Tình Nghĩa Người Vợ Hiền - Nguyễn Đình Hoành
truyện ngắn
trưởng: "Hôm nay có giáo sư mới đổi về trường hả thầy?" Thầy hiệu trưởng ngoái đầu ra nhìn, buộc miệng nói lớn: "Ồ! Thằng Vĩnh học lớp tứ 2, chứ thầy mới nào đâu." Ngừng một lát, ông nói thêm: "Hè vừa qua, tôi có đi dự đám cưới của nó."
Vĩnh cưới vợ năm mười bảy tuổi. Vợ Vĩnh cô gái tuổi
mười sáu tên Quế, Quế mồ côi mẹ. Hai cha con Quế tản cư từ một xã thượng nguồn
của quận đến ở làng Vĩnh thuộc thị trấn.
Những xã thượng nguồn năm ấy là nơi chiến trận Quốc
Cộng xãy ra như cơm bữa. Hầu hết dân chúng gồng gánh đến những xã, thị trấn an
ninh lánh nạn.
Cha Quế dựng một cái nhà tranh nhỏ ở vạt đất thổ
trước nhà Vĩnh để cha con ở.
Vốn người của đồng ruộng, vườn đồi. Quế tuy còn nhỏ
tuổi nhưng những việc nông tang Quế đều rành rọt và làm lụng giỏi giang. Thêm
tính chịu khó, chịu khổ, hiền lành chơn chất nên được nhiều người thương mến.
Trước lạ sau quen, dần dà cha con Quế trở thành
người láng giềng thân thiết với gia đình Vĩnh. Quế coi bà Lâm, mẹ Vĩnh như mẹ
mình. Lúc rãnh rỗi, Quế chạy qua nhà giúp bà làm những việc lặt vặt như hái lá
trầu, bắt thang trèo bẻ nhánh cau, lặt lá rau, rữa rỗ khoai....Đến kỳ thu hoạch
tiêu, chè... .Hoặc mùa cấy, mùa gặt, đều có Quế ra vườn, ra ruộng làm lụng với
ông bà Lâm. Tiền công làm được bà Lâm trả, Quế không dám tiêu, đưa hết cho cha
cất giữ chi dùng.
Một hôm, ở nhà chỉ có ông bà Lâm. Các con đều đi vắng.
Bà Lâm tâm sự với chồng:
-
"Con Quế lớn mau như cái mụt măng. Gái ở tuổi dậy thì có khác. Sắc vóc
xinh đẹp tốt tươi, tính nết khoan hòa lễ độ, lại làm lụng giỏi giang. Nhà nào
cưới được con dâu như rứa thiệt là phước đức bảy đời. Hay là mình dạm hỏi cho
thằng Vĩnh nhà ta, ông nghĩ sao?
Ông Lâm trả lời hàng hai:
- "Tôi thấy được đó. Nhưng thằng Vĩnh nhà
mình còn đang đi trường. Sợ có vợ, có con, nó xao lãng việc học."
Bà Lâm phân trần:
- "Ông với tôi chỉ có mình nó là trai. Sớm lấy
vợ có con để nối dõi, chứ còn chần chờ chi nữa. Tuổi già như tụi mình tựa như
ngọn đèn dầu trước gió, sống chết khi nào biết đâu lường được."
-" Ừ, Bà nói thế cũng phải. Bà để ý, dò xét
xem hai đứa có tình ý chi chưa?”
Bà Lâm vui vẻ trả lời chồng:
- "Việc đó ông để tui lo."
Niên học 1967, Vĩnh học lớp đệ lục trường trung học
quận. Cứ mỗi buổi tan trường, Vĩnh đạp xe chạy tuốt về nhà ngay. Thường khi nó
vừa bước chân đến cửa, lúc nào cũng thấy con bé Quế lẫn quất bên mẹ mình giúp
bà làm những việc lặt vặt, vừa làm hai người vừa nói chuyện luôn miệng. Nó thấy
thương con bé quá chừng. Nó thương mà chẳng biết vì sao. Cứ thích gần gủi, ưa
nhìn mãi, không biết chán.
