Rừng U Minh Thượng - Minh Kỳ
truyện ngắn
Trời làm một cụôc “bể dâu” (1)
“Lưu Bằng” hội ngộ nên câu giao phù. (2)
U minh “đất trích, kình ngư” (3)
Cỏn con cử bô, cho dù cuồng phong.
Nhắn câu “thường đảm
bất vong” (4)
Tri âm tha nhật, chén nồng giao hoan.
Trời tháng năm nắng cháy da người, vừa bước xuống
bến xe Rạch gía, còn đang ngơ ngác thì ba bốn tên công an ập đến xét giấy. Giấy
tờ của “Ngụy quân” thì đầy đủ, từ căn cứớc quân nhân, chứng chỉ tại ngũ…lại có
cả cây Colt 45 đang lận trong lưng nữa. Hỏi giấy tờ cách mạng thì:
_ Ơ hơ,
tui đâu phải Việt cộng mà có giấy tờ cách mạng.
_ Vậy thì
đưa hai tay lên đầu.
Tên công an kiểm soát toàn thân và móc cây colt 45
ra, dí súng Ak vào lưng, cấm nhúc nhích. Một tên chạy dọc theo bến xe, kiếm được
khúc dây nhợ khoảng hai mét, thế là trói nghiến ngay vào. Xong dắt đi vòng vòng
hết bến xe lại ra chợ. Coi như một thành tích to lớn vì đã bắt được một tên CIA
của Mỹ gài lại. Thế là tự nhiên mình biến thành tội phạm được xếp ngang hàng với
bọn ăn cắp, móc túi…CIA mà nhốt chung với bọn vô lại cũng là lạ thật!
Sau màn “lưu diễn” khắp tỉnh Rach gía, tôi được
đưa vào ty cảnh sát, nhốt trong khám nhỏ. Ở đây lúc nào cũng có khoảng từ hai
mươi tới ba mươi người gồm đủ mọi thành phần: Du đãng, xì ke, ăn cắp, móc túi... một vài quân nhân
Thủy quân lục chiến, một người lính Biêt động quân, ba bốn cô gái đìếm.
Lần đầu tiên bước vào nhà tù, ngơ ngơ ngáo ngáo
như thằng ngố. Đang xớ rớ ngoài cửa thì có một thằng to như con trâu, đen thui
bước đến :
- Ê anh
kia không được ngồi chỗ naỳ, nhìn mặt mày nó mà thấy gớm, thằng này người Miên
chắc. Nó còn đang lải nhải các điều lệ trong phòng giam thì tôi buông gói quần
áo xuống và một cú đấm thẳng vào mặt nó, nó xiểng niểng lui lại mấy bước thì đụng
tường; tôi xấn tới nắm ngay cuống họng, nghẹt thở nó đưa tay lên gỡ, tôi nắm
bàn tay bẻ ngược ra làm nó xoay người đi 180 độ và tôi khoá tay nó lại phía sau
thật dễ dàng, bẻ nhẹ tay hắn đủ đễ hắn đau đớn một chút.
- Tao báo
cho mà biết nhá, đây là nhà tù; maỳ là tù nhân, tao và mọi người cũng là tù
thôi. Tù mà không biết thương nhau thì ai thương chúng mày. Tao là một Sĩ quan
Hải quân, tao không phải là thằng hèn đâu. Nếu mày không phục thì bước ra giữa
nhà, mình làm lại, mà tao báo trước nha. Tự nhiên biến thành tù nhân nên tao
đang sùng trong bụng đó, tao mà ra tay nữa là nặng chứ không nhẹ đâu à nha.
- Dạ, em
xin lỗi, mà anh hai thông cảm, nếu không có luật lệ trong phòng giam thì không
thể sống được đâu. Này nhá: Cả phòng
giam mấy chục người chỉ có một cánh cửa, ai cũng muốn ra ngồi gần cửa cho
thóang khí một chút. Nhà cầu nếu không sạch sẽ thì chỉ môt ngày là không thể nào
thở nổi…Vậy nên ai vào sau bắtt buộc phải nằm gần cầu tiêu thôi. Cũng vì lợi
ích chung mà em sém lọt tay với anh hai đó.
