Tuesday, August 7, 2018

Tướng Trần Độ Với “Một Cái Nhìn Trở Lại” 
                                           - Lê Mai Lĩnh
Trần Độ

Cho đến giờ này, tôi biết, vẫn còn có người cho rằng, Trần Độ là tên cò mồi và việc khai trừ khỏi đảng là một trò bịp. Bài này tôi không viết cho những loại người như thế. Và tôi cũng xin thưa rằng, chúng ta có quyền nghi ngờ khả năng
và tinh thần chống cộng của những con người như thế. Bài này tôi cũng không viết cho những tên phản bội, chém sau lưng chiến hữu, khi nhận tiền để làm tay sai cho Cộng sản tại hải ngoại, đặc biệt là trong hàng ngũ văn nghệ sĩ. Và tôi cũng xin thông báo rằng, những kẻ như thế sẽ không có mặt trên chuyến tàu “đưa chúng ta hồi hương.”

Tôi cũng xin nói rằng đánh giá thấp đối phương là thua một trận đánh, nhưng đề cao quá sức mạnh của đối phương là hủy diệt niềm hy vọng của cuộc chiến. Nói tất cả trí thức chống đối trong nước đều là cò mồi, chính là đề cao đối phương, là hủy diệt hy vọng của cuộc chiến.

Theo nhà thơ Bùi Minh Quốc:

“Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này.”

Theo nhà văn Dương Thu Hương: “Một chế độ lưu manh bao giờ cũng hành xử một cách lưu manh. Tôi muốn ở lại Việt Nam chứ không muốn xin tỵ nạn chính trị. Tôi muốn ở đó để chửi vào mặt những kẻ đang nắm quyền”. 

Theo tôi, Lê Mai Lĩnh: “Những người lãnh đạo Trung quốc đủ tự do và thừa thông minh để tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản theo cách riêng của họ. Những người lãnh đạo CSVN thiếu tự do và thừa ngu dốt để tự tiêu diệt họ cùng lúc với chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam.”

MỘT CÁI NHÌN TRỞ LẠI 

Mùa đông năm 1992, tôi có mặt tại Quảng Trị, nơi tôi ở gần tòa soạn tạp chí Cửa Việt do Hoàng Phủ Ngọc Tường làm chủ biên. Bấy giờ, trên tạp chí Cửa Việt có đăng bài phỏng vấn ông Trần Độ trong vai trò trưởng ban Văn nghệ Trung ương đảng. Nội dung bài phỏng vấn, ông Trần Độ muốn đặt lại vấn đề tự do cho văn nghệ, tự do cho người cầm bút. Bài phỏng vấn này cùng với nhiều bài viết khác mang tư tưởng chống đảng, tạp chí Cửa Việt đình bản. Nhắc lại sự kiện này tôi muốn nói là ông Trần Độ bất mãn, chống đảng ngay từ đó, năm 1992.

Nhưng sau đó, với bài Một Cái Nhìn Trở Lại, có thể nói đó là cao điểm trong tiến trình bày tỏ quan điểm dọn đường để về gần hơn với dân tộc sau nhiều năm “Tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt/ Lại đúc nên chính cỗ máy này”, nói như thơ Bùi Minh Quốc mà ông Trần Độ có trích dẫn trong bài Một Cái Nhìn Trở Lại của ông. Và ông cũng đặt vấn đề cho chính mình “hàng triệu chiến sĩ và nhân dân đều không nghĩ rằng một kết quả quan trong của sự hy sinh của họ lại là tình trạng như thế này”.

Từ năm 1992, sau bài phát biểu đòi trả tự do cho những người cầm bút của Trần Độ trong tư cách Trưởng Ban Văn nghệ Trung ương đảng, một số người cầm bút và các tạp chí tại miền Trung dấy lên phong trào đòi phủ nhận 60 năm văn học hiện thực Xã Hội Chũ nghĩa. Từ Quảng Trị có tờ Cửa Việt của Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ Quảng Nam-Đà Nẵng có tờ Đất Quảng (tôi không nhớ chủ biên là ai). Từ Nha Trang có tờ Cánh Én của nhà thơ Giang Nam. Từ Đà Lạt có tờ Langbian của nhà thơ Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự.