Một hôm từ trường về, chẳng có ai ở nhà, cảnh vật
vắng tanh. Xuống nhà bếp, nồi cơm đã cạn nước, được vần ở cửa bếp cho chín già,
nồi nước chè đầy và đậm còn bắt trên bếp. Vĩnh đi khắp vườn tìm chẳng thấy một
ai. Ngạc nhiên nó trở ra ngõ, chạy tuốt đến đám đất thổ sát bãi vực Tròn sông
Thiên. Thì ra mẹ và Quế ở đó. Mẹ đang hái ngọn đậu, Quế hai tay ngắt ngọn lang
thoăn thoắt. Khi mẹ và Quế hái đầy hai rỗ rau, cùng bưng ra sông rửa. Vĩnh theo
ra ngồi trên bải chờ. Nó đưa mắt nhìn qua bờ sông bên kia. Đứng sừng sửng, cây
sung lâu đời nhất của làng Bình Yên. Trong buổi chiều chạng vạng, hình dáng cây
sung đồ sộ uy nghi. Vẻ huyền bí linh thiêng của nó lan tỏa cả một vùng quê rộng
lớn.
Bóng sung ngã, che gần khắp khu rừng Cấm của quận.
Từ trong cành, trong cội sung từng đàn dơi vỗ cánh rào rào bay ra như những
linh hồn cỏi âm bắt đầu một ngày mới. Ở búng sông sát bãi Đá Giăng, chiếc ghe
chài của chú Bảy Rốn nằm trơ trọi lẻ loi, lặng lẽ soi bóng dưới dòng nước im
lìm.
Sắp hết ngày, ráng chiều gắng gượng dát vàng dát bạc
trên mặt dãi sông Thiên huyền ảo. Cảnh bãi bờ sông nước vùng quê thật êm ả vắng
vẻ. Chỉ có ba người, một mẹ một con, một cô hàng xóm.
Khi về, Vĩnh bưng rỗ rau cho mẹ. Dọc theo lối đi,
những buị bè ne, mùa này trái bắt đầu chín tới. Quế một tay bưng rau, tay kia lựa
trái chín hái đầy một nắm. Chìa nắm quả về phía Vĩnh, miệng e ấp nói:
- "Anh Vĩnh ăn bè ne, ngọt lắm."
Vĩnh ngữa tay, Quế rụt rè thả những trái bè ne xuống
tay Vĩnh. Sợ bè ne rớt xuống đất, Vĩnh nắm tay lại giữ. Hai tay chạm nhau, Vĩnh
đánh liều nắm tay Quế. Quế để yên tay mình trong tay Vĩnh, thẹn thùng đỏ cả mặt
mày,nói như thì thầm:
- "Anh Vĩnh đừng... Kìa, bác ở tê thấy."
Gió ở sông thổi lên, tốc mái tóc Quế quàng lên vai
lên cổ Vĩnh. Mùi con gái thơm ngai ngái khiến nó ngây ngất đê mê. Tim Vĩnh đập
nhanh, người nó nóng rang giữa buổi chiều tà mát dịu.
- "Anh Vĩnh đi về, không, bác chờ." Quế
rút tay ra khỏi tay Vĩnh. Hai đứa vừa đi
vừa chuyện trò, đến nhà lúc nào không hay.
Sau đám cưới trọng thể theo nghi thức cổ truyền,
Quế Vĩnh nên vợ thành chồng ở tuổi mười sáu mười bảy. Là vợ chồng son, họ
thương yêu quyến luyến nhau hết mực. Ông bà Lâm, cha mẹ Vĩnh và ông Hương Ba,
cha Quế lấy làm vui mừng thỏa nguyện, có dâu hiền rể thảo.
Có vợ, Vĩnh vẫn tiếp tục đi học. Quế ở nhà làm lụng
tất bật công việc một người đàn bà nông thôn miền trung du. Cha mẹ Vĩnh nay đã
cao tuổi, nàng thay bà Lâm quán xuyến việc
nhà, việc đồng trước vườn sau đều có bàn tay Quế chăm chút.
Năm 1970, Vĩnh học đệ tam trường trung học tỉnh.
Chiến tranh Quốc Cộng lan tràn đến nhiều xã trong quận. Đường từ quê Vĩnh xuống
thị xã tỉnh có đoạn bộ đội và du kích chiếm cứ. Thỉnh thoảng có vài trận đánh
giữa quân đội Cộng Hòa và bộ đội chính quy Bắc Việt xảy ra dọc đường tỉnh lộ nầy.
