Đôi Lời Tiễn Biệt Hoàng Hữu Ly
- Võ Văn Cẩm
Lúc 1 giờ sáng ngày 18/7/2015, tôi
đang ngủ say, tiếng chuông điện thoai reo làm tôi tỉnh giấc. Bên kia điện
thoại, tiếng nấc nghẹn ngào của chị Hà - vợ anh Đào - em ruột vợ anh Hoàng
Kiều:
- Bác Cẩm, bác Cẩm, anh Ly mất rồi.
Tôi thốt lên “Trời”, họng đắng
nghét.
- Bác xuống Bệnh viện Quận 1.
Người tôi như cái máy, khoác áo
quần đi ngay. Tôi gọi vợ tôi mở cửa, quá đột ngột, vợ tôi hỏi nhiều lần.“Có
phải anh Ly đem bánh bột lọc cho mình ngày hôm qua?” Tôi ừ rồi ra đi.
Đến bệnh viện thì Hoàng Hữu Ly đã
mất, quá bất ngờ và xúc động, tôi không dám vào phòng cấp cứu, không dám nhìn
Ly lần cuối. Ly nằm trên băng ca đắp ra trắng.
Ly được vợ chồng anh Đào đưa lên
Bảo lộc thăm đứa con trai 8 tuổi đang ở với mẹ. Hai ông cháu tôi từ Đà lạt
xuống, rồi tất cả chúng tôi cùng về Sài Gòn cách đây hai hôm. Hôm sau, tôi đưa
Ly đi tái khám mắt ở BV mắt Cao Thăng Q5. Lúc 6 giờ chiều 17/7/2015, Ly còn gọi
điện thoại nhờ tôi xin trích lục thế vì khai sinh ở Quảng Trị để nộp hồ sơ xin hồi
hương.
Chúng tôi chia nhau báo tin cho
người thân của Ly. Tôi gọi cho Oanh em ruột Ly. Chị Đào gọi cho các cháu con
anh Hoàng Kiều ở Đà Nẵng, gọi cho Hãn - con Ly - ở Quận 2, cô Hồng Liên gọi cho Hương - vợ Ly
- và con trai - bé Hoàng Lê - ở Bảo Lộc.
Vào giờ đó các cháu đang ngủ say, các cuộc điện thoại đều không có người trả
lời. Tôi quen vợ chồng chị Đào mới tháng nay khi Ly dời nhà về Tân Định. Hằng
ngày anh chị lo cơm nước cho Ly và chăm sóc Ly như chăm một người anh ruột mình
không hơn không kém, có lẽ anh Hoàng Kiều nhờ anh chị làm việc đó?
Ngay hôm ấy KTS Mỹ còn bàn công
việc với Ly mãi tới 10 giờ tối Mỹ mới ra về. Ly còn vui vẻ ngâm chân nước muối
với lá lốt mà vợ chồng anh chị Đào mang sang. Ly đưa cuốn dự án Công Viên Văn
Hóa Lịch Sử mà KTS Mỹ tư vấn về ý tưởng kiến trúc gởi cho Ly bằng email để Ly
in gởi trình Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang của công ty Việt Rap vào ngày mai.
May mắn thay, hôm ấy anh chị thấy
Ly mệt nên bỏ nhà ở lại, mặc dầu nhà anh cách nhà Ly chỉ vài trăm mét. Nửa đêm
Ly lên cơn suyễn nặng, anh chị nhờ hàng xóm đưa Ly vào bệnh viện thì Ly vĩnh
viễn ra đi.
Bệnh viện thông báo cho CA Phường
Tân Định làm thủ tục, không có người thân, người ta không giải quyết vì Ly là
Việt Kiều Mỹ, tôi lo ngại khó khăn xảy ra.
Công việc đầu tiên của chúng tôi là
tìm Hãn - con trai của Ly - đang làm việc tại Việt Nam. Tôi chở chị Đào cùng
KTS Mỹ (Việt Kiều) - người trực tiếp tham vấn những dự án của Ly hiện nay.
Trong đêm khuya chúng tôi tới tận ngã ba Cát Lái, rất khó khăn mới lần ra địa
chỉ của Hãn, nhờ chị Đào liên lạc được với Hùng con anh H. Kiều. Nhà Hãn ở Lô 1
chung cư Estella, Quận 2.
