Cô Y Tá - T.T. Đại
Các trại cải tạo của tôi ở miền Bắc Việt-Nam
thuộc tỉnh Hoàng-liên-sơn đều được thiết lập sâu trong rừng già. Lý do là vì công tác chính của các cải tạo
viên là chặt giang (một loại tre rừng rất lớn) để làm giấy, mà giang chỉ có
trong rừng
già. Khi bước chân đến một trại
cải tạo mới nào, chúng tôi cũng được Cán bộ Trưởng Trại đón tiếp bằng câu: "Tội
các anh đều ‘đáng chết’ vì có ‘nợ máu’ với nhân dân, nhưng nhờ Đảng và Nhà Nước
Cách Mạng khoan hồng nhân đạo, nên cho các anh còn được sống đấy!” Câu nói này được các Cán bộ Quản giáo thường
xuyên nhắc lại. Mục đích để làm gì? Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì đối với một tội
phạm thì “tội chết” (tử hình) là tội nặng nhất, nên căn cứ vào đó thì dù Chính
sách của Đảng và Nhà Nước Cách Mạng có đối xử với tù binh cải tạo tồi tệ đến
đâu chăng nữa, thì so với “tội chết” vẫn còn là khoan hồng nhân đạo! Hơn nữa, Đảng lại còn huấn luyện được mội đội
ngũ Cán bộ luôn luôn thi hành Chính sách một cách nghiêm túc, không để tình cảm
cá nhân xen vào.
Tuy
nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, đó là có cán bộ đã dám nương nhẹ tay
khi áp dụng chính sách của cấp trên trao phó.
Ở đây tôi muốn nói đến một cán bộ cấp nhỏ ở trại cải tạo của tôi ở tỉnh
Hoàng-liên-sơn vào năm 1978. Đó là cô y
tá ở trại này. Cô chỉ là loại y tá sơ đẳng,
giống như y tá nông thôn ở miền Nam, chỉ được học chuyên môn chừng ba tháng,
nghĩa là chỉ biết điều trị những bệnh thông thường như cảm sốt, nhức đầu, đau bụng…
và biết chích và băng bó sơ qua thôi.
Cô tên
là Nữ, tôi không biết họ cô là gì, thuộc dân tộc thiểu số Mường, chừng khoảng
25 tuổi. Cô là một phụ nữ độc nhất trong
trại cải tạo gồm hơn 600 cải tạo viên và khoảng chừng 30 cán bộ tham mưu, cán bộ
quản giáo và bộ đội bảo vệ.
Đáng lẽ
cô phải được mọi người chú ý, nhưng không, dường như ai cũng lơ là đối với
cô. Lý do là vì cô sinh ra đời với một
ngôi sao xấu, nghĩa là nhan sắc cô quá tầm thường. Nước da cô nâu xậm, đôi môi thâm dầy, khi cười
thì để lộ ra hai cái răng cửa to quá khổ, che lấp các răng khác. Răng cô mầu nâu lợt, có lẽ có thời cô nhuộm
răng đen, nhưng khi gia nhập bộ đội thì không có cơ hội nhuộm răng nữa, lại
cũng không có thuốc tẩy trắng răng. Tóc
cô thuộc loại tóc rễ tre, cứng và rất khó chải cho mượt. Mình cô mặc bộ đồ kaki bộ đội, phát sao mặc vậy,
nghĩa là chẳng có sửa cho bó sát vào thân hình.
Chân cô đi đôi dép lốp, để lộ hai ngón chân cái to tướng, hướng vào nhau
như giống người Giao-chỉ thủa xưa. Gót
chân cô thì nứt nẻ, có lẽ do đi bộ nhiều.
Cô không có dáng yểu điệu của một thiếu nữ thời son trẻ, vì cô sinh ra ở
bộ lạc Mường nên ngay từ mhỏ đã phải lội suối băng rừng, nếp sống đó đã tạo cho
cô một thân thể lực lưỡng khác thường.
Đó là những yếu tố không hợp với nhãn quan của đàn ông, nên họ đều lơ là
đối với cô.
Tên cô
là Nữ, nhưng một số các cán bộ miền Bắc nói ngọng nên gọi cô là “Lữ”. Cô chấn chỉnh họ:” Tên tôi là Nữ sao lại đổi
thành “Lữ” hả? Họ cười lớn và trả lời:”
Gọi tên thế nào hiểu được thì thôi, có đẹp đẽ duyên dáng gì mà làm bộ làm tịch
như thế!” Cô yên lặng không trả lời, có
lẽ cảm thấy xót xa cay đắng lắm, vì bất cứ vấn đề gì, họ cũng đem cái diện mạo
xấu xí của cô ra mà châm biếm!
Đối với
các cải tạo viên thì lúc đầu cũng không có cảm tình đối với cô. Lúc buổi tối chuyện trò với nhau trong lán,
có anh cải tạo nói:
_Con mụ
đó có cho không, tao cũng không nhận!
_Nếu gặp
con đó ở giữa rừng, có lẽ tao cũng co giò mà chạy cho thoát thân! Một anh khác thêm vào.
Tôi cố gắng
can thiệp :” Nhan sắc phụ nữ là thứ Trời cho, chẳng may cô có một diện mạo xấu
xí, thì đáng thương hại hơn là chê bai ruồng rẫy như vậy! Một anh lên tiếng :” Nhưng cô ta lại còn khó
khăn, bệnh nặng đến mấy cũng không cho nghỉ lao động!”
Tôi cố
bào chữa cho cô một lần nữa :” Đó là lệnh của Trưởng Trại, vì chỉ tiêu mỗi cải
tạo viên là 40 cây giang, mỗi cây trị giá 4 hào, vị chi là 16 đồng, khẩu phần mỗi
cải tạo viên là 2 hào một ngày, nếu cho nghỉ thì lấy gì mà bù vào số tiền sai
biệt 15 đồng 8 hào!
Thêm một
anh nữa chất vấn rằng :” Tại sao mỗi lần cải tạo viên đến khám bệnh, con mụ đó
bắt anh em chúng ta phải đứng nghiêm
cách xa ba bước rồi khai bệnh. Nếu không
có ống nghe bệnh, thì cũng phải thò tay ra bắt mạch chứ, đằng này không, dường
như nó sợ đụng chạm vào người bệnh nhân!”
Câu chê
trách này khiến tôi không thể bênh vực được, nhưng tôi nghĩ có thể có uẩn khúc
gì đây!
Còn về
thuốc men cô cấp phát thì anh em cũng phiền trách dữ lắm :
_Cảm sốt
ư ? Cô gói cho ba viên “xuyên tâm liên”!
_Đau bụng
ư ? Cũng ba viên xuyên tâm liên !
_Ngộ độc
ói mửa vì cải thiện bậy bạ ư ? Cũng xuyên tâm liên !
Điều này
cũng không thể kết án cô được vì cấp trên chỉ cấp cho cô một thứ thuốc độc nhất
là xuyên tâm liên để trị bệnh cho cải tạo viên.
Tôi còn
nhớ một đêm tôi bị cảm sốt không ngủ được nên sáng sớm tôi xin khám bệnh. Cùng khám bệnh với tôi hôm đó là Bác sĩ Thiếu
tá Long. Anh bị đau bụng tiêu chảy cả chục
lần trong đêm. Tôi nhường anh khám trước
vì anh bệnh nặng hơn tôi. Anh đứng
nghiêm cách ba bước theo qui định và lên tiếng :” Tôi bị tiêu chảy cả đêm nên mất
sức lắm!”
“Tiêu chảy
là cái gì ? Cô y tá hỏi vì cô không hiểu tiếng miền Nam. Tôi vội lên tiếng thông dịch :” Tiêu chảy là
‘đi tháo dạ ‘đó cô !”
Cô gói
cho anh Long ba viên xuyên tâm liên. Anh
cầm lấy rồi phàn nàn rằng :” Tôi đã học Y khoa ở Sài-gòn bảy năm, lại đi tu
nghiệp một năm ở Hoa-kỳ, thêm kinh nghiệm sáu năm chữa bệnh trong các bệnh viện
dã chiến, tôi chưa thấy thuốc nào chữa được bách bệnh như xuyên tâm liên của
cô!”