Vĩnh không thể đi đường bộ về quê mỗi cuối tuần
nghỉ học. Gia đình cha mẹ nó lo lắng:
- "Thằng Vĩnh không về nhà được, lấy gạo tiền
xuống, không biết lấy chi ăn học. Ông nghĩ có cách nào gởi xuống cho nó
không?" Bà Lâm băn khoăn hỏi chồng:
- "Để rồi tôi tính..." Ngưng một lúc, ông Lâm nói tiếp: " Tôi định
ra sân bay quận, coi thử tàu trắng ông Toại ở tỉnh có bay lên không, thấy có ai
quen xuống lại gởi nhờ cho nó ít tiền."
Ông Lâm hằng ngày cứ mờ sáng ra sân bay chờ suốt.
Hơn một tuần chẳng có tàu lên. Ông buồn rầu than với vợ:
- "Thôi hết cách, bà ơi."
Quế nghe vậy lấy làm lo lắng, đánh liều lên tiếng:
- "Thưa ba mẹ, con có cách. Con là đàn bà con
gái, chẳng bên nào để ý lắm, chẳng khó dể bắt bớ chi mô. Con gánh gạo, đem tiền
xuống cho anh Vĩnh chắc được."
Bà Lâm liền can ngăn:
- "Con đừng nói dại, đường xuống dưới loạn lắm,
không đi được mô. Con lại có con nhỏ, con đi thằng Phúc ở nhà khát sữa lấy ai
cho bú.
Quế nói thêm cho mẹ yên tâm:
- "Thôi, để con đi thử. Nếu không được thì
con trở về. Còn thằng Phúc, con nặn sữa để lại nhà, nó đói mẹ cho nó uống đỡ giùm con."
Quế gánh một gánh hai thúng ba, một đầu đổ hơn hai
ang gạo. Đầu kia bỏ mấy hủ mắm thơm muối với cá sông, vài bộ quần áo cũ của
Vĩnh, một chục trứng vịt, một bọc khoai lang trộn mít khô. Nàng xếp cái quàng
mưa bằng nylông cột ở một đầu đòn gánh.
Qua khỏi cầu Bình An, nàng vừa đi vừa chạy lúp xúp
theo nhịp đòn gánh. Rành rọt cách gánh xách từ hồi mười hai tuổi nên việc làm nầy
rất dễ với nàng, chỉ sợ đường đi họ cấm hay giữ lại thì khốn.
Đến dốc Ông Lô thấy lính Cộng Hòa đang đóng ở đó.
Có người lính chận Quế lại hỏi:
- "Đi đâu mà gồng gánh thế nầy. Đi tiếp tế Việt
cọng phải không?" Anh ta vừa nói vừa
mĩm cười.
- "Dạ, em đem gạo và thức ăn xuống cho người
nhà học dưới trường tỉnh ở Tam Kỳ."
- "Cô con ai ở trển?"
- "Dạ, con gái ông Hương Ba, vợ anh Vĩnh. Anh
Vĩnh con trai ông bà Lâm."
- "Đưa căn cước ra coi?"
Có mấy người lính cùng quê biết gốc tích của Quế.
Sau khi xem căn cước, khám xét nhìn nét mặt nghe lời nói. Họ tin Quế thành thật:
- "Thôi đi đi, cẩn thận. Đường sá xuống dưới
lúc nầy không được an ninh."
Đến cầu Cà Đong, nàng gặp mấy người đàn bà sồn sồn
từ hướng Cây Cốc đi lên. Họ nói với Quế, từ chợ Cây Cốc đến chợ Cây Sanh có
khúc du kích ở đầy, có đoạn lính Cộng Hòa chiếm giữ, nếu mi có việc gì cần lắm
thì đừng đi đường lộ mà phải đi đường lối, men theo bờ ruộng, bờ rập, bìa rừng
thì may ra qua khỏi.
Quế nghĩ đến chồng, hơn nửa tháng rồi không có gạo
tiền, không biết ảnh xoay xở làm sao giữa chốn thị thành xa lạ. Nghĩ vậy nàng cố
bước nhanh. Hai tay giữ chặt đôi gióng cho hai thúng không chao nghiêng khỏi đổ
gạo, thức ăn xuống đất.
