Nguyễn Hoàng Trong Ký Ức - Lê Lan
Kính dâng hương hồn Thầy Phan Phụng Thạch & Trần
Văn Lữ
Lê Thị Lan (trái) & Liên Hưng ở Bảo Lộc |
Bảo
Lộc chiều xuống chầm chậm, ngồi trước hiên nhà tôi bâng khuâng buồn nhớ một thời
đã qua. Một thời với Nguyễn Hoàng - thời áo trắng rợp bóng sân trường. Một nỗi
đau xé lòng khi nhìn lại Quảng Trị thân thương -đất khô cằn sỏi đá, gió
lào hắt vào mặt với những cơn nắng trưa hè, với sự đổ nát do bom đạn mà mấy
mươi
năm qua Quảng Trị của tôi đã bị vùi lấp. Sự mất mát lớn lao, sự chịu đựng
mưa nắng đã làm cho con người Quảng Tri hao mòn theo năm tháng nhưng hồn những
người học trò Nguyễn Hoàng - Quảng Trị
luôn hướng về trường xưa, về mảnh
đất nuôi lớn tình người, về dòng sông Thạch Hãn êm đềm trôi xua đi những đau
thương mất mát để đem lại hồn sống cho con người Quảng Trị.
Tôi
vẫn thường nhớ cái thời đi học thiếu trường thiếu lớp của trường Trung học Nguyễn
Hoàng Quảng Trị sau mùa hè đỏ lửa 1972. Tháng 4 năm 1972 chú Lợi của tôi cùng
đàn cháu hiếu học đã chọn được một chỗ ở trong trại tạm cư Non Nước Đà Nẵng.
Nơi
đây Trường Trung Học Nguyễn Hoàng cũng được dựng lên những lớp học bằng gỗ ván,
xung quanh thường ngày đón gió biển thổi vào. Bờ biển thật thơ mộng cho đám học
trò trong trại tỵ nạn, ngày hai buổi ôm cặp tới trường vẫn tìm thấy cái dễ
thương của thời mới lớn sống trong cảnh nhà tan cửa mất của dân tình Quảng Trị.
Năm học
72-73 tôi tiếp tục theo học Trường Nguyễn Hoàng đặt tại trại 5 Non nước Đà Nẵng.
Ba chị em chúng tôi (Lan- Ánh -Trung) sống với chú Lợi trong một căn nhà của trại
tạm cư - Trại 5.Chúng tôi ở chung căn với thầy Thạch cùng với mẹ già. Nhà ở gần
bãi biển nên mỗi lúc sáng sớm hay mỗi đêm trăng về tôi thường đứng trước hiên
nhà nhìn ra bãi biển mà nhớ về quê hương. Những tháng ngày xa Quảng Trị thân
thương, xa mái trường Nguyễn Hoàng yêu dấu,trong tôi luôn nhớ về và mơ ước Nguyễn
Hoàng của ngày xưa sớm trở lại.
Nhắc
đến những ngày sống ở trại 5 Non nước tôi không thể quên được những ngày cũng
là Nguyễn Hoàng trong kí ức. Năm học lớp 11 tôi được gặp lại thầy cô cũ và bạn
bè chung dưới mái trường tỵ nạn. Lớp học hai con mắt và nhiều lỗ tai.Thầy của
các lớp cứ thao thao bất tuyệt, học trò ghi ghi chép chép. Tai này nghe tai kia
bỏ ra ngoài vì trường lớp sát kề nhau với những tấm vách ván ngăn nữa chừng.Thế
mà bọn học trò NH vẫn ham mê say sưa học tập, vẫn ca hát hồn nhiên bên những tấm
lòng thầy cô thương yêu dìu dắt. Trong đời học sinh tôi vân không quên những
ngày đi học tay xách cặp tay mang ghế ngồi mà lòng vẫn thanh thản ngây thơ đến
trường, không biết buồn vì mình là hoc sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
Năm đó ba tôi làm việc ở Đà Nẵng nên cả gia
đình sống ở đó và chị em tôi phải theo học Trường Phan Chu Trinh. Mặc dù hoc
sinh NH được xếp lớp học ở PCT nhưng tôi vẫn xin theo chú Lợi về học đúng trường
với thầy cô của mình- Cái nhen nhúm tình cảm không lìa xa Nguyễn Hoàng trong
tôi như ràng buộc một thiêng liêng trong đời. Đêm về tôi thường nghĩ và nuối tiếc,
sự chờ đợi và mơ ước của tuổi thơ ngày ấy hy vọng mình sẽ trở về ngay trên mảnh
đất Nguyên Hoàng ngày nào. Về lại cùng những dấu chân son của một thời vang
bóng, của những tình yêu vụng dại…”Dư âm cũ vẫn mãi hương tình mộng”… “Một chút
tình dậy lên cơn sóng nhỏ… Bỗng mênh mông như biển lớn lao xao”.