Phản ứng
tức thời của cô Nữ là giật phắt gói thuốc trên tay anh Long lại và nói :” Không
lấy thì thôi, còn lý sự nữa!”
Anh Long
bèn xuống nước nói :” Nếu không cho thuốc thì xin cô cho phép tôi nghỉ lao động
hôm nay vì tiêu chảy suốt đêm nên sức yếu lắm !”
Cô đáp
:” Còn lý luận được là còn đủ sức lao động ! Đi làm !!!”
Anh buồn
bã đi ra sân tập họp với các bạn để sửa soạn đi lao động.
Đến
phiên tôi khai bệnh, tôi nói vắn tắt là bị cảm sốt. Cô gói cho tôi ba viên xuyên tâm liên. Tôi cầm lấy và để tỏ thái độ bất bình của tôi
đối với cử chỉ vừa rồi của cô với Bác sĩ Long, tôi quay ngoắt đi thẳng ra sân tập
họp đi lao động !
Cô gọi
tôi lại và hỏi rằng :”Sao anh không xin phép nghỉ ?” Tôi đáp :”Anh Long bị bệnh nặng hơn tôi nhiều,
thế mà cô còn không cho nghỉ, thì tôi xin làm gì cho mất thời giờ !”
Có lẽ hối
hận vì cử chỉ sống sượng với anh Long nên cô nói :”Thôi được, tôi cho anh nghỉ
hôm nay, nhưng khi bớt sốt thì anh giúp dọn dẹp phòng khám bệnh này nhé !”
Tôi
không ngờ sự “hờn mát” của tôi mà lại có hiệu quả tốt như thế, nên nhận lời
ngay !
Cô rót
cho tôi một cốc nước vối để uống thuốc, rồi chỉ vào cái chõng (giường nhỏ bằng
tre) ở góc phòng và nói :” Uống thuốc rồi nằm nghỉ ở đó, khi nào đỡ sốt thì hãy
dọn dẹp”.
Thuốc
xuyên tâm liên là loại thuốc tễ, làm bằng thảo mộc, viên đen xì, chỉ có công hiệu
về cảm sốt thôi, nên đúng bệnh của tôi.
Uống thuốc vào, tôi ngủ một giấc cho đến 2 giờ chiều mới thức dậy!
Thấy cô
Nữ đang ngồi ở bàn, tôi hỏi :” Sao cô không đánh thức tôi dậy?”
“Thấy
anh ngủ ngon nên tôi để yên cho anh lấy lại sức.” Cô đáp.
Tôi lấy
chổi quét dọn phòng khám bệnh, rồi sắp xếp các vật dụng cho có ngăn nắp. Thấy hôm nay cô dễ dãi nên tôi bạo miệng chất
vấn cô rằng :” Tại sao mỗi lúc khám bệnh, cô đều bắt anh em cải tạo chúng tôi đứng
nghiêm chỉnh cách cô ba bước, như thế nghĩa là thế nào?”.
Cô đáp
ngay :”Vì ngụy quân các anh là các thành phần nguy hiểm!”
“Nguy hiểm
ra sao? Xin cô cho biết?” Tôi hỏi tiếp.
Cô nói dằn từng tiếng :”Nghĩa là ngụy quân các
anh đã ăn gan uống máu các chiến sĩ Cách mạng mỗi khi họ bị bắt, anh đã rõ
chưa?”
“Nhưng
chính mắt cô có được thấy như thế không?”
Tôi thắc mắc.
Cô đáp
:”Tuy tôi không được chính mắt nhìn thấy cảnh này, nhưng tôi được học tập và
trong buổi học tập có nhân chứng là một chiến sĩ Cách mạng đã vượt Trường-sơn
vào giải phóng miền Nam. Anh chiến sĩ đã
kể lại rằng trong một trận chiến thắng được một đồn của ngụy quân ở vùng Vàm Cỏ
Đông, anh vội vàng vào giải cứu các chiến sĩ Cách mạng đã bị bắt mấy tuần trước
và bị giam ở đồn này. Nhưng đến lúc tìm
gặp được thì hỡi ơi, họ chỉ còn là những xác chết và xác nào cũng giống nhau,
nghĩa là bị mổ bụng lấy mất lá gan, và cổ còn in những vết răng, chứng tỏ các
anh ấy bị hút máu trước khi chết. Như thế
ngụy quân các anh còn chối nữa sao?”
Tôi nói
với giọng chua xót :” Đấy chỉ là luận điệu tuyên truyền. Nếu đúng như vậy thì tại sao trong lúc học tập
cải tạo đói khổ như thế này, chúng tôi không “ăn thịt” lẫn nhau mà còn, như cô
thấy đấy, nhường nhau từng miếng sắn, chặt giúp cho nhau từng cây giang để đỡ
cho những người đau yếu!
Cô yên lặng
không trả lời vì những lời tôi nói, cô đã được mục kích tận mắt!!! Từ đó trở đi, cô đã đổi hẳn thái độ, không
còn bắt anh em cải tạo mỗi khi khám bệnh phải đứng nghiêm cách cô ba bước nữa,
mà cô còn sờ trán, bắt mạch để định bệnh.
Chính bản thân cô còn vào sâu trong rừng để tìm một số lá cây, rễ cây có
tính chất dược thảo theo kinh nghiệm của cô, để phụ với xuyên tâm liên trong việc
trị bệnh cho cải tạo viên.
Những loại
lá rừng này nhiều khi rất hiệu nghiệm trong việc chữa trị như trường hợp bị “vắt”
cắn. Vắt là một loại đỉa rừng sống trên
cây, chỉ bằng phân nửa đỉa ruộng. Mỗi
khi ngửi thấy hơi người đi qua là nó buông mình rơi xuống bám vào thân thể người
ta, nhưng không hút máu ngay, mà chui vào chỗ nào ấm nhất như háng, nách hay bụng
rồi mới hút máu. Đặc điểm của vắt rừng
khác với đỉa ruộng là khi hút máu xong, vết thương vẫn tiếp tục rỉ máu.
Cô Nữ đã
biểu diễn việc chữa trị các vết thương rỉ máu này bằng cách cô lấy một nắm lá
mà cô gọi là “lá tầu bay”, cô nhai nát rồi “nhổ toẹt” vào lòng bàn tay cô, rồi
cô nhón lấy từng chút một, chia cho các cải tạo viên và chỉ cho họ đắp vào các
vết bị vắt cắn. Thật là thần diệu, máu cầm
lại tức thì!
Cô còn lấy
một số “lá tầu bay” còn tươi giơ ra cho mọi người nhận biết và nói rằng :”Chỗ
nào có xuất hiện vắt, thì chỉ trong vòng 10 thước, thế nào cũng có loại “lá tầu bay” này. Các anh cứ việc tự hái lấy, nhai nát rồi đắp
vào chỗ vắt cắn là cầm máu ngay, đừng có đợi đến chiều tối về Trại xin khám bệnh,
thì máu chảy quá nhiều, mất sức lắm!”.
Thật đúng là “Trời sinh, Trời dưỡng”.
Khi Trời đã để một tai biến xảy đến với con người, thì thế nào Trời cũng
sinh ra cách trị liệu, chỉ tiếc rằng con người không biết đến mà thôi!
Cô còn nhờ
những cán bộ đi phép mua giùm cô củ gừng, củ nghệ, cây lá lốt, tía tô, kinh giới…
để cô trồng thành một vườn thuốc nhỏ do chính cô chăm sóc. Chẳng bao lâu cô tạo được cả một tủ thuốc thảo
mộc. Ngoài thuốc xuyên tâm liên được cấp
phát để trị cảm sốt, còn các bệnh khác như đau bụng, tiêu chảy, ho, nhức đầu,
ghẻ lở, đau mình… cô đều có thuốc tự chế để điều trị cả!
Đúng là
cô vừa đóng vai một người thầy thuốc (physician), vừa đóng vai một nhà bào chế
thuốc (pharmacist) để lo chữa trị cho hơn 600 cải tạo viên chúng tôi! Đáng lẽ công tác này phải có chừng cả chục
người : Bác sĩ, dược sĩ, y tá mới đảm đương nổi, mà nay chỉ có một mình cô đơn
độc gánh vác !!!