Toán bảo vệ tận tình dẫn chúng tôi
đi, đến địa chỉ nhưng vẫn không liên lạc được với Hãn (Hãn đang ngủ say và tắt
điện thoại), trưởng toán bảo vệ phải dùng đường dây liên lạc đặc biệt mới gặp
được Hãn. Hãn thuê xe Taxi đi theo chúng tôi về bệnh viện.
Mãi tới 7 giờ sáng CA TP đến, Dinh
can thiệp mới cho nhận xác về quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, Q3, trên đường Nam Kỳ
Khởi Nghĩa.
Tôi báo tin cho nhiều người thân,
bạn bè, những người cộng sự với Ly. Tôi tranh thủ về nhà viết email nhờ Mai
Phái chuyển thông tin đến mọi người trong và ngoài nước. Chưa tới giờ nhập
quan, các anh chị một thời gắn bó với Ly đã có mặt như anh Bảo, NH Hiền, Lê
Cung Bắc, NV Vinh ,.. Thông tin loan đi rộng rãi. Ngay chiều hôm đó, anh em cựu
học sinh Nguyễn Hoàng rất nhiều thế hệ quá tình nghĩa, thương mến, sẻ chia, đến
viếng Ly rất đông. Có bạn Ly, bạn Oanh, bạn Kim Giao. Có nhiều vòng hoa đưa
tiễn ở trong nước, của Quỳnh Hoa, Thái T Hữu, Hoàng Gia Độ, Nguyễn Trí từ Mỹ.
Tôi thường xuyên lui tới trong
những ngày quàn tại chùa và có mặt lúc 6 giờ sáng ngày 20/7 để tiễn đưa Ly lên
thiêu tại Bình Hưng Hòa.
Sáng 21/7/2015 đưa hài cốt từ chùa
Hải Quang đường Phạm Văn Hai lên chôn tại Thủ Đức trong khu mộ gia tộc họ Hoàng
Bích Khê. Tiễn đưa Ly có Ngọc Lan, Vân Hương, N.H. Hiền, Lê cung Bắc, Võ đình
Đoan, Cao thị T. Nhàn, Thái Tăng Hạnh, Tôn thạnh Hào…
Đến nghĩa trang, tôi gặp anh Hoàng
Phủ Ngọc Phan cầm máy quay phim, gặp tôi anh nói “Một con người muốn ôm cà thế
giới vào vòng tay của mình vừa lặng lẽ vĩnh viễn ra đi một cách nhẹ nhàng thanh
thoát”. Đặc biệt là điếu văn của anh Hoàng Kiều (một trong 300 người giàu nhất
thế giới) - anh ruột của Ly - gởi nhờ chú ruột là ông Hoàng Hữu Hạch đọc khi hạ
huyệt .
Hoàng Hữu Ly sinh ra và lớn lên tại
làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyệnTriệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gia đình có 4
anh em, 3 trai 1 gái. Ba mẹ mất sớm, anh em phải về ở với bà con. Anh Hoàng Hữu
Quýnh ra Bắc nay ở Mỹ; anh H Kiều vào ở với chú Hoàng Thi Thơ; H.H. Ly được cô
dượng nuôi ăn học ở Chợ Sãi (thầy Lê Hành - ba của Kim Giao, Thanh Hà); H.T. Kim Oanh được cô Ủy ở chợ Quảng Trị
nuôi. Cả 4 anh em đều thành danh phận.
Được sự đồng thuận của chú H.H.
Hạch, tôi đã chuyển bài điếu văn ấy đến bạn bè đồng môn trong và ngoài nước,
gởi đến các cháu đã nhận học bỗng do H.H. Ly và anh Hoàng Kiều tài trợ trong
thập niên 1990 và thập niên 2001 như một lời tiễn biệt.
H.H. Ly ra đi để lại trong tôi một
khoảng trống, một niềm thương cảm, tôi mất đi một ngưới bạn tâm giao, một người
tài năng, trí tuệ, tâm huyết mà tôi và nhiều người ngưỡng mộ, dù cái chết của
Ly nhẹ nhàng thanh thản. Có người bảo Ly có căn tu và cái chết ấy không phải ai
cũng có được.
