Tiếng Beo - Tiểu Hùng Tinh
Beo làm chúa khu rừng, nhằm tạo uy liền sai Sói tung hô ca ngợi để làm
cho muôn loài thần phục. Các loài cốt cán nhân vậy cũng ráng sức gào hô, chuốt lời nâng tán để tỏ dạ trung
thành.
Sói ngợi ca công đức trời biển của ngài Beo nhân đó mà ngợi ca tiếng
Beo. Tiếng Beo qua ngôn từ Sói không còn kêu “bép bép” nữa mà thành tiếng gầm
làm vang động trời đất, rung chuyển núi
rừng, chấn động muôn phương… Lời tán thán đó trở thành kinh điển, được đưa vào
sách vở, thành thi ca âm nhạc học thuật, các loài phải ngâm ngợi hò hát cho thuộc
lòng.
Tiếng Beo “gầm” bị Sói hốt mất rồi, Cáo
suy nghĩ tìm tòi, cuối cùng moi được tiếng ngáy. Tiếng ngáy Beo không
còn khò khò khè khè nữa mà rền vang như sấm dậy mạch rền, tràn đầy uy lực, có sức
mạnh thôi thúc như đoàn quân đi… Họ Cáo mừng vui, xem như một sự tìm kiếm, sáng
tạo, đóng góp vào kho tàng tụng ca.
Không thể thiếu tìm tòi phát hiện để ngợi ca tỏ rõ sự trung thành, Chồn
để ý kĩ thấy rằng cứ trước khi kêu hay lâu lâu ngứa cổ Beo đều khẹc khẹc, liền
vớ ngay và ca ngợi đó là điểm nhấn, âm thể hiện nội lực sung mãn muốn tuôn
trào, tiềm ẩn sức mạnh của sự quyết tâm…
Đến Mèo, tưởng đã đến mức bí nước kẹt đề tài tán tụng ai ngờ lại có phát
kiến mới.
Mèo nghĩ, các loài khác đều lập được công trạng, chả lẽ mình tay không,
suy lục nát nước cuối cùng chớp ngay tiếng rắm Beo. Vinh quang là đây, tấc dạ
trung thành cũng là đây, vững danh vững vị, lộc lợi ngập mặt là đây! Như vớ được
của, Mèo ra sức cung tán rằng tiếng rắm
Beo nghe thánh thót lâm li như tiếng
đàn tiếng sáo, có sức lan tỏa mạnh mẽ, có sức lay động, thấm đậm in sâu làm ấm lòng muôn loài, thanh thoát ngọt
ngào như lời non nước, là âm hưởng ngàn xưa vọng đến mai sau…
Beo nghe các loài tán tụng, vuốt râu rồi nhe nanh cười đắc ý.
Tiểu Hùng Tinh