- Xin lỗi
chú mày, anh đang “ngon lành”, tự nhiên bị bắt như một tên vô lại, tâm hồn anh
đang ở đâu anh còn chưa biết nữa nên dễ nổi nóng, chết anh còn chưa sợ mà. Hơn
nữa mấy năm học Vovinam hôm nay mới được biêủ diễn một lần với chú mày đó, chú
mày không thấy hên sao?-
- Hên kiểu
này ba lần chắc em phải chống nạng mà đi.-
- Chú mày
còn bực mình lắm hả?
- Không có
đâu, lúc nào rảnh anh hai chỉ cho em vài chiêu là được .
Đây là phòng tạm giam của ty cảnh sát Rạch giá cũ.
Cửa được làm bằng cọc sắt thứ làm hàng rào kẽm gai .Bước vào cửa phía tay trái
có một cái sập đóng bằng thùng đạn pháo binh, chỗ nằm của trưởng phòng. Đi thẳng vô là căn phòng lớn khoảng ba chục
mét vuông, nơi ăn ngủ của bốn mươi tù nhân nam.Còn bước vào quẹo trái chỗ trưởng
phòng là một căn phòng nhỏ hơn để nhốt tù nhân nữ. Trưởng phòng vẫn là Thạch
Sari.
Cũng nhờ vậy mà hay, hơn nữa tụi du đãng rất phục
những người có học (Sĩ quan mà lị). Tụi nó không còn ăn hiếp người mới vào nữa, sinh hoat không thay đổi. Tự nhiên tôi thành
cố vấn của tụi nó. Có chuyện gì tụi nó cũng hỏi ý kiến tôi, kễ cả chuyện riêng
tư nữa. Có điều mỗi tối tôi phải kể chuyện kiếm hiệp cho tụi nó nghe it nhất là
nửa giờ. Bù lại tôi được uống trà, café, hút capstan…Nhiều khi mình ma giáo
chut chut nên đến hồi gay cấn tôi ngưng ngang hẹn tối mai kể tiếp. Đâu có đứa nào chịu, chúng nó nhao nhao lên :
- Anh hai nằm
xuống, tụi em đấm bóp cho anh hai khỏe, kể xong đoạn này rồi mình ngủ luôn. Ba bốn đứa, bóp tay, bóp
chân, nắn lưng…Cứ như thế, tôi kể hết Võ lâm Ngũ bá đến Anh hùng xạ điêu, rồi
Thần Điêu đại hiệp, sau cùng chưa hêt Cô gái đồ long thì tôi gĩa từ khám nhỏ để
vào khám lớn nhưng phải ở phòng tối.(CIA mà lị). Được đối xử đặc biệt hơn người
khác.
Khi còn ở ty cảnh sát tôi không phải làm gì cả. Cứ
kêu tên đi tạp dịch thì tự động có người ra làm. Tụi nó nói:
- Anh
hai cứ ở nhà nằm nghỉ, khi nào đến người cuối cùng anh hãy ra. Tụi em ở đây vài
ba tháng là cùng, anh hai thì sẽ mệt lắm đó. Liệu mà khai báo ít ít thôi, càng
ít càng tôt. Thành thật khai báo sẽ không có ngày về đâu, tự giác là tự sát
đó.-
- Chú
đừng lo, anh biết anh phải làm gì.
Mỗi tối tôi thường ngồi kiết già, quay mặt vô tường
thiền mười phút và mười phút sau vẫn trong tư thế đó nhưng không thiền mà là cầu
nguyện, tâm tình với Chúa. Sau này có đứa
biết nên đến giờ thiền của tôi tụi nó không ồn ào nữa.
Những ngày ở khám nhỏ, tự nhiên mình được làm “trưởng
lão cái bang”, chẳng phải làm gì, ăn uống
có người lo. Có những anh em còn trong khám thì “Thủ cẳng” dữ lắm. Đến khi được
tha về vẫn không quên “Anh Hai” nên có những món qùa mà tôi không biết ai gửi
vào nữa. Tôi bị bắt chỉ một mình tôi biết, nhà tôi đâu có ai hay, vậy mà có đồ
thăm nuôi mới lạ chứ. Cũng chẳng có gì to lớn : Mớ tép tươi, bó rau muống, bịch
me chua, gói thuốc Basto, mấy con khô…Không đáng gì nhưng tình người qúa đi chứ.
