Wednesday, December 7, 2016

Đại Học Xó Bếp (phần 2) - Dnga

VỊ GIÁO SƯ BÁC SĨ TÀI BA

"Những khi trái gió trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên..."

Hai câu thơ này mở đầu cho một bài thơ mà tôi thường nghe
vị Giáo sư khả kính cũng như người Trợ giảng của trường tôi hát bên tao nôi mỗi lần các muội - đệ của tôi "nóng chắt" ( cái từ hai vị ấy ám chỉ em tôi đau ốm). Về sau tôi bắt chước hai vị này, học thuộc luôn và ê a cho các con tôi.

Vì "đứng ngồi không yên" nên Giáo sư không chịu bó tay trước khi "tìm thầy lo chạy thuốc men". Khi tôi học y khoa năm thứ 4, trong một lần vào buổi sáng tại bệnh phòng nhi, một Thầy giáo Bác sĩ đã nói với chúng tôi bên giường bệnh rằng "Một người mẹ đã nuôi 5 đứa con nhỏ là một vị Bác sĩ nhi khoa giỏi!" Tôi tin ngay lời Thầy tôi vì thực tế ngay tại ĐẠI HỌC XÓ BẾP tôi đã gặp được vị BÁC SĨ TÀI BA này. Đó chính là vị Giáo sư ấy, Mẹ tôi. Vị BÁC SĨ TÀI BA ấy luôn lắng nghe từng hơi thở-nhịp đập trái tim của mỗi thành viên trong ngôi trường rồi cho hướng xử trí rất phù hợp.

Trong gian bếp của trường tôi, đặc biệt nhất là cái cụi. Cái cụi của vị Bác sĩ chứa lỉnh kỉnh rất nhiều thứ mà người trợ giảng luôn gọi là vị thuốc nào là hành, tỏi, ném, phèn chua, trứng gà, khoai lang...Cái miếng đất nhỏ trước sân cũng trồng linh tinh mỗi thứ một cụm: sả, ngải cứu, rau tờn, hẹ, lá lốt, cây chanh, cây ổi, cây khế, cây sầu đông... hàng rào thì trồng thêm một dãy vông nem vừa để khỏi chó chun vừa để làm thuốc. Nhìn đâu đâu cũng thấy thuốc của vị bác sĩ kỳ lạ ấy, tôi chẳng hiểu mô tê chi...

Một bận thầy Hiệu Trưởng đi làm về tối lên cơn sốt, đau đầu dữ dội, Bác sĩ tài ba liền ra vườn ngắt một nắm ngải cứu rửa sạch bỏ vô cối giả cùng với mấy củ hành tím rồi bảo thằng em nhỏ của tôi tiểu vào đó. Bác sĩ bắt lên bếp xào xào một lúc rồi cho vào trong tấm vải thô gấp đôi gấp ba lại, rịt vào trán thầy Hiệu trưởng. Đồng thời ra sau hàng rào hái 7 đọt lá vông vào nấu nước cho Hiệu trưởng uống. Lạ thay vị Hiệu trưởng ngủ yên suốt đêm sáng mai thức giấc tươi tỉnh rõ rệt. Đúng là tài ba! Bài thuốc ấy được lập lại đúng 3 lần thì thầy Hiệu trưởng lành bệnh.

Anh cả tôi rất thích môn bắn chim với cái ná, anh lang thang không kể mưa nắng khi ban giảng huấn không có mặt ở trường. Dầm mưa về, anh ấy sốt li bì. Vị bác sĩ nhờ trợ giảng nấu một nồi khoai lang và một tô cháo hành hương trứng gà. Nồi khoai vừa chín, bác sĩ đỡ anh tôi ngồi dậy trùm mền và xông. Xông xong, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bác sĩ lau khô người cho anh tôi và bắt ăn liền ngay tô cháo hành nóng hôi hổi bác sĩ vừa thổi vừa đút. Mồ hôi anh tôi túa ra như tắm, bác sĩ lại lau. Ăn xong tô cháo bác sĩ đặt anh tôi nằm xuống và xoa dầu tràm khắp người. Chúng tôi thừa hưởng được nồi khoai chén ngon lành! Chỉ thế thôi anh tôi khỏi bệnh nhanh chóng mà chưa phải đem đi tìm thầy thuốc đích thực. Tôi xin thề là vị GSBS ấy chưa hề đọc tác phẩm nào của Nam Cao để bắt chước tô cháo hành Thị Nở. Hoá ra vị Bác sĩ tài ba ấy đã biết phương pháp hạ nhiệt an toàn qua mồ hôi và trị cảm cúm bằng Alicin bay hơi trong hành mà không cần học hành chi. Hay thật!

