Friday, February 6, 2015

Chuyện Cụ Dê - Giáng Ngọc

Anh Chu Vương Miện có thông báo cho tôi đọc thêm một bài viết của một vị viết về Năm Mùi với cụ Dê trên Hương Nguyễn Hoàng. Qua sự phân tích của bài, tôi cảm nhận khá đầy đủ và ý nghĩa hoàn toàn chính xác và xin góp phần thêm vào bài viết.

Trước đó tôi có làm một bài thơ mang ý nghĩa là “Cụ” (Năm “Cụ” về), nhiều vị mới đọc  hai ba câu đầu cứ tưởng rằng Cụ đây là một vị cao nhân nào. Nhưng  thật ra hoàn toàn không phải. Cụ - nói theo bài viết phân tích cụ có từ chữ cổ, cộ, cậu v.v…

Thường thường phía bên ngoại  hay gọi anh hay em trai của mẹ là cụ (tiếng quê) hoặc cậu (tiếng thường gọi). Nhưng Cụ để ám chỉ con Dê nó mang một ý nghĩa khác hơn chữ “cụ” bên ngoại  mà ta thường nghe.

Theo sách xưa, khi mới tạo thiên lập địa, nửa đêm giờ Tí thì có Trời, giờ Sữu mới có Đất rồi mới qua giờ Dần - tức là khoảng chừng 3 đến 5 giờ sáng mới có con người. Sau này, loài ngưòi văn minh mới đặt ra tiết lễ đúng vói những câu như sau:
-          Thiên khai ư  Tí
-          Địa tịch ư Sửu
-          Nhân sinh ư Dần 

Giờ Dần là bình minh hừng đông mặt trời bắt đầu ló dạng. Còn tháng Dần là tháng Giêng (âm lịch) cho nên người xưa căn cứ vào sự xuất hiện của loài người trên trái đất lúc mặt trời mọc mà quy định lễ, tết vào giờ Dần, ngày Dần, tháng Dần . Vì thế mới có quan niệm cho rằng nhũng người sinh nhằm vào ngày, giờ, tháng, năm Dần đều là những kẻ thông minh xuất chúng!  Vậy lịch Đại Á Đông xuất hiện vào lúc nào?  Xin thưa: Từ năm 2637 trước KiTô - trước Tây lịch- nhằm vào đời vua Hoàng Đế bên Tàu. Lịch có lục giáp là 60 năm (gọi là một ngươn giáp). Còn một giáp quay vòng gồm có 10 năm. Thập can là Giáp, Ất, Bính, Đinh , Mậu, Kỷ, Canh, Tân , Nhâm, Qúy. Song hành với thập can thì có thập nhị chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi , Thân , Dậu, Tuất, Hợi. Vì vậy sự phối hợp giữa thập can và  thập nhị chi sẽ cho ta con số 60. Nói cách khác cứ 10 năm thì sẽ có một chữ trong thập can sẽ trở lại. Cứ trong 12 năm thì một con vật trong thập nhị chi sẽ quay lại. Như vậy năm tới đây là Ất Mùi  thì phải đợi 60 năm sau mới có Ất Mùi trở lại (2015+60= 2075 -Ất Mùi ). Trong thập can thì có năm tốt, năm xấu tùy theo tuổi trai gái phù hợp. Người ta thường nói: Nam Đinh, Nhâm/Nữ Qúy, Giáp. Người đời thường hay có câu ví: Người ta tuổi Tí tuổi Mùi, còn em lận đận một đời tuổi Thân. Ý nói rằng tuổi Mùi ưa mùi mẫn, nên nhàn nhã  còn tuổi Thân nghe ra như “tủi thân” nên lắm  đau khổ, đoạn trường!
    
Trong một kỷ 12 năm có 4 Tam Hợp:  Thân, Tí, Thìn; Tỵ, Dậu, Sữu; Dần, Ngọ, Tuất; Hợi, Mão, Mùi. Cũng trong 12 năm ấy có 3 tứ hành xung: Tý, Ngọ, Mão, Dậu; Thìn, Tuất, Sữu, Mùi; Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
    
Năm Mùi biểu tượng là Dê cho nên chúng ta có những câu chuyện xưa liên quan tới “CỤ” như sau:

Dương Xa: Vào đời nhà Tấn bên Tàu, Vua Vũ Đế có nhiều phi tần mỹ nữ, đêm ngày không biết chọn ai để vui chơi, bèn nghĩ ra cách làm một chiếc xe khảm vàng cho một đoàn Dê kéo (Gọi là Dương xa). Hễ mấy “cụ” kéo xe vào phòng nào thì vua sẽ nghỉ lại nơi ấy. Nghe nói Dê hay thích lá dâu cho nên mấy nàng cung phi mỹ nữ hay để lá dâu trước cửa cho Dê tìm tới!