Nhưng sau đó thấy nguy cơ lớn dậy của phong trào lan ra các địa phương khác, đảng đã có những biện pháp mạnh đàn áp những người lãnh đạo phong trào này và những tạp chí trên đều bị đóng cửa.

Tờ Tuổi Trẻ tại Sài Gòn, chủ biên là bà Kim Hạnh, trong thời điểm này có sự bao che của Trần Bạch Đằng nhưng khi mở màn chuẩn bị tham gia phong trào với việc cho đăng lá thư tình của Hồ Chí Minh gởi cho vợ bằng chữ Hán, bà Kim Hạnh bị hạ tầng công tác. Đối phó với phong trào này, đảng đã dùng báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân Dân và đài phát thanh Hà Nội mạt sát và kết án những người chủ trương phong trào ròng rã trên 6 tháng.
Khi một dòng văn học bị thử thách và đang được đặt lại vấn đề, hẳn nhiên sự tồn tại của nó là què quặt, khập khễnh, mong manh. Thời gian và lịch sử sẽ chôn sống nó là một điều không tránh khỏi. Với vai trò Trưởng Ban Văn nghệ Trung ương Đảng vào thời điểm đó, hẳn nhiên Trần Độ đã có mặt sau lưng.

Trần Độ, Ông Là Ai?

Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh năm 1923, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nhà nước, Ủy viên Trung ương đảng bốn khóa liên tục từ 1960 đến 1992, trưởng ban văn nghệ trung ương đảng, quân hàm Trung Tướng. Ông đã có thời là cấp chỉ huy của Lê Khả Phiêu. Theo Trần Độ cho biết, ông được kết nạp vào đảng hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1940, lúc ông 17 tuổi. Lần thứ hai vào năm 1943 trong nhà tù Sơn La. Lúc ấy ông được chi bộ nhà tù Sơn La kết nạp, lại do Lê Đức Thọ giới thiệu sau nhiều lần thử thách. Như thế cũng có nghĩa ônglà đàn em của Lê Đức Thọ. Như thế cũng có nghĩa cái thời Lê Đức Thọ hét ra lửa thì Trần Độ cũng hét ra khói. Tôi nói điều này không hàm ý nhân lên tội lỗi của ông trước đây và hiện nay. Chính điều này làm tiếng nói của ông có trọng lượng mà tôi sẽ phân tích ở phần sau.

Trần Độ Muốn Nói Gì
Qua “Một Cái Nhìn Trở Lại”?

Từ trước tới nay, chúng ta biết Trần Độ qua những bài trả lời phỏng vấn, những lá thư gởi lãnh đạo đảng và nhà nước, gởi quốc hội. Nhưng có lẽ “Một Cái Nhìn Trở Lại” là bài viết có giá trị nhất. Giá trị cho chính ông (giúp người khác biết được những nhận thức thông minh, sáng suốt, tâm thành nơi ông) và giá trị cho lịch sử (giúp tài liệu cho những nhà viết sử trong tương lai viết về giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc chiến âm thầm Quốc-Cộng những thập niên 40-50).

Sách vở chứng minh và cổ nhân dạy, rằng con người trước phút lâm chung thường thường hay nói ra sự thật. chúng ta tin Trần Độ nói thật, nói hết tâm huyết của mình ở cái tuổi trên cả “thất thập cổ lai hy”, ông đã 76 tuổi. Tôi nói ông nói thật, chứ tôi không nói ông nói hoàn toàn đúng. Vì ngay cả cái sai, ông cũng sai trong sự thành thật của mình. Vả lại, chúng ta thông cảm cho ông, là khi viết bài này, ông vẫn còn là một đảng viên Cộng sản với 58 tuổi đảng. Lý do thứ nhất, ông ta chưa thể “cạn tàu ráo máng” với các đồng chí với ông, lý do thứ hai, ông vẫn còn hy vọng (hay ảo tưởng) là những người lãnh đạo đảng hiện nay vẫn còn chút sáng suốt và lương thiện để nghe theo và làm theo những đề nghị của ông.