Bác hàng xóm bạn Bác sĩ ấy có cô con gái lớn đã gả chồng nay về nhà mẹ chờ sinh nở. Chị ấy hay sang nhà tôi chơi. Thấy chị ấy đi trong sân là vị bác sĩ nhắc "Con vô dạ, mạ đi tu!", không phải lên chùa mà tu, tu đây là đi đứng ăn uống nói năng cẩn thận dè chừng, "Đừng đi qua dưới dây phơi áo quần mà...không nên!"; hay "Có mang thì lấy cái đòn mà ngồi, ngồi chò hỏ đẻ con thò lỏ đái!". Ui trời!... Tôi nghe mà chẳng hiểu mô tê chi. Đến khi tôi học y khoa tôi mới hiểu vị bác sĩ ấy có lý hoàn toàn. Ngày ấy trong sân nhà ai cũng giăng dây phơi áo quần, có khi rất thấp, đi dưới dây dễ vướng mà té ngã, điều này rất nguy hiểm vì có thể gây sẩy thai cho người có bầu. Còn có đẻ con thò lỏ đái hay không thì không ai kiểm chứng chuyện ấy, vì nghe có thằng cu là sướng rồi (chẳng ai biết thằng cu hay con bé bên trong). Nhưng vấn đề ngồi chò hỏ là một trong những yếu tố nguy cơ gây động thai và có thể sẩy thai tương tự như với tay lấy đồ ở trên cao mà giáo sư ấy luôn luôn nhắc nhở là không được làm. Ôi! Không ai chứng minh mà vị Bác sĩ ấy uyên thâm dễ sợ.

Đến ngày chị ấy đi nhà thương để sinh, bác hàng xóm bận bịu với chị ấy không về nhà, ngày chuẩn bị đón em bé về, vị bác sĩ ấy lại chạy qua nhà hàng xóm phụ giúp. Đầu tiên tôi thấy vị ấy quạt một trách than đỏ rực đem vào trong buồng chị ấy rồi bỏ vào đó một nắm muối bác sĩ nói để khử tà ma xú uế trước khi rước hai mẹ con chị ấy về, than nóng và muối nổ reo vui như chào đón thành viên mới. Sau này tôi hiểu ra là giáo sư đang làm cho căn buồng ấm áp và khử trùng với muối, chứ không có tà ma để mà đuổi. Bác sĩ ấy còn chạy về nhà lấy thêm một ít ném khô rải khắp dưới gầm giường và lột sạch sẽ một số hạt rồi xâu thành chuỗi tặng em bé đeo vào cổ tay và cổ chân. Vị GSBS nói rằng nó đeo vòng ném em bé sẽ khỏi nóng sốt. Chuyện này sau khi học đông y tôi mới thấy hoàn toàn chí lý. Một loại kháng sinh thực vật có thể bay hơi trong hành trong ném sẽ diệt được virus gây bệnh đường hô hấp ở trẻ con, mà virus này có rất nhiều trong không khí.

Trước 1975, chiến tranh triền miên, vùng quê đa số là vùng "xôi đậu", lúa trồng không được bao nhiêu, phần lớn người dân miền Nam phải ăn "gạo Mỹ" như gạo tròn, gạo dài, cơm sấy...Vị Giáo sư Bác sĩ khả kính của chúng tôi phải nhờ bà con ở quê mua giùm ít cám gạo ruộng đem về sàng sảy kỷ lưỡng rồi rang lên thơm phức, trộn thêm một chút đường, rứa là cả trường tôi có món lỡ buổi chiều, đôi khi thầy Hiệu trưởng còn dùng để nhâm nhi với nước trà buổi sáng. Lũ chúng tôi lấy làm lạ vì món lỡ buổi kỳ khôi này, Giáo sư Bác sĩ nói rằng "ăn riết gạo Mỹ có ngày phù thũng mà chết!". Hoá ra GSBS đang cho chúng tôi uống thuốc! Sau này với kiến thức Y khoa của mình tôi biết những loại "gạo Mỹ" thời ấy sạch cám quá sẽ thiếu vitamin B1 mà vitamin đó có nhiều trong cám gạo, thiếu vitamin B1 sẽ gây nên phù và thậm chí có thể chết. Ôi! Khâm phục kiến thức thực tiễn uyên thâm của vị Bác Sĩ chưa một lần cắp sách đến trường Y Khoa!