Trong “Cung oán ngâm khúc” Ôn Như hầu Nguyển Gia Thiều có đoạn như sau:
          “ Trên chín bệ mặt trời gang tấc
          Chữ xuân riêng sớm chực trưa chầu
          Phải duyên hương lửa cùng nhau
          Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.”

Ở Huế xưa cũng có một nhà thơ trào phúng có danh xưng là Thảo Am Nguyển Khoa Vi  ở Vĩ Dạ đã cảm tác một bài thơ thất ngôn bát cú như sau:

          Lãng mạn ham chơi bộ bết  B
          Vô song tứ sắc cứ ngồi C
          Thơ tiên ngâm nhảm thành thơ cóc
          Rượu thánh say mèm hoá rượu  D
          Dại bạc đã lầm tay quỉ quyệt
          Thua cờ chưa hiểu nước cao Đ
          Ngất ngơ đến rứa ai bì được
          Bì được như mình ngó cũng Ê!

   Nói chuyện Dê chắc chắn qúi vị không thể quên chuyện của Bá Lý Hề  mà vừa rồi tôi có đọc trong hai bài ở Hương Nguyển Hoàng và Văn Nghệ Trời Nam qua lời bình của  nhà thơ Châu Thạch cảm nhận về bài thơ của thầy giáo La Thụy, trong đó đã nói tới điển tích Bá Lý Hề một cách khá đầy đủ.
  
Bá Lý Hề: Người nước Ngu tự là Tỉnh Bá, ngoài 30 tuổi mới cưới vợ, sanh được một trai. Nguyên nhà nghèo nhưng học hành thông minh, ông ta muốn ra đi để tìm cơ hội tiến thân, ngặt một nổi vợ con không có nơi nương tựa . Đổ Thị biết chồng mình nuôi chí lớn, bèn khuyên chồng nên dẹp tình riêng mà dứt khoát ra đi.

                  Chí quân tử, cữu  châu lập nghiệp
                  Đại trương phu tứ hải vi gia.

Trước giờ chia ly Đổ Thị bắt một con gà độc nhất nấu cháo đãi chồng ăn. Vì nhà quá nghèo nên sau đó hai mẹ con Đổ Thị cũng phải bỏ nhà ra đi. Qua Tề Bá Lý Hề không có ai tiến dẩn, cạn hết tiền bạc, nên phải đi ăn xin nơi đất Chất. Lúc này ông ta đã 40 tuổi rồi. Sau này may mắn ông  gặp được Kiến Thúc là một hiền nhân, lớn hơn ông ta vài tuổi, nên kết thành huynh đệ. Bá ở lại nhà Kiến Thúc, ban ngày thì đi chăn trâu thuê. Kiến Thúc thì đi làm mướn. Sau một thời gian, hai người nghe được bên nước Châu có Vương Tử Đối, là người ưa thích Trâu, những ai biết nuôi trâu đều được trọng dụng. Bá Lý Hề đến gặp Vương Tử Đối, được ông ta hậu đãi, nhưng Kiến Thúc khuyên Bá rằng: “Vương Tử Đối có chí lớn, nhưng kém tài ưa dùng những kẻ xu nịnh, việc lớn ắt khó thành. Ta phải tìm cách xa lánh.”

Nghe lời Thúc, Bá Lý Hề trở về quê thì biết vợ con đã bỏ đi cả rồi. Sau đó Cung Chi Kỳ tiến cử Bá với Ngu Công. Bá Lý Hề theo Ngu Công sang Tấn hầu hạ không rời nữa bước. Nơi đây Bá Lý Hề chưa làm được gì thì bị kẻ nịnh thần tâu vua Tấn sai Bá đưa dâu sang Tần để cầu hòa. Bá Lý Hề buồn bực cho số phận của mình, nhân đêm tối trốn qua Sở. Mới tới Uyển Thanh đã bị bọn thợ săn bắt đem về giao cho việc chăn trâu. Với tài nghệ chăn trâu. Bá Lý Hề đã viết tập “Chỉ nam về nghệ thuật và kỹ thuật nuôi trâu”.
 Sau này, Tấn Mục Công biết Bá Lý Hề là người hiền, có tài kinh bang tế thế. Để có kế hoạch qua mặt vua nuớc  Sở. Tấn Mục Công gởi người qua Sở, mang theo 5 bộ da Dê (Ngũ dương bì) làm lễ vật. Quả nhiên rước được Bá Lý Hề về Tấn.
   