Ơi
Nguyễn Hoàng những buổi sáng mùa Xuân!
Nguyễn Hoàng một thời mắt môi tuổi ngọc…
Rồi
năm tháng qua đi… Người dân Quảng Trị phải rẽ theo mạch sống của cuộc đời: Người
về Quảng Trị, kẻ đến Cam Ranh; người đi Bình Tuy, Ninh Thuận… Ôi dân Quảng Trị
của tôi đáng thương quá!
Năm đó các thầy thường đến nhà tôi chơi với chú Lợi và thầy Thạch. Những
buổi liên hoan ca hát, đêm Noel đầm ấm các chị em tôi và các thầy cùng chú tôi
ăn uống chuyện trò và hát cho nhau nghe với chiếc đàn guitar thùng trong ánh
sáng của những ngon đền dầu. Bên ngoài sóng xô ào ạt, gió cứ đưa những tình
khúc vang vang với đất trời. Mái tóc bạc phơ của thầy Lữ với cặp kính cận ngồi
suy tư ngẫm nghĩ rồi tay đặt bút làm thơ sau khi hát bài ‘’Tống Biệt’’. Thầy Thạch
thương đám học trò cứ chạy qua chạy lại ngắm ngiá để chụp hình và yêu cầu bài
hát, chị em tôi ngây thơ ca hát những khúc tình ca mà vô tình không biết đã làm
chạnh lòng các thầy tôi lúc ấy.
Bài thơ ‘’Con đường áo lụa’’ được thầy Cao Hữu Điền phổ nhạc đã đến
trong đêm 30 tết. Giọng hát tập tểnh nốt đúng nốt sai của tôi cuối cùng cũng làm
thầy Thạch vui sau cả giờ được thầy tập hát. Những ngày ấy thầy Lữ đêm về thường
đến ở lại với chú Lợi và thầy Thạch, tay luôn ôm mấy xấp bài đem theo. Dưới ngọn
đèn dầu ngồi chấm bài, tôi nghỉ thầy của tôi yêu nghề quá!
Những ngày xuân vội qua… Vào đêm mồng sáu tết thầy Thạch trở bệnh, gia
đình phải đưa thầy vào bệnh viện Việt Đức ở Đà Nẵng. Trong nhà vắng bóng thầy,
mấy đứa học trò của thầy ngày nào cũng buồn như thiếu vắng bóng người thân. Chiều
chiều thầy Dinh, thầy Thảo, thầy Lữ ghé qua nhà mặt buồn rười rượi. Những buổi
sáng ở bệnh viện thầy gửi tin tức về gia đình bằng những nét bút ngoằn nghèo yếu
ớt. Tôi thầm hỏi; "Thầy bệnh gì? Sao thầy không nói nỗi? Sao thầy phải
chuyền máu nhiều như thế? Và một buổi chiều người thân cho biết thầy bị vỡ hồng
huyết cầu; không tiếp máu vào cơ thể được nữa. Chúng tôi buồn thẫn thờ suốt cả
buổi chiều. Lòng miên man thương thầy những giây phút cuối đời. Đêm về trong
nhà quạnh quẽ. Cây đèn dầu tỏa ánh sáng buồn thiu, chúng tôi ra trước hiên nhà
nhìn ra mặt biển, nghe sóng xô bờ mà nghĩ nơi chốn tha phương này có người con
Quảng Trị; người thầy Nguyễn Hoàng sắp sửa đi xa…
Rồi một buổi sáng sớm rất sớm, lúc mọi người đang còn yên giấc ngủ thì bỗng
nghe tiếng thầy Lữ ngoài cửa “Lợi ơi! Thạch hấp hối” . Tôi là người bật dậy đầu
tiên ra mở cửa. Thầy Lữ quá xúc động ôm mặt khóc. Tôi bàng hoàng… thầy tôi… thầy
tôi… chết… hay sao?! Nước mắt đã tuôn xuống không ngừng… cảm giác mất mát quá lớn…
Cả tôi và thầy Lữ không nói được tiếng nào.
