Sóc Trăng - Bút Nguyên Tử
tản văn
Sóc Trăng,
cái tên có từ bao giờ? Rằng từ khi Nguyễn Ánh bôn tẩu qua đây, đi thuyền trên
sông, hứng khởi đặt là Minh Nguyệt Giang, tên Trăng từ đó. Người thì bảo Trăng
là âm trại của Khơ-leng- Xróc Kleang (Sóc Chùa vàng, Kho lúa), chùa Kleang hãy
còn. Còn Sóc thì đã rõ.
Lịch sử cái tên thật lắm chuyện, thôi cứ để cho các nhà nghiên cứu. Có
điều Cần Thơ có thơ thì Sóc Trăng có nguồn thơ- trăng- Minh Nguyệt Giang. Quẫy
mái chèo thành muôn vàn mảnh vàng mảnh bạc, lao xao gương vỡ lại lành. Sông
Trăng đưa nước đón trăng. Có lẽ xa xưa, thuở tạo thiên lập địa, chốn này là những
cồn cát giữa những dòng xoáy biển, dần dà phù sa bồi lấp mà thành. Thả một vòng
xuống Đại Tâm hay sâu vào Chông Chác, tếch qua Mã Tộc hay An Hiệp thì gặp
ngay những triền dốc độ lệch không lớn nhưng rõ, nước vài tháng chớm mặn nhưng
lành, đất xốp pha đủ độ màu, hỗn hợp bùn cát nên mưa không nhẻm nhẹp, nắng
không chai nứt.
Với trục lộ giao thông số 1, Khánh Hưng xưa và Sóc Trăng nay là điểm nối
trung tâm đồng bằng Sông Cửu Long với vùng tận cùng của Tổ quốc, có cái thế
thông đất thông sông thông biển để phát triển. Là trung tâm giao lưu kinh tế,
văn hóa, tự nhiên với của Mỹ Xuyên, Mỹ
Tú, Châu Thành, Long Phú, Trần Đề, Kế Sách, Vĩnh Châu,Thạnh Trị, Ngã Năm trong
quan hệ tâm điểm- vệ tinh, những địa danh duyên dáng ẩn chứa tiềm năng trù phú
quần tụ chung quanh Sóc Trăng.
Dòng lưu phát triển có khi phức tạp
xôp bồ nhưng Sóc Trăng vẫn có cái riêng của mình.
Một trung tâm hòa nhập Việt-
Hoa- Khmer. Những ngôi chùa cổ đỉnh vút trời xanh sau những vườn cây chan hòa lễ
hội. Sự hòa hợp giữa đa dang dân tộc. Một trung tâm thương nghiệp nhưng chín
trong mười phường là địa bàn nửa nông nghiệp, nhịp sống thành thị vẫn đậm màu
ruộng rẫy. Cũng tự nhiên, phố xá nở mình, cao lên, Sóc Trăng chuyển mình và cảm
thấy chật hẹp.
Những đường một chiều, những chủ trương giải tỏa lộ giới, xẻ những con
đường mới khơi thông phần nào dòng chảy thị xã. Ai từng ở Sóc Trăng sẽ không thể
quên được những ngày rộn ràng, những đêm không ngủ, xe người ngược xuôi nêm chặt
đường phố, bờ sông. Những ngày hội ghe ngo, người người tứ phương quần tụ cùng
xe cộ chen lấn, nhích len từng chút, sức chứa của phố phường bị quá tải, ngờm
ngợp, choáng váng.
Khách phương xa thường nhắc Sóc Trăng với chùa Dơi- chùa Mã Tộc, ngôi
chùa cổ kính nhất các trung tâm thành phố chưa đầy hai cây số. Vườn chùa là nơi
ẩn ngày của bầy dơi quạ hàng nghìn con. Những đùm dơi treo ngược, lủng lẳng,
dơi mẹ dơi con léo réo chí chóe. Đêm đêm, dơi lại tỏa rợp trời bay đi tám hướng.
Và biết bao những ngôi chùa cổ Khmer vàng trong khuôn viên đậm xanh cây
lá, vươn đỉnh tháp vẽ vào trời xanh.
Và khách có biết cứ mỗi độ cuối
thu, khi chuyển mùa chớm lạnh, những con én đưa thoi lượn sát mặt đường như đua
với xe như đùa với người, gần rồi xa, ẩn
hiện chấp chới vẽ vào khoảng không phố phường những hình chữ chi, đúng
hơn là những hình sin toán học. Khi mọi người đang vật lộn với miếng ăn hàng
ngày, tất bật mua đi bán lại, so kè trong thời buổi cạnh tranh,biết không, như
hẹn, sứ giả chim én liệng sát từng nhà mang thông điệp của chúa xuân.
Bút Nguyên Tử