Tuesday, February 17, 2015

Bao Công - Giáng Ngọc

         
           Đời nào cũng thế, có tham nhũng sẽ có vấn đề kẻ chống người theo. Người theo là ngưòi cùng bè cùng nhóm để kiếm lợi. Kẻ chống có rất nhiều nguyên nhân. Chống vì họ cảm thấy đất nước sẽ khánh kiệt, nhân dân sẽ khốn khó vì tiền của đang tìm cách chui vào túi cá
nhân các người có chức lắm quyền. Có kẻ vì không “ăn" được mà chống. Có người chống vì cảm nhận bất lợi cho cái ghế đang ngồi của mình. Tựu trung chống hay chạy theo đều có nguyên nhân.
         Ngày xưa bên Trung Hoa có một Bao Công (Bao Thanh Thiên), hiện nay phim ảnh Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông có rất nhiều bộ phim nói đến, có rất nhiều thể loại và câu chuyện, tất cả đều xoay quanh vương triều đời nhà Tống. Việt Nam  ngày xưa cũng có một  Nội Tán mà chính danh là Nguyển Khoa Đăng. Ông có biệt tài về môn điều tra và xử kiện. (Chưa thấy một nhà làm phim hay đạo diển nào của Việt Nam hư cấu dựa theo chính s để thực hiện một phim “Bao Công” như của Trung Quốc.Chỉ thấy một vài kịch bản nói về chuyện cổ tích mà thôi.)
         Sở dĩ ngày xưa  ba công việc điều tra, buộc tội, và tuyên án đều tập trung vào quyền hành của một người khác với ngày nay, vì ngày xưa ông bà ta đang sống trong chế độ quân chủ chuyên chế - dùng nhân trị - lấy đạo đức con người làm nhân bản, đặt tất cả tin tưởng vào lòng nhân nghĩa, thành tín vào bốn người trọng yếu là: Người đôi, kẻ chối, nhân chứng và kẻ xử. Ngày xưa chưa có luật sư biện hộ như bây giờ. Những thầy “cung” thầy “kiện” đều đứng trong hậu trường để chỉ vẻ cho bị can hoặc nguyên đơn mà thôi.
       Sau khi người Pháp đến đô hộ nưóc ta, thì có một phần cải tiến. Người Việt sang Pháp học luật và trở về Việt Nam hành nghề. Vào thời buổi đó dân chúng hay gọi luật sư là ông “Trạng Sư” cho nên Việt Nam có phần tiêm nhiểm về ý thức luật pháp Tây Phương (esprit des lois) và quan niệm phân quyền (Séparation des pouvoirs), nên đã có phần vượt qua chế độ nhân trị, chỉ cần căn cứ vào luật pháp và bằng chứng cụ thể để phán xét.
         Tuy nhiên trong nền luật pháp của Tây Phương cũng đã có nhiều điều khác biệt như ở Pháp, Anh, Ý và ngay đến bây giờ ở Hoa Kỳ. Nói chung các vị luật sư thường hay biện luận, moi móc những sơ hở của luật pháp để “cải” hay đưa ra những yếu tố phản biện có lợi cho thân chủ. Mặc dầu những điều đó đôi lúc đi ngược lại pháp luật, hay thậm chí không được đúng với đạo lý của con người. Những điều có thể “ngụy biện” để chứng minh cho người “có tội” trở thành vô tội hoặc ngược lại! (Demontrer l’innocence  d’un coupable-La culpabilité d’un innocent.)
       Quay lại vấn đề nước ta: Lui trở lại vào khoảng trên dưới 300 năm, vào đầu thế kỷ 18, chúng ta có ông Nguyển Khoa Đăng con thứ hai của ông Nguyển Khoa Chiêm, thuộc dòng danh giá thế phiệt, nên ông đuợc bổ nhiệm vào “Văn chức viên” đời chúa Hiếu Minh Nguyển Phúc Chu (1691-1752). Năm Canh Tỵ (1720), chúa Nguyển phái ông vào Quảng Nam, Phú Yên, dinh điền lập ấp. Năm Nhâm Dần (1722), Ông được thăng lên chức “Nội Tán kiên Án Sát sứ- Tổng Tri Quân quốc Trọng sự" Thân định điều lệ. Ông đã có khả năng và biệt tài trong bốn việc chính yếu của nền cai trị ngày xưa.
