Cố Hương - Nguyễn Thị Nho
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Từ thuở còn theo học lớp vở lòng trường làng, tôi
và bạn học đã từng ngân nga câu ca dao đó. Quê nhà. Vâng! Quê nhà là nơi để
thương để nhớ, dù rằng nỗi nhớ ấy đi liền với những canh rau muống, cà dầm
tương chứ chẳng phải nem công chả phượng gì. Hai chữ quê
nhà nghe gần gũi thân
thương biết bao! Đó là quê cha đất tổ mà họ hàng ta đã bao đời sinh sống; là
nơi ta cất tiếng khóc chào đời; là nơi có mái nhà cùng lời ru vỗ về của mẹ; là
nơi có bàn tay nâng đỡ của cha khi ta chập chững những bước đi đầu đời, để rồi
khi xa ngái lòng cứ mãi đau đáu nhớ thương.
Tôi cũng thế!
Ba mươi năm trước vì gia cảnh tôi đành rời bỏ quê
nhà để tìm miền đất mới với dòng nước mắt dài theo đường dài chia biệt, để rồi
ngày phương Nam mà đêm hồn cứ mãi vẩn vơ về lại miền đất cũ. Nơi ấy có dòng
sông Vĩnh Định chia làng tôi thành đôi bờ bên hàng tre xanh mát mà bờ bắc có
ngôi nhà xinh xắn của gia đình tôi, còn bờ nam là nơi mộ phần của những người
thân của tôi đã an giấc ngàn thu.
Trở về. Hai chữ đó cứ đeo đẳng tâm trí tôi dù rằng
chỉ là về thăm rồi từ giã. Mà cuộc sống thì cứ tất bật với gia đình chồng con,
với mấy chữ mưu sinh, trách nhiệm,… để rồi mãi ba mươi năm sau tôi mới có dịp
quay về. Hạnh phúc biết bao khi thực hiện được điều nguyện ước!
Theo kế hoạch của em gái, sau ngày hội ngộ của
Nguyễn Hoàng xưa, ba chị em tôi sẽ về thăm quê cũ. Khi xe ra khỏi đường bờ hồ của
Quảng Trị xưa, lòng tôi nôn nao một nỗi niềm khó tả. Vui – Buồn cứ xoắn vào
nhau. Mắt tôi như dán chặt vào mỗi đoạn đường xe đi qua để tìm lại một vài dấu
vết của ngày xưa nhưng tất cả đều thay đổi: Vĩnh Định Giang không còn ghe thuyền
đánh cá. Chợ Ngô xá sao hoang vắng lạnh lùng. Chiếc cầu tạm ngày nào bắc vắt vẻo
qua con sông nhỏ giờ được xây kiên cố để xe hơi có thể qua lại dễ dàng. Lối vào
làng trơ trọi trong nắng gió vì bóng tre xanh ngày nào không còn nữa; cả bến nước
xưa cũng đìu hiu toàn lau lách. Tìm qua vườn cũ tất cả đều đã đổi thay. Đâu rồi
cây lựu đầu hè lập loè trong lửa hạ? Đâu rồi cổng nhà đầy những chùm hoa đỏ
đong đưa cho đàn bướm lượn lờ? Dấu tích còn lại chăng là mấy gốc mít già khép
mình bên bờ ao tương tư người chủ cũ. Đường lên Rú để thăm mộ không còn con đò
ngang đưa khách, thay vào đó là chiếc cầu mới mang tên Vĩnh Thắng bằng bê tông
chắc chắn làm người năm nao tương tư mãi bóng dáng con đò với mái chèo khua.
Nơi yên nghỉ của những người đã khuất cũng đổi
thay theo với nhiều ngôi lăng bề thế, không như ngày xưa phần lớn chỉ là nấm mộ
với cây cối um tùm. Xe dừng lại trước mộ ba tôi. Em gái kêu lên “Ba ơi! Chúng con
về thăm ba đây”. Thế là cả mấy chị em cùng oà khóc. Chúng tôi cùng nhau dọn sạch
lá cây rơi rụng quanh thành lăng rồi đốt hương khấn vái. Trong nhang khói, tôi
tưởng chừng như anh linh của ba tôi đang mừng vui nhìn mấy đứa con xa về thăm
viếng. Nhìn bia mộ tôi thì thầm với ba nhiều lắm, đó là những lời tôi từng độc
thoại suốt mấy chục năm qua trong niềm xa xót phận gái lấy chồng xa xứ. Rời mộ
ba, chị em tôi lại tìm thăm từng ngôi mộ của người thân, từ ông bà, chú bác đến
anh em họ. Cứ mỗi nén nhang cắm xuống, tôi lại tưởng chừng như thấy họ mỉm cười.
