Tuesday, March 17, 2015

Chuyến Đi Trắc Trở - Nguyễn Khắc Phước
truyện dịch

truyện ngắn của Juozas Grusas
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

     Xưa có một người chủ trang trại tên là Valiulis tóc đã bạc phơ như sương muối đầu thu. Năm ông tám mốt tuổi, biết mình sắp chết, sắp xa lìa một nông trang phát đạt, một người
vợ không con trẻ hơn ông hơn hai mươi tuổi, ruộng vườn bát ngát, cả bầu trời xanh và mây trắng nữa.
     Thời trẻ, ông làm gì cũng nhanh và đúng giờ, nhưng khi đã già yếu, ông không còn được nhanh nhẹn. Bây giờ thì ông chủ trại đáng thương đang sẵn sàng ra đi chẳng chút gì nóng nảy hay vội vàng. Suốt mùa đông lão cứ ho, càu nhàu, và mắng vợ:
     “Tôi sắp chết rồi. Hôm nay là ngày cuối cùng … đủ rồi … thế là hết…”
     Vợ ông, người con của đất đai, chẳng khóc lóc hay đau khổ gì về chuyện chồng mình sắp mất. Bà biết ở đâu cũng có luật và mọi thứ đã được sắp đặt theo ý của cha mẹ, ông bà và của Chúa. Bà chưa bao giờ đọc thơ tình lãng mạn hay khóc sướt mướt vì những vở tuồng bi thương. Bao giờ bà cũng trung thành với chồng. Thực ra, chưa có chuyện gì xảy ra ở nông trang làm bà mất thăng bằng.
     Ngay cả cái chết của chồng bà cũng gần như chỉ là chuyện thường ngày. Nếu ông ấy chết thì để ông ấy chết – vì ai cũng sẽ vậy thôi. Cái quan trọng là chết cho đàng hoàng và đúng thời điểm. Ngay cả hàng xóm cũng không muốn ông ấy chết vào mùa thu hoạch hay vào dịp lễ lớn khi mà ai cũng bận vui chơi. Lão đã bỏ thời gian để chọn một ngày thuận tiện, rãnh rỗi. Có thể nào đã hứa chết vào Mùa Chay lại âm thầm ra đi vào Lễ Tạ Ơn? Chuyện đùa giởn đó chỉ có mấy người vô trách nhiệm và non cơ xử sự chớ chẳng bao giờ xảy ra với người đàng hoàng.
     Trật tự là chính, và vợ lão chủ trại biết rõ điều đó. Bà sẵn sàng chấp nhận cái chết của chồng bà là chuyện đương nhiên như nhà xuất bản của tờ nhựt trình đợi ngày băng hà của nhà vua đang ốm, ngày tạ thế của đức giám mục, nhà tiên tri, hay một người nổi tiếng nào đó. Lúa mạch lên mầm đã xay, hoa bia hublông đã mua, bó đèn cầy đã mang trên gác xuống, quan tài đen viền bạc đã mua và để trên gác xép nhà kho. Mọi thứ đã sẵn sàng, kể cả việc thỉnh mục sư cũng đã mấy lần.