Tôi hơn Ly 2 tuổi cùng quê, thời đi
học ít thân nhau. Năm 1989 Ly về Việt Nam. Trên báo Thanh Niên có bài viết 3
Việt Kiều trí thức yêu nước trở về sớm nhất trong đó có thạc sĩ HH Ly. Tôi quí
và thân Ly khi Ly mời tôi và anh em đồng môn sinh hoạt và giúp nhiều học bỗng
cho con em CHSNH và SV Quảng Trị. Ly vận động anh mình là anh H. Kiều cấp cho
10 SV Y Khoa năm học 1997-2003. Mỗi SV 500USD/năm, tài trợ suốt trong thời gian
học Đại học, với điều kiện:
- Gốc Quảng Trị.
- Khi tốt nghiệp về quê làm việc.
- Khi đi làm phải giúp đỡ đàn em.
Tuy học bỗng mới duy trì được 2 năm
nhưng đây là một tấm lòng cao quý.
- Ly còn có chương trình giúp 10
giáo viên trường Cấp 3 Thị Xã Quảng Trị (trường NH cũ) vay tiền không lãi. Mỗi
giáo viên 1 triệu (Ông L.V.H. quản lý).
- Ly gởi Nguyễn Đặng Mừng 1000USD
mua xe làm phương tiện cho Sinh Viên Quảng Trị sinh sống. (Mừng đã hoàn trả khi
Ly mãn hạn tù)
- Chủ Tịch Ủy Ban tỉnh Quảng Trị
làm quyết định mời Ly làm cố vấn kinh tế, trả lương 6 triệu /tháng.
- Năm 2003, anh Hòang Kiều tài trợ
20 suất HB cho SV Q.Trị nghèo, học giỏi 300USD/1SV/năm và tài trợ suốt thời
gian học Đại học. Để nhận được số tiền này tôi phải nhờ chú H.H. Hạch, anh H.H.
Quýnh và H. Thi Thao. Chương trình mới thực hiện được một năm thì dang dở.
Trong 20 suất học bỗng này tôi đã
dành 2 suất cho 2 SVYK Huế (trong số 10 SVYK nhận HB) thi tốt nghiệp đạt á
khoa. Các SV nhận HB nay đã trở thành những giám đốc tài năng. Có một số thành
đạt đã quay về với Quỹ Khuyến học “Gieo hạt giống cho đời” như Nguyễn quang
Thắng - giám đốc Cty tự động Việt Quang; Trấn Anh, Trần Dũng - GĐ Cty phân bón
Việt Mỹ; TS Trần Đoàn Ngọc Trân ở Mỹ; Phan thị Minh Nghĩa - GĐ kinh doanh nước
ngoài. Dương Cam Ly- GĐ Cty Đầu tư IMICA… Nhiều cháu tốt nghiệp TS trong và
ngoài nước.
Khi về Việt Nam Ly, đem tài năng,
trí tuệ giúp đời giúp người. Ly làm chuyên gia tư vấn, kết hợp với nhiều cán bộ
cao cấp thành lập Cty Hanel (Hà Nội Electronic). Ly mang công nghệ tiên tiến
nhất (SMT: surface mount technology – “Công nghệ dán mặt mặt bằng”).Thay công
nghệ cũ T.H (throught hole: hàn xuyên lỗ) ở các PCB (print circuit boards) trong
nhiều loại máy .
Công nghệ tiên tiến này đã mang
nhiều lợi nhuận cho VN. Các công ty Samsung, Panasonic, Toshiba đều đặt hàng
tại đây.
Khi công ty Hanel hoạt động bình
thường, Ly vào TPHCM, thành lập công ty Saigon ETMC (Sai Gon Electronic
Telecomunication Manufacture Company: Công ty sản xuất các linh kiện điện tử,
viễn thông ). Có nhà máy hơn 20.000 m2 tại khu công nghiệp Tân Tạo, dự án cần
600 công nhân, nhiều cán bộ đầu ngành được đào tạo ở nước ngoài. Trong đó Ly
dành 50% cho người Quảng Trị .
