Sunday, June 25, 2017

Sức Bộc Phá Trong Thơ Lê Mai Lĩnh 
                                        - Phan Xuân Sinh 

Thơ Lê Mai Lĩnh do Sông Thu xuất bản 1997. Lê Mai Lĩnh tên thật là Lê văn Chính sinh năm 1942 Tại Quảng Trị - còn có bút hiệu là Sương Biên Thùy. Định cư tại Connecticut.

Đọc thơ Lê Mai Lĩnh ta có cảm giác như nuốt phải một cục đường nghẹn ngang cổ họng, khó trôi, khó tan nhưng chất ngọt dần dần
thấm làm dịu bớt cái khổ sở, đau đớn lúc ban đầu. Vì thế nếu ai đọc thơ ông mà không chịu khó thì sẽ không thấy cái ngọt của đường tan ngấm thấm dần vào tế bào, mà chỉ thấy trẹo trạo gặp phải một viên sỏi cứng đơ. Đường hay sỏi đều do thẩm định của từng người đọc.

Tuy nhiên, với Lê Mai Lĩnh viên sỏi không làm ngọt lịm vành môi, nhưng đôi lúc có khả năng làm tê điếng đầu lưỡi, làm cho người thưởng ngoạn phải bần thần đưa tới sự cảm thông cho cái chất “điên loạn” thỉnh thoảng bắt gặp trong thơ, trong văn của ông. Đọc những sáng tác của ông, ta chuẩn bị để đỡ đòn những cái “tát” như trời giáng, những cái lạc lõng có chủ đích - đừng hiểu là ông phóng bút bừa bãi - tất cả những cái tưởng chừng như vô nghĩa quả thật nó mang một sứ mạng mà ông đã cố tình ký gởi. Và điều quan trọng nhất cõi thơ văn của ông mang một sắc thái đặc biệt, một tố chất riêng tư, từ cấu trúc đến ngôn ngữ, từ tư tưởng đến diễn đạt rất là Lê Mai Lĩnh, có lẽ vì thế ông chọn tên cho tập thơ là “Thơ Lê Mai Lĩnh” chăng? Bây giờ chúng ta bước vào giang sơn của Lê Mai Lĩnh.

”Dù trong gông cùng, xiềng xích, trước họng súng lưỡi lê, Thi sĩ vẫn lên tiếng và thơ đã có mặt” Đây là câu thơ hay câu văn? Đã đặt trước bìa một câu như thế, chắc chắn cung cách sống của ông ngang tàng và liều mạng ghê gớm lắm. Nhìn lên hình ông giữa trang bìa, khuôn mặt xương xẩu, râu ria lún phún đích thị ông có một chút gì bất thường. Mà không bất thường sao được khi cuộc sống đã hất ông lăn tròn. Thời thế đã đày đọa đủ thứ, ông nếm qua những mùi vị khắc nghiệt của núi rừng Bắc Việt khi còn trong tù hay cái tận cùng trong bon chen kiếm sống khi ra khỏi tù. Nhìn bên ngoài tập thơ - bìa trước lẫn bìa sau - chúng ta đã hình dung ra được toàn bộ con người của Lê Mai Lĩnh, nét “tự thị” dễ thương, nét “khoa trương” chân tình, nét “khí phách” bỡn cợt. Nghĩa là dưới ngòi bút của ông, không có cái gì nghiêm chỉnh đúng mức mà chỉ tương đối. Ông làm thơ dễ dàng như ông nói chuyện, như ông thở, cái giá trị ngay ở chỗ “dễ” mà ít ai làm được.

Đọc thơ khẩu khí của Lê Thánh Tôn, ta thấy cái nhìn của một quân vương nó ngạo mạn đã đành, đọc thơ tù của Lê Mai Lĩnh cái nhìn của một tên bần cùng, tận đáy địa ngục mà cũng không kém phần ngạo mạn thật đáng quí:

Thân ta chúng nhốt trong lồng sắt
Ta thả hồn bay khắp bốn phương
Chân, dẫu trong cùm gông đau thắt
Tim tự do ta khắp nẻo đường
  
Ông có cái nhìn bỡn cợt, tiếu lâm nhưng đau vô hạn. Thời thế đã tạo ra những lớp người tưởng chừng như yếu hèn thế nhưng rất dũng cảm, bất khuất. Thơ tù của ông có nét phảng phất của Nguyễn Chí Thiện:

