Tuesday, August 26, 2014

Gió Lào - Nguyễn Phú Liêu
tản văn

Khách đến Quảng Trị thường e ớn, bảo “món độc” của vùng này là cát trắng và gió lào. Thực ra, cát trắng đâu chỉ vùng Quảng Trị mà kéo dài dọc duyên hải từ Thanh Hóa đến Bình Thuận xuyên tận Bà Rịa Vũng Tàu. Còn gió lào, còn gọi là gió nam (Nam Lào, Hạ Lào), vùng ảnh hưởng của nó kéo dài từ Nghệ An cho đến Quảng Nam, có điều  Quảng Trị là tâm điểm, gió mạnh nhất.

Ngọn gió kéo xuyên lục địa từ Ấn Độ đến Lào, không còn chút hơi nước, chỉ còn lại một luồng không khí nóng bỏng quét tới.  Gió xoáy vào vùng Hạ Lào rồi tràn qua đèo Lao Bảo, điểm thấp nhất giữa biên giới Việt Lào, tuôn theo đường 9 tỏa vào Quảng Trị. Tôi từng viết về hai ngọn gió thay nhau xiết qua quê hương mình suốt mùa hạ và mùa đông: 

              Cơn gió lào thổi cằn đất sỏi
              Ngọn bấc lùa đông lạnh biết bao nhiêu.

Gió lào cuốn mạnh hơn cả gió chướng Nam bộ, nếu gió chướng thổi từ biển mang theo hơi nước vào cuối mùa mưa thì gió lào thổi từ núi rừng khô khốc, tung hoành suốt cả mùa hè.  Hàng ngày, gió khởi sự từ tinh mơ đến khoảng năm giờ chiều mới tạm ngừng. Gió vượt vùng rừng hoang, tràn qua các đồi trọc, xiết về đồng bằng. Những vạt rừng gió đi qua khô khốc, các dòng sông cạn khô, những đám bụi cát  bị gió cuốn mù mịt bắn tung vào người. Cỏ cây xác xơ, lá xanh bị nung  quăn sém lại. Thảm nhất là những cây chuối, tàu lá mọng xanh thế mà bị gió quật ngày này qua ngày khác te tua, khô quéo lại. Gió lào kéo hơi nóng liên lục địa trộn với cái nóng miền Trung tạo thành một thứ không khí như lửa khô hừng hực, mọi thứ đều bị nung nóng, ai cũng ngán. Người ta mong đón cơn gió nồm vì gió thường mang sinh khí, mang hơi mát từ biển, “Mong được nồm nam cơn gió thổi” (Nguyễn Khuyến) còn gió lào là vị khách trú ngang nhiên phá phách, không ai cảm tình cả mà chỉ phải chấp nhận, đối phó. Khổ nhất là đi đường ngược gió, gió tấp nón che mặt, gió xô vào bắt người phải vừa đi vừa né, gió hất xoay quang gánh làm người chới với, gió hất tung bụi vào mặt… Có những trận gió quái ác luồn theo những luồng nóng gay gắt gọi là gió lào lửa, gió táp rát mặt, phỏng da. Gió nghiệt ngã!

Gió quét qua rừng qua suối, tràn lên ruộng đồng nứt nẻ, quật vào vườn tược cằn khô, siết qua đường sá bụi bặm và thốc vào nhà nung nóng mọi thứ vật dụng , sợ nhất là trong những căn nhà tôn, không khí hừng hừng  như chảo rang. Người ta thường trông đợi đến chiều gió lào  tắt để  đón ngọn  gió nồm nhẹ nhàng phơ phất từ biển cho dịu bớt phần nào cơn nóng.


Khí hậu khắc nghiệt- mặc,  con người phải chấp nhận để tồn tại. Và chính đó cũng là một sự hun đúc trong gió lửa với những ai từng sống nơi này.

Nguyễn Phú Liêu