Chúng
tôi phục cô quá và đổi hẳn thái độ đối với cô.
Ai nấy đều tỏ ra kính cẩn và biết ơn cô.
Gặp cô ở
đâu, mọi người đều chào hỏi lễ phép:” Chào cô Nữ, cô vẫn được mạnh giỏi chứ!”
Cô niềm
nở đáp lại :” Vẫn được bình thường, còn các anh thì sao?”
Đó là một
niềm an ủi lớn lao đối với chúng tôi trong suốt thời gian cải tạo, thiếu thốn đủ
mọi điều!
Ngoài những thiếu thốn về vật chất như đói kém, chẳng
bao giờ được ăn đủ no, mà khẩu phần chỉ có sắn với mắm chược ( một loại mắm cá
thối), chỉ có ngày mồng một Tết Nguyên Đán mới được ăn cơm; chúng tôi còn có những
thiếu thốn về tinh thần như xa gia đình, xa những người thân thích. Sống ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, hàng ngày chỉ
làm bạn với rừng già và Quản giáo, chỉ nghe được những tiếng “khỉ ho, cò gáy”,
mà không hề nhận được tin tức gì về xã hội bên ngoài. Chúng tôi trở nên đói khát cả tin tức nữa,
thèm khát tin đến nỗi hàng đêm chúng tôi phải đem những giấy gói thuốc “xuyên
tâm liên” của cô y tá đến chỗ ngọn đèn dầu lạc lờ mờ ở cuối lán, cố ghép lại với
nhau với hy vọng là thấy được tin tức gì ở bên ngoài. Nhưng những mảnh giấy gói thuốc này vốn cắt
ra từ tờ báo, chỉ to bằng nửa bàn tay, lại “đầu Ngô, mình Sở” chẳng ăn nhập gì
với nhau cả, vì cô y tá phụ trách khám bệnh cho tới 10 đội, nên mỗi đội chỉ nhận
được vài ba gói thuốc mà thôi, may lắm thì được vài tin tức như quảng cáo, thi
đua, anh hùng lao động, chẳng liên quan gì đến mình cả, nhưng vẫn ráng đọc để
cho đỡ nhớ mặt chữ! Mang tiếng là Học tập
cải tạo mà có bao giờ thấy được sách báo gì đâu, chỉ toàn là lao động chân tay
thôi! Nghĩ lại ngày xưa, thời còn Chính
quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, sách báo tràn ngập, mình chỉ chọn những
sách báo hay mới đọc, còn không thì liệng đi.
Bây giờ cảnh ấy chỉ còn thấy trong giấc mơ thôi!
Một hôm
tôi bị đau răng. Số là chiếc răng khôn
(wisdom tooth) ở hàm dưới của tôi lại mọc trong thời gian tôi cải tạo, mà nó lại
mọc bất thường, nghĩa là mọc vào chỗ chiếc răng hàm kế bên và đội chiếc răng
hàm này lên, khiến mặt tôi sưng húp! Tôi
cầu cứu đến cô y tá Nữ. Cô không có kinh
nghiệm về việc làm của nha sĩ, nên cô đề nghị nhổ. Tôi đành phải chấp nhận giải pháp này vì đau
quá không chịu nổi!
Cô lấy sợi
chỉ chập đôi lại, rồi cột vào chân chiếc răng khôn đang mọc nửa chừng của
tôi. Cô bảo tôi nhắm mắt lại, rồi cô giật
mạnh. Sức cô quá mạnh, nên không những
làm chiếc răng khôn tung ra, mà còn kéo theo cả chiếc răng hàm kế cận ra khỏi
miệng, đồng thời máu cũng tuôn vọt ra đầy miệng. Cô vội vàng lấy chiếc khăn tay trắng của cô
đưa cho tôi để đắp vào vết răng vừa nhổ và cấp tốc đi tìm phương tiện cầm
máu. Một lát sau cô mang lại một mớ thuốc
lào và đắp vào vết thương của tôi. Chừng
10 phút thì máu cầm lại. Tôi đem chiếc
khăn tay đầy máu ra ngoài chum nước mưa để giặt. Nhưng vì không có xà bông nên giặt không sao
sạch được! Tôi đem trao lại chiếc khăn
còn vết máu và nói :”Xin lỗi cô, vì thiếu xà bông nên không sạch được!” Cô cười đáp :” Xà phòng là một thứ xa xỉ phẩm
nên ở đây không có, ở quê tôi họ dùng quả “bồ hòn” thay cho xà phòng cũng tốt lắm! Thôi giữ nguyên cái khăn này để làm kỷ niệm lần
đầu tiên tôi đóng vai trò nha sĩ đấy!”
Một buổi
chiều khi chặt giang về, Quản giáo ra lệnh tập họp điểm danh thì thấy thiếu anh
Bác sĩ Long. Anh Long có tính thích lao
động một mình. Nhóm gồm ba Bác sĩ Phát,
Tâm và Lộc có mời anh gia nhập nhưng anh từ chối. Nhóm tôi cũng mời anh, nhưng anh cũng không
nhận lời. Tôi có nói với anh rằng :”Lao
động chặt giang trong rừng già này cần phải gia nhập nhóm vì ngộ lỡ có tai nạn
xảy ra thì còn có người giúp đỡ”. Nhưng
anh đáp :” Sống chết đều có số Trời, nếu đến ngày tận số thì có gia nhập đến ba
nhóm cũng thế thôi!
Anh Đại
uý Khương báo cáo :” Buổi trưa tôi còn thấy anh Long chặt giang ở sườn núi phía
trái suối nước.”
Quản
giáo ra lệnh cho anh Khương và tôi trở lại tìm kiếm. Sau chừng nửa giờ xục xạo ở sườn núi phía
trái, chúng tôi kiếm được anh Long. Anh
đã ngất đi, mặt tái xanh. Kiểm soát thì
thấy chân phải anh bị sưng lên vì một vết rắn cắn. Chúng tôi cấp tốc khiêng anh về Trại. Quản giáo chỉ thị chúng tôi khiêng anh lên
phòng cô y tá Nữ. Bắt mạch thấy nhịp tim
rất yếu, cô biết tình trạng nguy kịch, nên nói với anh bộ đội bảo vệ :” Anh
mang súng theo tôi vào rừng để kiếm “lá kỵ rắn” thì mới có thể cứu được!” Anh bộ đội từ chối phắt ngay :” Buổi tối mà
vào rừng già thì chỉ làm mồi cho thú dữ thôi!
Nếu là chiến sĩ Cách mạng thì tôi sẵn sàng đi với cô. Đằng này là một tên tù ngụy quân mà cô lại bảo
tôi hy sinh tính mạng cho nó sao!”
Thấy nhờ
không được, túng thế, cô bèn nói với tôi :” Anh đi với tôi được không?” Tôi đáp :” Sẵn sàng, nhưng cô phải xin phép
chú Quản giáo của tôi trước đã.” Cô nói
với Quản giáo, lúc đầu chú còn ngần ngừ nhưng vì thấy tình trạng nguy kịch của
anh Long nên chú đồng ý. Cô bèn thắp
sáng chiếc “đèn bão” và đưa cho tôi cầm, còn cô thì xách con “dao quắm” chặt
giang của tôi. Tôi vội nói :” Cô cầm đèn
đi, để tôi cầm dao quắm cho, lỡ có gì nguy hiểm xảy ra thì tôi còn bảo vệ cô chứ!” Cô đáp :” Anh yếu đuối như thế này thì bảo vệ
bản thân anh cũng không xong, còn nói bảo vệ ai nữa!” Nhìn thân hình vạm vỡ của cô, tôi thấy cô nói
đúng.