Và đến bây giờ tôi cũng chỉ đoán thôi chứ không biết đích xác ai là người gửi
những “Chút tình” đó.
Một ngày không đẹp, trời mưa lâm râm, tôi cũng được mời đi khai
baó, bước ra ngoài , nhìn tay chân mình sao mà trắng thế, trắng xanh xao bệnh
hoạn, mới có mấy tháng sao thấy mình tệ quá.
**************************
Phòng thẩm vấn gồm một cái bàn gỗ tạp, ba cái ghế
đẩu. Người cán bộ ngồi xuống vị trí chủ nhân, tôi ngồi đối diện, phía tay phải
là một bộ đội ngồi ôm khẩu Ak lên đạn sẵn, chắc là nếu tôi mà cựa quậy là phơ
liền.
Giọng cán bộ miền Nam:
- Anh
có thấy thoải mái không ?
- Có,
“rất thoải mái”
- Vậy
chúng ta bắt đầu làm việc, tôi hỏi đến đâu anh trả lời đến đó.
- Nhất
trí với cán bộ.
- Anh cho
biết tất cả những mạng lưới của anh từ Phú quốc đến Hòn Sơn rái, hòn Nghệ, hòn
Tre và Rạch gía.
- Tôi không
hiểu cán bộ muốn nói gì? Tôi là sĩ quan Hải quân; chưa làm nghề đánh cá bao giờ
làm sao có lưới ?
- Anh đừng
ngoan cố, tụi tôi có đầy đủ hồ sơ về anh, tôi thẩm vấn chỉ là để xem anh thành
thật đến mức nào thôi. Anh nên nhớ thành thật khai báo là thước đo lòng tự giác
của mọi người. Ngày về của anh gần hay xa là ở chỗ này đó. Anh phải biêt rằng,
cách mạng Việt nam đã đánh thắng hai tên đế quôc đầu sỏ thế giới là Mỹ va
Pháp. Đế quốc Mỹ sẽ đừng hòng trở lại Việt
nam lần nữa, anh cũng đừng trông mong tụi Mỹ trở lại, chỉ uổng công thôi, lại
thêm thời gian cải tạo càng dài.
- Tất cả những
điều tôi nói đều là sự thật, trong quân đội miền Nam được phân chia rõ ràng. Sĩ
quan tác chiến chỉ lo việc tác chiến. Bên Hải quân thi sĩ quan chỉ huy là chỉ
huy, chính tri, an ninh, tình báo…do những sĩ quan chuyên ngành đảm nhiệm. Mọi
tin tức tình báo chúng tôi có được là do phòng an ninh tình báo cung cấp chứ
không do lưới của chúng tôi.
- Tôi biết
anh còn đang lợn cợn, chưa vững tin vào chính sách của đảng và nhà nước nên
chưa thành thật khai báo. Thôi cũng được, anh hút thuốc.
Tôi lấy gói thuốc rê quấn một điếu ngồi hút, người
cán bộ nói tiếp:
- Cuộc thẫm
vấn hôm nay coi như tạm ngưng, anh hãy về đào sâu suy nghĩ, soi rọi bản thân để
lần tới mình làm viêc có kết qủa hơn.. Còn bây giờ mình nói chuyện chơi như hai
người bạn, anh đừng e ngại gì hêt.
Tôi chỉ dạ cho qua chuyện, người cán bộ hoỉ:
- Anh
nghĩ sao về đế quốc Mỹ ?
- Là
kẻ thù của tôi.
- Anh
làm việc với Mỹ mà lại coi Mỹ như kẻ thù sao ?
- Nếu
cách mạng có bom nguyên tử, tôi tình nguyện đem thả xuống đất Mỹ.
- Anh
mang quân hàm « quan ba » ,chắc nhiều
huy chương lắm nhỉ ?
- Lính
Hải quân mà kiếm được cái huy chương đâu phải dễ, ngoại trừ những huy chương tự
nhiên có như: Quân phong bội tinh, quân vụ bội tinh, hải vu bội tinh…những huy
chương này chỉ cần giữ kỷ luật, đi biễn
trên hai năm… là ai cũng có. Riêng tôi có thêm được một ngôi sao bạc hồi khai
phá U minh, một ngôi sao bạc nữa hồi ở căn cứ Hải quân Năm căn, vậy thôi.
