Tản Mạn Về Bài Thơ
"Mai Em Về Quảng Trị" của Nguyễn Văn Long
- Châu Thạch
Nếu ai từng yêu thương Quảng
Trị, khi đọc bài thơ “Mai em về Quảng Trị” của tác giả Nguyễn Văn Long sẽ liên
tưởng dòng thơ giống như dòng sông Thạch Hãn trôi êm ả cùng với mây trời trong
một ngày mùa thu thật đẹp.
Mở đầu bài thơ, tác giả đặt
hai câu hỏi: Em có về Quảng Trị? Em có lạnh trong hồn?
Mai em về Quảng Trị không em?
Về thăm lại chốn ngày xưa tuổi nhỏ
Gió mùa đông có làm em buốt giá
Bến trời xa em có lạnh trong hồn?
Hỏi
chỉ là để khai bút bài thơ nhưng câu trả lời chắc là đã có sẵn. Em phải về vì
đó là nơi tuổi thơ yêu dấu. Em rất buồn vì đang sống bến trời xa. Bốn câu thơ
là hai bức tranh, một ở quê hương và một ở miền đất khách, đưa tâm hồn người
đọc từ nơi ấm áp đi vào gió mùa đông rét buốt nơi đất khách quê người. Tất nhiên
là em phải về, về để sưới ấm cái lạnh ly hương, vì trong khổ hai của bài thơ,
lời tác giả khiến ai mà chẳng muốn về để cõi lòng trở nên êm ái:
Mai em về đi giữa nắng hoàng hôn
Ngắm mùa thu dịu dàng trên phố cũ
Những con đường thân quen giờ rất lạ
Bước
ngập ngừng em có nhớ bâng khuâng?
Trời
mùa thu nắng hoàng hôn trên phố Quảng Trị ngày xưa rất đẹp. Nắng tím trên hàng
cây, nắng tím trên mái nhà, trên dòng sông, nắng tím bãi Nhan Biều, và đặc biệt
nắng tím trên những tà áo bay của nữ sinh Nguyễn Hoàng, Bồ Đề, Phước Môn trên
đường về khi tan học. Và tác giả hỏi rằng: “Bước ngập ngừng em có nhớ bâng
khuâng?” chỉ là để nhắc lại mà thôi chứ đã biết là em đâu thể nào quên được.
Khổ thứ ba của bài thơ tác giả nói về mình:
Anh
ở nơi nầy thị trân buồn tênh
Chiều phố huyện mập mờ sương khói
Vắng bầu bạn quen dần năm tháng đợi
Đời quẩn quanh bên dáng núi chơ vơ.
Tác
giả nói về mình quá nhiều chăng? Không, tác giả không nói về mình đâu, mà nói
cho tôi, cho bạn, cho tất cả những người dân Quảng Trị đang sống ly hương. Dầu
ai đó đang sống giữa lòng đô thị, đang sống bên kia bờ biên giới với tất cả xa
hoa và hoa lệ thì tâm hồn có khác gì tác giả, cũng buồn tênh, cũng vắng bạn,
cũng chơ vơ trong sương khói nhớ quê, giữa nhừng núi lâu đài bê-tông chập chùng
ngất ngưỡng. Có ai xa Quảng Trị, mà cho dầu ở nơi như phố núi Tây Nguyên, nghĩ
ra vẫn còn có phước nhiều, vì ở đó còn có dáng dấp quê hương để nhìn sông, nhìn
núi, nhìn phố, nhìn trời làm vơi đi nỗi nhớ biết bao. Còn ai xa Quảng Trị mà
lọt vào trong lòng đô thành thì có khi bởi phù phiếm xa hoa của ánh đèn màu làm
xơ cứng con tim.
Khổ
thứ bốn là một khổ thơ bộc lộ hết cái ngây thơ của tâm hồn thi sĩ. Tác giả
không khoe giàu nghèo, không khoe vợ con mà khoe rằng anh vẫn làm thơ và thơ
anh vẫn vụng về như ngày xưa ấy:
Anh bây giờ vẫn tập tểnh làm thơ
Những vần thơ xưa vụng về gượng gạo
Anh
bây giờ có khi buồn rạc gáo
Cõi nhân gian còn lắn chuyện eo sèo.
Đời
bây giờ chỉ có mấy anh gàn, mấy anh khờ mới khoe mình làm thơ vì thơ và người
làm thơ thật ra thì vô cùng xuống giá. Tuy thế người nào làm thơ mà khoe mình
làm thơ mới thật là người có tâm hồn thi sĩ, còn bọn khác tuy có làm thơ nhưng
khoe của, khoe nhà, khoe xe, khoe cộ.
Qua khổ bốn của bài thơ thấy cái buồn Quảng Trị sao mà rất dài năm tháng, hình
như đã được định rồi từ thuở xa xưa:
Mai em về qua “dãy phố buồn thiu”
Thương quê mẹ một thời binh lửa
Từng lớp người lên đường đi tứ xứ
Bây giờ phiêu tán tận phương nào?
“ Dãy
phố buồn thiu” vẫn buồn thiu muôn thuở. Quảng Trị buồn hình như từ ngày chúa
Nguyễn Hoàng đặt chân lên mảnh đất, nhưng Quảng Trị cũng đẹp vô cùng, như đôi
mắt trầm ngâm của Huyền Trân công chúa. Quảng Trị ngày nay đã được xây dựng lại
phần nào, nhưng Quảng Trị vẫn buồn vì những người con còn phiêu dạc bốn phương.
Đoạn
cuối bài thơ là những âm thanh buồn của một dàn giao hưởng:
Mai em về đồng vọng giữa trời cao
Buồn làm chi bao mối tình
đã lỡ
Dòng sông êm vẫn bốn mùa thương nhớ
Em về đi em bến đợi trăng chờ.
Âm
thanh buồn đồng vọng trên trời, âm thanh buồn những mối tình đã lỡ, âm thanh
buồn của bến đợi trăng chờ, những âm thanh đó réo rắt dội vào lòng người trở
lại. Tác giả nói buồn làm chi nhưng làm sao mà không buồn được khi biết bến vẫn
đợi trăng vẫn chờ nhưng con người dễ chi có lần hội ngộ.
Bài
thơ “ Mai em về Quảng Trị” dễ làm cho ta thao thức. Đọc nó ta nhớ về dòng sông
Thạch Hãn lặng lờ êm ả chảy dưới mắt ta, nhớ những đám mây mùa thu bay nhẹ qua
vầng trăng soi sáng cổ thành. Từng từ, từng câu, từng vế của bài thơ như làn
gió nhẹ lay động tâm hồn đang tưởng nhớ quê hương. Bài thơ song suốt biết bao,
trôi chảy biết bao và làm dâng lên trong hồn tôi một nỗi nhớ, một nỗi buồn thê
thiết ./.
Châu Thạch