Ừ! Người chết đâu có mất. Người chết chỉ mất khi không còn ai nhớ đến họ nữa.
Thôi xin ngủ yên nhé những người thân yêu của tôi. Những người bên nhau không
bao giờ gây hấn hay tranh dành bất cứ điều gì. Nơi đây mới đúng là một thế giới
hoà bình.
Trưa. Chị em tôi mời mấy người bà con cùng nhau
ghé trằm Trà Lộc nghỉ ngơi, vì nơi đó phong cảnh hữu tình, gió mát và cả thức
ăn ngon. Trên đường đi, tôi hỏi ông anh họ rằng trường Hải Xuân còn ở chỗ cũ
không? Xe qua vùng nầy làm tôi chạnh lòng nhớ đến những tháng ngày vừa rời trường
sư phạm Huế. Hải Xuân đã đón tôi về với lũ học trò nhà quê hiền lành và hiếu học.
Nhớ làm sao những đứa học trò một buổi đến trường, một buổi phải ra đồng, lên
rú làm việc giúp gia đình trồng lúa trồng khoai mà vẫn học giỏi. Chính sự chăm
ngoan của các em đã giúp tôi sự tự tin khi đứng trên bục giảng và đi suốt chặng
đường sư phạm mấy chục năm qua. Không có thời gian để ghé về thăm lại ngôi trường
cũ dù lòng rất muốn, tiếc lắm thay.
Thế nhưng hình như số phận cũng dành chút ưu ái
cho tôi. Khi đang ở trằm Trà Lộc, tôi tình cờ gặp lại Định – cậu học trò nhỏ
năm xưa mà nay tóc đã pha sương. Định mừng lắm, em bảo cô ngồi lại chút đi để
em điện thoại kêu mấy đứa bạn tới gặp cô. Học trò của cô chừ toàn làm lớn đó cô
ơi. Tôi bảo cô không có thì giờ. Hãy chuyển lời cô thăm hỏi đến các bạn của em
nhé. Thế là hai cô trò tôi hàn huyên chốc lát rồi chia tay. Ngồi trên xe nhìn
lui, thấy Định còn đứng trông theo vẫy tay, tôi lại tưởng như còn thấy lũ học
trò nhỏ ngày nào tiễn cô đi mà nước mắt lưng tròng.
Trên đường ra tỉnh chúng tôi ghé thăm quê ngoại, tất
cả đều thay đổi kể cả lối vào thôn. Còn người thân thì ngày một già nua, cằn cỗi.
Lòng chợt quặn thắt khi nhìn ông anh con bà dì một thời trai trẻ với ngón đàn
măng-đô-lin tuyệt vời nay hấp hem mắt lão, tay run run lật tấm vải đỏ đậy di ảnh
của con trai trên bàn thờ cho chúng tôi đốt nhang. Chỉ có Duy Thám - thằng cháu
nhưng cùng lứa với tôi là còn mãi tuổi đôi mươi. Ừ! Người đã chết không biết
già, người đã chết còn trẻ mãi với thời gian. Trong ảnh Thám nhìn tôi bằng tôi
mắt biết cười như thầm bảo “O nói không sai."
Lưu luyến chi mấy rồi cũng phải giã từ. Trong chuyến
xuôi Nam, lòng tôi cứ ngập đầy hai chữ Cố hương…Hình ảnh bia mộ cha ông và bàn
thờ tổ tiên nội ngoại. Hình ảnh người thân, bè bạn, học trò chơn chất ngày ấy
và bây giờ cứ chờn vờn trước mắt tôi, theo tôi suốt chặng đường trên ngàn cây số.
Cố hương ơi!
Biên Hoà, chiều
17/7/2010
Nguyễn Thị Nho (cựu học sinh NH 1966-1973)