Lễ động thổ được tổ chức rất hoành
tráng, khách đến dự có lãnh đạo cao cấpTP HCM, các sở ban ngành, nhiều Tổng
lãnh sự, có Đại sứ Mỹ tham dự. Bạn bè thân hữu và đặc biệt có nhiều cựu học
sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
Vào thập niên 1990 chưa có luật Đầu
tư, chưa có công ty 100% vốn nước ngoài. Đặc biệt là ngành Điện tử Viễn Thông
phải liên doanh với Bộ Quốc Phòng hoặc Bộ Nội vụ. Cty Saigon ETMC liên doanh
với công ty điện tử Phương Nam (Bộ Nội vụ). Khi hoàn thành các thủ tục pháp lý,
công ty hoạt động. HH Ly làm chủ tịch HĐQT, Thiếu tướng PVP làm Tổng Giám Đốc,
Ngô Bá Cương làm phó, nhân viên có con của anh Hoàng Phủ Ngoc Tường, con Võ
Định, con Đoàn văn Tầm…
Năm 1998 Chính phủ có quyết đinh
cho công ty triển khai dự án. Tài chánh nước ngoài đã chuẩn bị xong, tài chánh
trong nước còn nhiều bất cập.Trước tình hình khó khăn ấy, H.H. Ly muốn chuyển
thành Công ty 100% vốn nước ngoài nhưng không được. Ly chờ công ty mẹ giải
quyết, đúng là mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.
Với tác phong công nghiệp nước
ngoài, Ly tổ chức Kiểm toán Quốc tế, tài sản công ty Saigon ETMC vào thời điểm
đó lên trên 2 triệu USD.
Khi có dự án mở Công viên phần mềm
Quang Trung, Ly là người đầu tiên tham gia dự án ấy. Dự án Ly làm rất đẹp, kể
cả hình thức lẫn nội dung. Nếu đem so sánh với bản dự án của TS N.T. Nhân, bản
dự án của Ly vượt trội. Vì cơ chế, Ly không tham gia được, TS Lượng tham gia là
một phần nhỏ của dự án ấy.
Không bỏ lỡ cơ hội, Ly chuẩn bị
thành lập công Ty Việt PC (Việt Phú Cường). Trong buổi họp tại 108 Thống nhất
Gò Vấp (trụ sở công ty Govap Electronic, Ly thuê lại) có sự hiện diện của anh
Lê Hửu Thăng - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Tri, GSTS Lê Văn Tự, TS Nguyễn Ngọc Cư,
Lê Cung Bắc, Võ Văn Cẩm, Nguyễn Văn Vinh, anh Hoàng Đạo, anh Trần Công Thí… Ly
nói “Người ta có thể hiểu lầm, hiểu lầm nhiều lần. Và người ta có thể sai,
nhưng không thể sai nhiều lần.Tôi học được chữ NHẪN, chữTÂM. Lấy tâm mà sống
với đời, lấy nhẫn mà chống đỡ nếu như đời bạc đãi, nhiều lần sai. Tôi đã ngẫng
cao đầu hãnh diện mà bước tới, đã thấm nhuần đạo đức của hai chữ ấy, nên tôi đã
có hôm nay. Chúc mừng người đại diện pháp luật của công ty, chúc mừng những
hoạt động tuân thủ đúng pháp luật kinh doanh. Tôi đang chuẩn bị xuất khẩu hàng
loạt máy vi tính AVICOM và nhiều hàng hóa Việt Nam khác sang Mỹ, kể cả con tôm
sạch, chuẩn bị máy vi tính dùng trong nước. Như thế cũng là đóng góp vậy.
Xin cảm ơn đời, cảm ơn gia đình,
bằng hữu, đồng hương, cổ đông khắp nơi xa gần. Tôi chuyển giao Viet PC nguyên
vẹn tiềm năng và cơ hội cho những người hiểu mình hiểu ta, tận tình với công
việc. Vững vàng tiến lên, quyết thắng bằng vốn liếng có từ cái đầu, chứ không
phải từ trong túi của cổ đông mình.”
Với cái đầu tuyệt vời, với con
người nhìn xa hiểu rộng, nhìn thời điểm ấy ngành sinh học phát triển mạnh. Năm
2001, Ly thành lập công ty Viet PC (Việt Phú Cường) gồm:
1.Công ty nuôi tôm , bán sản phẩm
sinh học, giải pháp MZ.
Ly tổ chức hội thảo công nghệ sinh
học và công nghệ nuôi tôm tại 66B Đông Du, Quận 1, TPHCM. Có nhiều khách mời
đến dự, có đại biểu từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu
và đặc biệt có trên 20 nhà khoa học chuyên sâu về sinh học, nhiều cán bộ cao
cấp chuyên ngành nuôi trồng thủy sản TP HCM. Ly còn tổ chức hội thảo tại Huế,
Đà nẳng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu. Ly cung cấp nhiều tư liệu nuôi tôm,
hệ thống nuôi tôm và các sản phẩm sinh học xử lý môi trường , và thức ăn của
tôm.
