Hãy Làm Ngay Khi Có Thể - Mang Viên Long
tạp bút
Tôi
quen một người bạn văn, vốn là một nhà giáo - lớn hơn tôi bảy tuổi, nhưng là
chỗ anh em rất thân tình; anh vẫn thường về quê ăn giỗ - ghé nhà rủ tôi cùng
đi, nhưng tôi chưa “có duyên ăn giỗ” với anh! Đến tuổi 74 anh có 3 tác phẩm đã
xuất bản: Hai tập tản văn và một tập thơ. Anh còn có bản thảo một tập thơ rất
mong được giới thiệu, nhất là khi anh cảm thấy sức khỏe không ổn định! Anh có
lần tâm sự với tôi, nhưng có lẽ vì công việc đa đoan - những người con anh
không mấy quan tâm. Tôi chắc tất cả đều nghĩ: Hãy cứ từ
từ đến cuối năm thong thả, sẽ in - đâu cần gì
vội? (và nghĩ thêm, đó chỉ là…chuyện “vui chơi” thôi - nhưng tôi biết, với anh,
là một trong những niềm vui và hạnh phúc của đời sống còn lại của anh…).
Sau đó không lâu - anh ngã bệnh. Lúc
anh đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, người con trai trưởng của anh gởi
mail (và phone) cho tôi, cho biết cậu ấy đang gấp rút in tập thơ cho cha trước
ngày ông mất. Cậu còn cho biết, cha cậu muốn nhờ tôi viết vài lời giới thiệu
cho tập thơ cuối nầy của ông (…).
Dĩ nhiên là tôi rất xúc động, và hân
hạnh nhận lời - tôi đã đọc 30 bài thơ trong một giờ, và viết mấy trang trong
một giờ tiếp theo, như được chia sẻ, tâm tình cùng anh, trong lúc anh còn đang
bất tỉnh - để kịp gởi kèm tác phẩm xin giấy phép! Tập thơ đã được nhà xuất bản
thông cảm “duyệt đọc” trong một ngày - tiến hành in ấn trong vài ngày sau đó.
Tập thơ trình bày khá xinh xắn đã được hoàn tất với sự nổ lực của gia đình và
người bạn họa sĩ nhận thực hiện - nhưng
tiếc thay, anh đã “ra đi” trước đó vài ngày, chưa kịp nhìn thấy được bìa sách -
“đứa con” tâm huyết của mình như thế nào?
Tôi chuyển nơi ở, đến sống nơi “Xóm Rèn” để trông nhà giúp cho vợ chồng
đứa con trai út đi dạy xa - đã hơn hai năm nay. Xóm nhỏ, quay quần chỉ mười hai
nóc nhà, như một khu biệt lập; yên tĩnh - xanh mát bởi nhiều bóng cây và bờ tre
tiếp giáp khu ruộng phía cuối xóm. Tôi nghỉ lao động từ khi phát hiện bệnh tim
nặng, chỉ nằm nhà đọc sách báo - cho vui thôi! Đọc mỏi, tôi đi thơ thẩn trong
xóm, ghé nhà nầy - nhà nọ, trò chuyện cho qua ngày! Ngôi nhà tôi thường ghé lại
chơi lâu, là nhà của vợ chồng người nông dân chỉ cách nhà con tôi hai căn, có
bà mẹ già trên 80 bị bệnh hen suyễn…Bà luôn có mặt ở nhà, dầu vợ chồng ông ta
luôn vắng mặt từ sáng. Cô con gái út thợ may, ra hành nghề ở quán may đầu hẻm.
Ba đứa con trai nhỏ đi học hay đi chơi mãi đến trưa mới về.
Một buổi sáng, khoảng hơn 7 giờ, tôi
ghé lại, đã thấy bà ngồi ở chiếc ghế bên cửa thường ngày vẫn ngồi, mỗi khi nằm
đã mỏi và buồn! Tôi hỏi bà đã ăn sáng chưa - bà cho biết đang ngồi chờ có đứa
nào về mua. Tôi nói sẽ đi mua giúp - bà không chịu. Hơn 8 giờ, tôi lại lần
sang, thấy nhà vắng - không có thức gì ăn đặt sẵn trên bàn như mọi khi. Có lẽ.
vợ chồng người nông dân ra đồng sớm, còn cô cháu nội chắc cũng quên bà luôn.