- Thật
ra các anh là sĩ quan, mà đã là sĩ quan nếu không CIA thì cũng phải CIB, đúng
không?
Tôi chỉ ừ hử cho qua chuyện.
Thấy chẳng gỡ gạc đựơc gì nên hắn đưa tôi về phòng
tối để tiếp tục soi rọi bản thân mà thành thật khai báo. Thêm hai lần thẩm vấn
nữa cũng chẳng ăn thua gì nên tôi được xếp ngang hàng với những sĩ quan khác ở
bên ngoài. Cùng được đưa vào trường cải tạo thượng hạ sĩ quan U minh thượng. Chỉ
khi vào đến nơi mới được ngang hàng thôi. Còn từ trong khám đi ra thì mọi người
thoải mái, tôi vẫn phải mang còng số tám.
Ngày rời khám nhỏ bịn rịn bao nhiêu thì ngày rời
khám lớn cảm động bấy nhiêu. Dù tôi ítt tâm sự với ai nhưng mọi người biết tôi
bị bắt “ngang xương” nên chẳng có tiền bạc, quần áo….nghĩa là vô sản chuyên
chính. Mấy người quê Rach giá có thăm nuôi mỗi ngày, còn tôi thuộc diện cháu bà
phước nên hết tháng này qua tháng khác đều sống « Không có gì ». Họ thông cảm
hoàn cảnh của một sĩ quan thất thế nên khi ra khỏi phòng tối, nhiều người nhìn
tôi aí ngại; người đưa cái này, người đưa cái kia…Khi đến nơi mở ra thì có hai
tấm vải bông để trải ra nằm và đăp, một đôi dép nhật, một hũ mắm thái, một hũ mắm
sặt, một tấm nylon.
Viếtt đến đây tự nhiên nước mắt tôi ầng ậng trào
ra, cảm động quá, tình người quá. Mà cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng biết những
người đó là ai, tên gì !
Khi biết tôi sẽ ra đi không có ngày trở lại khám lớn
nữa, mấy người tự đông dúi cho tôi, người một gói. Hình như đám người này có dự
trù trước hay sao mà họ cho vừa đủ mọi thứ tôi cần thiết. Nhờ họ mà tôi không lạnh
lẽo trong mùa đông năm 1975 .
Vừa từ phòng tối bước ra, tôi được ưu ái móc còng
số tám vào tay chung với một người khác cùng tên như tôi..Mọi người lên xe GMC
của miền Nam, trực chỉ hướng Rach sỏi. Tôi nghĩ chắc nó đưa mình ra Bắc quá, đến
chỗ cầu quay xe chạy xuống bờ sông, tôi chép miệng:
- Rồi,
không Côn Sơn thì Phú Quốc, mêt dữ à nha.
Mọi người xuống xe, lên tàu. Tàu chạy ra biễn rồi
quẹo vào sông Caí Lớn, tôi chịu thua, chẳng biết được đưa đi đâu nữa. Có thể là
Vị thanh, Hỏa lựu, có thể là Cây bàng, Cà mau…Thây kệ, nằm xuống cho khoẻ, tới
đâu thì tới.
Tàu chạy một lúc đến rạch Hốc hỏa thì quẹo vào;vậy là “Bù trất”.,chẳng
biết đi đâu nữa. Khoảng năm giờ chiều tàu tấp vào bờ, không có bến bãi, chẳng
phải khu dân cư, vài mái nhà lúp xúp.
Đoàn cải tạo cắt người nấu cơm,
ăn xong nằm ngủ với “màn trời chiếu đất”.
Tôi tìm chỗ bằng phẳng một chút, trải tấm nylon xuống,
lấy tấm vải bạn hữu cho đắp lên rồi đi vào giấc ngủ tương đối nhẹ nhàng. Sáng sớm
hôm sau thức dậy lãnh cơm ăn sáng xong; mọi người lội băng qua một cánh đồng
hoang ngập nước đến đầu gối, đến trưa tới một xóm tân lập với dăm nóc nhà lợp
lá dừa nước còn mới mẻ. Đoàn cải tạo dừng ở đây nấu cơm trưa. Đói qúa nên tôi
tình nguyện vào tỗ nấu cơm, nấu xong mình có quyền lấy trước phần của mình.
