Friday, October 7, 2016

Thơ Đường Luật Xướng Họa - Lê Hoàng
(đọc thơ của thiên hạ)


Bà Huyện Thanh Quan và cụ Nguyển Khuyến là hai nhà thơ tiền bối, rất nổi tiếng về thơ đường luật. Từ thời còn đi học trung học, tôi đã thích và học thuộc hai bà thơ “QUA ĐÈO NGANG” và “THU ĐIẾU“. Bây giờ theo thời gian, tuổi đã già, nhưng vẫn còn mến mộ những giòng thơ ấy.

      
QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá , lá chen hoa
Lom khom dưới núi , tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà (1)
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
           Huyện Thanh Quan

(1)  Có bản ghi chợ 

Họa:

CHIỀU TÀ NƠI ĐÈO NGANG

Đèo Ngang in bóng buổi chiều tà
Sườn dốc cây xanh đá với hoa
Củi gánh đòn ngang ba bốn chú ,
Chợ chòm bến nước một đôi nhà
Động lòng quốc  quốc thương kêu quốc ,
Nhớ tưởng gia gia mến mọi gia
Cảnh vật ô hay cùng nhập điệu
Trời xanh nước biếc giữ mình ta .
                 T.T.N.
(Phụng họa nguyên vận, thoát ý chính của tác giả)

ĐÒ CHIỀU TRÊN  SÔNG HƯƠNG

Đò đến bờ, chiều đã bóng tà
Người lên kẻ xuống giữa rừng hoa
Nam thanh vui giỡn, ngồi quanh mạn (1) 
Nữ tú cười duyên , kể chuyện nhà
Thoáng chốc khách thuyền qua bến đỗ
Thẫn thờ tâm ý ước giờ gia (2)
Hương Giang ngưòi đẹp che nghiêng nón
Che cả lòng ai nghĩ đến ta .
T.T.N.
(1) Mạn thuyền (2) Ước gì thêm giờ 

THU  ĐIẾU 

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo .
    Cụ Nguyển Khuyến

BUÔNG CÂU VÀO NGÀY THU LẠNH

Gió buốt trời thu ao suối  veo
Ngư ông thuyền nhỏ lạnh run teo
Lăn tăn gọn sóng phao lay động
Xào xạ rung cây lá lướt vèo
Xanh ngắt trời cao , diều uốn lượn
Vàng hươm dậu rậm, vật im teo
Ôm cần yên ấn vài ba khắc
Cá đớp lung lay mấy cụm bèo .
   T.T.N.

Thơ  Trung Hoa:

HOÀNG HẠC LÂU

Cố nhân Tây từ Hoàng hạc Lâu ,
Yên ba tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến trường giang thiên tế lưu
       Lý Bạch

Dịch thoát :

Duyên thơ thoáng chốc rời xa
Dương Châu khói sóng tháng ba ngậm ngùi
Trường Giang buồn lẻ về xuôi
Lầu Tây Hoàng Hạc, mây trời bao la .

Bài 2 :
 “Giả từ bạn xuống Giang Châu
Trường Giang khói sóng một màu xanh xanh
Rời xa buồm vắng tiễn anh
Lầu Tây Hoàng Hạc bẽ bàng trời mây .”

Tứ Tuyệt :
  “Hoàng Hạc lầu Tây bạn với ta
  “Cùng nhau tạm biệt , tạm rời xa
  “Dương Châu khói sóng buồm vương tỏa
 “Thuyền khuất Trường Giang … nhớ chén trà .
       T.T. N

 ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ

“Khứ niên kim nhật thử môn trung
“Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
“Nhân diện bất tri hà xứ khứ
“Đào hoa y cựu tiếu đông phong “
           THÔI HỘ

(Trong truyện Kiều cụ Nguyển Du cũng đã mượn ý này để miêu tả tâm trạng Kim Trọng khi trở lại vườn Thuý. Lúc này Kiều đã bước vào con đường lưu lạc)

     Dịch tứ tuyệt:

     “Năm ngoái ngày này tại cổng đây
     “Hoa đào cùng mặt nàng hồng thay !
    “ Nay nàng không biết nơi nào nhỉ !
    “Chỉ thấy hoa đào cười gió đông “
           T.T.N 

      “Hôm nay năm ngoái cửa cài
      “Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
      “Mặt người chẳng biết đâu rồi
      “Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.”
              Cụ Trần Trọng Kim


“Đồng Nai có bốn rồng vàng ,
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi “.
   Hồi xưa ở Đồng nai truyền tụng 2 câu thơ này, chứng tỏ “ Nghĩa “ tức là ông Bùi Quang Nghĩa rất nổi tiếng về thơ, nhất là thơ Đường.
  
  CÂY VÔNG

    Uổng sanh trong thế mấy thu  đông
    Cao lớn làm chi vông hỡi vông !
    Da thịt càng già càng lộp xộp
    Ruột gan chẳng có , có  gai chông
    Rường soi cột trổ chưa nên mặt
    Dậu mỏng rào thưa phải dụng lòng
    Mới biết cây nào sanh cây nấy
    Xuân qua bớn tớn cũng đơm bông .
                 B.Q. NGHĨA

  CÂU CÁ

 Danh lợi màng bao chốn lữa hầu
 Thanh nhàn quen thú một cần câu
 Giăng đường chỉ mảnh đồng khơi rộng
 Thả miếng mồi thơm vực cạn sâu
  Khói nước năm hồ tình cả đẹp
 Gió trăng kho cũ cảnh riêng màu
 Bá vương hội cả dầu chưa gặp
Theo lược nào ai biết được đâu ?
      B.Q. Nghĩa

Môt it bài thơ của Hoàng Anh Vi:

   GIẢI SẦU

Rượu nồng, sầu cứ uống say đi
Chuyện nhạt đau hơn nói ích gì
Chén tạc nên quên -buồn mặn đắng
Ly thù gắng bỏ-giận hờn chi
Non tiên về lại không lâu nữa
Cõi tạm sống nhờ chẳng mấy khi
Duyên số nợ trần thôi ngắn ngủi
Trắc bằng vay mượn một vần thi .

THUÝ  KIỀU

Phụ tử thâm sâu vướng nợ này
Hiếu tình đền đáp  chuyện thày lay
Sở Khanh tráo trở trơ mày dạn
Tôn Hiến gian ngoa trắng mặt dày
Vì hiếu quên mình đời mặn đắng
Vong tình trả xác nghiệp chua cay
Tài năng khó tránh hồng nhan bạc
Nạn kiếp khôn lường mệnh số thay .

 Từ xa xưa văn học Việt Nam đã có rất nhiều thi sĩ làm thơ Đường; ai cũng biết thơ Đường xuất phát từ bên Trung Hoa vào đời nhà Đường. Lối thơ này đã thịnh hành và có rất nhiều danh thi Trung Hoa cũng như Việt Nam. Nếu đọc thơ Đường cho hết, chắc không ai làm nổi điều này.
    Tôi chỉ lướt qua một vài bài thơ của các bậc tiền bối cũng như anh em, bạn bè quen biết trong lúc trời thu man mác về: lá rụng , hoa nở , mây bay và gió vi vu. Trời California  bao giờ mùa thu về cũng man mác nỗi buồn của kẻ tha phương.

                                        Lê Hoàng
                                      ( Thu Cali 2016)