Chúng
tôi đi thẳng vào trong rừng. Cô không đi
theo đường mòn mà đi vào những bụi rậm với lý do là nơi nào có rắn sinh sống
thì nơi ấy hay có “lá kỵ rắn”. Lùng sục
chừng một tiếng đồng hồ mà cô không tìm ra lá kỵ rắn. Bỗng nhiên có tiếng động ở phía trước, dưới
ánh đèn bão, tôi thấy xuất hiện một con lợn rừng đồ sộ chừng hơn 200 ký xông thẳng
đến phía chúng tôi. Tôi hoảng sợ định bỏ
chạy, nhưng lúc đầu lỡ nói cứng là bảo vệ cô, mà nay lại chạy thì còn ra thể thống
nào nữa! Đang lúc tôi còn đang lưỡng lự,
thì bỗng thấy cô Nữ lao thẳng về phía trước, tay vung dao quắm, miệng thì hét
lên. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng
hét của cô vang dậy cả núi rừng, khiến cho con lợn rừng chưa giao chiến mà đã
chạy rồi! Cô quay lại nhìn tôi, thấy tay
tôi cầm đèn còn run, khiến ánh sáng chao đảo. Cô trấn an :” Nó chạy rồi, đừng sợ nữa!” Tôi đáp :” Tôi sợ cả tiếng hét của cô nữa!”. Đi chừng nửa giờ nữa, cô kiếm được lá kỵ rắn. Cô hái một mớ lá, rồi chúng tôi cấp tốc trở về
trại. Về đến nơi, một phần lá kỵ rắn cô
bỏ vào miệng nhai nát, rồi đắp lên chỗ rắn cắn của anh Long; phần còn lại, cô
cho vào nồi sắc lấy nước. Chừng nửa giờ
sau, thuốc nấu xong, tôi cậy miệng anh Long để cô đổ từ từ từng chút một vào miệng
ảnh.
Nhờ
trong uống ngoài thoa, nên chỉ chừng một giờ sau, tôi thấy tay Bác sĩ Long cử động,
rồi mắt từ từ mở ra. Tôi nói nhỏ vào tai
anh :” Cô Nữ đã cứu sống anh đó!” Anh
chưa nói được, nhưng gật đầu tỏ vẻ cảm động lắm!
Ngay
sáng sớm, tôi vội đi báo với Quản giáo là chúng tôi đã cứu sống được Bác sĩ
Long. Chú Quản giáo khen ngợi tài chữa bệnh
của cô Nữ, nhưng đối với tôi thì chú ra lệnh xếp hàng vào đội của tôi để sửa soạn
đi lao động. Cô Nữ vội vàng can thiệp :”
Cả đêm anh ấy với tôi, lúc thì đi tìm lá kỵ rắn, lúc thì lo chữa trị cho anh
Long, có chợp mắt được chút nào đâu, nhờ đồng chí cho anh ấy được nghỉ lao động
hôm nay.” Nhưng Quản giáo nhất định giữ
nguyên lập trường :” Đây là anh ấy tự nguyện giúp anh Long, chứ tôi có ép buộc
gì đâu! Phải đi làm vì không có ai chặt
giang thế cho anh ấy cả!”. Thế là tôi vẫn
phải đi lao động, mặc dầu cô Nữ đã hết lòng xin.
Mùa hè
năm 1978, thời tiết rất nóng, một tai họa lại xảy đến với trại cải tạo của
chúng tôi. Đó là một số anh em cải tạo
viên bị mắc bệnh sốt rét rừng. Đây là một
loại sốt rét cấp tính, mỗi ngày lên ba cữ sốt nóng rồi rét run, và chỉ chừng ba
tuần lễ sau là “lên đồi”, tiếng riêng của chúng tôi để chỉ việc đem đi
chôn. Có một thủ tục ở trại cải tạo là
không bao giờ để xác chết ở trong trại qúa
một ngày. Nếu chết ban ngày thì
ngay nửa đêm hôm đó là phải đem đi chôn.
Đám tang tù cải tạo thật là thiểu não.
Thi thể người chết chỉ có một cái quần đùi và một cái áo mong manh. Không có quan tài, đến chiếu để bó xác chết
cũng không có nữa. Dưới ánh đèn bão chập
chờn, thi thể được cho vào một cái võng để khiêng đi. Theo lệnh cán bộ chỉ huy đám tang thì không được
chôn ở dưới thung lũng mà phải lên trên sườn núi mà đào huyệt. Vì đất ở sườn
núi lẫn với đá nên rất khó đào. Huyệt mới
đào chưa đầy một thước thì cán bộ đã ra lệnh cho vùi thi thể xuống và lấp đất lại. Chúng tôi có đóng một cái cọc để đánh dấu mộ
phần, nhưng chỉ vài ngày sau đi lao động ngang qua thì thấy vung vãi chung
quanh vài mảnh quần áo của người quá cố.
Thì ra đêm đến, heo rừng đã đánh hơi được xác chết nên đã đào lên để
ăn. Thế cũng xong một kiếp người!
Cô y tá
có trình với Trưởng Trại để xin thuốc ký ninh (quinine) trị bệnh sốt rét. Mặc dù Trưởng Trại có làm văn thư xin, nhưng
không được cấp phát vì thời gian năm 1978 xảy ra cuộc chiến tranh với nước Cộng
sản láng giềng Campuchia ở miền Nam nên mọi việc đều phải ưu tiên cho cuộc chiến
này.
Bệnh sốt
rét là một bệnh có thể trị được, nhưng vì không có thuốc ký ninh, nên cải tạo
viên nào mắc phải là coi như lãnh án tử hình.
Thật
không may cho tôi, chính tôi lại bị bệnh sốt rét rừng này! Một ngày lên ba cữ sốt nóng rồi sau đó lại rét
run, nên chỉ chừng một tuần sau là tôi chỉ còn da bọc xương. Tôi không buồn về việc mắc bệnh nan y này, mà
coi đây là một sự giải thoát khỏi kiếp tù đầy!
Tôi dặn dò ba anh bạn thân cùng tổ gồm Đại uý Khương, Thiếu tá Thiệt và
Trung tá Bách là khi tôi chết thì chỉ cần mặc cho tôi cái quần đùi và chiếc áo
may-ô, còn quần áo còn lại thì chia cho ba người. Ba anh chỉ nhìn tôi mà ngậm ngùi gạt nước mắt
vì các anh đều bất lực trước bệnh sốt rét!
Các anh chỉ biết đỡ tôi lên phòng y tế và khẩn khoản xin cô y tá chữa
giùm. Nhưng không có thuốc ký ninh thì
cô cũng bó tay chịu thua, như cô đã bó tay đối với hơn 30 cải tạo viên trong trại
đã ra đi vì bệnh sốt rét này! Cô cho biết
ở Khu Tư ( Thanh-hóa), là nơi cô sinh trưởng, có loại ớt rừng đặc biệt, tuy rất
hiếm, có thể chữa trị được bệnh sốt rét, nhưng ở đây, cô đã khổ công đi tìm mà
không thấy! Nhưng cô cũng an ủi tôi là
cô sẽ cố công đi sâu vào những nơi hiểm hóc trong rừng già, may ra kiếm được
chăng?
Cô Nữ
săn sóc tôi rất tận tâm, hàng ngày cô lấy nửa phần cơm của cô hòa với nước, và
nấu cháo cho tôi ăn. Ngửi mùi cháo, tôi
thèm lắm, nhưng chỉ ăn được vài muỗng là tôi lại ói ra. Hàng ngày sau khi đi lao động về, ba anh bạn
thân cùng tổ lại lên thăm tôi. Nhìn sắc
diện tôi ngày một kiệt lực, các anh không ngăn được nước mắt!
Chừng một
tuần lễ sau, một buổi tối, vào khoảng 9 giờ, tôi lên cơn sốt nặng chừng hơn 40
độ C, cô Nữ cuống lên, chỉ biết lấy khăn ướt mà lau mặt cho tôi để hạ nhiệt. Bỗng cô đứng lên và nói lớn :” Tôi phải cố
công ngay bây giờ, tìm cho được cây ớt rừng mới thôi!” Tôi vội vàng ngăn lại :” Ban ngày cả mấy tuần
nay, cô đã đi tìm mà có thấy đâu! Nay
đang đêm mà cô đi một mình vào rừng sâu thì nguy hiểm lắm!” Cô đáp :” Tôi nghĩ rằng, Trời thấy tôi hết
lòng, chắc chẳng nỡ phụ tôi đâu!” Thế là
cô thắp sáng cây đèn bão và một tay cầm dao quắm, một tay cầm đèn rời khỏi
phòng khám bệnh. Tôi vội vã la lớn lên
:” Đừng đi, cô Nữ ơi! Nguy hiểm lắm!”.
