước nhất, chúng ta phải sống, phải hành xử, xứng đáng là một con người.

Con người có thể bị thua cuộc ở một giai đoạn nào đó vì những dối trá, bạo tàn, phi nhân, nhưng cuối cùng, con người luôn luôn là kẻ chiến thắng. Những người lãnh đạo Cộng sản hiện nay, sau chiến thắng nhờ dối trá, bạo tàn, nay là lúc họ phải chấp nhận thất bại, nay là lúc họ phải trả giá vì sự dối trá và bạo tàn của họ.

Ngày Chiến Thắng của Nhân Dân, tức là của con người sắp tới, phải tới. Con người luôn luôn là kẻ chiến thắng. Nhiều người Cộng sản hện nay muốn  trở lại làm người. Tiếng nói của Lương Tâm và Tri Thức đã cất lên. Những ngọn lửa của Trái Tim Người đã bắt đầu chiếu sáng. Xin Thượng đế giúp cho những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tìm được cho họ một cái chết êm dịu. Hãy giúp họ sáng suốt nhìn thấy lỗi lầm để làm một cuộc Sám Hối trước nhân dân và lịch sử. Amen!

Lê Mai Lĩnh