          1/ Kiều ( Cầu cống)
          2/Lương ( Lương thực)
          3/Đạo (đạo tặc)
          4/ Lộ (Đường sá)
  Những kỳ công của ông trong các lãnh vực nói trên:
           a/  Trước tiên ông bình định vùng Hồ Xá (Vĩnh Linh Quảng Trị bây giờ), tức là truông nhà Hồ, nơi ngày xưa đi ngang qua  hay bị giặc cướp đón đường cướp của. Hồi xưa thuờng có câu: ….. “Sợ truông nhà Hồ…Ngại phá Tam Giang." Ông lập kế như sau: Ông cho đóng 20 cái hòm (rương) cho 20 người lính có võ nghệ cao vào nằm trong đó rồi cho 40 người lính khác giả dạng lái buôn, cả đoàn đi ngang qua truông. Bọn cướp thấy vậy mừng rỡ vội ra ngăn chặn để cướp và bắt đưa về sào huyệt. Khi về tới, bọn cướp định khui hòm, thình lình bị quân lính của nội tán ở đâu cùng xông ra với số quân trong hòm vây bắt bọn cướp  trọn ổ. Sau đó, ông ra lệnh cho dân chúng ở vùng đó dến chặt bỏ cây cối um tùm và tạo ra một vùng an toàn. Ông còn đặt trạm kiểm soát ở hai đầu để dân chúng yên tâm. Kể từ đó “Truông nhà Hồ” coi như không còn bọn cướp hoàn hành nữa.
            b/ Việc thứ hai: Ông Nguyển Đăng Khoa đã trị thuỷ theo cách của ông Hạ Vũ ngày xưa. Ở Thùa Thiên hồi đó (phiá Bắc) có một xứ gọi là Bàu Ngược thông thương với phá Tam Giang, nên hay có những cơn sóng thần nguy hiểm. Tuy  nói là ngược nhưng nước vẫn chảy xuôi nên có ca dao như sau:
                 “ Sông Bầu Ngược nước chảy xuôi
                   Bến Kim đôi thuyền về chiếc"
            Đây thuộc về vùng Kế Môn, Đại Lược thuộc huyện Phong Điền mà chúng ta cũng thường nghe:
                     "Thuyền về Đại Lược
                     Duyên ngược Kim Long
                     Tới nơi đây là chổ rẽ của lòng
                    Gặp nhau  còn biết trên sông chổ nào!” 
        Trên bờ đi về Đại Lược thì có đường nhỏ phần nhiều trải cát dài dể đi thì trái lại Bầu Ngược giữa phá Tam Giang lại có sóng gió bập bùng làm cho thuyền bè dể bị chìm. Vì thế, Nội tán Nguyển Khoa Đăng bèn huy động đại đội thủy binh và trọng pháo bắn vào ba con sóng thần –Sóng ông- Sóng bà- Sóng con- làm cho chúng thất điên bát đảo (1) cõng nhau chạy trốn từ Bầu Ngược đến bến đò Ca Cút!  Xong, ông mới huy động đại đội công binh đào vét lòng sông cho sâu và ngay thẳng để thuyền ghe đi lại dể dàng nên hồi đó người ta biết ơn ông bằng những câu hò tình tứ :
          “Nhớ em anh cũng muốn vô ,
          Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang .
          Phá Tam Giang ngày nay đã lặng ,
          Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên." 
 Dù vậy, ngày xưa, ngày nay vẫn có những nhân vật liều lĩnh xông pha vào nơi đèo cao, núi thẳm để tìm giai nhân muôn thuở. Hãy nghe thi sĩ Tản Đà:
            “-Đường vô xứ Huế  quanh quanh ,
             Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
             Yêu nhau anh cứ anh vô
              Kệ truông nhà Hồ, mặc phá Tam Giang.” 
         c/   Ngoài ra có những chuyện của nội tán xử trong dân gian như sau:
      Có một người trồng dưa hấu, thường hay bị mất trộm về đêm. Chủ vườn đã nhiều phen rình rập mà không bắt được, mới đi thưa kiện ông “Nội tán.” Ông bèn trưng tập tất cả các cái liềm cắt cỏ trong ấp, rồi bảo chủ đưa lưỡi nếm thử. Chủ dưa nhận thấy một cái có mùi đắng. Ông nội tán bèn tra vấn người có cái liềm đó. Qua cách điều tra khôn khéo của ông, quả nhiên người có cái liềm đó đã nhận tôi cắt trôm dưa vào ban đêm.
Một lần khác, có một ngưòi bán dầu bị mất trôm tiền. Nghi cho một kẻ mù ăn xin lấy, bèn kiện tới ông. Ông cho gọi người ăn xin đem tiền ra  xem, rồi bỏ tiền vào chậu nước. Quả nhiên có màng dầu nổi lên mặt nước. Lúc đó ngưòi ăn xin hết đường chối cải.