Dọc theo lối đi quanh co, gập ghềnh. Có khi phải
qua những đường truông, một tay nàng giữ chặt đòn gánh, tay kia vạch lau lách,
cỏ gai để chui qua. Chân tay, mặt mày sây sướt, nhiều chỗ máu tươm ra. Mặc kệ,
Quế ráng đi kẻo hết ngày.
Khoảng xế chiều mặt trời còn chừng đòn gánh, sắp lặn.
Nàng phải qua một con suối lớn, nước sâu chảy xiết. Quế ngồi một nơi đổi trên bờ
suối, lo lắng suy nghĩ tìm cách vượt qua. Nàng bèn đặt gánh xuống, lấy quàng
mưa nylông trải xuống đất, bưng từng thúng trút bớt gạo, thức ăn lên trên, cho
thúng đỡ nặng. Nàng đội thúng đi xuống
nước, đánh liều cố sức bơi qua. Một
tay Quế giữ vững thúng trên đầu, tay kia khoát, hai chân đạp nước bơi xuôi theo
giòng chảy. Định từ từ chuyển hướng xéo bơi sang bờ bên kia. Nhưng càng bơi xuống
con suối càng dốc, nước chảy càng mạnh, cuốn Quế chấp chới giữa giòng. Nàng đuối
sức sắp hụt hơi, thì may mắn quá, nàng đến được chỗ cạn, chấm chân tới đất. Quế
vội vàng rùn người xuống, đạp mạnh hai chân xuống lòng suối, đẩy cả người trồi
lên, tay khoát chân đạp nước lia lịa, gắng hết sức lực bơi ngang tạt được vào bờ.
Nàng mừng quá, đặt thúng hàng xuống bờ suối, rồi vội quay trở lại bờ bên kia để
chuyển nốt các thứ còn lại, lúc nầy nàng bơi ngang qua suối dễ dàng vì không phải
đội thúng nặng.Theo cách lối cũ, nàng chuyển hết được hai thúng gạo và thức ăn
sang suối. Nàng mừng vô kể, nước mắt lưng tròng. Miệng thì thầm khấn tạ ơn
trên, Trời Phật cứu hộ nàng thoát chết đuối và giữ được gạo, thức ăn đem cho chồng.
Không đợi nghĩ lấy lại sức, nàng gánh
thúng tiếp tục đi. Dọc đường thấy đôi ba nhà dân, ở xa nàng tìm cách tránh né, để người trong nhà khỏi nhìn
thấy.
Mặt trời lặn một đổi lâu, Quế đến được địa đầu xã
Kỳ Long, quận Tam Kỳ. Lúc nầy trên trời mây kéo đen nghịt, sấm chớp nổi lên.
Nàng đoán biết có trận mưa sắp đổ ập tới.
Quế vội vàng đặt gánh hàng xuống đất, mở quàng mưa nylông ra, trùm thúng gạo,
phòng khi có mưa khỏi ướt. Cơn mưa giông đỗ xuống như trút nước, thế mà Quế lại
mừng, mưa to cở nầy, mọi người đều ở trong nhà hay nấp mưa có chỗ, nên yên ổn
cho nàng. Mưa càng lúc càng lớn, Quế chẳng ngại gánh hàng xẻ mưa bước nhanh.
Khoảng mười giờ mưa tạnh, trời tối, cảnh vật vắng
tanh. Một mình nàng giữa trời đất mông quạnh. "Giờ nầy chắc thằng Phúc nhớ
mẹ, khóc đêm." Nàng nghĩ thầm. "Sữa nặn để lại nhà, không biết nó có
chịu uống không, hay đói sữa đòi cho được bú vú mẹ... Ôi thôi, giặc dã đánh
nhau làm chi, độc địa quá, gây bao nhiêu chết chóc, khổ sở cho người dân vô tội..."
