Friday, February 6, 2015

Ngày Xuân với "Mưa Xuân" của Nguyễn Bính 
                                            - Hoàng Yên Lynh










Mưa Xuân

  Em là con gái trong khung cửi
   Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
        Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
  Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

         Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
     Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
          Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
          Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

       Lòng thấy giăng tơ một mối tình
      Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
   Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh…

  Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
       Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
          Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
     Thế nào anh ấy chẳng sang xem

 Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
    Mưa bụi nên em không ướt áo,
    Thôn Đoài cách có một thôi đê.

      Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
 Em mải tìm anh chả thiết xem
        Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
  Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

      Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
 Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
   Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

        Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
       Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
         Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

  Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
    Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
       Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
       Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
 Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng : hát tối nay?

Nguyễn Bính

Nỗi nhớ của con người thường gắn liền với hình ảnh,sự kiện hay cái duyên cớ nào đó... Mỗi khi mùa xuân đến, không chỉ là niềm vui,háo hức đón chờ nắng ấm xuân sang mà với tôi còn là nỗi lòng, là hình ảnh của bao mùa xuân đã đi qua trong đời mình... Và những lúc bồi hồi với xuân xưa, tôi lại nhớ, đọc lại bài thơ Mưa Xuân của Nguyễn Bính.

Nhắc đến cố thi sĩ Nguyễn Bính,chúng ta vẫn nghĩ đến những vần thơ lục bát bình dị,gần gũi và những áng thơ tình rất mực chân quê "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn..."  Với Mưa Xuân lại là một chuyện tình có hồi đoạn, là những trăn trở của cố gái quê khi mùa xuân đã chạm ngõ, là nỗi tủi phận tủi duyên, là nỗi sầu nhân thế. Nhà thơ đã khéo léo trình bày hình ảnh của người con gái, cuộc sống với tâm hồn ngây thơ như mảnh lụa trắng.

            Em là con gái trong khung cửi
            Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
            Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
            Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Chỉ vậy thôi, Nguyễn Bính đã cho ta nhìn được hình ảnh, tính chân thật, mộc mạc của con người, của miền quê còn êm đềm chưa vướng bụi phồn hoa. Với Nguyễn Bính
hạt nhân của mỗi bài thơ Nguyễn Bính bao giờ cũng là một câu chuyện, một khúc tâm tình nào đó được diễn ra thành một cái cốt truyện, điều này làm nên chất tự sự thấm đẫm trong thơ ông. Và bởi tất cả những điều ấy mà nền âm hưởng của mọi tiếng thơ Nguyễn Bính đều là những vang vọng của một lời kể lể sự tình. là dòng chảy liền mạch giữa tình người với con sông,bến nước với làng quê,với những khúc ca dao thấm đẫm tình người.

Song chất trữ tình của bài thơ không chỉ ở sự sóng đôi mà thôi: sự – tình mà là ở một lí do khác, đó là Mưa xuân. Mưa xuân chứ không thể là một thứ mưa nào khác. Mưa xuân – nó là đầu mùa, là đầu năm, là tơ vương đầu tiên, mối tình đầu tiên, cuộc hò hẹn đầu tiên… Bởi thế chỉ có thể là mưa xuân. Mưa trong mùa xuân luôn là niềm tin yêu,gợi lên những mơ ước, là một không gian trong lành như Hàn Mạc Tử đã viết "Sột soạt gió trêu tà áo biếc / Bên giàn thiên lý bóng xuân sang."

Bài thơ gợi lên hai hình ảnh tuy tương phản nhưng cũng tự nhiên của hai không gian: Khung cửi và cuộc đời. Kẻ chia rẽ hai không gian này chính là… mưa xuân. Đây là quảng đời khi mưa xuân chưa đến. Người con gái quê với khung cửi dệt lụa, với những ước mơ thầm kín về một điều thật gần mà cũng thật xa.

Mưa xuân không chỉ giăng tơ cho trời đất. Mưa xuân còn giăng tơ vào cả hồn người với bao nỗi niềm tâm sự. Mưa xuân đã gieo vào lòng cô gái xuân những luyến ái đầu tiên. Nỗi niềm tâm sự tuy thầm kín nhưng luôn ấp ủ rong tim của người con gái và tràn ngập niềm rung động khi bắt gặp mùa xuân. Từ trong khung cửi, em đã bước ra ngoài trời xuân của cuộc đời theo tiếng gọi của mưa xuân.

            Bữa ấy mưa xuẩn phơi phới bay
            Hoa xoăn lớp lớp rụng vơi đầy.