Nghĩ về tâm trạng của Trần Độ và những người Cộng sản tương tự Trần Độ, tôi nhớ tới nhân vật Hồng trong vở kịch Ly Nước Lọc của Hoàng Anh Tuấn đăng trong tạp chí Hiện Đại của thi sĩ Nguyên Sa, số 9, phát hành thập niên 60. Không khí kịch của Ly Nước Lọc là Hà Nội 1954, vấn đề đi hay ở (di cư hay không di cư vào Nam). Người con (nhân vật Thái) muốn đi. Người mẹ (nhân vật Hồng) muốn ở lại. Bà là một cán bộ trung cấp.

Cảnh người con thuyết phục người mẹ ra đi:

Thái: Mẹ! Hãy theo con vào Nam. Dù trong đó không phải là thiên đường, nhưng ở đó, con có thể gào lên giữa phố phường tình con yêu mẹ, cùng lắm người ta cho con là một kẻ điên chứ không ai gọi con là kẻ phản bội.

Hồng: Con hãy đi đi. Mẹ không thể từ bỏ tất cả những huân chương để trở thành tên lính trơn trong hàng ngũ mới.

Mở đầu “Một Cái Nhìn Trở Lại”, Trần Độ viết: “Đây không phải là một luận văn, mà là một thiên bút ký thổ lộ nỗi niềm của một người 76 tuổi đời, 58 tuổi đảng. Tháng 9 năm này tôi tròn 75 (1923-1998). Thấy cũng cần ghi lại những suy nghĩ về cuộc sống và về sự ra đời, mà lâu nay tâm tư lúc nào cũng bị xáo trộn”.

Một đoạn khác, “Tôi đã sống 75 năm trong 100 năm sôi động vừa qua. Tôi đã trải nghiệm ra nhiều điều, nhiều lẽ. Những trải nghiệm này có nhiều điều hay và tốt. Nhưng cũng có nhiều điều đau. Tôi ghi lại để tôi ngẫm cùng tôi những suy ngẫm ấy có thể giúp cho con cháu sau này, cho dù chúng cũng có những trải nghiệm của chúng”.

Mở đầu bài viết với những từ và âm thanh, cường độ như thế, tôi tin Trần Độ đang ở phút nói thật (tôi lặp lại, nói thật chưa hẳn là nói đúng).

Trong hoàn cảnh thế giới là hoàng hôn của chủ nghĩa Cộng sản, trong hoàn cảnh đất nước là một sự phá sản về mọi mặt xã hội, mà hậu quả là do đảng Cộng sảnlàm nên đã quá lộ liễu, với tuổi già 76, Trần Độ không thể không thành thật với chính lương tâm mình. Bài Viết còn hàm ý như một sám hối trước nhân dân và lịch sử. Chúng ta nên nghĩ tốt về những trăn trối của một người 58 tuổi đảng.

Bài Một Cái Nhìn Trở Lại, muốn đánh giá nó cho đúng, chúng tôi tạm chia nội dung làm ba phần. Nói Đúng, Nói Chưa Hết Sự Thật, Mói Sai.

Những Điều Trần Độ Nói Đúng

Những điều tôi gọi Trần Độ nói đúng không phải là những điều người khác không biết. Hay nói một cách khác, những điều Trần Độ nói đúng thì nhiều người cũng đã biết. Nhưng có điều có người biết nhưng không nói ra hay nói ra nhưng vị trí của người nói không quan trọng nên không gây chú ý nơi người nghe, mà phải chờ tới Trần Độ nói, nhiều người mới quan tâm và chú y nhờ vào vị trí của Trần Độ, trong đảng cũng như ngoài xã hôi.
- Cái đúng thứ nhất: Hoàn cảnh xã hội tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, do vậy, chính sách cai trị của nhà cầm quyền phải thay đổi tùy theo thời cuộc và lòng dân mọi lúc, mọi nơi. Nhưng người lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì “trước sau như một” nghĩa là cứ ngu dài dài, ngu đều đều, trước ngu sao sau ngu vậy, trên ngu sao dưới ngu vậy. Miền Bắc làm sao năm 1954, miền Nam năm 1975 làm vậy.
- Cái đúng thứ hai: Sợ trí thức, nên, một mặt đàn áp trí thức, một mặt khác lưu manh hóa trí thức, biến trí thức thành nô lệ hay tôi mọi cho giới lãnh đạo. Hậu quả vì thế đất nước không phát triển, chậm tiến, lạc hậu. Trí thức ở đây bao hàm luôn cả giới cầm bút, văn nghệ sĩ. Bao nhiêu nhân tài văn học trước năm 1945 của Việt Nam, sau khi “đi khách” cho Cộng Sản đều trở nên những “gái già”, mình đầy vết thẹo do thương tích bệnh Cộng sản.