Ta thấy rồi trời tự do rộng mở
Song sắt nào khóa nổi hồn ta
Đón giao thừa trong nhà giam lạnh
Nhưng ấm lòng ta, niềm tin quê nhà
​(Giao thừa năm 37 tuổi)

“Chuyến tàu cuối năm” có lẽ là bài thơ tù hay nhất, tiêu biểu của Lê Mai Lĩnh. Bài nầy ông tả lại cảnh con tàu chở tù trở về Miền Nam trong năm 1981 (sáu năm sau Hà Nội chiếm Miền Nam), lòng người từ Bắc đến Nam đã thay đổi, cái nhìn của mọi người với những người tù cải tạo không còn bị chi phối bởi mệnh lệnh của Đảng, cái nhìn đầy ắp tình thương yêu, thông cảm. Những món quà ném lên toa của đồng bào dành cho những tù nhân, thật sự đã làm cho ông xúc động:
Này các em ở sân ga Đà Nẵng
Có bao lăm lời lỗ thế nào
Mà em ném cho ta bao thuốc tặng
Nhỡ công an thấy được làm sao
         (Chuyến tàu cuối năm)
Ông đã bị kẻ thù đày ải không thương tiếc, thế nhưng nhìn lại họ ông không mang trong lòng một chút thống thù, ông thương hại kẻ đã hành hạ mình. Lòng vị tha của ông là một cái tát vào những kẻ không còn tình người, lòng lang dạ thú của họ quả thật đã làm cho ông ngao ngán:
​Dẫu có lúc bị người hành hạ
​Như Chúa xưa quân dữ đóng đinh
​Lòng con vẫn không nuôi thù hận
​Miệng tươi cười không chút phân vân
​(Giáng sinh năm 1979)


Nói đến thi sĩ là phải nói đến lãng mạn. Lê Mai Lĩnh là một nhà thơ lãng mạn nhất. Cái đói, cái rét, cái cùng cực đã không làm cho chất lãng mạn của ông mất đi. Thường thì trong cơn bỉ cực người ta nghĩ tới cái ăn, cái mặc, còn ông thì thả hồn mơ mộng:

Trên đồi trà anh nhìn mây bay
Thử thả hồn mình cũng bay bay
Để tưởng rằng mộng còn như thực
Gặp được em giữa chốn lưu đày
​       (Trên đồi trà thử thả hồn chút chơi)

Làm quen với ngôn ngữ Lê Mai Lĩnh không phải là dễ, đọc ông chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp một vài chữ, vài câu từ đâu đâu rơi xuống, ông cố ý gây khó dễ cho người đọc, chúng ta phải khựng lại khi bắt gặp những sự kiện này. Thế là chúng ta đã bước vào chiếc bẫy mà ông đã cố tình giăng ra sẵn, chính những điều vu vơ, lạc lõng đó tạo ra cái thứ ngôn ngữ đặc thù của Lê Mai Lĩnh:

Hoan hô nỗi cô độc của thi sĩ
Muôn năm nỗi cô độc của thi sĩ
Đáng đời, nỗi cô độc của thi sĩ
Nhân danh cha và con và thánh thần
​Amen.     
(Bài thơ cho một người tình phụ)

Hoặc:

Em đi rồi, anh ngồi lại một mình
Ngồi lại. Một mình. Anh thấy đời lạ hoắc
Em đi rồi anh ngồi lại. Một mình
Ngồi lại. Một mình. Anh thấy đời đổi khác
(Một chiều mưa)

Nhìn vóc dáng của ông, thơ của ông về thân phận, chiến đấu, tù đày, ta tưởng rằng ông cứng cỏi lắm, bản lãnh lắm.Tất cả đều trật. Nhà thơ Lê Mai Lĩnh rất yếu đuối trong tình yêu, ông cũng say đắm, vội vàng, cũng than thở, cũng ủy mị... nghĩa là tình yêu của ông cũng ướt át, lâm li. 