Đang miên man nghĩ đến việc trong nhà, chuyện
ngoài đời. Bỗng nàng khựng lại, tiếng chim đi ăn đêm rúc lên: "Dủ dỉ dụt dịt-
Dủ dỉ dụt dịt..." Tiếng của con
chim Bà Dủ Dỉ. Ở quê nàng, người ta tương truyền, chim Bà to như chiếc thúng
năm úp, lông đen tuyền, khi ngồi cánh chim phủ mặt đất rộng tới non một thước
tây. Chim Bà là loại chim thần, mũi ngữi được mùi thú dữ như cọp, beo, gấu, chó
sói... Mắt thấy được ma quỉ, âm hồn... Ở
đâu chim Bà Dủ Dỉ cất tiếng kêu, nơi đó không có cọp beo..., cũng có ma quỉ...
lãng vãng. Nàng sợ run người, răng đánh cầm cập. Quế gắng gượng, một tay giữ chặt
đòn gánh, tay kia níu gióng, gánh thúng chạy ra giữa đồng, tránh vùng có chim
Bà. Nàng ngồi trên bờ ruộng thở mệt định hồn. Trước mặt nàng, xa xa, thấy đèn
điện sáng, nhà cửa dài dài, xe cộ chạy tới chạy lui. Quế biết mình sắp đến được
thị xã Tam Kỳ. Nàng băng ra, theo hướng phố. Đến được ngã ba Trường Xuân. Nàng
mừng quá, nước mắt lưng tròng.Chỉ không còn bao xa nữa tới được nhà trọ của chồng.
Vĩnh đang nằm. Bỗng nghe tiếng bước chân người đi
vào sân nhà trọ. Ngước đầu lên, thấy một người đang gánh cặp thúng đi vào. Nó
ngạc nhiên thốt lên:
- "Cái gì!
Ai đấy?"
Vĩnh liền ngồi dậy. Nhờ ánh đèn từ trong nhà hắt
ra sân, Vĩnh nhận ra vợ mình, nó vội la lên:
- "Em! Sao em xuống được đây? Tại sao đi đầu
trần, chân đất? Nón em đâu? dép
đâu? Vừa hỏi Vĩnh vừa đở gánh thúng cho
vợ, đặt xuống nền nhà.
Quế chẳng để ý đến câu hỏi của chồng. Nàng ngước mắt
nhìn Vĩnh, lo lắng nói:
- "Hơn nửa tháng không có gạo tiền, anh lấy
chi ăn học?"
Vĩnh trả lời suông cốt cho vợ yên tâm:
- "Thì nhờ vài người bạn cùng bà chủ trọ giúp
đỡ chút chút, anh vẫn qua bữa, vẫn đi học bình thường."
Cởi quàng mưa cho vợ. Nó lấy làm ngạc nhiên, vội hỏi:
- "Sao tạnh mưa lâu rồi, em còn mặc quàng mưa
chi cho nóng?"
Nói xong, nó nhìn kỷ vợ, sửng sốt la lên:
- "Tại sao cả người em ướt như chuột lột, áo
quần lại rách tươm ra hả em? Ôi! chỉ vì anh, em phải khổ đến nông nổi nầy hay
sao hởi trời."
- "Có chi mô, gặp trời mưa thì ướt, thế
thôi."
- "Em có quàng che mưa mà."
- "Lúc mưa không mặc được."
- "Tại sao kỳ lạ vậy?
- "Để trùm thúng gạo cho mưa khỏi ướt. Còn gạo
cho anh. Gạo ướt hư hết lấy chi ăn. Đói chết, lại uổng công em nữa."
- "Dọc đường em bị té ngã hay có ai gây sự,
xô xác em mà quần áo tả tơi, tay chân mặt mày sây sướt hết ra vậy?"
- "Đường tỉnh lộ mất an ninh. Em đi đường
truông, theo chân đồi, lội suối, qua đồng nên nón mất, dép đứt, quần aó rách
ra. Lúc đến được phố, trời tạnh ráo. Người em rách rưới, nhớp dơ xấu quá. Em phải
bận quàng mưa để che chứ có chi mô."
Vĩnh ôm chầm lấy vợ. Cả hai đều khóc. "Tình
nghĩa vợ chồng" Vĩnh nghĩ: "Suốt đời mình không thể nào quên."
Nó quyết tâm học thành tài, tạo sự ngiệp vững chắc để bù đắp cho vợ mình, bỏ đi
những ngày nàng cơ cực, vì chồng.
Vĩnh đem bộ đồng phục học sinh của mình cho Quế thay
bộ đồ rách ướt nàng đang mặc. Quế lấy gạo nấu cơm, gắp cá sông muối mắm thơm ra
chưng. Hai đứa ngồi ăn một bửa cơm ngon
lành. Nàng ngủ qua đêm ở nhà trọ của chồng.