Đương nhiên là phải no nê hơn những người khác. Ăn xong lại băng đồng và vượt
qua kênh làng thứ bảy, băng qua khu rừng sậy ngút ngàn thì tiến vào mật khu của
Cộng sản thuở trước. Ở đây có một chòi canh cao khoảng mười mét, vài căn nhà cũ
chứa lúa gạo và làm doanh trại cho bộ đội. Đa số là hầm hố, nhà làm dưới những
lùm cây tràm cỗ thụ nên khó mà phát hiện được. Gỉa như phát hiện được cũng chỉ
cho máy bay bắn phá thôi; còn hành quân tiêu diệt địch qủa là vô cùng khó khăn.
U minh thượng là vùng nước mặn về mùa khô, nước
phèn và ngọt vào mùa lũ, chạy dài từ Chương thiện xuống Cà Mau, phần giữa là
khu Hóc hỏa, kinh trung đoàn lan ra thứ bảy tới thứ mười một; tới ngã ba Tân bằng,
Cán gáo, sông Trèm trẹm…Lui xuống Cà mau, Năm căn là U minh hạ.
U minh thượng hầu hết là rừng tràm bạt ngàn, lại đến
khu rừng sậy bát ngát cao trên đầu người cả mấy thước;rồi tới rừng cây bàng, cỏ
năn…Ngược ra sông cái là rừng dừa nước…Ô rô, cóc kèn và cây mắm, cây bần. Nếu
hành quân vào đây thử hỏi mỗi ngày người lính quốc gia lội được mấy cây số ???
Hầm chông, mìn bẫy…Địch thì chẳng có bao nhiêu, mà nó bắn thì mình chết. Bắt được
nó đem về thẩm vấn thì nó là một công dân Việt nam với đầy đủ giấy tờ chứng
minh.
Dân chúng ở đây đa phần là Việt cộng, sống bằng
nghề đốn tràm thuê. Tới mùa nước nổi thì giăng câu bắt cá, gác kèo ong lấy mật
đem bán. Nước rút thì bắt cá làm mắm, vừa để ăn, vừa bán.. Mật ong rừng tràm là
loại đặc sản quý nhất đó, tổ ong làm trong rừng tràm, mặc sức hút nhụy tràm nên
phẩm chất mật rất tốt. Còn cá thì khi nước lên giăng câu, đặt lờ đặt lợp, cá
nhiều vô số kể. Giăng câu ở đây chỉ giăng ở sông rạch thôi, còn trong rừng sậy
thì thả câu; thả câu khác hẳn giăng câu : Chặt một cây sậy, cắt ra thành khúc
dài năm tấc, chừng năm chục khúc là đủ.Lấy
sợi nhợ dài năm bảy tấc cột một đầu vào giữa khúc sậy, đầu kia cột lưỡi câu
xong cuốn lại bỏ vào bao cát. Trước khi đi, bắt trùng hay tép làm mồi, chuẩn bị
cơm nước đầy đủ trong ngày. Sáng sớm đi vào rừng sậy, vào sâu khoảng năm chục
mét thì bắt đầu. Nhớ đi đên đâu phải bẻ sậy làm dấu thật kỹ và liên tục. Nếu
không, khi vào sâu trong rừng sẽ không tìm được lối ra vì mất phương hướng, gặp
ngày trời mưa là kể như ở trong rừng đến chết, ai về được là may mắn lắm. Bắt đầu
tìm hai bên, chỗ nào trống một chút thì thả dây câu ra chừng hai tấc, móc môì rồi
thả nỗi ngay giữa chỗ trống; khi cá ăn mồi nó sẽ lôi đi và cần câu sẽ lăn thả hết
ba tấc nhợ quấn trong cần câu ra, thời gian này đủ cho cá nuốt mồi. Khi cá lội
đi cần câu sẽ vướng những thân sậy bao quanh và cá cũng chẳng lội đi được, nằm
đó quẫy lên vài cái chờ người đến bắt. Chiều xuống thu câu về, theo dấu sậy mà
ra khỏi rừng.
Sau khi nước rút, người dân chỉ cần vào trong rừng
tìm mấy cái hố bom mà tát, cá lớn đem bán, cá nhỏ làm mắm ăn cả năm .
U minh hạ hầu như toàn là cây mắm,c ây bần và nhiều
nhất là cây đước còn gọi là rừng đước, lúc nào cũng ngập mặn đến đầu gối, thắt
lưng.