Nhưng ý cô đã quyết nên đi thẳng luôn.
Tôi vội vã ngồi dậy, định chạy giữ cô lại, nhưng mới đi được một bước
thì tôi quỵ xuống vì kiệt lực, không còn đi nổi nữa! Tôi đành phải bò lại cái chõng tre, rồi nằm
chờ đợi cô về.
Rồi thời
gian cứ lặng lẽ trôi qua. Tôi nhìn chiếc
đồng hồ nhỏ ở trên bàn, đã mười hai giờ đêm mà không thấy cô trở về, một giờ
sáng cũng không thấy nữa. Tôi tự nhủ thầm
:” Nếu cô có mệnh hệ gì thì thật là ân hận cho tôi! Mạng tôi đã an bài rồi, sao cô lại phải liều
lĩnh như thế!”. Ba giờ sáng cũng không
thấy cô trở về nữa, khiến tôi càng lo sợ thêm cho số phận cô. Đến bốn giờ sáng thì thấy tiếng động ở cửa và
cô Nữ hiện ra!
” Ối Giời
ơi! Cô đã trở về!” Tôi kêu lên mừng rỡ!
Nhìn cô
quần áo rách tả tơi, đầu tóc rối bù, mặt và hai tay bị gai rừng đâm làm rướm
máu.
“ Cô
không bị thương chứ!” Tôi hỏi.
Cô giơ
cao một bó rễ cây và nói :” Không sao!
Đúng là Trời không phụ tôi nên tôi đã kiếm được một bụi ớt rừng rồi và
đào lấy một mớ rễ. Cả một bụi ớt lớn, ở
trong hang đá cách đây chừng hơn 10 cây số.
Tôi đã ghi dấu để sau này đi lấy tiếp”.
Cô chẳng
nghỉ ngơi gì cả, đi thẳng ra chum nước mưa để rửa rễ ớt và cho vào nồi để sắc
thuốc. Chừng hơn một giờ sau, cô đem bát
thuốc rễ ớt rừng cho tôi uống.
Cô nói
:” Cố uống thật nóng và uống thật từ từ để tránh bị mửa ra!”. Uống xong bát thuốc, mồ hôi tôi vã ra như tắm.
Tiếp đó,
cứ một ngày tôi uống bốn bát thuốc sắc rễ ớt rừng. Cơn bệnh sốt rét rừng của tôi từ từ bớt. Đang một ngày lên ba cữ sốt nóng rồi rét run,
nay rút xuống hai cữ một ngày, rồi một cữ một ngày. Nhưng phải hơn một tháng, tôi mới dứt được
căn bệnh sốt rét, vì rễ ớt rừng không công hiệu mạnh như thuốc ký ninh. Cô Nữ mừng lắm, vì không những cô cứu được mạng
sống cho tôi, mà từ đó các cải tạo viên nào bị sốt rét, cô cũng đều cứu được cả.
Nhưng
riêng tôi thì tôi cứ nghĩ mạng sống con người là do số Trời đã định, dù có muốn
chết cũng không được và lúc này tôi cảm thấy thấm thía câu thơ trong truyện Kiều
:
_”Người
dù muốn chết, Trời nào đã cho.”
Ngay khi
được tin tôi đỡ được bệnh sốt rét, thì một buổi sáng đẹp trời, chú Quản giáo đến
gặp tôi ở phòng khám bệnh. Chú nói với
cô Nữ :” Tên này gần hai tháng nay vẫn ngày hai bữa sắn mà chẳng lao động sản
xuất được gì cả! Đúng là tên “ăn hại đái
nát”, ngày mai hắn phải trở lại đội của tôi để đi lao động chặt giang”.
Cô Nữ
ngăn lại :” Anh ta bị bệnh sốt rét, chứ có phải lười biếng gì đâu! Nay mới dứt bệnh, nhưng còn yếu lắm, chưa có
thể lao động nặng được đâu!”
_” Tôi
đã quyết định, hắn phải đi lao động sản xuất ngay ngày mai!”. Chú quản giáo ra lệnh.
Cô Nữ
đáp :”Nếu làm theo ý đồng chí thì chỉ
vài tuần sau, đồng chí lại mất công đi chôn anh ấy thôi!”.
_”Thế
thì cô tính sao?” Chú Quản giáo hỏi.
Cô Nữ đề
nghị :” Nếu đồng chí đồng ý, tôi sẽ lên nói với Thủ trưởng cho anh ta tạm thời
làm việc ở đội rau xanh. Chừng một tháng
khi bình phục hẳn thì sẽ trở lại đội của đồng chí”.
Chú Quản
giáo hằn học nói :” Thôi thế cũng được!”.
Thế là
sau đó tôi được gia nhập đội rau xanh. Đội
này gồm có 15 người gồm 9 ông Đại tá già và 6 người còn lại cũng đều ốm yếu cả. Nhiệm vụ của đội này là chăm sóc vườn rau
xanh của trại. Trông coi đội này là một
chú Quản giáo “non choẹt”, khoảng chừng 20 tuổi, nhưng rất lắm điều!
Mỗi buổi
sáng, chúng tôi phải gánh phân và nước tiểu từ 10 lán cải tạo viên và 2 lán cán
bộ đem ra suối để pha chế. Phân này được
chú Quản giáo gọi là “phân bắc”, phải được pha chế đều với nước suối để đem đi
tưới rau. Tôi gánh hai thùng phân ra tới
suối, múc nước đổ vào rồi dùng chiếc gáo dừa để khuấy cho đều. Sau đó gánh phân đến vườn rau trong trại để
tưới. Tưới rau xong thì phải xới đất và
nhổ cỏ cho đến trưa. “Phân bắc” rất tốt
cho rau xanh. Nhìn những luống rau muống
xanh biếc, những luống rau dền đỏ tía, những giàn mồng tơi xanh rờn, những giàn
mướp nặng chĩu quả, chúng tôi thèm lắm, nhưng đâu có được ăn vì tất cả phải
dành cho Cán bộ. Tôi còn nhớ một hôm
giàn mồng tơi bị hái đi vài đọt do ai đó “cải thiện”, chú Quản giáo giận lắm, họp
cả đội rau xanh lại để tìm thủ phạm. Sau
cả tiếng đồng hồ kiểm thảo mà không kiếm ra thủ phạm, chú Quản giáo đi đến kết
luận :” Một con sâu làm rầu nồi canh” và chú dùng biện pháp trừng phạt cả đội bằng
cách bắt chúng tôi nhịn ăn bữa sắn buổi chiều.
Đêm đó cả đội đói meo, chúng tôi cằn nhằn lẫn nhau và quyết định từ đây
về sau tất cả phải khắc phục sự thèm muốn để tránh tai hoạ cho cả đội.
Mỗi buổi
trưa, cả đội được dừng tay nghỉ chừng nửa giờ để ăn sắn. Tôi xin phép chú Quản giáo cho ra suối rửa
tay. Chú từ chối ngay :” Không được! Phải
tranh thủ thời gian!” Tôi thấy một bác Đại
tá già ra hiệu cho tôi, bác lấy tay chùi vào đám cỏ để chỉ cho tôi đó là cách
làm vệ sinh trước khi ăn trưa. Tôi làm
theo, đúng là “ nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. Khác với đội chặt giang của tôi, tuy có nặng
nhọc thật, làm việc “ chảy mồ hôi, sôi nước mắt”, nhưng được cái tự do. Chỉ khi nào chặt đủ chỉ tiêu 40 cây giang một
ngày mới phải về trình Quản giáo để được “nhiệm thu”. Đằng này ở đội rau xanh, chú Quản giáo “non
choẹt” này luôn luôn ở kè kè bên cạnh, chửi mắng hạch sách đủ điều. Tôi thấy các bác Đại tá đều giữ thái độ im lặng
và đôi khi thở dài về hành động của chú Quản giáo quái ác này! Tôi biết các bác Đại tá này, bác thì từng làm
Trung đoàn trưởng, điều hành cả ngàn
binh sĩ trong tay, “ hét ra lửa, mửa ra khói” một thời; bác thì làm Đại tá Tỉnh
trưởng, trông coi cả trăm ngàn dân chúng, “tiền hô , hậu ủng”. Thế mà nay lại bị một anh chàng “non choẹt”,
chỉ đáng anh binh nhì làm “tà lọt” cho mình, mà lại la mắng, hành hạ đủ điều!