Lần nầy tôi kêu đi mua giúp - bà đồng ý,
vì đói! Khi tôi vội về nhà mặc thêm chiếc quần dài, bà goi - đưa cho tôi “cuốn
tiền lẻ” đã cầm sẵn nơi tay từ sáng đã “ướt nhão”! Tôi không nhận, vì nghĩ chỉ
năm sáu ngàn đồng bạc bánh xèo - là bà ăn no rồi. Tôi vẫn thường mang bánh và
trái cây đã cúng ở các bàn thờ, sang chia cho bà - bà vui vẻ nhận, để dành ăn
dần!
Bà bánh xèo hết. Bánh ướt và bánh
hỏi cũng hết. Còn bà bán xôi ngồi trông khách. Tôi hỏi thăm - được bà ta cho
biết “Anh chị Hai vẫn thường mua cho bà già năm ngàn, bà ấy ăn hết!”. Tôi mua
năm ngàn, mang về cho bà. Bà vui vẻ mở hộp xôi - ăn vội vàng…
Ba ngày sau, vào khoảng hơn 6 giờ
chiều, cô cháu nội thợ may vào buồng gọi bà dậy ăn cơm - thì bà đã không còn
dậy ăn được nữa rồi: Bà đã ra đi lúc nào, cả nhà không ai hay biết - ở tuổi 86.
Khi tôi sang thắp hương cho bà - người con trai trưởng nông dân kể: “Tôi định
di sửa chiếc máy quạt cho phòng bà đỡ nóng - nhưng quạt còn bỏ góc phòng đây, chưa đi kịp…”.
Người vợ tiếp lời: “Tôi định mua vài mét vải mỏng mầu xám, đưa cho con may cho
bà bộ áo quần rộng - mặc cho mát, thoải mái, mà chưa kịp…”.
Tôi đã có nhiều dịp đến thăm, phúng
điếu cho những người quen thân trong thị xã khi họ mất - đã thường nghe, vợ,
(hay chồng) con, (những người thân trong gia đình) khóc kể về những chuyện đã
khiến họ hối tiếc vì “chưa kịp làm” cho người ra đi! Xem ra, những việc “chưa
kịp” ấy cho người ra đi, cũng chẳng đòi hỏi tốn kém gì, (hay thời gian nhiều);
nhưng họ đã “có thói quen” hẹn lần lữa - cho đến ngày, vĩnh viễn không còn có
dịp để làm nữa! Và ngồi khóc than…Chẳng hạn một lần ghé thăm, gởi một món quà
nhỏ nhân ngày sinh nhật, hay gặp nhau để nói đôi lời chia sẻ từ ái - nhưng họ
đã không thể thực hiện được, vì “mới đó,
mà anh ( hay chi - ông - bà) ấy đã không còn!”
Cuộc sống không dài lâu - bền chắc, như ta thường nghĩ. Những việc gì
cần làm cho ta, cho người thân, cho bạn bè (…) hôm nay - nếu có thể, chúng ta
nên làm ngay - không hẹn ngày! Câu “nhật tụng” từ thời tiểu học đã được nhìn
thấy, đã đọc là “Việc đáng làm hôm nay, không nên để ngày mai” rất dễ nhớ - mà ít
người chịu làm, để rồi có khi, suốt đời ân hận…Nicolas đã từng kêu lên: “Hãy nhanh lên: Thời gian trốn chạy và lôi
kéo cả ta theo!”.
Để sử dụng “quỹ thời gian” eo hẹp
của đời người được tốt đẹp, viên mãn - Đức Phật đã khuyên dạy: “Thường quan sát tự thân, không làm việc
không đáng, việc đáng gắng chuyên làm, thì lậu tập dần tiêu tan!” (Phẩm
Pakinnakavaggo - PC 293). Nếu biết nghe và làm theo lời Đức Phật dạy, thì
tôi tin rằng - đời nầy ta được vui, và đời sau cũng sẽ được vui vậy!
Mùa Vu lan, PL 2556