     Vậy là mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ cần nhấn nút. Nhưng ngón tay vô hình vẫn chưa rung cái chuông bí mật. Có lẻ quá quen với nhà này rồi nên thần chết quên nhiệm vụ. Láng giềng bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột. Và vợ lão cũng chán vì đã chuẩn bị mọi thứ xong rồi.
     Tuy nhiên, số mệnh cũng thường là kẻ chơi khăm. Đôi khi nó biến chuyện cười thành chuyện trọng đại, và đôi khi nó biến chuyện nhỏ nhặt thành chuyện ồn ào. Số mệnh và tử thần – hai con quái vật chỉ nên tin chút ít thôi.
     Tuy nhiên, có một chuyện quan trọng sắp xảy ra trong nhà của lão chủ trại.
     Một đêm, bà vợ mệt mỏi đang ngủ say bỗng nghe tiếng kêu: “Mortel, Mortel, giúp tôi với!” nhưng bà không dậy nổi.
     “Mortel, đồ giẻ rách, bà đâu rồi?”
     Vợ lão ngồi dậy, tay dụi mắt, miệng nói giọng ngái ngủ:      “Ông chẳng cho tôi ngủ yên … .”
     “Thắp đèn cầy lên-Tôi sắp chết.”
     “Ông nói sao?” Giọng vợ lão tỉnh táo hơn, nhưng bà vẫn không hiểu ông lão đang lẩm bẩm cái gì.
     “Tôi sắp chết … thắp một cây đèn nhỏ.”
     Vợ lão dậy, thắp đèn và đến bên giường lão. Lão đang thở nặng nhọc, ngực phập phồng, và trán đẩm mồ hôi.
     “Sao? Ông khỏe không?”
     “Đưa tôi cây đèn thánh-Tôi sắp chết.” Giọng lão nghèn nghẹn, mắt đảo qua đảo lại.
     Không phải chuyện đùa: Một người sắp chết. Nhưng vợ lão chủ trại không thể tin được. Bà đứng một lúc, chăm mắt nhìn người ốm, nhưng khi bà nhận ra lão không đổi ý, bà từ từ quay lại giường mình và lục lọi dưới gối, dường như để tìm đôi vớ. Cuối cùng bà lấy ra một bao đèn sáp to và chọn một cây nhỏ hơi ngắn vì đã dùng rồi và đặt vào tay người ốm. Chồng bà nắm chặt cây đèn, nhìn ngọn lửa, mắt nhấp nháy, và chìm vào dòng suy nghĩ.
     Vợ lão nhìn quanh phòng. Có phải bà định đứng mãi thế này, chờ đợi và lạnh cóng không? Có trời biết ông lão muốn cái gì?
     Bà nghĩ: có lẻ nên đi ra chuồng xem con bò đốm đỏ đã đẻ hay chưa. Nhưng bà còn buồn ngủ nên bà trở lại giường và trùm mền cho ấm. Nếu chuyện gì xảy ra-bà sẽ dậy lại. Nằm trong giường ấm áp, bà trở mình và bắt đầu ngáy.


     Người ốm cảm thấy buồn. Lão nhìn ngọn lửa đèn sáp lay động và rên hư hử hồi lâu. Lúc này lão cảm thấy cái chết như một bóng đen đang tiến dần về phía lão. Bên ngoài cửa sổ, trời tối và yên ắng. Chiếc đồng hồ cũ tích tắc trên tường và có lẻ nó đang đếm những phút cuối cùng của đời lão. Những phút quý giá cuối cùng chậm chạp và đơn điệu như tiếng mưa rơi trên mái nhà. Mình chết hay không, mình chết hay không, lão thẩn thờ nghĩ mãi cho đến khi cảm thấy buồn ngủ. Lão nhắm mắt và giấc ngủ an lành đến như làn gió ấm mùa xuân.