Đúng là các bác đã lâm vào hoàn cảnh “lên voi xuống chó”! Tại sao lại có tình
trạng như vậy? Chú Quản giáo trẻ này
không phải thuộc thế hệ cha anh đã phải vượt Trường-sơn vào Nam chiến đấu, tức
là không phải chịu gian khổ trong việc “ giải phóng miền Nam” mà tại sao chú lại
đối xử với những tù binh cải tạo như có một “mối thù truyền kiếp” như vậy? Tôi chợt nhớ đến lời cô y tá Nữ cho biết là
cô phải học tập chính trị hàng tuần. Thì
ra đây là một chính sách của các lãnh tụ Đảng và Nhà nước Cách mạng bắt các bộ
đội chiến đấu, cán bộ hành chánh, cán bộ chuyên môn và cả người dân tại những
thôn xóm ở thôn quê cũng như các tổ khu phố ở thành thị, đều phải học tập để
quán triệt chính sách của Đảng và Nhà nước Cách mạng. Chính sách này cốt yếu tạo ra lòng căm thù của
đồng bào miền Bắc đối với cái gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” ở miền Nam. Hơn thế nữa, Đảng còn khơi dậy lòng căm thù
giữa những nông dân miền Bắc với nhau qua phong trào “Cải cách ruộng đất”. Phong trào này đã biến những nông dân vốn dĩ
hiền lành chất phác, trở nên hung hãn trong những cuộc “đấu tố” ở miền quê, đầy
máu và nước mắt.
Những
chính sách sắt máu này đã được Đảng đưa vào sách giáo khoa để đầu độc cả những
tâm hồn ngây thơ trong trắng của học sinh.
Như thi sĩ Tố Hữu đã cổ động phong trào Cải cách ruộng đất, làm dấy lên
lòng căm thù giữa các nông dân trong
“Bài ca tháng Mười”:
Giết! Giết!
Giết! Bàn tay không ngừng nghỉ,
Để ruộng
đồng thêm tốt, lúa thêm xanh,
Cho Đảng
bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao
Chủ tịch,thờ Xít-ta-lin bất diệt!
Chính
sách căm thù này có đặc điểm là dân tộc Việt được học tập để căm thù chính dân
tộc mình! Chính sách căm thù này đã được,
trong một thời gian, đưa vào sách giáo khoa, vào trường học, vào nền giáo dục ở
miền Bắc, để thay đổi cả một nền Văn hoá, biến một số đồng bào miền Bắc, đang từ
một dân tộc hiếu hòa, trọng đạo đức, trở thành một dân tộc hiếu chiến, giả dối
và coi bất cứ phương tiện nào đưa đến thành công, đều là phương tiện tốt cả! Mẹ Âu-Cơ luôn luôn dạy dỗ đàn con Lạc Hồng là
phải yêu thương lẫn nhau:
Nhiễu điều
phủ lấy giá gương,
Người
trong một nước phải thương nhau cùng.
Nếu có
hiềm khích lẫn nhau, thì tìm cách hóa giải mối bất hòa và dành tài sức để đoàn
kết mà chống giặc ngoại xâm:
Khôn
ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng
một mẹ chớ hoài đá nhau!
Cũng với
nhà thơ Tố-Hữu, người đã làm tới Phó Thủ tướng trong chính quyền Cách mạng và Uỷ
viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt-Nam, còn khơi động phong trào tôn thờ
lãnh tụ ngoại bang, mà quên đi cội nguồn dân tộc. Nhà thơ đã khóc trước cái chết của Stalin,
lãnh tụ Cộng sản Liên-xô, trong bài thơ “Đời đời nhớ Ông” :
“Ới Ông
Xít-ta-lin ơi!
Nghe tin
Ông mất, Đất Trời còn không?
Thương
Cha, thương Mẹ, thương Chồng,
Thương
Mình thương một, thương Ông thương mười!”
Nhà thơ còn đưa Stalin lên hàng thần tượng để tôn
thờ:
“Yêu biết
mấy, nghe con tập nói,
Tiếng đầu
lòng, con gọi Xít-ta-lin!”
Và thật
sự ra Stalin là ai? Đó là một tên đồ tể
của Liên-xô, người đã ra lệnh giết cả triệu người trên toàn thế gìới, cũng như
đã ra lệnh tập trung cả triệu người trong các “Gulag”, một loại trại lao động
khổ sai, ở vùng Tây-bá-lợi-á (Siberia), một vùng hoang vu lạnh lẽo ở nước
Nga. Chính Đảng và Nhà nước Cách mạng đã
sao chép lại cái gọi là Gulag này và đặt cho một cái tên văn hoa là trại Học tập
Cải tạo ở Việt-Nam.
Trong khi
các vị Anh hùng Liệt nữ giống nòi Việt như Hai Bà Trưng, Trần-Hưng-Đạo, Lê-Lợi,
Nguyễn-Huệ…sao không tôn thờ, mà lại chọn những người ngoại bang sắt máu như
Stalin, Mao-trạch-Đông, những người mà cả Thế giới đều lên án, thì ở Việt-Nam,
trong hai thập niên 1960 và 1970 lại có đất dung thân, được tôn thờ và hình ảnh
được treo khắp nơi trên đất nước Việt!
Khi Đảng
và Nhà nước Cách mạng tạo ra những chính sách hận thù dân tộc đối với đồng bào
cùng trong một nước, họ có biết đâu rằng hận thù sẽ chồng chất, sau này khó giải
quyết được. Họ tưởng rằng họ đặt ra vài
trại tù binh kiểu mẫu như trại Phú-sơn, rồi mời các phóng viên ngoại quốc đến
chứng kiến cảnh chính quyền Cách mạng đối xử nhân đạo với tù binh đúng theo qui
ước quốc tế Genève về tù binh thì mọi việc đều ổn thỏa cả. Còn những trại ở trong rừng sâu núi thẳm như
những trại ở tỉnh Hoàng-liên-sơn, vắt sức lao động của tù binh để làm nên của cải
vật chất cho Cách mạng, coi mỗi trại tù binh cải tạo như một đơn vị phát triển
kinh tế, bắt tù binh làm việc chặt giang 7 ngày một tuần, mỗi ngày từ 6 giờ
sáng tới 5 giờ chiều, với chỉ tiêu là 40 cây giang một ngày, mỗi cây giang trị
giá 4 hào, tổng cộng là 16 đồng, mà khẩu phần sắn của mỗi cải tạo viên chỉ đáng
2 hào một ngày, lại còn đối xử tồi tệ với tù binh để trả thù, thì nào ai biết
được! Nhưng ở đời chẳng có gì có thể dấu
được vĩnh viễn. Rồi ra con cháu và hậu
duệ của những người tù binh cải tạo biết được, thì tự động lại dấy lên một mối
hận thù chống lại Đảng và Nhà nước Cách mạng.
Mới ở đội
rau xanh được chừng ba tuần, tôi đã xin với cô Nữ cho tôi được trở lại đội cũ
chặt giang. Cô ngạc nhiên hỏi :” Sao anh
không ở đội rau xanh đủ một tháng để hồi phục sức khỏe”. Tôi nói dối rằng:” Tôi nhớ các bạn cũ nên muốn
trở về”.
Nghe tin
tôi trở về đội chặt giang, các bác Đại tá buồn lắm. Lý do là vì trong ba tuần lễ ở đội rau xanh,
cứ mỗi buổi tối nghỉ ngơi ở trong lán, tôi lại kể chuyện mua vui cho các bác
nghe. Chuyện tôi kể là truyện “Tam Quốc
Chí” rất hợp với sở thích của các bác.
Nay đang đến hồi gây cấn mà tôi lại bỏ đi! Một bác đề nghị :” Thỉnh thoảng cậu nhớ trở lại
đây thăm chúng tôi và kể tiếp tục nhé!”.
