Tuesday, December 23, 2014

Tôi Viết Về Bạn Tôi, Phạm Sửu, 
          Cựu Giáo Sư Việt Văn Trường TH Nguyễn Hoàng 
                                           - Hồ Ngọc Thanh

1. Chúng tôi trở thành bạn thân từ khi anh và tôi cùng dạy tại trường trung học Cam Lộ, Quảng Trị. Tôi đến trường trung học Cam Lộ năm 1961. Năm học 62-63, số lớp tăng, trường có thêm giáo sư mới đến như Phạm Sửu, Phan Tấn Trí, Nguyễn Ngọc Cư, Lê Văn Quang, Lê Thị Ninh, Nguyễn Thị Cửu.
Cam Lộ cách thị xã Quảng Trị 23km và cách thị xã Đông Hà 10km, nhưng được xếp thuộc vùng nước độc, phương tiện giao thông khan hiếm, mất thời gian di chuyển, nên tất cả thầy cô giáo trung, tiểu học cũng như cán bộ công chức từ xa đến công tác đều phải ở lại. Chúng tôi ngủ nhà phụ huynh miễn phí, ăn cơm tháng cô Hường. Trương Thúc Cổn ở nhờ nhà học sinh Thái Thị Chiêm sau này trở thành phu quân của Chiêm. Tôi và Phạm Sửu, Nguyễn Ngọc Cư ở nhờ nhà bà Thái Thị Hàn, thỉnh thoảng có thêm Lê Ngọc Khởi và Lê Văn Quang. Các cô nữ ở riêng một nhà. Thường cuối tuần chúng tôi về cùng gia đình, thỉnh thoảng ở lại tất cả chúng tôi còn rất trẻ, độc thân, thân tình với nhau vô cùng.
Sửu đến sau tôi nhưng lớn hơn tôi về vóc dáng và tuổi tác, không biết có phải Sửu sinh năm Đinh Sửu 1937 nên được cha mẹ đặt tên Sửu hay không? Năm sinh đi học là 1939, quê người làng Dưỡng Mong, huyện Phú vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia đình sống lâu năm tại dãy phố Hòa Lợi, đường Hàng Me (đường Lê Lợi) buôn bán có cửa hàng bản hiệu Nam - Thanh cho đến nay.
Cha mẹ Sửu rất hiền từ phúc hậu, Sửu có em trai là Phạm-Nho rất sporty giỏi Judo nay đang ở Huế và cô em gái là nữ , sinh Đồng Khánh tên Phạm Thị Chín, nay sống ở Mỹ. Tất cả rất thân thiện có đôi lần tôi ghé ở lại chơi cùng Sửu.
Sửu người to con, nước da trắng, đình trán rộng, phong cách nho nhã đúng mẫu mực nhà giáo.
Xa nhà, ở chung nhà trọ, ngoài giờ lên lớp, chúng tôi chuyện trò thân tình, chơi bài cát tê, đánh cờ tướng. Tôi và Sửu có người yêu ở Huế để ấp ủ, mộng mơ nhưng chưa công khai sôi nổi. Mối tình học trò, đầu đời đã khiến Sửu thành thi sĩ với bút danh Vỹ - Lộc Sửu làm thơ tặng người yêu gồm 2 tập "Xa Vắng".
Ngày vui bên nhau của các thầy giáo trẻ tại Cam Lộ không được bền lâu, niên khóa 63-64, Trương Thúc Cồn, Phan Tấn Trí, nhập ngũ sĩ quan Thủ Đức, Lê Ngọc Khơi lên trung học Lê Lợi (Di Linh), tôi ra trung học Gio Linh, Sửu về Huế học Đại học sư phạm Việt văn và cử nhân văn chương Việt Nam, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau ở Huế.