     Sáng hôm sau, vợ lão vội vàng ra khỏi giường vì biết mình dậy trể; bà mặc đồ và thắp đèn. Chuyện gì thế này? Bà chưa bao giờ nghĩ đến. Ngay cả một người có thần kinh bằng thép mà trông thấy cảnh này cũng phải tá hỏa. Người ốm đang nằm ngủ, mặt ngữa ra, và lão đang thở nặng nhọc, và cây đèn sáp đã tắt. Chỉ còn một chút đèn cầy trong lòng bàn tay lão và dường như nó muốn làm bà vợ lão điên tiết lên.
     Sáp rơi trên khăn trải và trên giường. Cứ đà này thì lão sẽ xài hết đèn sáp, rõ là đồ vô tích sự, và khi lão chết, sẽ không còn một cây để thắp trên quan tài. Chẳng khác gì trẻ nít, may mà lão chưa đốt tay mình! Không hiểu sao lão lại ngủ được với cây đèn dùng cho đám tang đang cháy ở trong tay? Suốt đời bà chưa bao giờ thấy một người nào ngu ngốc như thế. Càng nghĩ về chuyện này, bà càng muốn mắng lão.
     “Bố này! Bố phải biết xấu hổ chứ! Chút nữa thì bố đã tự thiêu rồi!”
     Lão mở mắt nhưng chẳng buồn nhìn bà vợ đang nổi gíận, rồi lại nhắm mắt. Rồi lão ngoan ngoản đưa tay lên rồi thả rơi xuống mền như một chiếc bít tất đựng đầy tro.
     Bà vợ làm thinh. Cái cử động tay của lão biểu lộ tình trạng nghiêm trọng không ai dám nghĩ. Bà nhận ra mình đã mắng chồng không đúng lúc. Và bà dịu giọng hỏi ông, “Ông yếu lắm à?”
     “Ôi chao, yếu lắm, yếu lắm”
     Người bệnh rên rỉ rồi lại thiếp ngủ.
     Lần này, chắc là trầm trọng rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là giây phút cuối cùng của ông. Bà chưa bao giờ thấy ông như thế. Bà cảm thấy cái chết đang từ từ tiến đến người chồng yêu quý của bà, và nỗi buồn như đang kẹp tim bà bằng một cái kềm. Bây giờ mọi thứ đã khác với đêm qua khi bà thắp đèn sáp. Lúc ấy ấy chỉ là trò đùa.
     Nhưng bà không phải là một phụ nữ mềm yếu. Bà chẳng bao giờ để phiền muộn hủy hoại mình. Buồn thì chắc rồi đấy, nhưng dẫu sao, thời gian này là dịp rãnh rỗi, đang ở Mùa Chay. Và mọi thứ đã sẵn sàng từ lâu lắm rồi. Thú thực, cũng không tệ lắm nếu ông chết hôm nay. Dù gì đi nữa, ông ấy cũng đã sẵn sàng rồi. Ông ấy có thể đã chết vào lúc không ai đến ngó ngàng. Bà đã quen với cái lệ ấy từ hồi còn bé, và bà không bao giờ om sòm. Như bà còn nhớ, ngay cả việc bà lấy chồng cũng vì cái lệ ấy. Cha mẹ bà muốn sao thì bà theo vậy. Đó là cái lệ của nông trang, và bà đã không làm om sòm, cho dù chú rể không còn trẻ cũng chẳng đẹp trai.
     Nông trang và kế hoạch đã được cha mẹ, ông bà và Chúa sắp đặt, điều đó quan trọng hơn đối với bà.


     Khi bà đang trầm ngâm thì người láng giềng gần nhất, bà Sauliene, nhẹ nhàng vào nhà, không gỏ cửa. Đó là tập quán của vùng này. Bà là một phụ nữ tận tâm, ăn nói sắc sảo nhưng rất vui tính. Bà dậm chân cho tuyết rớt khỏi giày, ca ngợi Chúa, và bắt đầu líu lo: “Vậy là thím yêu quý đang chuẩn bị … Tôi thấy mấy con bò của thím đang thả rông nên ghé vào báo thím hay … bệnh tình của ông xã sao rồi? Có khá hơn không? Cầu Chúa ban …”
     Bà vợ lão chủ trại nhận ra rằng thằng chăn bò mới thuê ngu xuẩn và vô tích sự đã thả mấy con bò đi rông.
     “Chắc là thằng đầy tớ của tôi rồi. Nó đến đâu là gây họa đó.”
     Bà cầm một góc cái tạp dề phủi bụi cái ghế dài và mời khách ngồi. Rồi bà bắt đầu kể về bệnh tình của chồng.
     “Có lẻ một hai ngày nữa thôi, không lâu đâu … Đêm qua tôi phải thắp đèn sáp …”
     Bà khách đến bên người ốm, nhìn và nhún vai, rồi quay sang bà hàng xóm và thì thầm:
     “Thím thấy…”
     Nhưng bà muốn tính chính xác số ngày ông lão còn tồn tại trên đường trần.
     Có vẻ như bà đang thẩm định cái gì đó, tựa như một thương lái giỏi đang định giá hàng, rồi bà cúi xuống và nói nhỏ vào tai ông: “Ông sắp dậy phải không, ông hàng xóm yêu quý?”
     Người ốm mở mắt còn ngái ngủ.
     “Yếu lắm, yếu lắm …”
     Bà khách đập tay vào đùi mình rồi kéo bà chủ nhà vào một góc phòng và bắt đầu mắng, “Thím yêu quý này! Vậy là thím chưa chuẩn bị gì hết. Ông ấy sẽ qua đời bất cứ phút nào … hôm nay … nhìn xem … ông thở không ra hơi. Mời ban phụng vụ nhanh lên. Thời gian này thuận lắm đấy.”
     Bà vợ lão chủ trại cảm thấy ấm lòng. Chắc chắn ông chồng yêu quý của bà sẽ chết hôm nay. Nói gì cho mất công. Cái chết đến sát nách rồi. Bà Sauliene quá rành về những chuyện này.