Nguyễn Bính với hai câu thơ đã phác họa cả cảnh trời,tình người,mùa xuân nơi thôn dã. Với mưa bụi và lớp lớp hoa xoan đều phơi phới vào xuân. Trời đất kia đang mang trong nó niềm xốn xang.háo hức của nàng thiếu nữ! Cái cảm giác rạo rực, cái nồng ấm của đất trời đã được Nguyễn Bính lắng đọng qua những vần thơ tài hoa. Mưa xuất hiện lần này là “mưa bụi.” Mưa xuân dường như cũng đồng tình với cô gái để cùng thao thức, cùng dự hội.để đến nơi hò hẹn. 

                Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm 
                Em mải tìm anh chả thiết xem 
                Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh 
                Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em 

Nhưng lễ hội,với cô gái qua tâm thức của Nguyễn Bính cũng chỉ là cái cớ. Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh .Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em, nên lễ hội với em chỉ là lý do để nói với mẹ về đám hát thâu đêm còn em thì mãi tìm… ai. 

                Chờ  mãi anh sang, anh chả sang, 
                Thế mà hôm nọ hát bên làng, 
                Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn 
                Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

Một lời tâm sự mộc mạc, chân thành như chính tâm hồn trong trắng của gái quê. Chờ mãi mà người ấy không đến. Ước mơ - hi vọng và rồi buồn giận. Nhưng nỗi buồn trong lòng cô gái quê vẫn rất nhẹ nhàng ... Mình em lầm lủi trên đường về... Thế rồi người con gái ra về, con đường cũ giờ đây dài dằng dặc:

                Mình em lầm lũi trên đường về, 
                Có ngắn gì đâu một dải đê 
                Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt 
                Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

Chờ mãi, rồi không gặp. Nỗi lòng đó,tâm trạng đó ai cũng có thể hiểu thấu. Có ngắn gì đâu một dải đê mà để em tủi với canh khuya . Hình tượng cô gái lấy tà áo che đầu cho khỏi ướt có cái gì rất dân dã, mộc mạc. Không gặp được người ấy, thì bây giờ ướt áo có làm sao. Khi Hội chèo làng Đặng ra về qua  ngõ: Cho đến khi mẹ bảo "Mùa xuân đã cạn ngày" Hội làng khép lại, mưa xuân đã vơi dần theo nắng xuân và những chùm hoa xoan đã rụng dần thì cũng là lúc câu chuyện,nỗi ước mơ trong lòng khép lại.

                Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay 
                Hoa xoan đã nát dưới chân giầy 
                Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ 
                Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

Có phải mùa xuân dường như vô tình,lạnh lùng với tâm tình của cô gái quê vốn đơn sơ,chân thực. Đời con gái là bao, mà sao mùa xuân đã sớm cạn ngày? Cô gái thầm hỏi và hy vọng:

                Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày 
                Bao giờ em mới gặp anh đây? 
                Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ 
                Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”

Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối diễn đạt lạ.Thơ của Nguyễn Bính nhẹ nhàng,êm đềm,mộc mạc như dòng sông,bến nước,con đò,hàng giậu Thơ của ông từ những bài lục bát thấm đẫm chân quê đến những bài thơ lưu lạc nới đất phương Nam ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông đã để lại cho văn đàn nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó “Mưa xuân” – một bài thơ tuyệt đẹp là một điển hình.


Nhà thơ Nguyễn Bính ra đi đã gần 1/2 thế kỷ nhưng những vần thơ của ông để lại với đời vẫn là những chân tình, là những hình ảnh miền quê Việt Nam mà không thể phai mờ trong tâm trí, trong lòng người đọc. Đọc Mưa Xuân để thấy quá khứ vẫn còn nối kết với hiện tại dẫu lòng người,cuộc sống và mùa xuân có mang bao nhiêu sắc áo mới mùa xuân vẫn là mùa xuân của quê hương,của tâm hồn người Việt.

Mưa Xuân với tôi còn là nỗi lòng thương nhớ về cố hương,nơi tôi đã sống và đi qua những mùa xuân đầu đời. Nơi có mưa bụi bay, có cái gió se lạnh đầu xuân và áo the guốc mộc... nên dẫu thế nào, đường đời có phong ba bão táp Mưa Xuân vẫn là điệp khúc xuân sưởi ấm tình tôi mỗi khi xuân về nới miền đất cao nguyên ngóng chờ những hạt mưa xuân để hiện tại lại nối về quá khứ.

Hoàng yên Lynh 
Xuân Ất Mùi 2015