Một truyện khác:  làng Hồ Xá có kẻ lấy trôm giấy của một thương nhân. Họ không biết đâu truy tìm, bèn đến thưa với ông. Ông lờ đi một thời gian để dân chúng quên việc đó đi. Sau đó ông bèn ra lệnh cho dân làm tờ khai gia đình, để tổ chức liên gia tương trợ. Thiên hạ rủ nhau ra chợ mua giấy, lẽ dĩ nhiên giấy lên giá theo luật cung cầu. Tên ăn trộm thấy được giá bèn đem ra bán, coi như không biết đó là cái bẩy giăng sẵn nên đã bị bắt ngay tức khắc.
Ngoài ra ông cũng “mượn” những điều “thần thánh” để truy bắt bọn bất lương. Một hôm, có một bọn trộm mà ông biết rõ danh tính, nhưng ông chưa bắt được qu tang, ông  làm như không hay biết gì cả. Ông bèn âm thầm cho đào một cái hầm, rồi cho một điều tra viên xuống ngồi dưới hầm, trên miệng hầm ông cho khiêng một tảng đá đặt lên trên. Tảng đá này nguyên đã được dân chúng trong vùng thờ như một vị thần. Ông  rước về, làm lễ bái yết xong ông mời dân chúng đến dự lễ  rất đông. Ông mới bèn hỏi thần đá  hãy cho biết danh tính những kẻ ăn trộm trong vùng. Tức khắc trong thần đá vọng ra tiếng nói uy nghi, khai rõ tên những kẻ thường hay ăn trôm, làm đạo tặc, có thành tích bất hảo v.v…Bọn này nghe vậy sợ “thánh vật chết” bèn tự thú tội lỗi.
  Ông Nguyển Đăng Khoa rất cương trực, ông không sợ hoàng thân quốc thích. Các người này thường hay ỷ thế bà con với Chúa, thường hay vay mượn của kho mà it khi chịu trả. Ông bèn tâu với Chúa Nguyển Phúc Chu “Pháp bất vị thân”. Hành pháp phải bắt đầu từ người thân quốc thích trước để làm gương  như vậy phép nước mới nghiêm minh. Chúa Thượng chuẩn y. Vào lúc đó cũng có một bà công chúa nhất(2) mượn tiền của kho rất nhiều. Người giữ kho không dám đòi, vội đến trình với ông. Ông bèn thuê bọn nữ tỳ rình khi bà ngồi kiệu đi ra thì đến gần đòi hỏi ráo riết. Bà chúa nhất giận lắm bèn vào cung kêu khóc với chúa thượng. Nhưng chúa thượng bảo rằng: "Hành pháp phải từ người thân cận làm trước. Nội tán là người phụng pháp không thể nói được." Nói rồi, chúa Thượng bèn cho một số tiền bảo bà đem trả cho kho (ngân khố). Từ đó, những kẻ mượn tiền không còn dám lộng hành nữa.
Ông cũng có công trong phương diện kinh tế. Ông hạn chế việc hạ thịt trâu, bò, mc đích để khuyến khích phát triển nông nghiệp. Cũng lắm ngưòi không ưa thích ông, vì ông tạo ra những điều khó khăn cho những kẻ giàu có muốn làm ăn bất chính không thực hiện đươc. Có ông Quốc thúc Công nghĩ kế mời ông nội tán dùng cơm với muối trắng. Ông Đăng không ăn bỏ ra về. Ông Thúc bèn nói móc một câu: "Ông không ăn cơm với muối được. Tại sao ông cấm người ta ăn thịt?” Ông Nội Tán bình tĩnh trả lời: "Thịt không ăn, mà muối cũng không ăn."
  Mùa hạ năm Ất Tỵ (1725) Chúa Hiếu Minh Tộ Quốc Công băng hà. Chưởng binh Nguyển Cữu Thế, thường ngày đã hay ghét ông Đăng, bèn thừa cơ mạo di chiếu triệu ông Đăng về để dự lễ quốc táng. Khi đi nửa đường ông  bị mai phục sẵn giết chết. Ông mất năm 35 tuổi.
 Như thế đã kết liễu cuộc đời của một danh thần có tài kinh bang tế thế. Hiện nay sử sách vẫn còn lưu truyền. Thế mới thấy nhân tài thời nào cũng có, nhưng vận vào thế trường tồn của tổ quốc thì có được may mán phùng thời hay không cũng còn xét tới VẬN NƯỚC.
                                                                                           
Giáng Ngọc
           
          (1) .Súng thần công bắn vào sóng chỉ là yếu tố tâm lý mà thôi .
          (2)  Công chúa nhất là chị của chúa thượng.
            Tham khảo: -Việt Nam sữ lược Trần Trọng Kim
                                -Việt Nam gấm hoa