Đọc Bài Thơ "Có Lẽ Nào" của Hoài Huyền Thanh
- Châu Thạch
Hoài Huyền Thanh, Châu Thạch, Vĩnh Thuyên, Nguyễn Thế Nhiệm, Trọng Tranh |
C
Có lẽ nào ngày mai không còn nữa
Trời thêm xa và đất lại thật gần
Có lẽ nào chốn trầm luân cõi tạm
Nẻo nào xa còn lưu luyến phân vân.
Có lẽ nào từ mong manh sợi khói
Từng ngày qua đau đáu trái tim nhàu
Có lẽ nào con sông quê thuở ấy
Bàng bạc trôi viễn xứ chở niềm đau.
Có lẽ nào hoàng hôn chênh chếch bóng
Nghiêng nghiêng đêm mộng mị đến nao lòng
Có lẽ nào lá vàng rơi thật khẽ
Mây biết buồn và sao cũng bâng khuâng.
Có lẽ nào nắng tàn phai trước ngõ
Bóng trưa hè thảng thốt nén niềm đau
Có lẽ nào bài thơ tình dang dở
Gió ru hời hạt nắng cũng xôn xao…
HOÀIHUYỀNTHANH
4/2014
Thảo luận về bài thơ “Có lẽ nào” của Hoài
Huyền Thanh nhà thơ Đan Thụy đã viết như sau: “Câu thơ dản dị, nhẹ nhàng, thanh
thoát nhưng cho ta những dấu hỏi thật lớn, càng suy nghĩ càng nao lòng”. Quả
vậy, vì những dấu hỏi đó tác giả lại đem đặt đàng sau những câu khẳn định, hay
đúng ra hỏi về những điều mà mọi người đã từng nếm trải trong cuộc sống trần
gian. Bài thơ có liên tục những câu hỏi, dồn đập những câu hỏi, thắc mắc về
những điều phi lý xảy ra trong cuộc đời, có tác dụng khơi dậy những niềm đau
của thân phận kiếp người đã hằn sâu trong tâm khảm, được ngụy trang bằng những
niềm vui tạm bợ giữa trần gian. Cái chữ “ nao lòng” mà nhà thơ Đan Thụy đã dùng
là ý thức được nỗi đau đứng bên bờ vực thẳm mà sự đen tối phía dưới kia không
bao giở giải được. Hãy nao lòng vì sự
chết đã được dùng ngay trong vế nhập đề:
Có lẽ nào ngày mai không còn nữa
Trời thêm xa và đất lại thật gần
Có lẽ nào chốn trầm luân cõi tạm
Nẻo nào xa còn lưu luyến phân vân.
“ Có lẽ nào” không đánh dấu hỏi phía sau là tiếng kêu
thảng thốt, ta thán, trách móc về lẽ vô thường và nỗi đau dằn vặt trong ý thức con người về sự vô lý cứ yêu
thương, lưu luyến nó. Bốn câu thơ nầy hoàn toàn đem triết lý nhà
Phật vào thơ nhưng nó không giải thích triết lý mà đặt ra thành nan đề cho
người đọc thơ suy nghiệm. Và rồi từ sự suy nghiêm ấy con người sẽ thấy ngõ cụt
của vấn đề, để con người càng ưu tư đến độ phải cùng nhà thơ thốt lên lời than
thở “ Nẻo nào xa còn lưu luyên phân vân”. Chữ “ Có lẽ nào” ở đây nhắc chúng ta
liên nghĩ đến có lẽ ngày xưa thái tử Tất-Đạt-Đa cũng vì ba chữ nầy mà rời bỏ
hoàng cung đi tìm con đường giải thoát. Tất-Đạt-Đa thành Phật nhưng ta thì vẫn
còn “trầm luân cõi tạm” nên cũng trầm luân trong câu hỏi “có lẽ nào” kia. Bốn
câu thơ cho ta hiểu thêm về “khổ đế” trong triết lý nhà Phật không bằng suy
luận của lý trí mà bằng cảm xúc của tâm hồn.
Ỏ vế thứ hai
nhà thơ Hoài Huyền Thanh cởi bỏ đi chiếc áo đóng vai tu sĩ, lộ nguyên hình một
nhà thơ với những yếu đuối trong tâm hồn, rung động đến từ mong manh của sợi
khói đến niềm đau trôi dạt trên con sông quê:
Có lẽ nào từ mong manh sợi khói
Từng ngày qua đau đáu trái tim nhàu
Có lẽ nào con sông quê thuở ấy
Bàng bạc trôi viễn xứ chở niềm đau.
