Ngô Đồng Nhất Diệp Lạc - Bút Nguyên Tử
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Dẫu thu chưa về hay thu đã qua, không thấy bóng
ngô đồng nhưng ngâm nga hai câu cổ thi, lòng ai chẳng mang mang. Hai câu thơ đã
gợi lên, ngân lên trong lòng biết bao thế
hệ thi nhân và người đọc. Mười tiếng đầy ma lực, chỉ vậy thôi mà trường tồn. Do
đâu? Do tác giả nắm được cái tích tắc giao chuyển. Không phải những mà một, một
lá ngô đồng rụng, chi tiết thần kì khơi mở cả mùa thu.
Hình ảnh “ngô đồng nhất diệp lạc” đã thành điển cố
văn học phổ biến. Trong Quốc âm thi tập, điển cố này được Nguyễn Trãi sử dụng rất
sáng tạo: “Mấy người ngày nọ thi đỗ, Lá ngô đồng lúc mạt thu” (Ngôn chí II).
Không phải lá ngô đồng rụng báo hiệu thu về, không phải lá ngô đồng rụng báo hiệu
cuối thu mà lá ngô đồng sót lại trên cây
trong buổi tàn thu- ít ỏi, hiếm hoi. Nguyễn Trãi không mượn điển cố này để tả cảnh thu mà chỉ để ví von,
giải bày tâm sự mất mát, đơn độc của mình.
Truyện Kiều có câu: “Sân ngô cành biếc đã chen lá
vàng”, một dấu hiệu chuẩn bị giao mùa- chớm thu. Và khi Nguyễn Du viết: “Giếng
vàng đã rụng một vài lá ngô” tức mùa thu đã vượt qua tích tắc giao chuyển để hiện
diện. Lá ngô thêm hình ảnh giếng vàng, câu thơ sang quá, “quý phái” quá! Tác giả
không nói một mà một vài lá. Nói một lặp
thơ cũ vừa không hợp. Trong hai câu cổ thi, nếu dùng số nhiều là thừa và vụng,
chỉ một lá rụng giữa mông lung trời đất mà con người vẫn cảm nhận được mùa
thu, một mà lan tỏa vô cùng, tuyệt vời
là vậy. Còn trong câu thơ Nguyễn Du, tuy khung cảnh hẹp hơn, lá rụng có địa chỉ
(giếng vàng), nhưng nói một vẫn không ổn vì nó thành con số đếm chính xác vô hồn,
khiên cưỡng, phải nói “một vài”theo cách phiếm chỉ. “Một vài” vẫn là ít ỏi
không xác định, dẫu không ở tích tắc chuyển mùa thì cũng là dấu hiệu báo thu
sang.
Cao Bá Quát có cách riêng khi vận dụng điển cố
này: “Ngô đồng nhất diệp phiêu kim tỉnh, Sắt sắt tây phong xuy dạ vĩnh” (Một lá
ngô đồng bay trước giếng vàng, Hiu hắt gió tây thổi đêm dài) (Thiên thất tịch
cùng với ông Thận Phu Ứng Giáo làm ra). Cao Bá Quát vẫn giữ nguyên dạng “ngô đồng
nhất diệp” chỉ đổi một chút, lá ngô đồng đây không rụng (lạc) mà bay nhẹ
(phiêu) trước giếng vàng. Câu thơ bảy chữ, sáu chữ dùng điển cũ, chỉ thay một
chữ mà linh hoạt, nhẹ nhàng, sinh động, mới hẳn lên.
Điển cố “ngô đồng nhất diệp lạc” không chỉ có mặt
trong thơ cổ điển mà hiện diện ngay
trong thơ hiện đại, thơ Bích khê:
“Ô hay! Buồn
vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông."
Điển cũ nhưng hình ảnh sáng tạo, cảm xúc rất mới.
Các thán từ, ngắt câu gợi cả một trạng thái ngạc nhiên như kêu lên. Hai câu thơ
dùng toàn thanh bằng, tạo cảm giác lâng lâng nhè nhẹ buồn buồn của mùa thu. Cây
ngô đồng không còn vô cảm mà vương vất nỗi buồn, lá vàng vương vất nỗi buồn.
Thi sĩ Tản Đà từng viết: “Trận gió thu phong rụng lá vàng- Lá bay tường bắc lá
bay sang- Vàng bay mấy lá năm hồ hết…” (Cảm thu, tiễn thu). Trận gió- mạnh quá,
rụng- dứt khoát quá, lá bay như chao đảo. Đọc mấy câu của Tản Đà làm ta hình
dung trận gió qua, lá rụng từng loạt, tứ tán, rồi gió dịu, mấy chiếc lá vàng rụng
muộn lác đác bay. Tả cảnh trung thực quá! Nguyễn Khuyến tả: “Lá vàng trước gió
khẽ đưa vèo” (Thu điếu)- Lá đưa nhẹ, nghe tiếng kêu, không gian yên tĩnh, cảm
nhận rõ sự vật nhưng sự vật vẫn mông lung. Còn “Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh
mông” của Bích Khê hết sức độc đáo. “Vàng rơi! Vàng rơi!” như gạt yếu tố thực vật
đi chỉ giữ lại tính chất sắc màu, xóa khoảng cách để thi nhân hòa nhập cùng sự
vật. “Vàng rơi! Vàng rơi!” rất nhẹ như đang diễn ra, lá đang rơi trong nỗi
vương vấn, như gieo thả nỗi buồn xuống mùa thu. “Vàng rơi! Vàng rơi!” lại vừa
như tiếng bật lên từ tâm lòng xúc động của thi nhân trước mùa thu lan tỏa đất
trời.
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.
Bút Nguyên Tử