- Cái đúng thứ ba: Những khẩu hiệu, chủ trương, chính sách hô hào trong thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ rất đẹp đẽ, đến khi có chính quyền trong tay, đảng viên, cán bộ trở nên những tay cướp đêm, cướp ngày qua hình thức tham nhũng, vơ vét của nhân dân và tài nguyên của Tổ quốc.
- Cái đúng thứ tư: Tình trạng xã hội hiện nay vô phương cứu chữa vì thiếu minh quân, nhân tài và tự do, dân chủ.
(Những điều này tôi chỉ nói vắn tắt và không trích dẫn chứng minh, vì làm như thế quá dài cho một bài báo. Mong độc giả tìm đọc nguyên văn, rất có giá trị).

Những Điều Trần Độ Nói Chưa Hết Sự Thật

Trần Độ viết “Từ những năm 14-15 tuổi, còn đang thời học trò cấp 2 (so với hiện nay), tôi và các bạn đều có một trạng thái tinh thần rất giống nhau, chúng tôi rất sôi sục yêu nước, rất căm phẫn trước tình hình dân tình đau khổ và sống đời nô lệ. Những cụm từ “nước mất nhà tan”, “vong quốc”, “hồn non nước” đều lay động dữ dội tâm hồn chúng tôi. “… Chúng tôi đều trông thấy, nghe thấy biết bao nhiêu điều bất công, tủi nhục và oan khuất…”

Tâm trạng trên đây của Trần Độ cũng như tâm trạng của đa số thanh niên thời bấy giờ trước giặc Pháp xâm lăng. Và do sự thôi thúc của tinh thần yêu nước, trách nhiệm của người trai, họ tham gia phong trào kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp, chứ không phải vì niềm tin vào con đường cộng sản. Một điều rất thực mà Trần Độ cố tình không nói tới, nhập nhằng đề cao Cộng sản, là lúc đó Cộng sản đang là một kẻ giấu mặt. Theo tinh thần bài viết của Trần Độ, thì thanh niên bấy giờ đã chịu sự chỉ huy, đi theo Cộng sản. Điều này rõ ràng không đúng. Ngay Trần Độ, ở cái tuổi 14-15 đã chưa là đảng viên Cộng sản vì mãi tới năm ông 17 tuổi, tức là ba hay hai năm sau ông mới tuyên thệ vào đảng.

Trong cuốn Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, chính Nguyễn Mạnh Côn cho biết những người thanh niên Hà Nội trong Trung đoàn Thủ đô, họ tham gia kháng chiến vì lòng yêu nước, chưa biết gì về Cộng sản, nhưng khi đó đã có những cán bộ Cộng sản giấu mặt trong hàng ngũ lãnh đạo. Khi đối đầu với địch quân Pháp, có người chỉ huy hô to “Các đồng chí tiến lên”, lúc đó Nguyễn Mạnh Côn mới biết nhiệt tình thanh niên đã bị Cộng sản lợi dụng.
Cộng sản là một kẻ giấu mặt (tại sao họ giấu mặt thì chúng ta đã biết), vì trước năm 1975 họ vẫn còn gọi họ là đảng Lao Động. Mãi tới năm 1976, sau khi thôn tính xong miền Nam họ mới lấy tên đảng Cộng Sản.