     Khi bà khách đã về, bà vợ lão chủ trại bắt đầu vào việc. Mọi thứ phải đàng hoàng và trôi chảy. Đã thỉnh mục sư rồi nên bà khỏi lo chuyện này. Giờ bà nên mời ban phụng vụ. Ông ấy không thể rời thế gian này mà không có họ. Bia đâu rồi nhỉ? Ban phụng vụ có thể để chồng bà chết mà chẳng cần bia. Vậy cũng ổn thôi. Thế nhưng không ai muốn đi viếng đám ma nếu họ biết chỗ ấy không có bia. Cả gia đình đều xấu mặt vì chuyện này. Liệu thiên hạ nghĩ sao đây?
     Bà sai thằng ở vô tích sự đi mua bia và sai con ở đi mời phụ nữ trong làng. Bà chủ nhà cũng bắt đầu làm việc nhà. Bà phải sửa cái giường của người bệnh, trải khăn bàn, lau ghế dài, chùi nền nhà, để sẵn nắm đèn sáp. Ban phụng vụ có lẻ sắp đến rồi.
     Sau khi mọi việc chuẩn bị xong xuôi, bà thở ra khoan khoái tựa như máy gặt xã hơi sau một đường gặt. Giờ thì bà thấy không còn cái gì ngăn cản ông ấy ra đi. Bà kiểm tra mọi thứ trong nhà một lần nữa rồi quay lại chỗ ông chồng.
     “Ông thấy trong người ra sao?
     Người bệnh rên rỉ, gải cằm rồi lẩm bẩm, “Có lẻ … tôi chết … hôm nay …”
     “Tội nghiệp ông … đầu ông sao rồi? có choáng váng không?”  Bà không muốn làm ông phật ý mà chỉ muốn an ủi ông, nên không quan tâm đến phải nói như thế nào.
     Các bà phụ nữ bắt đầu đến. Người thì biết hát thánh kinh, người thì biết chăm sóc người chết-họ tập trung cả đây. Ai cũng ăn mặc sạch sẻ như trong kỳ nghỉ.
     Với con mắt thành thạo, họ nhìn sắc diện người bệnh và đoán bao nhiêu phút nữa thì ông ấy chết.
     “Bác sắp sửa đi rồi đấy à?” họ hỏi tựa như lão sắp đi Brazil. Lão tỏ ra không tin tưởng ban phụng vụ. Thực ra, họ làm lão chú ý và tỉnh ngủ. Nhưng nhìn mặt lão có thể đoán được lão không khoái mấy bà lắm. Lão mở to mắt nhìn họ và không hiểu sao họ lại vây quanh lão.  Thay vì trả lời, lão chỉ “hừ” một tiếng trong mũi.
     “Tội nghiệp ông già chưa! Ông không nói được dù chỉ một tiếng.” 
     “Mình đừng nói với ông ấy nữa.”
     “Bà hàng xóm này, bà dẫn trước nhé. Ta sẽ hát một lời nguyện.”
     “Bố ơi, tôi thắp đèn sáp nhé? Bà vợ hỏi, có vẻ xúc động, lấy tay gạt nước mắt, mặc dù, như mọi người thấy, bà chẳng có vẻ gì là sắp khóc.
     Người bệnh như đang xua đuổi một con ong vò vẽ. Lão vẩy hai tay và miệng lẩm bẩm. Cử chỉ này cho thấy tình trạng đã trầm trọng.
     Mấy bà lớn tuổi tử tế đang sửa mấy cây đèn sáp cho ngay. Mấy bà khác thì đang nhìn vào cuốn thánh kinh. Họ bắt đầu nói chuyện trong khi chờ đợi lễ dành cho người chết. Mấy bà  đứng xa hơn bàn luận về việc chôn cất.
     “Đám ma thì phải đủ nghi lễ. Có tốn tiền gì nhiều lắm đâu … đối với một ông chủ trại như thế này!” một bà to mồm nói ông ổng khiến cả nhà đều nghe.