“Có lẽ nào” bây giờ không hỏi về điều cao trọng của
kiếp nhân sinh mà hỏi về điều thầm lặng dơn sơ xảy ra trong lòng người nhưng nó
cũng nặng nề không khác chi những điều cao trọng. Sợi khói lại đau đáu nằm
trong trái tim. Con sông quê mà lại chở niềm đau, nghĩa là con sông ấy với hình
ảnh của nó cũng đang trôi hoài trong trái tim tác giả. Tác giả ý niệm về kỷ
niệm đời người mong manh như sợi khói nhưng nó lại không tan biến đi mà hằn sâu
trong trí nhớ, đáu đáu ở trong tim. Sự mong manh trở thành bền vững và sự bền
vững chất chứa cái mong manh trong ý thơ làm cho con người như biến thành sợi khói
bay về vùng trời kỷ niệm. Bởi đó mà sự “Bàng bạc trôi về viễn xứ chở niềm
đau”cũng xảy ra trong lòng người khi đọc thơ của tác giả.
Qua vế thứ ba nỗi khắc khỏi về sự tàn phai, về sự tận
cùng, về sự lâm chung của ngày như sự lâm chung của cuộc đời cứ bâng khuâng
trong lòng tác giả . Nỗi buồn muôn thưở ấy được diễn tả bằng lời thơ trầm xuống
như những tiếng thở dài não nuột nối theo nhau:
Có lẽ nào hoàng hôn chênh chếch bóng
Nghiêng nghiêng đêm mộng mị đến nao lòng
Có lẽ nào lá vàng rơi thật khẽ
Mây biết buồn và sao cũng bâng khuâng.
Hoàng hôn chếch bóng là nan đề, đêm mộng mị là nan đề,
lá vàng rơi là nan đề, mây cũng là nan đề, tất cả mọi biến động trong không gian,
trong thời gian, trong vạn vật đều mang nan đề biến thành nỗi ưu tư trong lòng
tác giả. “ Có lẽ nào” bây giờ là dấu hỏi cho những điều xảy ra trước mắt, những
điều mà cái nhìn làm cho cuộc đời trở nên bi quan yếm thế. Tất cả cảnh trong
thơ đều mang tâm trạng con người cho nên thơ đã lồng được cái cao rộng của hồn
người vào chung cùng vạn vật.
Ở vế chót bài
thơ, điều chủ yếu nén sâu trong lòng tác giả đến bây giờ mới được thốt lên. Đó
là tình yêu, thứ mà chỉ một mình nó đã làm cho trời đất, muôn vật quay cuồng:
Có lẽ nào nắng tàn phai trước ngõ
Bóng trưa hè thảng thốt nén niềm đau
Có lẽ nào bài thơ tình dang dở
Gió ru hời hạt nắng cũng xôn xao…
Cả bài thơ sẽ không thành hình nếu “bài thơ tình”
không dang dở. “ Bài thơ tình dang dở’ là mấu chót của bài thơ “Có lẽ nào”, là
điều kéo theo những trải nghiệm cuộc đời dưới đôi mắt bi quan, là điều trung
tâm cho ý nghĩa của bài thơ. “ Bài thơ tình dang dở” làm cho toàn bộ bài thơ đau đáu nỗi suy tư bi
luỵ về cuộc đời trở nên lảng mạn, làm cho bài thơ triết lý khô khan trở nên trử
tình, khiến người đọc thơ đương ở trong thế giới sầu bước qua thế giới của mộng mơ. Tác giả
thật khéo léo khi đem cả luật vô thường, đời người, quê hương đưa con người lên
đến đích đỉnh cao để cùng với mình buông tiếng thở dài hoài niệm tình yêu .
Thơ Hoài Huyền
Thanh khi nào cũng là sự trầm lắng chất chưa suy tư và kỷ niệm. Tiếng thơ Hoài
Huyền Thanh dầu bắng những câu từ ngắn gọn, thoảng như cơn gió bay qua song cửa
hay dài bằng những vế thơ nối tiếp cũng đều đem đến hồn ta sự bâng khuâng của
hoài niệm , sự man mác của tình yêu, sự vương vấn trong suy nghiệm và sự khoan
khoái khi thấy một tâm hồn nên thơ trải đều thanh âm trên bình diện cả bài thơ
./.
Châu Thạch