Đến lúc đó tôi mới hiểu ra rằng: Sở dĩ nó đi lối Hốc
Hỏa là để đánh lạc hướng của mọi người, muốn trốn trại không phải chuyện đơn giản.
Cũng khó lòng nhớ lại con đường đã đi qua. Bình thường mình đi từ Xẻo rô vào
kinh Cán gáo, rồi vào kinh làng thứ bảy; đường sông rộng rãi, thênh thang, lại
gần hơn.
Tụi nó đánh gía sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà sai lầm qúa. Những sĩ quan cải tạo ở
đây đa phần là dân vùng bốn. Không sư đoàn 21 thì cũng là địa phương quân,
nghĩa quân…Với khả năng của một sĩ quan, chỉ cần nói đến địa danh nào đó là họ
biết ngay vị trí chính xác, lối vào, lối
ra….Có điều đã trình diện đi học tập thì ai trốn làm gì. Đã chủ trương trốn thì
ai daị gì chui đầu vào đây. Tuị này ấu trĩ thật.
**********************************
Vào đến khu cải tạo rồi, nhiều anh em hối tiếc sao
mình không trình diện sớm; giờ những người học khóa trước săp ra về rồi, mình học
khóa sau phải về sau.
Hình ảnh đập vào mắt tôi đầu tiên là những người cải
tạo tay cầm một khúc tràm bằng cổ tay, dài chừng năm tấc cứ thế đập vào một cây
tràm dài, ai ai cũng làm vậy. Thì ra họ đang bóc vỏ tràm; đập cho vỏ tràm tét
ra rồi lấy tay bóc và tuốt cho đến ngọn.
Những người này vào đây từ ba tháng trước, họ đang
xây dựng thêm nhà để chứa cải tạo viên. Toàn bộ nhà làm bằng cây tràm, sàn nhà
cũng là cây tràm ghép lại nên mỗi lần nằm xuống phải lựa thế, nếu không, không
thể nào nằm được vì những chỗ lồi lõm, thấp cao. Hai bàn chân đau qúa, suốt sáu
năm đi giầy, lại nằm trong khám ba tháng. Giờ hai bàn chân không, lội ruộng suốt
một ngày nên sưng lên, phải đi khập khiễng.
Sau khi ổn định chỗ ăn, ở,mọi người đi vào chương
trình cải tạo. Toán đầu tiên cũng như toán cưối cùng, ăn chung, làm chung, có
nhiều người ở toán sau lại về trước.
Đầu tiên là
khai báo lý lịch ba đời nội ngoại; sau nữa là bản thân đã chống phá cách mạng
như thế nào? Có nợ máu hay không, nợ máu, nhiều hay ít. Thành thật khai báo sẽ
chứng minh các anh đã giác ngộ, đã thấu hiểu chính sách, đường lối của nhà nước…và
ngày về của các anh đều tùy thuộc vào sự khai báo này. Các anh hãy tâm đắc, soi
rọi bản thân, đào sâu suy nghĩ đễ khai báo cho rõ ràng, thành thật.
Điều này đúng thật đó,nhưng mình phải hiễu rõ ý của
cán bộ mới được.Nghĩa thật rõ ràng là anh nào
thành thật khai báo thì học tập “Mút chỉ cà tha”; anh nào khai láo lếu,
biết dấu diếm thì về sớm, đúng tự giác là tự sát. Xong phần lý lịch đến bài học
thứ nhât: Đât nước ta giàu đẹp, nhân đân
ta anh hùng. Người cán bộ hùng hồn:
- Các
anh có thấy đất nước ta giàu đẹp thế nào chưa? Ngay trước mắt các anh, trong rừng U minh có mỏ cá rô, ngoài biển có mỏ cá nục…Tôi đi trên trực thăng thấy trên mặt
biển có mỏ dầu, dầu lai láng. Các anh có biết cách khai thác dầu thế nào không?
Lớp đầu tiên là dầu ăn, thứ dầu bán ở chợ mình hay mua về chiên cá đó, sau đó
là đầu cặn, rồi tới dầu xăng…Ngoài biển nước ta nhiều mỏ dầu lắm đó. Đế quốc Mỹ
không biết khai thác, giờ có các chuyên gia Liên sô giúp đỡ; mai mốt dầu ăn, dầu
chạy xe, xăng nhớt…rẻ rề.