     Người bệnh nghe rõ mồn một câu này. Tất cả cái “yếu” của ông bốc hơi như long nảo. Lão xoay người và quay mặt vào tường. Lão gải đầu và lại quay ra. Cuối cùng lão cố gắng đạp cái mền rớt xuống nền nhà. Lão trở nên khỏe đến kinh ngạc. Lão sắp ngồi dậy và bước ra khỏi giường, nhưng mấy bà trong ban phụng vụ chạy đến đẩy lão xuống giường và đắp mền.
     “Tội nghiệp, ông lão đang mê sảng.”
     “Chết không phải dễ.”
     “Lạy chúa, hãy cho ông lão chết bình yên.”


     Đến nước này thì lão không còn chịu được. Lão nắm tay và sẵn sàng đấm vào người vừa cầu cho lão chết bình yên. Lão muốn bịt tai lại để khỏi nghe người ta nói về chuyện đó.
     Như bạn đã biết, lão là một người khó tính. Lão luôn là một người cứng đầu rất khó chịu. Cứ mỗi lần vợ lão nói lão không chết, lão lại cương quyết rằng lão sẽ chết. Giờ thì mọi người đang cầu cho lão chết bình yên, lão lại không muốn lìa bỏ thế gian đau khổ này.
     Tình thế trở nên hết sức u ám.
     Ngay lúc đó, thật ngạc nhiên làm sao, người phụ nữ có tính tình mạnh mẽ nhất trong làng, bà Simkiene, bước vào.
     “Mấy người đang làm gì ở đây?” bà hỏi họ. Và không đợi trả lời, bà quay sang người ốm. “Đuổi hết mấy bà này ra ngoài. Ông không chết đâu! Chúng ta sắp phải đánh lộn. Có ai đó đã phá cổng ở lối ra. Giờ người ta đang đi về phía đồng. Họ sắp dẫm lên ruộng của tôi.”
     Mắt lão chủ trang trại sáng lên, và lão còn cười nữa.
     “Ông hãy đuổi hết mấy người phụ nữ này ra và đi sửa cổng của ông.”
     Nói xong, bà bước ra, miệng mỉm cười.
     Nghi thức tiễn đưa người chết đã thất bại. Đám phụ nữ nhìn nhau và không biết phải làm gì. Mặc dù họ có nhièu kinh nghiệm về đám tang, nhưng họ chưa bao giờ gặp trở ngại như thế này.
     Người ốm trở nên can đảm hơn. Và lão cảm thấy không còn đơn độc trong trận chiến chống lại một tập thể những người trong ban phụng vụ. Lão quyết định lên tiếng:
     “Tại sao các bà tập trung ở đây? Ra hết đi!”
     Đồ vô ơn! Đàn ông gì mà thô lỗ quá! Đám phụ nữ cảm thấy bị xúc phạm.
     Và vợ lão cảm thấy một điều kỳ diệu đang xảy ra. Chỉ mấy phút trước đây, ông sắp chết, bây giờ ông lại đang đuổi mấy người trong ban phụng vụ ra. Sau này khi việc thật xảy ra, không cách gì mời họ lại được. Người gì mà khó chịu! Thế nhưng bà lại cẩn thận và sẵn sàng nhượng bộ. Bà chỉ hỏi, “Bố muốn ăn gì không?”
     “Vâng. Nếu bà có gì thì cho tôi …”
     Bà mang cho ông một tô cháo cũ cải với kem. Người ốm ngồi xuống và bắt đầu ăn. Và ông ăn rất ngon miệng.
     Trong khi đó, mấy bà phụng vụ lần lượt bước vội ra cửa lớn. Họ không thích trò đùa này.
     Khi người ốm ăn xong tô cháo, ông lấy tay chùi khô râu.
     “Ông ăn nữa không?” bà vợ vừa hỏi vừa vuốt tóc ông. 
     “Vâng. Nếu bà có gì cho tôi…”
      Bà bưng cho ông tô thứ hai và thêm kem để cháo ngon hơn.
     Ngay khi bà vừa đặt tô cháo trước mặt ông chồng, con ở hớt hãi vừa chạy vào vừa hét lên: “Bà ơi, nhà kho cháy rồi!”
     Bà vụt chạy ra cửa sổ và thấy khói xám bốc lên từ nhà kho.
     “Ôi Chúa ơi!”
     Bà mặc thêm áo khoác và lao đi, vừa chạy vừa mắng thằng giúp việc trong khi làm bia đã đốt luôn cái nhà kho.