Tửng mưng sáng hôm sau, khi mọi người chưa thức giấc, Vĩnh đưa vợ lên
ngã ba Trường Xuân để nàng theo đường lối cũ trở về nhà.
Suốt hai năm sau, đường tỉnh lộ từ Tam Kỳ về quê
Vĩnh vẫn còn chưa thông thương. Vĩnh không về nhà được. Vợ Vĩnh bằng cách nầy
hay cách nọ đem được gạo tiền xuống cho chồng tự túc ăn học.
Đầu mùa hè năm 1973, Vĩnh tốt nghiệp bằng tú tài
toàn phần ban B, hạng bình.
Tháng 4 năm 1975, lúc Vĩnh đang theo học năm thứ
hai ngành điện trường đại học kỹ thuật Phú Thọ, chiến tranh Quốc Cộng kết thúc.
Miền Nam Việt nam thay đổi thể chế, từ chế độ tư bản tự do sang cộng sản xã hội
chủ nghĩa. Trường Vĩnh tạm đóng cửa, chờ bàn giao cho chính quyền chế độ mới.
Trong buổi giao thời, Vĩnh nghỉ học trở về lại quê nhà. Vài người bạn thời học sinh tiểu học, nay trở
thành cán bộ cộng sản, đến thuyết phục, Vĩnh ra tham gia chính quyền chế độ mới.
Mùa hè năm 1978, Vĩnh theo học tại một trường tu
nghiệp. Lớp Vĩnh gồm năm mươi học viên. Ngồi cạnh bên trái Vĩnh, cô gái Tô thị
Tường Vy, người làng Cổ Mân, quận ba Đà Nẵng. Nói nàng đẹp hay không, tùy người
nhìn cảm nhận. Tường Vy có mái tóc ngắn
chấm vai đen mượt mà, mũi hơi ngắn nhưng thon gọn, đặc biệt đôi mắt to tươi
sáng núp dưới đôi mày đậm; nàng luôn có cái nhìn bâng quơ hờ hững; miệng trái
tim, môi hồng đầy đặn; nhìn nghiêng khuôn mặt nàng lộ vẻ nũng nịu. Nàng ít cười,
nhưng đã cười, mắt môi miệng, luôn cả khuôn mặt đều cười; bừng lên một trời rạng
rỡ.
Cũng như Vĩnh, Tô thị Tường Vy là sinh viên năm thứ
hai văn khoa viện đại học Sàigòn. Sau
ngày thế thời đổi thay, nàng nghỉ học, ra tham gia chính quyền chế độ mới và
lúc ấy theo học cùng khóa tu nghiệp với Vĩnh.
Suốt ba tháng tu nghiệp, ngày nào Vĩnh cũng gần gủi
Tường Vy. Ngày cuối tuần hay ngày lễ, Vĩnh thường ở lại nội trú trong trường và
thưa thớt về thăm nhà. Tường Vy cũng vậy.
Lúc đầu, những ngày nghỉ học hai người cùng bạn bè đi chơi đây đó. Lần lữa Vĩnh
và nàng tự tách riêng để có dịp gần gủi nhau hơn. Từ chổ là bạn cùng khóa đến bạn thân, họ
thương yêu lúc nào không hay. Vài ngày
không gặp mặt, họ cảm thấy băn khoăn nhung nhớ.
Ngày mãn khóa đến gần. Một tối hai người hẹn hò,
cùng đi dạo dọc theo bờ sông Hàn, rồi chở nhau ra bãi biển Thanh Bình. Ngồi nhìn trăng mọc ở cuối chân trời ngoài
khơi, nghe sóng biển rì rào. Họ buồn
nghĩ đến ngày chia tay sắp tới. Thấy
Vĩnh mãi im lặng, Tường Vy lên tiếng hỏi:
- "Vĩnh nghĩ gì vậy?"
- "Nghĩ đến ngày bế giảng, chúng mình phải xa
nhau."
- "Xa nhau Vĩnh có cảm tưởng gì không?"
- "Nuối tiếc và nhớ nhung."
- "Tiếc gì, nhớ ai vậy?"
- "Nuối tiếc những ngày hai đứa cùng bên
nhau. Lúc xa, nhớ người yêu đang ngồi bên cạnh anh nè."
- "Thật đấy chứ?"
- "Tim Vĩnh bây giờ và mãi mãi về sau chỉ khắc
một bóng hình, là của Tường Vy đó thôi."