Trong bài viết của Trần Độ, khi nói tới những quan hệ tốt đẹp giữa quần chúng nhân dân với người kháng chiến, Trần Độ đã đồng hóa người kháng chiến quân là đảng viên hay cán bộ Cộng sản. Đây là một điều do sai lầm, hay thiếu thành thật. Nhân dân yêu nước và căm thù thực dân Pháp, cả hai phía gặp nhau trên mẫu số chung đó nên việc giao hảo, quan hệ phải đương nhiên là tốt đẹp. Tôi lặp lại, thời đó Cộng sản đang là kẻ giấu mặt và tại sao họ giấu mặt thì chúng ta đã biết. Nói tóm lại, bước đầu Trần Độ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp không phải, chưa phải là tư cách người Cộng sản. Quan hệ tốt đẹp giữa dân và dân hay giữa dân và người kháng chiến quân không phải là quan hệ với tư cách đảng viên Cộng sản.

Những điều sau đây của Trần Độ là thiếu thành thật, không nói lên sự thật. Trần Độ viết: “đảng từ những năm 1940 chỉ có mấy nghìn đảng viên, nhưng đảng có ảnh hưởng rất lớn và rất rộng trong nhân dân. Nhân dân ai cũng biết có đảng Cộng sản. Hướng về đảng Cộng sản.

Những lời kêu gọi và ý kiến lãnh đạo của đảng đều hết sức đơn giản, dễ hiểu, nhưng đều lay động lòng người sâu sắc”.

Nếu thật như thế thì tại sao đảng giấu mặt. Tôi cho rằng, một bài thơ Đêm Liên Hoan của Hoàng Cầm có sức lay động lòng dân hơn triệu lần lời kêu gọi của kẻ giấu mặt Hồ Chí Minh.

Ngay thời bấy giờ, trong nhân dân đã có truyền miệng câu châm ngôn “Nói láo như vẹm” Vẹm là ám chỉ Việt Minh (VM) Cộng sản, thì làm gì có sự giao hảo thật sự tốt đẹp giữa quần chúng và đảng viên” như Trần Độ nói.

Một sự thật khác, Trần Độ không nói tới, là bấy giờ nhân dân chưa biết Cộng sản rõ ràng (vì là kẻ giấu mặt) và điều thứ hai, khi đã biết thì biết luôn sự dã man của Cộng sản, nên họ im lặng nín thở qua sông.

Ám sát, thủ tiêu, chôn sống, chặt đầu xâu đòn gánh, đốt nhà là sở trường của đội công an ám sát Cộng sản ngay từ thời bấy giờ.

Những Mâu Thuẫn
Và Sai Lầm Trong Tư Tưởng Trần Độ

Trần Độ viết: “Cuộc cải cách ruộng đất và một số vụ trấn áp trong đảng đã để lại nhiều vết thương sâu và chắc còn hậu quả lâu dài nếu không có cách nào thanh toán đi được”.
Một đoạn khác, Trần Độ viết “Lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam là một lịch sử thắng lợi vẻ vang. Nhưng không phải chỉ có thắng lợi vẻ vang, mà có những lúc, những việc, gây tổn thất và đau xót trong đảng và nhất là trong nhân dân. Có những sự kiện mà hàng trăm năm sau những nhà làm lịch sử sẽ đánh giá lại”.

Trần Độ viết: “Tôi có một bà chị có chồng là tù nhân trong thời đế quốc phong kiến, nay có con rể là tù cách mạng. Chị có kể chuyện về hai cuộc đi thăm tù, trước khi thăm chồng, nay (sau năm 1975) đi thăm con rể. chị có một ấn tượng rất nặng nề khi phải so sánh cuộc đi thăm đó. Tù nhân thời nay cực hơn tù nhân thời đế quốc”.

Một đoạn khác Trần Độ viết “tôi thấy rõ cái ý thức giai cấp trong xã hội ta. Có những đặc điiểm sau:

- Không có khả năng và phương pháp để phân biệt tài năng, vì nó không cần đến tài năng, không muốn có tài năng.

- Không có khả năng và không biết sử dụng tài năng, vì nó cho rằng tài năng thường có hại, tài năng không chịu ngoan ngoãn phục tùng.