Chuyện thú vị và gây ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi là chuyện đôi tai của anh cả tôi. Anh cả tôi vốn bị chảy mủ tai từ nhỏ, vị Giáo sư ấy bó tay đem đi chữa bệnh nhiều nơi mà "mèo vẫn hoàn mèo". Một hôm GSBS đi chợ về mua một cục ong sáp vàng ở tiệm thuốc bắc đem cất. Tối đến tắm rửa cho anh tôi sạch sẽ xong, bắt anh tôi lên nằm nghiêng trên tấm phản, vị GSBS ấy lấy cục sáp ong màu vàng hơ vào lửa cho chảy ra rồi bôi một lớp mỏng trên bể mặt một tờ giấy trắng mỏng tanh (loại giấy dùng để vấn thuốc lá hút). Bôi xong GS cẩn thận vấn như vấn điếu thuốc cẩm lệ nhỏ nhưng rất dài, tiếp đến dùng kéo cắt một chút ở đầu nhỏ của điếu thuốc sáp ong ấy để tạo một lỗ thông. Xong đâu vào đó GSBS đặt lên tai anh tôi một tấm bìa mỏng che phủ toàn bộ tai và tóc, tấm bìa này có đục một lỗ nhỏ ở giữa để điếu thuốc sáp ong dài vừa vấn xong chui qua (tấm bìa này mục đích là hứng tàn giấy khi đốt). Phần đầu nhỏ của điếu sáp ong đặt sâu vào trong lỗ tai. Xong xuôi, GSBS bắt đầu châm lửa đốt ở đầu kia. Ngọn lửa nhỏ cứ cháy từ từ và anh tôi nằm yên không nhúc nhích. Cháy đến sát tấm bìa thì GSBS cho dừng lại. Buổi làm ma thuật chữa bệnh tai kết thúc. GSBS mở phần giấy còn lại ra, lạ thay một khối lượng mủ lớn ở trong tai được hút vào bên trong điếu thuốc sáp ong ấy. Ban ngày anh tôi đi học, tối về nằm nghiên tai cho GSBS làm phù phép. Thật diệu kỳ, sau vài lần làm như vậy tai anh tôi hết mủ khô khan và khỏi bệnh cho đến tận bây giờ. Ôi! Tuyệt vời vị GSBS chỉ vừa qua lớp xoá nạn mù chữ! Bây chừ khi thấy chồng tôi hút mủ trong tai bệnh nhân bằng máy hút tôi không khỏi tủm tỉm cười vì so với vị GSBS tài ba ấy, chúng tôi phải mất công học hàng chục năm mới chữa được bệnh chảy mủ tai!

Còn rất nhiều tài chữa bệnh của vị GSBS ấy mà tôi không thể viết ra hết. Sau này khi chúng tôi khôn lớn, vị Giáo sư của ngôi trường ĐẠI HỌC XÓ BẾP ấy trở thành sư mẫu của 3 Bác sĩ con và sư tổ của 1 Bác sĩ cháu vẫn không thôi hành nghề Bác sĩ tại gia. Trong suốt thời gian thực hành Y khoa, tôi luôn tìm hiểu những khía cạnh khoa học trong cách chữa bệnh của vị BS tài ba khả kính này và tôi thấy hầu hết đều có thể lý giải được. Trong những phút "trà dư tửu hậu" sau giờ giảng lâm sàng hay những phút "tán phét" với sinh viên trong đêm trực tôi thường đem những điều này ra thảo luận cùng nhau để cùng tìm ra khía cạnh khoa học của câu chuyện. Câu chuyện bên lề sách vở này đối với sinh viên bao giờ cũng hào hứng hơn những buổi giảng theo "giáo khoa thư" vì họ được trình bày những điều họ thấy tại ĐẠI HỌC XÓ BẾP của họ và cùng nhau trao đổi để đêm dài trong bệnh viện bớt mênh mông.

Không biết các bạn thì sao, còn tôi thì ĐẠI HỌC XÓ BẾP muôn năm!

Dnga
07/12/2016

(còn tiếp phần 3: NGÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ - THỂ THAO)
(Ảnh có tính chất minh hoạ. Mượn Internet)