Nguyễn Đạo Khỏe tài trợ tài chánh.
Ly tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật và công nghệ nuôi tôm cho hơn 40 nông dân 2
huyện Vĩnh Linh và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, mời chuyên gia hướng dẫn của ĐH
Thủy Sản Nha Trang, mời Thạc Sĩ Dương Đình Dũng từ Úc về.
2.Công ty AVicom (American Vietnam
Computer: máy tính Mỹ Việt). Ly tổ chức hội thảo, lập phương án chuyển giao
công nghệ máy vi tinh của Mỹ lần đầu tiên tại Việt Nam ở khách sạn New World
năm 2002.
Tại 66B Đông Du, Ly thành lập thư
viện lưu trử các tài liệu mà Ly thu gom được về vi sinh, điện tử viễn thông,
xây dựng, công nghê tin học.
Vào thời điểm này, công ty cổ phần
Viet PC hoạt động có hiệu quả, đang phát triển mạnh.
Đồng thời với tính khả thi của dự
án, nhưng Công ty Saigon ETMC không triển khai được, còn vướng mắc về cơ chế,
về luật pháp.
Luật sư Trịnh Đình Ban, cố vấn pháp
luật của công ty phân tích rạch ròi bản cáo trạng gởi cho tòa án TPHCM, thế mà
Ly vẫn bị kết án 9 tháng tù vì tội dùng giấy tờ giả mạo.
Các thành viên của Viet PC như gà
mất mẹ, mỗi người tự tìm cho mình một ngả rẽ. Nay họ trở thành những giám đốc
năng động, sáng tạo như Lê Đăng Khoa - GD công ty vận tải biển; KTS Nguyễn Quốc
Phú - chuyên gia về Logistic và xây dựng, Đ.Bá Tuấn, Trần Dũng - công ty phân
bón Việt Mỹ; Dương đình Dũng - GĐ Công ty Môi trường…. Các thành viên ấy có đến
viếng sư phụ mình và thương tiếc một người thầy tài năng, đức độ và khó kiếm đã
ra đi.
Mãn hạn tù trở về, Ly không về Mỹ
mà tiếp tục công việc đang dang dỡ. Con người quá ham công tiếc việc, trước
những bị lụy như vậy nếu tâm không vững, trí không minh mẫn, sáng suốt thì dễ
bị tâm thần (stress).
Ra tù, chưa tìm được chỗ ở, Ly gặp
ngay TS Hoàng Chương (nguyên giám đốc Công ty VDC: truyền số liệu) để tiếp tục
dự án COD (cash of delivery: chương trình bán sản phẩm qua bưu điện). Chương
trình này nhiều nước trên thế giới đã làm từ lâu và rất hiệu quả. Vì vấn đề tài
chánh, TS Hoàng Chương rút lui.(Chương trình này Bưu điện thực hiện vài năm sau
đó.)
Ly tham gia tích cực về công nghệ
3D, có nhiều sản phẩm sinh học mà Tiến Sĩ M.Z. ở Mỹ cung cấp, Ly được Đ.D. Dũng
- GD Cty Xuất nhập khẩu Thừa Thiên Huế - mời làm cố vấn Công ty EVB Sông Hương.
Công ty EVB phát triển mạnh. Cty thuê cho chuyên gia Biệt thự Hoa Hồng tại Lăng
Cô để ở và làm việc. Tôi được Ly mời tham quan nhà máy sản xuất sản phẩm 3D ở
Phú Bài và ở tại đó khi tôi ra Huế.
Cũng mưu sự tại nhân. Không đồng
quan điểm, một thời gian Ly trở lại Sài gòn. Con người không biết mệt mõi, Ly
ra Hải Phòng mở công ty Cổ Phần Việt Toàn Cầu. Giấy phép được hoạt động nhiều
lãnh vực như:
- Công nghệ điện tử viễn thông, tin
học.
- Xây dựng.
- Công nghệ sinh học, nuôi tôm.
- Sản xuất,Thương mại, Dịch vụ,
Xuất nhập khẩu.
Công ty chuẩn bị khai trương thì CA
Hải Phòng lập biên bản qui vào tội lường gạt vì trong chương trình khai trương
có phần giới thiệu chứng khoán cho khách hàng. Vào thời điểm đó, chứng khoán còn
sơ khai, Ly không lường được những hậu quả.