- Nó lại càng không có khả năng phân biệt tài năng thật và tài năng giả. Nó thích nghe những điều xuôi chiều và xu nịnh. Nó không thể chịu được những cái độc đáo và không dung tha sự độc lập. Có những hiện tượng tác phẩm được giải nhưng không ai muốn đọc, muốn xem. Ngược lại, một số tác phẩm càng bị cấm càng nhiều người tìm đọc”.

Mặc dù Trần Độ đã nhìn thấy vấn đề như thế, đưa tới những hậu quả trầm trọng trong nhân dân, trong lịch sử suốt chiều dài từ khi có đảng Cộng Sản. Nhưng suốt chiều dài bài viết, Trần Độ vẫn ca ngợi đảng Cộng sản như là một một đảng vô địch có công với dân tộc.

Tai sao Trần Độ không phóng tầm nhìn ra xa hơn để thấy, Thái Lan có cần không một đảng Cộng sản? Rồi Phi Luật Tân, rồi Ấn Độ, rồi Nam Dương, Singapore, v.v… Tại sao không thấy rằng, lịch sử đã cho thấy, thấy rõ, là nơi nào có chủ nghĩa cộng sản và chính quyền Cộng sản là có nghèo đói, lạc hậu, chết chóc và trùng trùng oan  khiên chồng chất, gieo tai họa cho nhân dân. Đảng Cộng sản và chính quyền Cộng sản tại Việt Nam cũng là những tai họa cho dân tộc.

Thế mà Trần Độ lại viết: “Lịch sử của đảng gắn liền với lịch sử dân tộc. Ai nhìn lịch sử dân tộc mà tách khỏi lịch sử đảng Cộng sản là không được”.

Trần Độ nhìn sai lịch sử. Lịch sử dân tộc có trên 4000 năm trong lúc đảng Cộng sản mới ra đời năm 1930. Hay nói đúng hơn, đảng Cộng sản chỉ mới công khai ra đời năm 1976, khi từ đảng Lao Động đổi thành đảng Cộng sản. Trước đó, từ năm 1930 đến năm 1975, đảng đang giấu mặt hay đảng đang sống tầm gởi, sống bám vào tinh thần kháng chiến, cao trào kháng chiến, lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân.

Cái sai lầm lớn nhất của Trần Độ trong nhận thức cũng như trong chiến lược đấu tranh, khi ông khẳng định “Thực tế hiện nay không có lực lượng nào thay  thế được đảng Cộng sản”.
Thực tế đời sống cũng như lịch sử chứng minh, không có điều gì không thể thay thế. Khi bảo “không có lực lượng nào có thể thay thế đảng Cộng sản” là Trần Độ đã đánh giá thấp quần chúng nhân dân. Chính nhân dân là người làm lịch sử, là động lực thúc đẩy lịch sử. Trước những sai lầm nghiêm trọng, trước những tội lỗi “trúc rừng Lam Sơn không ghi hết tội” chẳng lẽ chúng ta để yên và nhân dân để yên, không ai thay thế được hay sao?

Điều mâu thuẫn của Trần Độ hay quan điểm hạn hẹp của ông là, tại sao ông không nghĩ rằng, chính ông hay những người như ông sẽ là người thay thế những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

Đây là giai đoạn ông đề nghị đảng thay đổi, sửa sai, nhưng trong trường hợp những người lãnh đạo đảng không nghe theo, không sửa sai, thì phải là lúc ông lãnh đạo quần chúng đấu tranh nhằm lật đổ chế độ sai lầm (như ông phê phán) và thiết lập chế độ mới tốt đẹp hơn...

Trong đấu tranh, khởi đầu công cuộc đấu tranh, ông đã tuyên bố cái xấu (chính quyền hiện nay) không ai có thể thay thế nó. Thế là làm sao??? Không ai có thể thay thế nó cũng có nghĩa là không ai tốt đẹp hơn nó.

Nhưng dẫu trong nhận thức, ông Trần Độ có những điều chưa nói thật, thậm chí là nói sai, thì theo tôi, bài Một Cái Nhìn Trở Lại vẫn là một bài viết có giá trị.

Lê Mai Lĩnh