Nàng ngã đầu vào ngực Vĩnh. Ngoài kia sóng biển rì rào, trên bầu trời
trăng lên đã cao tỏa sáng khắp bãi.
Sau ngày mãn khóa, Vĩnh và Tường Vy rời trường tu
nghiệp. Trước giờ chia tay, họ quyến luyến, bịn rịn, muốn nấn ná kéo dài giây
phút cận kề bên nhau. Tường Vy ao ước thành người bạn đời của Vĩnh, Vĩnh thì
say đắm nàng.
Một hôm cha Vĩnh
ra đồng làm việc từ tờ mờ sáng, đứa em gái đi học, Vĩnh ra sau vườn tìm
hái mấy trái mít chín, Quế loay hoay lo nấu cơm trưa, xắc chuối cây, nấu cháo
cho heo, ... Nàng bận rộn chẳng ngừng tay. Ở nhà ngang, thằng Phúc đang đùa nghịch
với bầy gà con mới xuống ổ, nhốt trong bội.
Bà Lâm, mẹ Vĩnh ở nhà trên gọi Quế:
- "Nhà Phúc ra ngõ coi thử, có khách vô nhà
mình. Đánh chó không chó cắn người ta."
Vừa bước
vào sân, một cô gái thành thị quần tây, áo sơ mi,tóc cột bím phía sau.
- "Thưa bác, đây có phải nhà anh Vĩnh không ạ?"
Cô gái lễ phép hỏi bà Lâm.
- "Phải, tôi là mẹ thằng Vĩnh đây. Xin lỗi cô
là..."
- "Dạ, cháu là bạn cùng khóa tu nghiệp với
anh Vĩnh."
- "Mời cô vô nhà ngồi nghĩ chưn. Để tôi coi
thằng Vĩnh ở mô. Gọi về nói chuyện."
Sau gần ba
tháng gặp lại. Hai người mừng quá. Chuyện trò say sưa, nói chuyện quên cả giờ
giấc. Tuy vậy, thỉnh thoảng nét mặt Tường Vy vướng nét đăm chiêu nghĩ ngợi.
Ở nhà dưới, Quế và bà Lâm bận rộn lo nấu cơm đãi
khách.
Ăn cơm xong, Vĩnh cùng Tường Vy ra vườn dạo chơi.
Vĩnh âu yếm nhìn nàng nói:
- "Tường Vy ạ, tối nay em ở lại, hai đứa mình
lên chợ huyện xem 'Thép đã tôi thế đấy' phim Liên xô, hay và ý nghĩa lắm."
Đây là dịp, tối nay chỉ có hai người, nàng sẽ nói
với Vĩnh vài điều hệ trọng để cùng nhau có hướng quyết định, nên nàng đồng ý
ngay:
- "Thế cũng được, em đánh liều ở lại, sáng
mai rồi hãy về."
Hai người
cùng sánh vai đi dưới những hàng tiêu sum sê, cao vút. Đến cuối vườn, họ dừng lại,
Vĩnh quàng tay ôm chặt Tường Vy vào lòng, hôn lên má lên môi nàng. Quế, vợ Vĩnh đứng ở nhà dưới, nhìn qua cửa sổ ra
vườn. Thấy cảnh âu yếm như thế, nước mắt chảy dòng. Nàng tủi thân quá, nhưng cố
kèm giữ tiếng khóc.Thấy vậy, bà Lâm giận thằng con và cô bạn gái. Bà bảo Quế:
- "Con ra vườn nói con là vợ của thằng Vĩnh
cho cô nớ biết."
Quế không dám ra. Cứ đứng nhìn cảnh chồng mình và
cô gái tình tứ, lòng nàng chát đắng, rồi không thể giữ nổi được tiếng khóc nữa,
tiếng khóc ưng ức cứ trào ra khỏi cổ họng, làm bà Lâm xốn xang thương cảm cho đứa
con dâu thiệt thà chơn chất, bà bèn nói với Quế:
- "Con sợ, để mẹ giúp con, đừng lo buồn chi
cho khổ."
Khi Tường Vy trở vào nhà trên. Bà Lâm xuống nhà dưới
bồng thằng Phúc lên. Thấy đứa nhỏ đẹp, bụ bẩm; nàng nắm tay nó, khen:
- "Cháu bé dễ thương quá, bác ơi!."