Một bác khác tiếp lời :” Truyện đang kể đến hồi :
‘Khổng-Minh
cao đoán đường Hoa-dung,
Vân-Trường
vì nghĩa, tha Tào-Tháo.’
Cậu nhớ
lấy để mà kể tiếp tục”. Tôi nói cho các
bác an tâm :” Thế nào có dịp, tôi cũng trở lại thăm và hầu chuyện các
bác”. Nhưng tôi biết điều đó không thể
thực hiện được, vì nội qui của Trại cấm các cải tạo viên không được liên hệ với
đội khác, nếu vi phạm sẽ bị “tù kỷ luật”.
Về Đội
cũ, các anh em đều vui mừng chào đón tôi.
Các anh đều nói tôi là người “ trở về từ Địa ngục” vì bị bệnh sốt rét rừng,
không có thuốc ký ninh mà vẫn sống sót!
Anh Đại uý Thạch-Sơn nói :” Hàng đêm nhớ anh quá! Anh đang kể truyện
“Đông Châu Liệt Quốc” rồi mắc bệnh, làm gián đoạn đã gần hai tháng nay rồi, mời
anh tiếp tục kể mua vui cho chúng tôi đi!”.
Anh bạn tôi, Đại uý Khương phản đối :” Anh ấy bị bệnh nan y, mới bình phục
trở về, chưa giúp đỡ được gì, đã bắt phải hầu chuyện rồi!”. Anh Sơn hăng hái đáp :” Tôi sẽ chặt ủng hộ
anh hai cây giang!”. Một số anh khác
cũng hứa chặt giúp tôi một cây giang. Thế
là không thể đừng được, tôi lại tiếp tục kể chuyện hàng đêm. Đúng là “Mồm miệng đỡ chân tay”.
Thời
gian lại lặng lẽ trôi qua, nhưng cái hạn của tôi chưa hết, đúng là “Họa vô đơn
chí”. Mới chừng chưa đầy một tháng sau,
một buổi đi chặt giang, tôi bị con gì chích ở mắt cá chân phải. Mới đầu chỉ thấy ngứa, nhưng qua hai ngày
sau, chân tôi sưng phù lên như chân voi, phải chống gậy mới lết đi được! Chú Quản giáo tôi giận lắm, chú nói :” Tên
này đúng là ‘phường ăn hại đái nát’, mới lao động trở lại chưa đầy một tháng lại
giở chứng rồi!”.
Các bạn
tôi lại dìu tôi lên phòng khám bệnh để làm phiền cô y tá. Sau khi khám sơ qua, cô Nữ kêu lên : “ Con vật
cắn anh thuộc loài ‘nhện kịch độc’. Nó
làm chân anh không những sưng, mất cảm giác, mà còn trở nên bầm tím từ mắt cá
chân lên đến quá đầu gối rồi. Nếu vết bầm
tím lên đến bụng thì hết thuốc chữa. Phải
chở đi bệnh viện để cắt ngay chân phải đi, thì mới có thể cứu sống được!”. Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì cô đã vội
vàng đi trình Thủ trưởng.
Một lát
sau cô trở về, mặt có vẻ buồn. Cô nói :”
Ngày mai tôi sẽ nhờ xe trâu chở anh ra quốc lộ rồi anh và tôi sẽ quá giang xe
nhà binh đến bệnh viện Việt-trì, ở đó bác sĩ sẽ cắt phần chân làm độc của
anh. Phải làm gấp, không chất độc sẽ lan
lên đùi. Tôi trả lời làm cô vô cùng sửng
sốt :” Cám ơn cô, nhưng tôi sẽ không đi đâu hết. Đây là một dịp để giải thoát thân tù tội của
tôi!”. Cô giận dữ nói :” Anh có biết xin
được cho anh đi bệnh viện cắt chân, tôi phải chịu những thiệt thòi nào
không? Thủ trưởng cho rằng tôi đã phạm một
lỗi qúa lớn lao là “không ý thức được tinh thần Cách mạng, không phân biệt đâu
là bạn đâu là thù, nên tinh thần phục vụ tuy có, nhưng đặt không đúng chỗ”. Tôi cố gắng xin ông cho tôi được chở anh đi bệnh
viện. Ông cho biết ông sẽ đồng ý, nhưng
đổi lại, tôi sẽ bị phạt kỷ luật là biết sai phạm mà cứ tiến hành, do đó sẽ bị
ghi vào hồ sơ là suốt đời không thể trở thành Đảng viên được và cũng không được
đề nghị lên cấp trong vòng 10 năm. Tôi
đã chấp thuận ngay hình phạt kỷ luật này để cứu anh. Nay anh trả lời như thế, làm tôi cảm thấy
thua thiệt cả đôi đàng. Một đàng bị kỷ
luật nơi Thủ trưởng của tôi; một đàng bị chính anh từ chối nên không thể cứu
anh được!”.
Tôi kêu
lên :” Tôi có nhờ cô đâu mà sao cô lại hy sinh lớn lao như vậy? Thân tù tội đã không có ngày về, lại thêm cưa
chân nữa thì sống để làm gì? Lại mang tiếng
là “phường ăn hại đái nát”, thêm gánh nặng cho người khác!”. Tôi biết đối với các cán bộ miền Bắc, việc trở
thành Đảng viên Đảng Cộng sản là một mơ ước, vì đó là một thứ “siêu công dân”,
được đi trên “chính lộ” để dẫn đến quyền cao chức trọng, còn các công dân khác
chỉ là loại “phó thường dân”, đi bên lề đường, suốt đời chỉ là người thừa hành,
sai phái của các Đảng viên. Do đó, tôi
ngạc nhiên khi thấy cô hy sinh cả mơ ước này vì mạng sống của tôi.
Cô nói gằn
từng tiếng :” Nhưng tôi không muốn anh chết!”. Giọng cô đượm đầy nước mắt, và
cô không muốn tôi thấy cô khóc trước mặt tôi, nên cô bỏ đi.
Còn lại
một mình, tôi ân hận vì đã to tiếng với một người tốt như cô, lại vừa ngậm ngùi
cho số kiếp không may của mình!
Buổi chiều
cô trở lại và nói :”Anh nhất quyết không đi cắt chân cũng được, nhưng còn nước
còn tát. Tôi có một cô bạn y tá làm việc
ở đồn biên giới Lạng sơn cách đây chừng hơn 30 cây số. Tôi định ngày mai lên đó để xin thuốc bê-ni
(penicillin) để tiêm cho anh đây. Thuốc
này rất hiếm, nhưng nếu anh chưa đến ngày tận số thì may ra họ có, và tôi có thể
xin được!”
Ngày mai
cô xin phép Thủ trưởng cho nghỉ hai ngày.
Cô không đi ra quốc lộ để xin quá giang xe, vì xe chỉ đi về miền xuôi,
chứ không đi ngược lên biên giới. Cô đã
mạo hiểm, chỉ với một gói lương khô, một chai nước mưa và một con dao quắm để hộ
thân, mà cô dám len lỏi đi tắt đường rừng một mình để tới đồn biên giới Lạng-sơn.
Vào buổi
tối ngày thứ hai, tôi đang nằm thiếp đi trên chiếc chõng tre, thì cô trở về. Cô đánh thức tôi dậy và hân hoan nói :”Trời
đã không phụ tôi nên cô bạn tôi đã có thuốc bê-ni, tôi đã hối lộ chút tiền nên
đã xin được 8 hũ thuốc”. Nói xong cô
đưa gói giấy đựng thuốc cho tôi xem. Tôi
nhìn kỹ thì thấy đó là loại penicillin của Liên-xô, nhưng đã hết hạn (expired)
từ tháng 6 năm 1975, mà nay đã là tháng 9 năm 1978, nghĩa là đã quá hạn hơn 3
năm rồi! Tôi không cho cô biết điều này
và tôi cảm thấy mừng là nếu bị phản ứng vì thuốc quá hạn thì đó là điều mong ước
được giải thoát thân kiếp đọa đầy của tôi!