Mà rừng U minh nhiều cá rô thật đó, cá từ các hố
bom trong rừng; liu kĩu từ năm này qua năm khác, trời đổ mưa là sinh sôi nảy nở.
Rồi theo con nước tràn ra sông rạch hàng đàn hàng lũ, nhiều vô số kể. Ngồi
trong nhà tôi vẫn có thể bắt được vài chục con thật dễ dàng; vậy nên bạn bè gọi
tôi là Kỳ rô; đâu ngờ rô, trê, lóc… gì tôi cũng bắt tuốt luốt.
Cứ thế, suốt ba năm, học tám bài; và bất cứ trại cải
tạo từ Nam ra Bắc cũng chỉ có tám bài thôi. Chỉ có tám bài mà có người học hai
năm, có người năm, mười năm, có người tới hai mươi năm…học vẫn chưa xong !!!
Sau khi lên lớp vài bài thì các cải tạo viết bài
thu hoạch, giống như mình đi thi vậy đó. Cứ như thế, học xong vài bài thì tiếp
tục lao động, mấy tháng sau lại học vài bài nữa. Bây giờ không cất lều trại nữa
mà các cải tạo phải đi tìm những cây tràm to, thẳng, …đốn về rồi đẽo gọt cho thật
đẹp để mỗi cán bộ được vài ba bộ kèo, cột đem về làm nhà hay đem bán…
Lại có tổ thợ mộc để đóng giường, tủ, bàn ghế…cho
cán bộ.
Gần một năm thì gia đình được thăm nuôi, những người
được bình bầu là lao động xuất sắc nhất được viết thư về đễ baó cho thân nhân
biêt mà đến thăm.
Nội dung một lá thư như sau:
Cộng hoà miền Nam Việt Nam
Độc lập - tự do - hạnh phúc.
Anh xin báo cáo để em và các con nắm được, hiện
anh đang phấn khởi hồ hởi học tập cải tạo tai trường cải tạo thượng hạ sĩ quan
rừng U minh thượng. Anh vẫn mạnh khoẻ và được các cán bộ quản giáo chăm sóc từ
miếng ăn, giấc ngủ. Ngày ngày đi lao động nên anh đã biết “Lao động là vinh
quang”. Ở đây không thiếu thốn gì hết, đừng lo lắng cho anh,.Hãy tin tưởng vào
chính sách của nhà nước; học tập xong anh sẽ về đễ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Nếu có vào thăm anh, em nhớ đem cho anh.
- Một
lon mắm ruốc xào xả ớt.
- Một
lon muối mè.
- Một
ký cá khô.
- Một
ký đường.
- Mươi
đòn bánh tét.
- It
thuốc cảm cúm và trụ sinh.
- Vài
trăm gram thuốc rê hay vài bánh thuốc lào cũng được.
Trại thăm nuôi là cái chuồng heo cũ, còn vài con
heo nhốt ở đầu nhà. Trong nhà đóng một cái bàn dài chừng hơn mười mét bằng cây
tràm; hai bên hai hàng ghế cũng bằng cây tràm. Hai đầu hai cán bộ ngồi nghe
thân nhân và cải tạo nói chuyện; sợ nghe không hết nên có thêm hai cán bộ nữa
trang bị súng Ak đi qua đi lại mỗi bên. Mỗi người được thăm nuôi, trò chuyện mười
lăm phút. Phải nói lớn, không được nói nhỏ hay ra dấu.
Có một chị đi thăm nuôi chồng, vào đến chỗ thăm
nuôi là xỉu ngay. Hôm sau về mấy người hỏi thăm chị nói:
- Nhìn đường
vào U minh em sợ qúa, đến cuối trạm em thấy ghê hồn nên xỉu luôn. Từ chỗ thăm
nuôi vào đến trại cải tạo còn đi cả cây số nữa.