Xách đèn chạy trước xe, Ly đi trước một bước, thế là một lần nữa ước
vọng, công sức và sự nghiệp tiêu tan, rồi đi vào vòng lao lý. (Số mạng tại
thiên, đứt niền tại cối xay). Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Những ngày trong tù, Ly vẫn lạc
quan, yêu đời, vẫn còn hy vọng vào những dự định mà Ly đã vạch ra. Gọi điện
thoại cho tôi từ trong trại giam, Ly vẫn minh mẫn và nói sợ mình không còn thời
gian, sức lực, tài năng, trí tuệ đóng góp cho quê hương. Tôi càng quí trọng Ly
về sự kiên cường và cái tâm rộng lượng ấy.
Bảy năm trong trại giam (án 13
năm), một quãng thời gian quá dài của đời người. “Nhất nhật tại tù thiên thu
tại ngoại”. Cũng trong 7 năm ấy, Kim Oanh phải thường xuyên khăn gói ra Hà Nội
thăm nuôi anh mình và H. Kiều lo mọi chi phí. “Đúng, một con ngựa đau cả tàu
không ăn cỏ”.
Tháng 9/ 2013 Ly được Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang ký lệnh ân xá. (Nhờ mối quan hệ khi ly làm dự án tại TP HCM qua
một nhà báo nổi tiếng). Tôi đón Ly từ phi trường TSN về khách sạn. Mấy ngày sau
là Ly gọi điện thoại và chuyển cho tôi dự án này, chương trình nọ.
Hiện dự án “ Công Viên Văn Hóa Lịch
sử” 190 Hecta ở Quận 9 Công ty Cổ phần Việt Rap do cô Hồng Liên làm Giám độc
điều hành. Cô Hồng Liên - con Đại tá Nguyễn Tăng Tấn, cháu ông T. Hoàn - là người bà con nội ngoại với Ly. Hồng Liên
đã tận tình giúp đỡ Ly trong những ngày Ly gặp khó khăn. Dù là một nhà báo năng
động nhưng với công việc Ly giao, nhiều lần Hồng Liên từ chối không được.
Công ty với sự cộng tác của TS Nguyễn
Hữu Hiền (Phim trường Hollywood), Ông D. Sâm (Công viên năng lượng, công nghệ
vật liệu 3D), Bùi Nghị (Công viên Water Park và khu nhà các dân tộc), Mr. Dinh
đại diện nhà đầu tư, KTS Mỹ (tham vấn và lập dự án)… dự án tàu du lịch ven biển
của Bà Lan Việt Kiều Mỹ, dự àn môi trường của TS Mỹ Việt Kiều Úc…
Nhiều lần tôi khuyên Ly gác kiếm,
Ly nói: còn sống là còn làm, còn chút trí tuệ nào mình dành cho đời chút đó,
mình không thể mang đi những gì mà trời đất, ông bà, cha me, thầy cô, bạn bè
ban tặng. Mình còn trách nhiệm với đứa con 8 tuổi.
Có những chương trình trong ngành
nghề của tôi, Ly làm mà tôi phải đọc nhiều lần mới hiểu như chương trình IPTV
trong Hòn Ngọc Viễn Đông, chương trình nhạc Hoàng Thi Thơ -Trần Hoàn (có sự
tham dự của đạo diễn Lê Cung Bắc, ca sĩ Họa Mi) và mới hiểu được tài năng, trí
tuệ, tâm huyết và kiến thức rộng của H.H. Ly.