Về đến Tấn, Tấn Mục Công thấy đầu tóc Bá Lý Hề bạc trắng, có ý buồn cho là  Bá Lý Hề tuổi đã già. Bá Lý Hề bèn tâu: “Nếu chúa công khiến kẻ hạ thần đi duổi chim, săn thú  quả là hạ thần không làm nổi. Còn như chúa công cần người  để giúp, chung sức lo việc nước thì tuổi thần còn quá trẻ so với Lã Vọng tuổi 80 ngồi câu ở sông Vị, được Văn Vương rước về giúp nhà Châu, lập nên cơ nghiệp.”  Mục Công nghe hài lòng, bèn phong cho ông  chức thuợng khanh, nắm giữ binh quyền trong tay.

Giai thoại sau này việc Bá Lý Hề nghe vợ ông ta là bà Đổ Thị xin vào ca hát như sau:

Bá Lý Hề, ngũ dương bì  Ức biệt thì, phanh phục thư, xuân hùng phỉ, xuy diễm di,Kim nhật phú quý, vong ngã vi? Bá Lý Hề, ngũ dương bì, phụ lương nhục, tử đề ký, phu văn tú, thê hoãn y,ta hồ phú qúy, vong ngã vi?
 “ Bá Lý Hề , ngũ duơng bì ! Tích chi nhật, quân hành nhi, ngã đề, kim chi nhật, quân tọa nhi ngã ly, ta hồ phú qúy , vong ngã vi?
   
Nghĩa:  Bá Lý Hề  5 bộ da dê! Nhớ ngày ly biệt, mổ gà mái ấp, nấu nồi cơm vàng,
Tình thiết tha, Nay phú qúy, nỡ quên ta sao?.
      Bá Lý Hề, 5 bộ da dê! Cha ăn thịt cá, con đói khóc dài, chồng mặc áo gấm, vợ giặt thuê hoài, Nay phú qúy, nỡ quên ta sao?
      Bá Lý hề 5 bộ da dê, nhớ ngày xưa chàng ra đi, thiếp nặng lòng biệt ly, bây giờ chàng ngồi đó, thiếp chẵng dám gần, Phú qúy cao sang, nỡ quên ta sao?
     
Bá Lý Hề nghe ca sửng sốt, bèn gọi lại gần mới nhận ra là vợ mình, bèn ôm nhau khóc rống, làm mọi người cảm động.
      
Điển tích bá Lý Hề từ lâu đã đi vào văn chương Việt Nam, vô số bài thơ, ca v.v… nhắc đến câu chuyện này.
     
Trong sấm của cụ Trạng Trình Nguyển Bỉnh Khiêm cũng có những câu nói đến Dê (Dương) như sau:
                                 Phụ nguyên chính thống hẳn hoi
                                 Tin Dê lại mắc phải mồi đàn dê
                         Hay:
                                 Ngựa đã gác yên không người cởi
                                 Dê không ăn lộc ngảnh về  Tây
                        
                         Hoặc: 
                                     Trực đáo Dương đầu, Mã vĩ
                                     …. binh bát vạn nhập Tràng An
                            Rồi:   
                                              Mã đề Dương cước anh hung tận
                                              Thân dậu niên lai kiến thái bình

Thực chất những câu sấm này “thiên hạ” nói rằng của cụ trạng Trình Nguyển Bĩnh Khiêm  thì chúng ta là con, cháu, chắt, chít đời sau nghe sao nói lại vậy, chứ biết bao nhiêu cái “Thân, Dậu” đi qua  mà chẵng thấy nó thực sự ứng nghiệm ra sao! Mỗi người bình mỗi cách  cho đến khi nào mới chính xác đây? Khó có ai biết được tương lai sẽ như thế nào? Kể cả những   chính trị gia, kinh tế gia cũng chưa chắc “đoán” được chính xác! Hậu vận, tương lai đều đang trước mặt, khó có ai dám nói trước được. Sấm cũng chỉ là tương truyền, khó nói lắm phải không qúy vị? 
                                                                         
Giáng Ngọc.                                                
2015 (Ất Mùi ).

Tham khảo : -Văn đàn bảo giám

                         -Việt Nam gấm hoa