Cô đi lấy
ống chích và ra chum nước mưa để rửa vì có lẽ cả năm nay chưa dùng tới. Sau đó, cô dùng ống chích hút lấy chút nước
mưa trong chum, rồi bơm vào một hũ penicillin, tiếp theo cô lắc mạnh cho tan hết
bột penicillin. Cô nói :” Tôi tiêm cho
anh đây, chịu khó đau một chút nhé!”.
Tôi thản nhiên vén tay áo cho cô chích.
Khi chích, tôi thấy mặt cô hơi tái, vì có lẽ hai ngày nay cô đi đường tắt
len lỏi trong rừng già để đến đồn biên giới Lạng-sơn, chắc cực khổ lắm!
Tôi nói
:” Cám ơn cô nhiều, giờ đây cô cần nghỉ ngơi, ăn uống cho lại sức để mai còn
làm việc”. Cô nghe lời tôi và rời khỏi
phòng khám bệnh.
Cô đi rồi,
tôi nằm xuống chõng nghỉ ngơi. Chừng 10
phút sau thì thuốc ngấm, tôi cảm thấy sốt nóng dữ dội. Tôi biết bị phản ứng vì thuốc quá hạn, nhưng
không thông báo cho ai biết, vì tôi coi đây là dịp cho tôi được giải
thoát! Nhưng kỳ lạ thay, chừng một giờ
sau cơn sốt lui dần và tôi ngủ thiếp đi.
Đúng là số Trời chưa cho tôi chết!
Sáng sớm
ngày mai, cô Nữ lại thăm tôi và hỏi về công hiệu của thuốc bê-ni. Tôi nói thuốc rất tốt. Thế là cứ mỗi ngày sau đó cô chích cho tôi một
hũ penicillin . Thật là thần diệu, vết
sưng biến chân phải của tôi thành chân voi, nay dần dần xẹp xuống, và đồng thời
mầu tím bầm của chân đã chuyển sang mầu nâu.
Bấm vào chân, tôi đã có cảm giác thấy đau. Hai tuần sau, tôi đã có thể đi lại được,
không phải chống gậy nữa!
Cô Nữ lại
định gửi tôi cho đội rau xanh một tháng để hồi sức, nhưng tôi xin trở lại đội
chặt giang. Cô sợ tôi không đủ sức lao động
nặng, nhưng tôi nói các bạn trong đội sẽ chặt giùm một phần lớn cho tôi trong
thời gian tôi đau yếu.
Thế là
tôi lại trở về đội cũ. Các bạn tôi đều
nói tôi là người trở về từ địa ngục lần thứ hai.
Thời gian lại trôi qua, và chừng một tháng
sau, đang nửa đêm, bỗng có tiếng còi thổi ré lên đánh thức các trại viên dậy và
có lệnh ra sân tập họp để chuyển trại.
Những trại cải tạo chặt giang như trại tôi thì thường chỉ 10 tháng hay tối
đa là 1 năm, khi nguồn cung cấp giang đã cạn, đều phải chuyển sang một khu rừng
khác, cách xa chừng 40 hay 50 cây số, để lập trại khác, ngõ hầu để có nguồn
cung cấp giang mới. Mỗi lần chuyển trại
như vậy thì thay đổi tất cả nhân sự, từ Trưởng trại, cán bộ Quản giáo, bộ đội bảo
vệ và dĩ nhiên cả y tá. Mọi lần chuyển
trại trước, tôi đều coi bình thường, vì thân tù tội đi đâu cũng được! Nhưng lần này tôi cảm thấy lo buồn quá đỗi,
vì tôi phải xa ân nhân của tôi rồi! Vì
đi đột ngột vào lúc nửa đêm như thế này thì làm sao tôi có thể chào từ biệt
cũng như ngỏ lời cảm ơn cô Nữ!
Trong
ánh sáng lờ mờ của bó đuốc cắm giữa sân, tôi thấy các bạn tôi đều vội vàng gói
ghém quần áo và dụng cụ để sửa soạn lên đường.
Tôi lại thấy Quản giáo cũ bàn giao đội tôi cho Quản giáo mới. Riêng tôi thì tôi cứ đứng thẫn thờ một mình,
mặc cho các bạn tôi gói ghém giùm quần áo cho tôi. Bỗng nhiên tôi thấy một bóng người tiến nhanh
lại phía tôi và khi tới xát gần thì một giọng nói quen thuộc :” Chúc anh đi được
mạnh khỏe và bình an nhé!”. Thì ra là cô
Nữ! Cô đặt vào tay tôi một cái gói, tôi
sững sờ chưa kịp trả lời thì cô đã vội vã đi mất hút vào bóng đêm, vì sợ có người
trông thấy! Tôi mở cái gói ra thì thấy
đó là một nắm cơm được gói với cái khăn tay còn in vết máu mà cô đã nhổ răng
cho tôi khi xưa! Như vậy là cô đã biết
việc chuyển trại này vào chiều hôm trước, nên đã nhịn phần cơm của cô mà gói
cho tôi đây! Tôi cảm động và ân hận quá
vì đã không nói được một lời cám ơn đối với cô.
Đúng lúc đó thì Quản giáo mới ra lệnh cho chúng tôi lên đường. Tôi loạng choạng bước theo các bạn cải tạo của
tôi, cứ theo ánh đuốc mà đi vào rừng sâu.
Cuộc
chuyển trại từ nửa đêm hôm trước, cho tới 2 giờ chiều hôm sau, khi tới một khu
rừng mới, cũng bên bờ suối nước, thì được lệnh dừng lại. Trưởng trại mới xuất hiện, ông ra lệnh cho 10
đội gồm chừng 600 cải tạo viên :” Cho các anh nghỉ 2 tiếng đồng hồ rồi sửa soạn
lập trại mới!”
Đây là một
khu rừng già dường như chưa có chân người đặt tới, mà dụng cụ chỉ có dao quắm
và mấy cái cưa, không có đến một cây đinh, mà phải xây dựng 12 lán, gồm 10 lán
cho cải tạo viên và 2 lán cho cán bộ.
Nhưng nhớ tới việc lập trại trước, nhờ có 6 anh cải tạo, nguyên là sĩ
quan công binh, tốt nghiệp kỹ sư xây dựng ở Hoa-kỳ, các anh dùng cưa để làm mộng,
ghép những cây rừng làm sườn nhà, không cần đến một cây đinh, mà đã tạo được những
căn nhà tranh khá vững chắc, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng!
Khi được
lệnh ngừng chân và cho nghỉ 2 tiếng, các bạn tôi đều nằm lăn ra dưới gốc cây mà
ngủ, vì đêm trước ra đi lúc nửa đêm nên có ngủ được đâu! Riêng tôi thì đầu óc suy nghĩ miên man nên
không sao chợp mắt được! Tôi nghĩ đến mẹ
tôi là người đã nuôi nấng, săn sóc tôi từng li từng tí, mà đến lúc tôi trưởng
thành, có điều kiện để báo hiếu, thì người lại ra đi vĩnh viễn. Tôi nghĩ đến cô y tá Nữ là người đã cứu tử
tôi, đã săn sóc tôi hết lòng, mà nay lâm vào cảnh cách biệt như thế này, thì
làm sao tôi có thể trả ơn trời biển cho cô được! Tôi lại nghĩ đến hoàn cảnh của đất nước tôi,
một đất nước đã bị tàn phá bởi chiến tranh cả mấy chục năm trường! Nay Hòa bình vừa trở lại, nhưng những người
lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cách mạng lại thi hành một chính sách gây hận thù với
cái mà họ gọi là ngụy quân và ngụy quyền ở miền Nam. Tôi nghĩ rằng sự căm thù chồng chất giữa những
đồng bào cùng trong một nước như thế này thì bao giờ mới hóa giải được! Mấy người đã hành xử được như cô y tá Nữ “lấy
Tình Thương xóa bỏ Hận Thù”. Nghĩ đến
đây, tôi cảm thấy đau lòng quá và tự nhủ một mình qua làn nước mắt :” Cám ơn cô
Nữ đã dạy cho tôi một bài học, thế nào là lòng Thương Yêu của con người đối với
con người, nhất là đối với đồng bào cùng trong một nước!!!”.
T.T. ĐẠI
Tháng 4/2013