Wednesday, July 20, 2016

Sông Đời Đổ Nhánh Bình Yên - Lê Thu Ba   

          Nếu tác giả không có những dòng tự bộc bạch mình là chinh nhân thì không thể nghĩ rằng đây là tập thơ của người từng khoác áo lính. Đó là cảm nhận của bất cứ ai khi đọc Những nhánh sông đời. Hồn thơ Thùy Châu quá nhạy cảm.
Không phải là cảm xúc mơ màng lãng đãng của một tâm hồn giàu tưởng tượng mà trái lại mọi rung động đều rất thật, tất cả đều từ cuộc đời thực bước vào trang thơ. 
         Trước hết dễ dàng tìm thấy nhiều lần hình ảnh người trai thời chiến, ba lô nặng trĩu nơi nẻo vắng biên thùy hay sông hồ muôn vạn ngả khi sương ướt bờ vai, lúc dưới ánh hỏa châu buồn. Chàng trai ấy đa cảm lắm, dẫu tự vỗ về mình vui áo chiến quên nụ cười thơ dại, dẫu tự xác định hoa mộng ngày xưa xin trả lại nhưng rồi nuối tiếc trước những phôi pha để rồi không làm chủ được cảm xúc khiến rưng rưng khóe mắt, từng giọt châu sa…
         Ngày xưa, người xưa là nỗi ám ảnh trở đi trở lại với bước chân lúc dịu dàng, khi khắc khoải trong thơ Thùy Châu. Có một nỗi niềm kết đọng qua từng dòng chữ hiu hắt gởi về cố nhân vì không trọn câu thề, khiến tình đã xa rồi, áng mây bay, quay nhìn lại thì quá khứ đã mù sương.
         Nỗi niềm riêng là thế, nhưng từ lúc từ giã mái trường khoác áo chinh nhân thì gió sương đời lính tôi luyện tâm hồn cứng cáp hơn để khi đối diện với cái chết của đồng đội đã im lặng nuốt nỗi đau vào tim:
                                   Lòng quặn đau chẳng biết nói năng gì
                                   Khẽ vuốt mắt cùng nguyện cầu an giấc
     Nào ai biết trước những gì sẽ xảy ra trong cuộc chiến tàn khốc, người bạn mới hôm qua gối ba lô đêm tối ngắm sao trời, kể nhau nghe chuyện người yêu hỏa tuyến mà giờ đây vĩnh viễn ra đi, đúng là một mất mát không thể nào tin được

         Sau mùa chinh chiến nhìn lại mà thương quê hương mình nghèo nơi vùng hỏa tuyến, rồi ngậm ngùi trước vận nước nổi trôi theo từng nhịp thở. Nhưng nhịp đời vẫn chuyển biến theo bốn mùa mưa nắng tháng năm nên tạm khép lại quá khứ chiến binh để mở ra trang đời chốn đất khách tha hương với bao chuỗi ưu tư.
         Lúc nào cũng mang tâm trạng mình là người khách lạ trên xứ sở trăm vạn màu da và niềm khao khát được nói tiếng nói quê mình cháy bỏng tâm tư: ngôn ngữ mình yêu mến biết là bao để rồi vẳng lên câu hỏi thiết tha tiếng cội nguồn không biết gởi về đâu.
         Thiết tha với tiếng mẹ đẻ nên thèm nghe giai điệu ầu ơ thuở nằm nôi. Nỗi nhớ mẹ cứ theo tiếng hát vào đời ấy mà hiện hữu cùng với bờ tre, luống cải, dậu mồng tơi… Ai đọc cũng thương hương chanh, bụi chuối, vườn cà… song hành hiện ra cùng dáng mẹ và nhất là thương những gì riêng tư nhất, tưởng như nhẹ thoảng qua nhất - hơi hướm mẹ - vẫn đọng lại dù khoảng cách muôn vời xa xôi. Cái lạ lùng của tình mẹ ở đây là những gì mỏng manh như một làn hơi lại có sức mạnh bền vững bất chấp thời gian, không gian :  
                                   Ngàn trùng cách trở nước non
                                   Bao hơi hướm mẹ chỉ còn trong tim       
         Lòng thương nhớ còn thổn thức trong mọi khoảnh khắc với những câu hỏi xoáy sâu:
                                   Bao người cũng bước sang ngang
                                   Mà sao bước mẹ muôn vàn đắng cay.
                          