2. Tôi về làm tổng giám thị trường trung học Nguyễn Hoàng năm 1966, năm sau Sửu tốt nghiệp Đại học sư phạm và được phân bổ ra trường Nguyễn Hoàng cúng Hồ Xuân Tám (giáo sư Lý, Hóa), Lê Văn Gioang (giáo sư Pháp Văn). Chúng tôi được công tác cùng trường, mừng lại gặp nhau. Hồi này tôi đã có gia đình và tổ chức cuộc sống ở Quảng Trị, Sửu vẫn chưa lập gia đình, ở trọ cùng các bọn đồng nghiệp tại đường Lý Thái Tổ, Sửu luôn rất nghiêm trang, quần tây đen, sơ mi trắng, cà vạt, vét đen, đi đứng nghiêm nghị.
Tình yêu với người nữ sinh hàng xóm dang dỡ, năm 1969 người ấy đi lấy chồng, năm 1970 Sửu cưới vợ là Nguyễn Thị Đông Hoa, dáng người nhỏ nhắn, da trắng, có gương mặt dễ thương. Chúng tôi thăm viếng qua lại nhưng không gắn bó như hồi độc thân ở Cam Lộ.
Ngày vợ chồng Sửu có con trai đầu lòng năm 1971, chúng tôi chúc mừng. Cuộc sống thầy cô giao ở thành phố nhỏ rất bình dị, nhưng thời cuộc chẳng bình lặng, chiến sự sôi sục quanh vùng hỏa tuyến, tiến sát vùng ven đe dọa an ninh thị xã. Mùa xuân 1972 dân chúng được lệnh di tảng, mạnh ai nấy chạy, chạy bằng bất cứ phương tiện gì.
Ngày định mệnh của Sửu.
Sáng thứ ba 4/4/1972 (21/2 Nhâm Tý) ba bạn thân ra NH cùng khóa là Hồ Xuân Tám, Lê Văn Giang và Phạm Sửu hẹn nhau tập trung tại nhà trọ Lê Văn Gioang để cùng di tản về Huế nhưng rồi Sửu không đến, có lẽ vì tình hình hoảng loạn, khẩn cấp, Sửu phải chở valy, quạt máy trên honda 67, đi một mình trong đoàn người chạy loạn. Tai nạn giao thông ập đến với Sửu ở đoạn đường Mỹ Chánh, bị tử thương vì chấn thương sọ não, được đưa ra bệnh viện Quảng trị nhưng vô vọng. Nhận được hung tin, gia đình ra nhận xác đem về lo an táng. Thầy trò Nguyễn Hoàng bàn hoàng xúc động nghe tin, kéo nhau đến đầy nhà đau đớn quá, không sao chia sẽ nổi với gia đình Sửu, nhất là người vợ trẻ và đứa con 8 tháng tuổi của Sửu.
Tuy đang trong những ngày loạn lạc bất an, rất đông thầy trò Nguyễn Hoàng đưa tiễn Sửu đến nơi an nghĩ phần xác tại chân núi Ngự Bình. Thầy trò Nguyễn Hoàng tiếp tục di tản vào các trại tỵ nạn ở Đà Nẵng với biết bao vất vả của cuộc đời.
3. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, con người không còn đối diện với chiến tranh bom đạn, chết chóc nhưng vẫn trải qua những năm tháng nghiệt ngã của cuộc đời tưởng chừng không còn hơi sức để nhớ đến bạn bè bằng hữu. Mãi đến 20 năm sau, "sau cơm mưa trời lại sáng", cư dân NH bắt đầu gọi đàn tìm kiếm nhau, thăm viếng, quan hệ, đòan tụ, mừng gặp lại kẻ còn sống, tưởng nhớ người không còn nữa.
Trong những người được tưởng nhớ đến có thầy giáo Phạm Sửu. Nhiều lần, bạn bè và học trò hỏi thăm nhau về vợ con thầy Sửu nhưng chẳng ai biết tường tận.
Năm 2014 tôi quyết đi tìm từ gốc chiều 19/7/2014, tôi ra Huế cùng anh Nguyễn Văn Hóa đến xóm hàng me xưa, mong tìm tin tức vợ con Sửu. Thật là may, trước sự thay đổi của xóm hàng Me xưa giữa nhiều khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ du lịch, vẫn còn mấy căn nhà dãy phố Hòa Lợi với cửa hàng Nam-Thanh cũ kỷ già nua chờ bị giải tỏa. Chúng tôi gặp vợ chồng con anh Phạm Nho, em trai của Sửu và có được thông tin về đứa con trai duy nhất của Sửu tên Phạm Thái Huy đang sống tại Đà Nẵng và hẹn ngày đi thăm mộ Sửu.
