Đọc Bài Thơ "Bạn Quan" Của Đặng Xuân Xuyến
- Chử Văn Long
BẠN QUAN
Bạn cũ lâu ngày gặp lại
Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần
Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền
Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi
Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài
Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn
Mãi long đong chức phó dân quèn
Mày nhăn mặt chửi tao thằng đểu
Quá nửa đời mãi chửa hết ngu...
Rượu tới tầm
Mày ghé tai tao
Nói thật nhỏ
Căng tai mới rõ
Làm người khó
Làm quan càng khó
Chốn quan trường chó vịt giống nhau
Mày than đời chỉ rặt những thau
Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ
Ví miệng quan giống trôn trẻ nhỏ
La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ.
Tao gật gù giả bộ ngớ ngơ
Khen các quan vì dân vì nước
Nghe nửa câu mắt mày trợn ngược
Chửi tao khùng hệt “lũ dân ngu”
Mày chửi thề đặc giọng quân khu
Đời đã chó
Quan trường càng chó
Rồi nhăn nhó
Than đời mày nhọ
Mấy tháng trời bổng lộc hụt xơi...
.
Rượu mày mời
Tao uống khó trôi
Thịt mày gắp
Tao nhai khó nuốt
Trời nhiều gió
Hay lòng tao nổi gió
Rượu đầy vò
Tao ngất ngưởng vờ say.
Hà Nội, trưa 18 tháng 03.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
Tôi quen Đặng Xuân Xuyến đã lâu, từ thuở anh mới dựng
nghiệp, mở cửa hàng “phát hành sách”. Là một nhà thơ, làm bạn hàng gửi sách nhờ
anh bán hộ thường xuyên. So với những nơi khác bao giờ cửa hàng của Xuyến cũng
giúp tôi bán được số bản cao gấp bội. Nhìn dáng vẻ bên ngoài tươi tắn, đẹp
trai, hoạt bát và cái phong thái “dứt khoát” mỗi khi bàn việc…, ở Xuyến tôi thầm
nghĩ con đường lập nghiệp gắn với sách vở văn chương sẽ tiến xa hơn! Bẵng đi một
thời gian nền văn chương với những ước vọng thanh cao bị cuốn vào vòng xoáy
kinh tế thị trường không còn phân biệt được đục trong lẫn lộn. Thơ thành sản phẩm
của xã hội hóa cấp thấp, không còn biết viết để làm gì, viết để vì ai. Tôi cũng
nản, ngồi nhìn bút giấy và cũng đã lâu không gặp Xuyến. Một hôm, bất ngờ tôi nhận
được tin nhắn của Đặng Xuân Xuyến mời cộng tác với trang mạng của anh… và tôi
được đọc bài thơ rất tâm sự “Bạn quan” anh in trên trang mạng. Tôi thật ngưỡng
mộ vì nội dung, giọng điệu, câu chữ già dặn, từng trải, vừa tiếp thu cách nhìn
đời, nhìn người của các lớp nhà thơ cha anh mỗi khi bĩ cực, nhưng hơn hẳn lớp
nhà thơ ăn theo xã hội bây giờ, khi vui thì vỗ tay vào, hết lộc thì thở ra những
lời ai oán vụn vặt làm người đời chán đọc thơ vì vậy. Thơ Xuyến cũng mượn hơi
men “giả tỉnh giả say” như để có cớ lôi tuột những mưu mô giả trá của một xã hội
đang thịnh hành, đang phân hóa, làm đảo lộn hết đạo đức, nhân cách, làm người
dù chỉ giới hạn bằng những lời bộc bạch, tâm sự của hai người bạn lâu ngày gặp
lại, có nhu cầu phơi trải lòng mình thật đến nỗi chỉ thiếu cái tát bằng những
ngón tay in lên mặt nhau, dù làm quan có chức tước giàu sang hay là dân ngu
ngơ, nghèo túng, khi nhìn lại đời mình đều nhục, chưa thấy xứng kiếp người, tự
mình thấy mình như súc vật, kiếp ngan, kiếp chó....
Bài thơ như một bầu tâm sự dốc thẳng sang nhau
không cần niêm luật, kỹ thuật câu chữ. Đoạn đầu còn tỉnh, lời lẽ thăm dò giao
đãi:
Bạn cũ lâu ngày gặp lại
Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần
Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền?