Sau tin sét đánh ấy cả nhà đều thức dậy;
người thì qua bệnh viện, người thì lo dọn dep để chuẩn bị đem thầy về…
Từ xa có tiếng xe của bệnh viện chạy về hướng nhà tôi. Đúng rồi! Thầy
tôi đã về… Thầy ơi! Thầy đã về trong sự ra đi… Xe mở cửa, thầy nằm trên chiếc
băng ca phủ kín một màu trắng tang tóc. Tôi òa khóc như trẻ thơ mất mẹ… Thầy
ơi! Bây giờ ngồi ghi lại mà cảm xúc thuở ấy cứ ào về, nước mắt lại rơi với những
nét chữ này gửi tới hương hồn thầy.
Tối hôm đó cả nhà lo việc tẩm liệm thầy. Chị em tôi đứng bên quan tài cắt
mấy hột nút áo, xếp đồ đem theo cho thầy. Khuôn mặt thầy vẫn thản nhiên nằm ngủ
hiền hòa dưới lớp cát phủ kín xác thân. Tôi đặt những chiếc áo vào quan tài và
tay bốc một ít cát rải nhẹ phía dưới đôi chân đang nằm duỗi thật thẳng của thầy.
Một đời người đã qua; một hình hài trở về với cát bụi. Thầy tôi nằm lặng lẽ
không biết buồn đau; không biết xót thương, tiếng khóc đơn điệu của người mẹ
già bên cạnh khóc con không biết những đứa học trò này đang khóc không thành tiếng,
đang đau buốt tận tim gan bên quan tài. Thầy Lữ cùng với chúng tôi ngậm ngùi
không ai nói với ai tiếng nào. Đêm xuống dần, từng nén hương được đốt lên cho
thầy thêm ấm áp; ngoài xa tiếng sóng biển cứ gầm lên như gào thét, như muốn xâu
xé cả cõi lòng những người thân còn ở lại chốn trần gian.
Trong những ngày tang lễ chị Thương và chúng tôi phụ lo công việc nấu
cơm cúng, học sinh có một số ở lại qua đêm cùng với thầy Lữ, thầy Mẫn; thầy Hà…
cho nên nhà đỡ đi phần nào hiu quạnh lúc buồn đau.
Sau vài hôm, vào một buổi sáng mùa xuân giáo sư và học sinh Nguyễn Hoàng
toàn trường tiễn đưa thầy đến nơi an nghỉ trên đồi cát trắng Non Nước, thường
ngày vẫn nghe sóng biển vỗ về. Tôi theo đoàn người trong đám tang tiễn đưa thầy,
lòng vẫn buồn, nhưng tìm thấy được niềm vui cuối đời của thầy là những người
thân, người bạn, học trò đang bên thầy những giây phút sau cuối của đời người
mà không dễ ai cũng có được.
Sau khi thầy nằm yên dưới lòng đất, mọi người tản mác ra về. Dưới chân mộ,
thầy Lữ mở máy Cassette. Tiếng hát ai đã vang lên theo tiếng saxo Trần Vĩnh với
sự thu băng tài tình của thầy Thạch. Tôi nghe như thầy đang về… thưởng thức lại
khúc tình ca hôm nào.
***
Mùa hè năm 1973, gia đình tôi theo đoàn di dân Cha Ái vào Quảng Thuận.