Sang năm thứ hai, khi mùa mưa đổ xuống là mọi người
đi phát sậy để lấy đất làm ruộng. Cái này mới gian nan, phát sậy phải lột da ếch,
nghĩa là phát thật bằng ngang hay dưới mặt
đất vài ba milimet, phát chừng trăm công rồi gieo mạ. Khi mạ đủ lớn thì nhỗ mạ
đem đi cấy,c ấy lúa xong lại vào rừng đốn tràm cho cán bộ đem bán lấy tiền bỏ
túi. Tới mùa lúa chín thì gặt hái, thu hoạch. Sau khi cấy lúa xong thì đi cấy
tràm ở những khu toàn cỏ năn thôi. Cấy lúa thì ba tấc một cây, tràm thì từ sáu đến tám tấc. Có những cây tràm non khi
nhổ thì rễ tùm lum, bực mình vì không cắm xuông được, người cải tạo bẻ ngay gốc
rồi cắm xuống, chẵng cán bộ nào biết được. Người bạn cắm những cây tràm bẻ gốc
xuống còn đọc thơ nữa :
Mười phần
chết bẩy còn ba,
Chết hai
còn một mới ra cây tràm .
Rồi đến hạn ba năm thì số cải tạo viên chỉ còn dăm
trăm, trong đợt tha gần cuối có tên tôi. Mừng qúa, tôi bàn giao toàn bộ đồ đạc
cho những người còn ở lại rồi lên đường. Toán
đựơc tha đã đi từ buổi sáng, đến gần trưa mới tới phiên tôi vì cán bộ
quên mất một tờ danh sách được tha, hú hồn.
Mười mấy người mướn đò về thứ ba; xong đón đò ở thứ
ba ra Rạch Sỏi.. Đò vừa cặp bến đã có tiếng reo vui:
- Anh Kỳ,
tôi đây nè, mừng qúa. Thì ra một người bạn tù, hắn là hạ sĩ cơ khí. Đáng lẽ
không phải đi cải tạo nhưng bị kẻ thù tố cáo sao đó nên hắn cũng vào U minh
chín tháng mới được tha. Trong trại hắn chơi thân với tôi vì hai đứa cùng họ, lại
thêm cùng binh chủng Hải quân nữa. Hắn tên Pham Minh Khanh, tôi bước lên cầu
tàu, hắn mừng mừng tủi tủi:
- Trưa nay
đang đap xích lô, tôi thấy có một đám được tha. Chạy lại hỏi có ông không, tụi
nó nói có. Tui chạy về báo cho vợ tôi biết rồi thay đồ, nghỉ đạp xe, ẵm con ra
bến đò đón ông đó. Bây giờ mọi lo nghĩ để qua một bên, tối nay tôi sẽ tẩy trần
cho ông.
Tôi về nhà hắn, ắm rửa, thay đồ rồi ăn cơm. Dù chỉ
ở túp lều đạm bạc nhưng bữa cơm có khổ qua nhồi thịt, cá rô chiên và đĩa thịt
ba rọi kho, cơm trắng, tình nghĩa làm sao ! Tối đến hắn đưa tôi vào một căn nhà
rất nên thơ, nhà sàn trên mặt ao, có cầu lớn đễ tắm rửa, ngồi vừa câu cá, vừa
nhậu được. Có cả dàn pick up nữa.
Ngồi hút thuốc, nghe nhạc một lúc thì nó đem một mớ
ghẹ luộc ra chấm muối tiêu chanh, sau đó là món sò huyết nướng. Đêm đó có một
người bạn cùng về và ở lại với tôi, hắn cao hứng nên uống đến say khướt luôn.
Sáng hôm sau ra chợ Rach Sỏi ăn sáng rồi lên xe về nhà. Người bạn đi chung cứ
nhìn tôi, sau cùng hắn nói:
- Tao phục
mày thật đó. Tao chưa thấy mày hơn tao cái gì hết, còn thua tao nữa là khác. Vậy
mà ở đâu mày cũng được mọi người tiếp đón, giúp đỡ, thương mến. Đi tù về mà có
người chờ đón, lại chẳng phải anh em, bà con gì cả thì chỉ có một mày thôi .
Viết đến đây, nước mắt tôi lại rưng rưng. Xin cám
ơn những người bạn, những người bạn thật đúng nghĩa là bạn. Không so đo, không
tính toán…và có những người cho đến bây giờ tôi vẫn không biết họ là ai!
Minh Kỳ
(1) Bễ dâu: trước là biển,nay thành nương dâu
(2) Lưu Bằng: Bạn bè xa lạ ( Lưu Bình, Dương Lễ)
(3) Đât trích: Đất tù đày, Kình ngư: Anh hùng
(4) Thường đảm: Nếm mật