Tình bạn xa lâu gặp lại nhau, người ta thường ôn lại
kỷ niệm trong lành một thuở, rồi mới có nhu cầu hỏi han công việc hiện tại gia
cảnh của nhau. Đằng này có tình bạn ngày xưa của họ chỉ phụ họa thêm cho nỗi ấm
ức về những rối ren, bất công xã hội. Thằng học giỏi không sống thủ đoạn thì
làm dân quèn, thiếu cơm rách áo. Thằng học ngu, biết nịnh nọt cúi luồn vẫn có
thể mua được chức tước lên quan để kiếm bổng lộc bạc vàng, thành ra cuộc gặp gỡ
nơi chôn nhau cắt rốn lại là cái cớ để nổ ra cuộc vạch mặt chỉ tên những bất
công xã hội đang ấm ức nơi lòng mỗi kẻ. Những tưởng chỉ kẻ thua thiệt mới buồn,
mới đau, mượn rượu để nói ra lòng mình cho thỏa:
Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn
Mãi long đong chức phó dân quèn!
Nào ngờ kẻ được mũ cao áo dài cũng thở than phận
kiếp:
“Làm người khó
Làm quan càng khó
Chỗ quan trường chó, vịt giống nhau…”
“Quan càng lớn, chữ nhân càng nhỏ…”
“La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ!”
Những lời bộc trực, thật lòng này nghe thật tội,
thì ra kẻ làm quan đứng trước bàn dân thiên hạ, qua những cầu truyền hình đi khắp
thế gian, nhìn oai phong lẫm liệt, có ai ngờ nơi tận sâu con tim, khối óc họ
cũng bị dày vò, có khi lại gấp bội những buồn đau túng nghèo cơm áo, cũng thấy
được nhục vinh cuộc thế:
Đời đã chó
Quan trường càng chó
Thì ra đã là con người dù giả trá gian manh đến
đâu, dù có ngập sâu vào đống bùn nhơ tội lỗi thì thẳm sâu nơi nào đấy trong
linh hồn của họ vẫn nhận ra vị bùn nhơ nơi đầu lưỡi họ đã ngậm phải. Khác nhau
chăng kẻ ngày tháng quen dần với những gì nhơ bẩn, còn có kẻ còn biết cố trườn
ra khỏi những đám bùn nhơ để thở chút khí trời trong lành trước khi xuôi tay,
nhắm mắt. Bởi quyền tước bạc vàng có thể xây được nấm mộ cao chứ không để lại
trong không gian, thời gian được chút tiếng thơm. Huống chi lúc sống đã bị người
đời nguyền rủa.
Cái đau của thân phận dân đen cũng là đau nhưng có
thể mượn phút giây gặp gỡ, nói vung mạng, tung tán tàn cho hả. Còn kẻ chức tước,
giàu có gian manh phải đợi lúc:
Rượu tới tầm
Mày ghé tai tao
Nói thật nhỏ
Căng tai mới rõ
Bởi đã khoác vào tấm áo quan trường phải biết học
phép mưu ma chước quỷ. Nhiều việc giả danh gian trá phải giấu kín cả cha mẹ vợ
con, đem xuống dưới mồ mới mong hoạn lộ, an toàn… chỉ giây phút ngồi trước người
bạn thuở trong sáng ngây thơ, sau biền biệt mỗi đứa một phương, thắng thua nếm
đủ quay về, men rượu ngấm vào ấm ức, nói ra cùng nhau cũng chẳng phương hại nữa
rồi mới dám “ghé tai”, “nói nhỏ”…
Bài thơ thành bữa tiệc giữa hai người bạn thết
nhau vị ngọt bùi, cay đắng tình thân, vừa là của riêng, lại vừa dọn mời người đọc
nhâm nhi, cụng chén ở những năm tháng đời người thật ít điều vui, ít tình thân
thiện và gần như không còn thứ tình cảm tri kỉ mà ông cha ta đã ngìn năm trồng
cây cho gỗ nên trầm. Giờ rừng bỗng dưng bị đốn trụi. Tình người rồi sẽ sao đây!
Đặng Xuân Xuyến đã gửi tâm sự lòng mình vào thơ cho vơi ấm ức! Có lẽ chỉ còn
thơ có thể an ủi anh chăng!
Bài thơ “BẠN QUAN” đã ghi lại sống động cuộc sống
hôm nay, của người Việt Nam mình.
Hà Nội, ngày 22 tháng 05.2016
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội