Tuesday, December 23, 2014

Nghe Bài Vọng Cổ 
        "Đất Quê Ta Đâu Cũng Có Linh Hồn" 
                   của Trúc Thanh Tâm 
                                                          - Châu Thạch
Châu Thạch
      Đã giữa mùa đông. Noel sắp tới. Tôi ngồi trong phòng nghe bài ca vọng cổ "ĐẤT QUÊ TA ĐÂU CŨNG CÓ LINH HỒN" do nhà thơ Trúc Thanh Tâm sáng tác và được nghệ sĩ Dương Thanh thể hiện. Hình như giọng ca ấm áp của Dương Thanh làm cho cái lạnh bớt đi se thắt, vì lời bài ca phát họa một bầu trời quê hương miền Nam lung linh ánh nắng với hoa lá thắm tươi.
     Tôi là người miền Trung, chưa hề sống lâu ở Nam Bộ. nhưng không phải vì thế mà những bài dân ca thắm thiết không đi vào lòng tôi, vì những bài ca như thế đến người ngoại quốc khi nghe âm điệu cũng biết là hay. "Đất quê ta đâu cũng có linh hồn" là một bài vọng cổ mà nhà thơ Trúc Thanh Tâm đã cô đọng lại bốn bài thơ tâm đắc mà ông đã sáng tác qua một thời gian dài có đến mười năm.    
     Đó là bài thơ "Gió trời Nam"  ca tụng quê hương với muôn vàn vẻ đẹp.
     Đó là bài thơ "Đất quê ta đâu cũng có linh hồn" tác giả "đưa em tìm lại quãng trời thơ ấu" với bao nhiêu chan chứa yêu thương mà "từng hạt bụi cũng mang niềm trăn trở" trong linh hồn tác giả.
     Đó là bài thơ "Cái Nước" nói về những ngày sống giữa quê hương cùng mẹ cùng cha. Cuộc sống "dễ thương như hoa mướp, hoa cà".
     Đó là bài thơ "Mười năm" xa cách quê hương mà nhà thơ đã "Mười năm, ai hát bài thương nhớ/ Để thắt lòng ta chút tình hồng".
     Cả bốn bài thơ không khác chi những khúc dân ca vọng qua thôn làng, vọng qua cánh đồng mang làn gió tinh trong của hương đồng cỏ nội, chuyển tải vào lòng ta hương sắc ngọt ngào, dậy lên trong hồn ta niềm vui thanh khiết.
     Trúc Thanh Tâm đã chắc lọc ngôn ngữ tinh luyện trong thơ của mình để sáng tác thành bài vọng cổ "Đất quê ta đâu cũng có linh hồn". Nhờ đó mà mỗi dòng ca từ mang trọn vẹn một ý nghĩa và mỗi đoạn trong bài ca bày tỏ một giai đoạn của đời mình.
      Mở đầu ca khúc là phần ngâm thơ, tác giả dùng hai vế của bài thơ "Mười năm" :

Mười năm, ai hát bài thương nhớ
Để thắt lòng ta chút tình hồng
Từng tiếng thời gian như đọng lại
Một màu huyền diệu của đêm trăng

Nước vẫn trôi êm qua mùa đổ
Óng ánh phù sa bên lở bồi
Cánh cò trăng trắng in màu trắng
Mắt vẫn đưa tình thuở rong chơi

     Ở vế thơ thứ nhất tác giả cho thời gian mười năm đọng lại trong màu trăng. Thời gian không có tiếng, trăng cũng không có tiếng, "Từng tiếng thời gian" ở đây là từng tiếng thổn thức trong con tim tác giả. Tiếng thổn thức đó đã được thể hiện ra trong sự huyền diệu của ánh trăng về đêm.
      Vế thứ hai của bài thơ tác giả vẽ được thời gian  qua hình ảnh "Nước vẫn trôi êm qua mùa đổ" trong bức tranh về quê hương đẹp vô cùng với  "óng ánh phù sa" với "cánh cò trắng"…và thi vị vô cùng khi trong bức tranh đó, có "mắt vẫn đưa tình" của em theo suốt thời gian.
     Chính từ mỗi câu thơ của tác giả đã vẽ lên một hình ảnh sống động cho nên khi ngân lên người nghe như thấy được dòng phù sa hùng vĩ, cánh cò trắng nên thơ, ánh trăng đêm huyền diệu và trên tất cả hình ảnh đó là đôi mắt em bao quát như đôi mắt trong bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của nhà thơ Quang Dũng.
      Qua phần vọng cổ âm điệu được chuyển tông, ca khúc thể hiện dồn dập niềm vui. Nhà thơ "đưa em về tìm lại quãng trời thơ ấu, chiếc cầu khỉ và con mương nhỏ, trăng phương Nam trai gái vẫn ươm tình…". Rồi bao nhiêu khung cảnh tươi vui rộn rã hiện lên theo giọng ca truyền cảm. "Sông chở phù sa",  "nón nghiêng nghiêng tóc xõa hẹn hò”, "ngày mùa mở hội hừng đông", "hạnh phúc cuộc đời còn những tà áo trắng tung bay".
      Câu vọng cổ như một màn hoạt hình trình diễn bao nhiêu sắc màu quê hương với dòng nhạc vút cao, vút lên rộn ràng vui vẻ, khiến người nghe cũng thấy háo hức trong lòng theo từng cung bậc của lời ca mà nghệ sĩ Dương Thanh thể hiện. Đoạn vọng cổ nầy tác giả rút ý từ hai bài thơ "Gió trời nam" và "Cái Nước".
     Ca khúc đến đây lại được chuyển tiếp qua vế ngâm thơ. Phần nầy tác giả dùng vế chót của bài thơ "Mười năm" để thổ lộ tâm can của mình :

Ta thương ta lắm đêm viễn xứ
Mười năm cay đắng một chút đời
Mười năm, nước mắt thành rêu vỡ
Ôm đời ấm lạnh trước gương soi

     Mười năm với biết bao nhiêu da diết trong lòng. Mười năm ấy, nước mắt đã đóng thành rêu nhưng không phải thành từng mảng rêu như những phiến sầu mà rêu đó còn vỡ ra như trái tim ta nát. Chữ "vỡ" không còn là động từ, nó đã trở thành hình tượng thể hiện cho nỗi đau mà nhà thơ đã gánh chịu.
     Thế rồi bước vào phần ca vọng cổ tiếp theo, tác giả cô đọng bài thơ "Đất quê ta đâu cũng có linh hồn". Đây là một bài thơ chan chứa tình yêu quê hương, trải ra trong hai câu 5 và 6 của phần vọng cổ. Lời ca đồng vọng lời của quê hương vô cùng ấp áp: "Anh đưa em về với hương đồng lúa trổ, đất quê ta đâu cũng có linh hồn", "Rượu đế nâng ly bạn bè chung vui, nước dừa ngọt lịm mát lòng trưa nóng bỏng", "cá lóc nướng trui", "rau đắng vị ngọt", "Ai gọi ai giữa chiều quê êm ả, hay tiếng đời rất khẽ với riêng ta".
     Từ bốn câu thơ buồn chuyển qua phần vọng cổ với ca từ tràn ngập niềm vui trong lòng, ấm áp linh hồn của đất quê ta, người nghe như được mở cánh cửa để nhìn cả bầu trời với hương và hoa tươi thắm.
     Để kết bài vọng cổ, nhà th đã đưa bốn câu thơ như có tác dụng kéo dài dư âm, kéo dài hương vị đang có trong lòng người :

Thời gian dấu chấm hững hờ
Đâu màu mắt tháng giêng xưa gió lùa
Lên trời sợi khói vu vơ
Trời già mưa nắng tình ta chung tình

     Đầu bài vọng cổ thời gian đọng lại trong màu trăng, cuối bài thì thời gian chỉ còn là dấu chấm hững hờ. Hai hình ảnh đó đều thể hiện cho sự phôi pha, giống như màu mắt, màu khói, bị cơn gió lùa lên trời tan biến mất.
    Đoạn thơ kết thật lãng mạn tuyệt vời, nó như một vòm cong thanh bai lóng lánh bởi những từ "màu mắt", "tháng giêng", "gió lùa", "sợi khói", "vu vơ" đã đưa chúng ta đến những ngây ngất trong dịu êm không thể diễn tả hết bằng lời.
     Để dứt câu 6 của bài vọng cổ, nhà thơ hạ bút bằng câu thơ độc đáo để bài ca thêm có hậu: "Trời già mưa nắng tình ta chung tình".

    Bài vọng cổ "Đất quê ta đâu cũng có linh hồn" được nhà thơ Trúc Thanh Tâm sáng tác, theo tôi là rất thành công. Thành công vì từng quãng đời được thể hiện qua từng đoạn của bài ca tạo ra yếu tố bất ngờ trong kịch tính. Thành công vì nhà thơ dùng cảnh vật thật để miêu tả quê hương mình và lồng vào đó diễn đạt tình cảm thật của lòng mình.
     Từ đó triết lý sống được nhà thơ gởi vào nhẹ nhàng trong ca từ. Người nghe ca khúc hay người đọc lời ca không cần chiêm nghiệm mà tự nhiên cảm thấy trong lòng mình có bàn tay êm ái của quê hương vuốt ve, dậy lên trong con tim tình cảm mến yêu, lời thề chung thủy với quê cha đất tổ của mình .

CHÂU THẠCH
( Đà Nẵng )

* Bài vọng cổ " ĐẤT QUÊ TA ĐÂU CŨNG CÓ LINH HỒN " có liên quan tới 4 bài thơ sau :

1. GIÓ TRỜI NAM

Những nhánh sông chở phù sa tăm tắp
Lúa đồng xa, hoa trái nhởn nhơ cười
Em, thôn nữ vẫn làm duyên e ấp
Anh, trai làng mơ mộng tuổi đôi mươi !

Trưa nắng nóng, uống nước dừa ngọt lịm
Cơm trắng đậm đà sau buổi vần công
Cá lóc nướng trui chấm cùng muối ớt
Kèm rau đắng đồng vị ngọt lâng lâng !

Điệu nhạc quê hương gió hòa sóng lúa
Tiếng hót của chim thanh thoát lòng người
Ai gọi ai giữa chiều quê êm ả
Hay tiếng đời rớt khẽ với riêng tôi !

Hỡi em yêu, còn thương mưa nhớ nắng
Thuở mùa xuân hoa lá chẳng muộn phiền
Thuở tiếng ve, tôi yêu người nông nổi
Thuở biết buồn nhìn lá rụng cuối hiên !

Như thế đó, tình ơi, sao quên được
Bóng dừa lung linh ru nhịp thở ngoan hiền
Tôi cúi xuống nghe tình yêu của đất
Lắng tiếng chim gù thong thả, bình yên !

Cần Thơ, tháng 4. 1974
TRÚC THANH TÂM

2. ĐẤT QUÊ TA ĐÂU CŨNG CÓ LINH HỒN

Đưa em về, tìm lại quãng trời thơ ấu
Mồ mả bà con từ dạo chiến tranh
Chiếc cầu khỉ và con mương nhỏ
Trăng phương nam trai gái vẫn ươm tình !

Đưa em về, thăm đình chùa cổ kính
Màu thời gian in dấu thăng trầm
Mái trường cũ giờ chỉ còn kỷ niệm
Những thâm tình đọng lại nỗi thương tâm !

Đưa em về, thăm vườn trái cây bóng mát
Để em nghe tiếng chim hót tỏ tình
Và quên đi những oán hờn, nước mắt
Chỉ ngọt ngào dòng máu đỏ tinh anh !

Đưa em về, với buổi chiều ráng đỏ
Dòng phù sa tim tím khóm lục bình
Thương cánh cò qua hai mùa mưa nắng
Dạ cổ, tình người chơn chất đất phương nam !

Đưa em về, cùng hương đồng lúa trổ
Đất quê ta đâu cũng có linh hồn
Từng hạt bụi cũng mang niềm trăn trở
Từng nụ cười đầm ấm những nụ hôn !

Đưa em về, ngày hòa bình mở hội
Với mùa xuân chan chứa thuở yêu người
Chiếc áo bà ba và nét duyên con gái
Nón lá hẹn hò tóc xõa nghiêng vai !

Cần Thơ, 1975
TRÚC THANH TÂM

3. CÁI NƯỚC

Thuở nhỏ, anh hồn nhiên bên mẹ
Vui đùa, quấn quýt hát bên cha
Chái bếp, hồn chiều nương sợi khói
Dễ thương như hoa mướp, hoa cà !

Anh đứng bờ giồng nhìn luống nước
Ngày mùa mở hội lúc hừng đông
Áo bà ba, mẹ đều tay cấy
Cha quần phèn, nhổ mạ từng công !

Những đêm trời tối sương che lối
Cùng ông đi đặt trúm, giăng câu
Xuồng ba lá rẽ lung bông súng
Cá thèm mồi táp giữa đồng sâu !

Những trưa dịu nắng thay đổi gió
Ôm lưới băng đồng đi bẫy chim
Đốt lung năng cạn, rùa ngợp khói
Theo bà câu cá ở đìa bên !

Cái Nước ngọn, theo thầy Vinh học
Quê nghèo xa cách, bốn mươi năm
Tân Hưng Đông, nhớ thời nhau rún
Vầng trán anh hằn thêm nếp nhăn !

Châu Đốc, 1989
TRÚC THANH TÂM

4. MƯỜI NĂM

Mười năm, ai hát bài thương nhớ
Để thắt lòng ta chút tình hồng
Từng tiếng thời gian như đọng lại
Một màu huyền diệu của đêm trăng !

Nước vẫn trôi êm qua mùa đổ
Óng ánh phù sa bên lở bồi
Cánh cò trăng trắng in màu nắng
Mắt vẫn đưa tình thuở rong chơi !

Mười năm, ai hiểu giùm ai hết
Sợi tóc tương tư cửa sổ chờ
Một chút ráng chiều rưng rức tắt
Trên cành vừa rụng trái hư vô !

Phải chi hôm ấy không hò hẹn
Bây giờ, đâu có chuyện nhớ nhau
Phải chi hôm ấy mưa đừng đến
Bây giờ, có lẽ đã quên nhau !

Vậy mà, người vẫn chưa trở lại
Mười năm, thềm cũ ánh trăng vơi
Chiếc lá xa cành bay tản mạn
Để mất đời nhau, nửa nụ cười !

Ta thương ta lắm, đêm viễn xứ
Mười năm, cay đắng một chút đời
Mười năm, nước mắt thành rêu vỡ
Ôm đời ấm lạnh trước gương soi !

Châu Đốc, 1990
TRÚC THANH TÂM

ĐẤT QUÊ TA ĐÂU CŨNG CÓ LINH HỒN

                                     - Vọng cổ : Trúc Thanh Tâm
                                     - Trình bày : Nghệ sĩ Dương Thanh   

       NGÂM THƠ

   Mười năm, ai hát bài thương nhớ
   Để thắt lòng ta chút tình hồng
   Từng tiếng thời gian như đọng lại
   Một màu huyền diệu của đêm trăng

   Nước vẫn trôi êm qua mùa đổ
   Óng ánh phù sa bên lở bồi
   Cánh cò trăng trắng in màu nắng
   Mắt vẫn đưa tình thuở rong chơi

 
       VỌNG CỔ

1. Anh đưa em về tìm lại quãng trời thơ ấu, chiếc cầu khỉ và con mương nhỏ, trăng phương Nam trai gái vẫn ươm tình...
Đẹp lắm em ơi đất nước thanh bình. Có những vườn cây sai oằn trái chín và ngôi trường làng thuở nhỏ của anh. Nhưng giờ đây bạn thầy cô tứ tán, anh nghe trong anh man mác nỗi buồn. Gió mơn man trên đồng lúa vàng tươm, chim về đâu khi ráng chiều đã tắt.

2. Sông chở phù sa đất bồi cây lấn biển, con gái dễ thương như hoa mướp hoa cà. Nón lá nghiêng nghiêng tóc xõa hẹn hò. Ngày mùa mở hội hừng đông, áo bà ba mẹ đều tay cấy, cha quần phèn nhổ mạ từng công. Quê mình đã có chấm son, xin trang trải thành màu hồng quê mẹ. Cuộc sống em ơi rất cần nhân nghĩa, hạnh phúc cuộc đời còn những tà áo trắng tung bay.

       NGÂM THƠ

   Ta thương ta lắm, đêm viễn xứ
   Mười năm, cay đắng một chút đời
   Mười năm, nước mắt thành rêu vỡ
   Ôm đời ấm lạnh trước gương soi

       VỌNG CỔ

5. Từng hạt bụi mang niềm trăn trở, từng nụ cười đầm ấm nụ hôn, anh đưa em về với hương đồng lúa trổ, đất quê ta đâu cũng có linh hồn...
Nối vòng tay nhau cho ấm mãi cội nguồn. Cho anh thấy hồn em xanh màu lá, mắt thanh bình đẹp mãi những chiêm bao. Khi tình yêu chưa hết những mặn nồng, em đừng khóc cho lòng anh chua xót. Em cần biết để làm người mong đợi, khi có người thương đi giữ nước non nhà.

6. Rượu đế nâng ly bè bạn chung vui, nước dừa ngọt lịm mát lòng trưa nóng bỏng. Cá lóc nướng trui chấm cùng muối ớt, kèm rau đắng đồng vị ngọt lâng lâng. Ai gọi ai giữa chiều quê êm ả, hay tiếng đời rất khẽ với riêng ta. Hỡi em yêu còn thương mưa nhớ nắng, thuở mùa xuân hoa lá chẳng muộn phiền.

   Thời gian dấu chấm hững hờ
    Đâu màu mắt tháng giêng xưa gió lùa
    Lên trời sợi khói vu vơ
   Trời già mưa nắng tình ta chung tình.

TRÚC  THANH TÂM