                                   Hạnh phúc mẹ được bao ngày
                                   Khi đời đôi lứa chỉ tày tấc gang
         Ta chợt hiểu vì sao người mẹ lại chiếm lĩnh một vị trí tôn quý như thế. Bao nhiêu đó cũng không làm sao đền bù được công lao tần tảo, mọi ưu phiền mẹ gánh triền miên một mình trên đôi vai gầy để đời con được xanh tươi.Khi tuổi đời chồng chất mà còn thốt lên những câu:
                                   Mẹ ơi thương nhớ vô vàn
                                   Bao la tình mẹ trên ngàn suối tuôn
                                   Chiều nay đứng dõi mưa nguồn
                                   Nghe từng giọt đắng lệ buồn mẹ ơi
thì rõ ràng giọt lệ của người con hiếu xứng đáng được hòa vào suối nguồn, trời đất.
         Một dáng hình phụ nữ khác cũng in sâu vào tim, đó là em, như tác giả đã chân thành tâm sự Ngoài tình yêu mẹ, một đời có em  hay là Đời anh có mẹ và em. Trong bóng hình em có cái dễ thương của người yêu lúc còn đi học với bàn tay như bút hoa ngày nào trên từng trang giấy. Nhưng rồi…ngày anh đi một nơi chốn xa xôi, em đơn độc giữa bầy con bé bỏng. Thương se sắt nhìn nhau lệ ứa long lanh buổi em lặn lội đến thăm anh với dung nhan tàn phai vì tháng ngày vật lộn mưu sinh giữa dòng đời giông bão. Chính những ngày tháng cũ đau thương, chính niềm biết ơn là chất kim cương bền vững gắn kết
để thăng hoa cho tình yêu thuở đôi mươi. Còn hình ảnh nào đẹp hơn, thủy chung hơn khi hôm nay, qua bao chuỗi dài thử thách, cầm bàn tay đã sần chai mà đọc thấy trong đó dấu vết nghiệt ngã để:
                                   Xin được ngàn lần
                                         nói tiếng tri ân
                                   Xin được vạn lần
                                        nâng niu từng ngón
         Không làm sao nói hết bao tâm tình Thùy Châu dành cho người, không thể nào đếm cạn những suy tư, trăn trở thường trực trong lòng. Vang vọng đâu đây tiếng yêu thương cha dành cho con; tiếng hồi tàu quá khứ về lại mái nhà xưa, về lại trường xưa ngắm màu hoa đỏ; tiếng vọng ngày xanh thánh giá cho em kết bằng cọng cỏ; tiếng nội tâm độc thoại như một triết nhân đang triết lý về cuộc đời, về lẽ phù vân của cuộc sống, cũng như sự vô thường chốn phù sinh.
         Bất giác giai điệu câu hát Đời chia như nhánh sông chợt đến để ta cùng luân lưu theo những nhánh sông đời với người làm thơ. Như một lời gởi gắm đọng lại cuối bài:
                                   Ừ thì như nước đổ tuôn
                                   Sông đời cũng rẽ làm muôn nhánh đời
                                   Biết đâu là nhánh gọi mời
                                   Nhánh trong nhánh đục chơi vơi kiếm tìm
ta tin tưởng rằng với hồn thơ nhân hậu biết trân trọng, nâng niu những gì đáng trân quý, biết đãi cát tìm vàng giữa những bạc tình nhục vinh, nhánh sông đó đang đổ về một bến bờ bình yên. Trong cõi bình yên ấy có nắng thu vàng áo lụa vờn bay, có đồng đội ngả xuống, có dáng mẹ đầu thôn, có em những ngày ngược xuôi, có con buổi mới vào đời…
Bao nhiêu đó là chất mát dịu gột rửa những muộn phiền trăn trở để tâm thân chỉ còn sự tinh khôi như nước đầu nguồn, để có được phong thái an nhiên nhìn dòng sinh tử với đôi mắt trong ngần.   
                                                                          
14/6/2016
Lê Thu Ba