     Trong sân, có đông người nhốn nháo. Nhừng người hàng xóm chạy vào, la hét, thùng xô va chạm. Nhà kho chìm trong ngọn lửa tựa như có ai đổ xăng vào mái tranh. Không ai có thể làm gì được để cứu nhà kho. Lính cứu hỏa chỉ cố gắng bảo vệ những ngôi nhà khác khỏi bị lửa lan sang. Nhưng may thay gió lại thổi theo chiều thuận nên những nhà khác không bị nguy hiểm.
     Người ta quay đầu lại. Chính người ốm đang nói với họ. Sau khi ăn hết cháo, lão chống gậy và đi ra ngoài. Bây giờ lão đi lại có vẻ linh lợi, ra lệnh và thúc dục người ta giúp. Lão xách một xô nước và đang cố dập tắt lửa.
     Bạn nghĩ chuyện gì đã xảy ra? Lão thấy một điều kỳ diệu-mái nhà kho cháy đổ sụp xuống, và quan tài của lão ở trên gác xép ngập trong lửa. Một quan tài thực sự dành cho chính lão. Lão cảm thấy hòn đá cuối cùng đã rớt khỏi ngực mình. Nụ cười rạng rỡ xuất hiện trên mặt lão. Chúa ơi, một ngày quá đỗi thành công! Lão thúc cùi chỏ vào người hàng xóm đang đứng bên cạnh, chỉ tay về hướng đám cháy và và nói:
     “Nó đang cháy.”


VÀI DÒNG VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:

Juozas Grušas (1901-1986) là công dân nước Lithunia (một quốc gia nhỏ bé bên bờ biển Baltic, có dân số chừng 3 triệu), là nhà văn, nhà biên tập, kịch sĩ và nhà viết kịch. 

Truyện trên đây của ông bằng tiếng Anh có nhan đề: A TRIP WITH OBSTACLES, được đăng trong cuốn WORLD’S BEST CONTEMPORARY SHORT STORIES (Truyện ngắn đương đại thế giới hay nhất), Ace Books Inc., 1965, New York, in lại từ cuốn SELECTED LITHUNIAN SHORT STORIES (Truyện ngắn Lithunia chọn lọc), Maryland Books, 1963, do Stepas Zobarskas làm chủ biên.

*****
Cám ơn bác Trần Hữu Thuần (USA) và anh Đoàn Minh Phú (Bình Thuận) đã giải thích và cung cấp từ “phụng vụ” trong bài dịch này.

Đà Nẵng 9/2013
Nguyễn Khắc Phước