Về Đà Nẵng, tôi tìm đến số nhà 74 đường Nguyễn Hữu Thọ, một nhà hàng bán bún bò Huế, chủ nhân chính là con trai của Phạm Sửu, cậu bé mất cha lúc chưa đầy một tuổi, nay là chàng trai 43 tuổi, to con như bố Sửu, đã có vợ và 02 con. Cháu Huy vui vẻ tiếp chúng tôi và cho tôi biết qua về cuộc đời của cháu trong 40 năm qua sau ngày mất cha.
Hai mẹ con cháu vào đà Nẵng từ năm 1972, cháu được mẹ Hoa vượt khó khăn nuôi dạy cho đến khôn lớn. Cháu học xong Đại học kinh tế, làm cho hãng Sam Sung được 11 năm và lập gia đình năm 1999, hai vợ chồng mở quán bún Huế khá thành công, có được con trai học lớp 9 và con gái học lớp 7.
Mẹ của cháu lập gia đình lần 2 năm 1986, nay sống ở Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai mẹ con vẫn hiếu hòa tốt đẹp. Rất mừng cho cháu.
4. Thi sĩ Vỹ Lộc, bút danh của Phạm Sửu.
Tuổi 20 của đời học sinh trung học và sinh viên đại học, không ai mà không ấp ủ một mối tình đầu, thương là tình yêu học trò" hoặc là "tình yêu với người hàng xóm" Sửu cũng có một mối tình như vậy với cô nữ sinh hàng xóm tên là Quý Trâm.
Ai đó đã nói " yêu em, anh thành thi sĩ" thì thật đúng với trường hợp của Phạm Sửu. Sửu đã có tình yêu đối với cô nữ sinh ĐK sát bên nhà ở Hàng me và anh thường làm thơ để tặng người yêu. Đỉnh điểm của thơ tình Vỹ Lộc (bút danh của Phạm Sửu) là khi tình yêu bị trắc trở bởi gia đình, Sửu đã viết 2 tập (62 bài), thờ tình bày tỏ tình yêu, sự thương nhớ lúc xa vắng, đau buồn tuyệt vọng. Đa số được viết giữa năm 1964, được Sửu viết nắn nót trên 2 tập vở học trò và tặng cho người yêu. Không biết Sửu trao 2 tập thơ cho người yêu khi nào, nhưng Quý Trâm đã giữ nó làm kỷ niemẹ cho đến lúc lìa nhận thế,  trao lại cho chồng con lưu giữ. Nay chồng con QT nghĩ đây là di cản của Phạm Sửu nên mong muốn được trả lại cho con của Sửu. Thật là một nghĩa cử tốt đẹp và tình nghĩa.
Đến nay 2014 đúng 50 năm sau, 2 tập thơ thi sĩ Vỹ Lộc (tức Phạm Sửu) được giữ gìn cẩn thẩn, mặc dù giấy vở úa vàng, sờn bìa nhưng nét bút của Sửu vẫn dễ đọc và vô cùng cảm xúc cho người đọc. Theo đúng yêu cầu của chồng con Q. Trâm. (Có quan hệ gia đình với tôi). Tôi đã đưa tận tay Huy ( con Sửu) 2 tập thơ như là kỷ vật của Sửu để lại cho hậu thế. Tôi hy vọng, với sự cho phép của Huy, gia đình Nguyễn Hoàng sẽ có cơ hội thưởng thức những bài thơ hay của Phạm Sửu như là di cảo đáng trân trọng, lưu giữ, truyền lại đời sau.
Tôi viết bài này để chia sẽ cùng những thầy cô và cựu học sinh Nguyễn Hoàng quan tâm yêu mến và tưởng nhớ đến một người bạn đồng nghiệp, người thầy đáng kính là Phạm Sửu. 
                                                            Hè 2014, Hồ Ngọc Thanh