- "Con của thằng Vĩnh đó cô." Vừa nói bà
vừa đưa tay chỉ xuống nhà dưới, bà nói tiếp:
- "Vợ Thằng Vĩnh ở dưới kia."
Tường Vy nhìn xuống, thấy một người đàn bà đang gục
xuống bàn, đầu tóc rối rắm, hai vai cứ rung lên từng lúc, mỗi khi nàng khóc nấc.
Tường Vy rụng rời tay chân, cảnh vật chung quanh tối
thui, tối mò, trời đất quay cuồng. Nàng xâm xây mặt mày, cố vịn ghế đứng cho vững,
miễn cưỡng tử tế, vui vẻ, rồi tìm cách giã từ ra về.
Buồn quá, không biết đi lang thang thế nào, nàng đến
được nhà một người bạn gái cùng học thời trung học tỉnh. Đã là bạn nên dễ tâm sự.
nàng trút hết nỗi niềm cay đắng với bạn:
- "... Tau với ông Vĩnh đã có cảm tình với
nhau trong thời gian hai đứa ở trường tu nghiệp. Tau thấy ổng ra vẻ đường
hoàng, nói qua nói lại thấy hợp. Thế rồi ổng tỏ tình, tau đồng ý. Nay tau lên
nhà ổng xem, để rồi quyết định tiến thêm một bước nữa. Không ngờ ổng đã có vợ
con rồi mi ơi. Khi quen nhau, Vĩnh có nói với tau ổng đã có gia đình đâu. Ôi
thôi, tau lên đây lần đầu cũng là lần cuối. Lên đây, ngờ đâu là để đốt hết một
nén hương lòng. Mi biết không, ông Vĩnh
là người tình đầu và tau đã trót lỡ có bầu với ổng rồi mi ơi. Thiệt là khổ, biết
ăn nói làm sao bây giờ. Thêm phần ba mạ tau quá thất vọng vì đứa con gái hư.
Công đoàn cơ quan nơi tau làm, họ động viên tau nên tổ chức đám cưới để hợp thức
hoá nếu không thì vi phạm chính sách, phải nghỉ việc. Ôi! Giờ thì sự thể rối rắm như tơ vò, khó mà
gỡ nổi."
Bốn ngày sau khi ở nhà người bạn gái trở về, Tường
Vy qua đời. Theo sự giám định của bệnh viện quận ba, nàng chết vì uống thuốc ngủ
quá liều. Nàng giã từ cuộc sống ở tuổi hai mươi hai.
Biết Tường Vy chết mang theo giọt máu của mình.
Vĩnh buồn khổ mấy tuần liền. Nó uống rượu say li bì, hút thuốc liên miên. Mong vơi bớt sự dày vò, Vĩnh tự an ủi:
"Những gì đã xãy ra đều là quá khứ. Ta nên quên đi quá khứ, hãy sống cho
hiện tại và hướng về tương lai, quá khứ không hơn không kém bóng ma. Bóng ma chẳng
làm được gì lợi hại cho mình.Thế nhưng những ngày qua lại cứ hiện về. Một thời
đi học, mái trường xưa và những ngày vui buồn. Những người thân, cha mẹ Vĩnh, một
đời sống vì con. Vĩnh nghĩ tới người vợ hiền thục chơn chất, một lòng một dạ với
chồng con, làm lụng đầu tắt mặt tối lo cho gia đình chồng. Nàng không kể đến sự
gian nan vất vả, không kể đến cả sự an nguy chính bản thân mình để có được
phương tiện gạo tiền giúp Vĩnh ăn học. Đến khi thành tài Vĩnh quay mặt phụ tình
Quế, chạy theo dục tình không chính đáng. Đưa người bạn gái Tường Vy vào bể khổ
tình yêu, khiến nàng tuyệt vọng tìm đến cái chết để giải thoát khổ đau.
Nghĩ đi, nghĩ lại, nghĩ tới, nghĩ lui. Lòng Vĩnh dấy
lên sự ân hận của kẻ vô ơn, phụ tình, bạc nghĩa; lòng dạ ích kỷ, chỉ biết chạy
theo dục vọng cá nhân.
Thành phố Nữu Ước, những ngày đông tuyết lạnh, năm 2015
Nguyễn Đình Hoành