Năm Học 73-74 , tôi theo hoc lớp 12 trường Trung Học Quảng Đức. Thời gian vẫn
thầm lặng trôi bên dòng đời nuối tiếc - xa thầy, xa bạn, xa Nguyễn Hoàng thân
yêu. Một hôm đang ngồi ăn trưa nhà tôi nhận được bức điện tín “Trần Văn Lữ từ
trần ngày 5 tháng 4”. Thật sự là tôi không tưởng tượng nỗi… Tôi vừa đọc tập thơ
thầy gửi tặng tuần trước cùng với lá thư trong tâm trạng đơn độc của thầy bên bờ
biển xa xôi. “Thầy Thạch đi, chú Lợi đi, các em đi làm hoa Hướng Dương hay hoa
Cô Đơn càng thêm vàng võ…” Tôi đã đọc nhiều lần lá thư thầy gửi thăm chị em tôi
và không khỏi xót xa một người thầy “chưa già tóc đã bạc” như thầy Thạch đã
nói. Hai người thầy kính yêu của chúng tôi đã ra đi trong một khoảng cách thời
gian quá ngắn ngủi trong vòng một năm. Chú Lợi tôi nghe tin liền mua vé máy bay
ra Đà Nẵng ngay. Còn lại mấy đứa cháu, mấy đứa học trò cũ của thầy ngày nào ngậm
ngùi khóc thương người thầy bạc mệnh.
Ngôi mộ thầy, cũng được nằm cạnh mộ thầy Thạch, trên đồi cát trắng Non
Nước mà ngày nào thầy đã nói: "Khi nào tao chết hãy chôn tao bên mộ Thạch
nghe Lợi”. Và khi thầy Thạch mất thầy đã đọc cho tôi nghe mấy câu thơ “Bên quan
tài bạn”
Gió bay bay
mãi đi tìm
Thạch đi đi biệt như
chim tách đàn
Còn đâu giây
phút liên hoan
Yêu đời nghe hát dư
vang đêm nào
(Trần văn Lãng Tử )
Cũng mùa xuân năm đó thầy gởi cho chị em tôi bút tích của thầy Thạch mà
bây giờ tôi xin ghi lại theo trí nhớ.
Em bỏ đi
như loài chim én lạ
Hoa thôi
vàng và lá cũng thôi xanh
Còn bao
giờ em trở về qua đó
Mắt u
hoài đi giữa nắng vàng hanh
… Mùa thu ấy
đã trôi về phương lạ
Em đi rồi con phố nhỏ bơ vơ
Ta lang
thang trên lối mòn sỏi đá
Chân vô
tình đứng giữa cõi hoang sơ
… Một lần thôi
cũng ngàn năm thương nhớ
Em bây giờ còn
xa vắng như xưa.
Phan Phụng Thạch
( Trích trong Những bài thơ tình tuổi 30)
CON
ĐƯỜNG ÁO LỤA
Ta trở lại
con đường xưa áo lụa
Hàng cây cao
đứng đợi các em về
Các em không
về cây buồn lá úa
Ta cũng buồn
đi giữa nắng lê thê
Một chuyến
đò ngang qua về Thừa Phủ
Còn chở tình
bên nớ tới bên tê
Ta mỗi bước
càng thêm dài nỗi nhớ
Những chiều
mưa nắng sớm các em về
Từ bên ni
nhìn qua Thành Nội
Phượng đã tàn
rụng xuống buổi đầu thu
Làm sao quên
những ngày qua bóng tối
……………………………………….
Phan Phụng Thạch
(
Lưu bút mùa Hạ )
Dòng đời mãi trôi…. Ba mươi mấy năm qua rồi chúng tôi đã trưởng thành,
,đã lớn trong tình Nguyễn Hoàng, trong lòng người Quảng Trị. Mỗi một ai nhắc đến
Nguyễn Hoàng là nhắc đến Quảng Trị, gợi nhớ đến dòng sông Thạch Hãn. Những đứa
con của Nguyễn Hoàng vẫn không bao giờ quên cái nôi đầu đời của mình. Dòng sông
Thạch Hãn muôn đời không biết nói nhưng biết đợi chờ. Đất trời Quảng Trị luôn
gay gắt, luôn buốt giá, nhưng luôn có hơi thở mát mẻ trưa hè và ngọn lửa hồng
làm ấm lòng người Quảng Trị những ngày đông rét mướt. Những người thầy của Nguyễn
Hoàng vẫn muôn đời đáng yêu đáng kính trong lòng học sinh của Trường TRUNG HỌC
NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ.
Bảo Lộc (Mùa hạ 2008)