Tuy nhiên, khi thể hiện qua ngôn ngữ, ông đã bộc lộ sự cuồng nhiệt của mình, hối hả, nóng bỏng. Thơ tình của ông mạnh mẽ nhưng chan chứa, khao khát nhưng đắm say:

​Yêu mãi, yêu hoài, yêu không mệt mỏi
​Em yêu, cố mà giữ lấy
​Nếu muốn, anh làm nai tơ
​Bằng không, anh làm cọp đói

hoặc:

​Đốt trái tim, cúi đầu, chào người trong ảnh
​Không gọi em là tiên, ta vẫn biết em trần tục
Để được thấy rằng em rất gần gũi
Như chính linh hồn ta
​      (Bài thơ thứ 10)

Thơ Lê Mai Lĩnh cũng mang nhiều tưởng tượng, tình yêu mà không tưởng tượng là thứ tình yêu chết. Sự tưởng tượng của ông thật gần gũi dễ thương:

Nhớ một thời, trong cặp, giấu trái me chua
Tưởng tượng thôi, em đã làm ta thèm khát bỏng
Nhớ một thời trong vở, em chép thơ tình
Tưởng tượng thôi, em đã làm ta muốn trở thành thi sĩ
        (Bài thơ thứ 10)

Chất điên loạn trong thơ của ông đã tạo ra và hình thành một thứ ngôn ngữ khác biệt, ngôn ngữ Lê Mai Lĩnh. Ông làm thơ rất thoải mái, muốn viết gì thì viết, không cần theo thông lệ nào cả, thơ và văn của ông đôi khi làm chúng ta lẫn lộn. Khi nổi cơn là ông phóng vào đủ thứ, không cần biết ý tưởng liên tục, không cần biết cấu trúc, không cần những thứ lỉnh kỉnh khác cần có của một bài thơ. Thế nhưng, ta nghe như có hơi thơ ngay trong ngôn ngữ của ông:

Thưa ông
Ký tên dưới đây là tôi 
Lê Mai Lĩnh
Thi sĩ.
Yêu quê hương như yêu chính bản thân mình
Và Tổ-quốc, trong trái tim tôi hằng đêm thao thức
Bụi và lãng mạn
Thêm một chút khùng
Khi trái trời đổi gió biến thành điên
Có máu hiệp sĩ
Thích trừ gian diệt bạo
. . .
(Bản cáo trạng hay...)

Ông Lê Mai Lĩnh, chỉ có ông trên đời nầy mới làm thơ kiểu nầy, như một lá đơn, một phiếu lý lịch cá nhân, một bản tường trình uẩn khúc, quả thật ông xứng danh một Lê Mai Lĩnh bụi đời, bất cần... trời ạ. Ông giỡn vừa vừa thôi chứ, chẳng có thứ gì dưới mắt ông gọi là nghiêm chỉnh hết sao? Thế mà khi đọc những bài thơ tràng giang của ông nhiều người phải ngậm ngùi. Bỡn cợt nhưng duyên dáng, chua cay nhưng ý vị. Ông tự cho mình là khùng khùng, điên điên, thế mà được mấy người tỉnh bằng ông. Ông thích khoa trương nhưng không tự phụ. Ông thích ồn ào nhưng sống trong lặng lẽ. Ông mau bực tức nhưng cũng dễ khoan hồng. Bạn bè khen, ông vui vẻ nhưng không hợm hĩnh. Bạn bè chê, ông buồn nhưng không oán trách. Đó là đức tính “thi sĩ” của ông mà nhiều người cần phải suy gẫm.

“Thơ Lê Mai Lĩnh” ta thấy hình như có tiềm ẩn một sự nổi loạn. Ông muốn phá vỡ tất cả lề thói, trật tự để tiến lên con đường sáng tạo cho riêng mình - cái điều mà trước đây bốn thập niên Thanh Tâm Tuyền đã làm - dĩ nhiên ông có thành công hay không còn phải qua sự gạn lọc của thời gian. Chúng ta chỉ nhận thấy rằng thơ ông có sự bức phá, cải cách giống như điều Mai Thảo đã viết “.. những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ dứt khoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế.” Ông muốn làm một cuộc cách mạng cho chính mình. Cách viết, cách làm thơ mang một nét riêng biệt. Ông muốn tách riêng để đứng chơ vơ một chỗ chứ không muốn đứng chung dòng với kẻ khác. Thường thì cái gì riêng rẽ cũng dễ bị mất hút, nhưng cũng dễ thành công. Quan niệm như vậy thật là thái độ dứt khoát nhưng người đọc chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Tất cả chỉ còn vấn đề là thời gian. Chúng tôi hy vọng chất nổ mà Lê Mai Lĩnh bao năm đã bồi đắp nếu không có khả năng làm chấn động nền văn học hải ngoại, thì ít ra nó cũng nổ giòn vui tai bạn bè và gia đình, làm một ít người giật thót sững sờ.

Phan Xuân Sinh