Trong nhiều dự án của Ly có nhiều ý
kiến khác nhau, có nhiều doanh nhân, trí thức, nhà đầu tư đồng cảm tự nguyện
tham gia, nhưng cũng có người cho Ly sống quá ảo tưởng, không phù hợp với cơ
chế Việt Nam, không thấy nguồn vốn đầu tư rõ ràng, nghĩa là Ly chỉ có vốn trí
tuệ. Tôi cho đó là ý tưởng, nhận xét riêng mình, mới chỉ nhìn thấy một phần nhỏ
của con voi. Tôi muốn mang con voi đến để bạn ngắm, để bạn xem kỹ rồi bạn mới
có một nhận xét trung thực, khách quan con voi đó. Tôi nói với Ly. Có người nói
H.H. Ly không thành công. Ly nói: Tôi thành công quá đi chứ: một con người bất
hạnh, cha mẹ mất sớm, ra đời với 2 bàn tay trắng, ra đi với cái quần xà lõn, bộ
áo quần không tươm tất, thế mà tôi qua tới đất Mỹ, rồi mang cái đầu về phục vụ
đất nước, tôi có xe lexus sớm nhất ở thành phố nà , có nhiều công ty, có nhiều
nhà khoa học, trí thức, doanh nhân cộng tác, có nhiều cán bộ cao cấp đưa đón,
có nhiều nhà đầu tư mời gọi, sao bảo tôi không thành công. Tôi không thành công
về tiền bạc, nhưng giàu mối quan hệ, giàu nhân cách, trí tuệ. Chỉ chưa thực
hiện được những tâm nguyện của mình.” “Lực bất tòng tâm,” “Mưu sự tại nhân,
thành sự tại thiên.” Có thể anh thành công, anh giàu có nhưng có dám đến cổng
quan lớn kêu oan cho bạn của mình bị oan sai, hay sợ người ta xịt chó đuổi
chạy. Anh có dám bỏ một ít tiền bạc cho quỹ “Gieo hạt giống cho đời” mà bạn anh
đang cần .Bỏ một vài đồng giúp người khó.
Là bạn thân trong những ngày Ly có
nhiều dự án lớn, tôi chưa tham gia một công việc nào. Có lần Ly mời tôi làm GĐ
dự án AVICOM, tôi cũng từ chối vì bận công việc; hơn nữa công việc ấy phải đầu
tư nhiều thời gian, sợ rằng sẽ mất bạn vì chỉ cần chênh nhau một vài quan điểm.
Tôi trân quí tình cảm và sự quí mến mà Ly dành cho tôi.
Ly mời tôi tham dự tất cả các buổi
họp, các cuộc hội thảo mà Ly tổ chức. Ly gởi cho tôi tất cả tài liệu, chương
trình dự án mà Ly có. Ly thường tâm sự với tôi nhiều điều riêng tư, khó khăn,
những lúc lên voi xuống chó, điều mà tôi trân trọng và quý mến Ly là Ly rất quý
và hiểu bạn. Lúc nào Ly cũng đau đáu trong lòng và ấp ủ . Nếu dự án thu đươc
lợi nhuận, Ly sẽ dành vài phần trăm tiền lãi để tôi và Ly triển khai quỷ “Gieo
hạt giống cho đời”, giúp cho quê hương
QT và các đồng môn CHSNH.
Tôi lấy chữ TÂM và chữ NHẪN để dẫn
đường và làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Những ngày Ly gặp hoạn nạn hay khó
khăn, ngay phút lâm chung, lúc hạ huyệt đều có tôi, đó là ơn đền nghĩa trả, đó
là tình bạn thiêng liêng, đó là thế thái nhân tình. Tôi đã làm tròn nghĩa vụ với bạn khi vẫy tay
chào Ly lần cuôi trước khi hạ huyệt.
Đám tang của Ly không cao sang,
hoành tráng nhưng có đầy đủ bà con, bạn bè, những người thương cảm Ly. Đặc biệt
3 con, dâu, rể cháu nội, cháu ngọai của Ly từ Mỹ về, từ Bảo Lộc xuống, có người
vợ trẻ khăn tang, áo chế chỉnh tề đưa tiễn. Có bài điếu văn của người anh ruột
nói hết tình thương mà bao lâu nay ấp ủ, tiếc nuối, chỉ một ước mơ nho nhỏ là
cả 4 anh em gặp nhau một lần mà chưa làm được. Cuối đời mà không có chỗ trở về.
Chú Hoàng Hữu Hạch đau thương trước cảnh “Tre già khóc măng non”, “Lá xanh rụng
xuống lá vàng trên cây”. Chú nghẹn ngáo đọc điếu văn, khóc thương đứa cháu ra
đi quá sớm, chưa hoàn thành ước nguyện của mình.
Anh Hoàng Kiều khởi nghiệp chỉ 5
cây vàng mà H.H. Ly trao, chắc chắn một điều là H.H. Ly sẽ tươi vui mãn nguyện
nơi chín suối, và chắc chắn một điều là anh H.Kiều sẽ giúp H.H. Ly hoàn thành
ước nguyện trả ơn đời, ơn người.
Saigon 22/7/2017
Bạn tri kỷ Võ Văn Cẩm