Wednesday, July 2, 2014

Estelle - Darryl Ponicsan
NN Hùng dịch 

Darryl Ponicsan

Darryl Ponicsan (sinh năm 1938) là một tác giả người Mỹ sinh sống ở California. "Estelle" được trích từ tiểu thuyết Andoshen, Pa., cuốn tiẻu thuyết mô tả đời sống ở một thị trấn nhỏ và nghèo tại vùng quê tiểu bang Pennsylvania. Thị trấn không đẹp nhưng "nếu như có chiến tranh thì chúng ta không bị bỏ bom vì khi máy bay bay qua nhìn xuống cứ nghĩ là thị trấn đã bị bỏ bom rồi" (thư của ba mẹ tác giả gởi cho ông). 
         Mời quý vị đọc trích đoạn dưới đây để xem  mơ ước rời xa thị trấn Andoshen để đi New York của cô gái trẻ Estella Wowak có thành hiện thực hay không. 
NNH

Estelle Wowak tốt nghiệp trường trung học Andoshen chẳng lấy gì xuất sắc hay có năng khiếu gì đặc biệt.

Nàng đi làm, đứng bán hàng cho tiệm Newberry’s Five and Dime (một cửa hiệu bán các món hàng rẻ tiền), lúc đầu ở quầy kẹo bánh, nhưng sau đó nàng yêu cầu chuyển qua quầy bán các thứ lặt vặt khác vì đang mập ra do ăn mấy cái kẹo lúc nào cũng sót lại trong tay sau khi làm nhiệm vụ cân đo đong đếm cho khách hàng.

Mẹ của Estella rầu thúi ruột khi thấy con gái bắt đầu cuộc đời làm việc tại một cửa tiệm bán những thứ năm mười xu trong thị trấn, nơi chỉ có đám thanh niên xấu xa nhất, những kẻ mơ mộng hảo huyền, quậy phá ồn ào, suốt ngày chơi bi-da, những đứa con trai với đủ loại mặc cảm tự ti ăn không ngồi rồi. Trong khi đó thì những đứa con trai khác lên thành phố học đại học hoặc làm việc, chỉ quay về vào dịp cuối tuần với những va-li đầy ắp áo quần dơ để cho mẹ giặt. Chúng lúc nào cũng đem lòng muốn hẹn hò với các cô gái địa phương đang còn ở nhà, gây ấn tượng cho các cô bởi lối sống mới và kiến thức của chúng. Chúng đưa các cô ra nghĩa trang để mèo mỡ và xem đó như là đặc quyền của mình. Điều này biết đâu cũng có thể xảy ra với chính con gái bà cho đến chừng nào con bé thực sự lập gia đình, nó sẽ lấy phải một thằng cha khó tính, một lão già, một gã say sưa tối ngày, hoặc một tay cha căng chú kiết nào đó.

Nỗi lo của mẹ cũng chính là nỗi lo của Estella, nhất là đã sau hai năm trôi qua, nàng vẫn đứng sau quầy bán những thứ năm mười xu ấy. Nghĩ đến điều đó khiến nàng rất phiền muộn. Mấy đứa con gái vừa mới tốt nghiệp đứa nào cũng sau nàng đến hai năm. Hồi học trung học, nàng chưa hề biết chúng, thế mà bây giờ tụi nó đều ra trường và đi đây đi đó trong khi nàng ngày này qua ngày khác chỉ có biết mơ tưởng đến cảnh tượng sau này được hướng dẫn cho một cô người làm mới đến tiếp nhận công việc của nàng.

Cảnh tượng ấy cứ lởn vởn trong trí tưởng của Estella bởi vì một ngày nào đó không lâu nàng sẽ thực sự hướng dẫn cho một cô người làm mới. Nàng sẽ đi New York. Nàng sẽ mướn một phòng ở ngay trong thành phố và xin làm một chân thư ký, và nếu như nàng không xin được công việc đó thì nàng sẽ đến xin làm ở tiệm bán các món năm mười xu cũng được. Ở New York chắc phải có đến năm mươi tiệm như thế. Với kinh nghiệm của mình, nàng sẽ không gặp khó khăn gì để kiếm được một việc làm. Làm việc tại cửa hiệu bán các thứ rẻ tiền ở New York đâu có giống như làm việc tại một cửa hiệu cùng loại ở Andoshen này! Ở đó bạn thực sự tiếp xúc với công chúng. Chắc là sẽ không bao giờ gặp lại cùng một người khách đến hai lần.

Nàng sẽ kiếm thuê một căn phòng tại trung tâm thành phố để đêm đêm thả bộ trên đại lộ Broadway, đến đại sảnh âm nhạc Radio City Music Hall vào ngày thứ bảy và thăm sở thú vào ngày chủ nhật. Sau một thời gian nàng sẽ giống như bất cứ một người dân nào của thành phố, và trên đường phố những người khách lạ sẽ chận nàng lại để hỏi đường đi đến tượng Nữ Thần Tự Do. Nàng sẽ chỉ cho họ (bởi vì lúc đó nàng đã rành rõi) bằng giọng điệu nhanh nhẩu, ngắn gọn và thân mật của người thành phố New York rằng đến đó sẽ mất bao nhiêu phút thay vì bao nhiêu dặm.

Đó là những gì nàng dự tính, là những gì nàng chuẩn bị trong lúc hướng dẫn cô người làm mới trong tưởng tượng.

Và đây là những gì thực sự xảy ra:

Nàng bỏ việc vào ngày thứ hai, lúc tiệm đóng cửa. Nàng giải thích với người quản lý, “Xin lỗi là tôi không thể chậm trễ thêm được nữa. Tôi chỉ có một ngày để suy nghĩ trước khi phải đi New York.”

“À ra thế. Cô nên quyết định dứt khoát một lần cho đỡ phiền hà.”

“Tôi cảm thấy không phải vì không ở lại để hướng dẫn người làm mới cho ông.”

“Cô đừng lo. Chúng tôi có thể sắp xếp được mà.”

Estelle dư biết là anh ta chỉ mất mười phút để hướng dẫn cho một người làm mới mà thôi. Mình đã phí mất hai năm trời, nàng nghĩ bụng.

“Cô muốn tôi đưa tiền lương của cô cho bác gái hay là muốn tôi gởi bưu điện tới cho cô?"

Estelle nhìn vào quầy hàng gồm những thứ lặt vặt và tự thấy mình đã xa cách nó.

“Cô đã lấy tất cả các thứ của cô rồi chứ?”

Trên cánh tay nàng là chiếc áo mặc đi làm, bảng tên còn dính trên áo.

Người quản lý nhìn đồng hồ. “Vâng, đã đến lúc tôi chúc cô gặp nhiều may mắn.”

Anh ta bắt tay cô,  lấy một tấm bảng “Cần Tuyển Nữ Nhân Viên” từ tủ đựng hồ sơ, và tiễn cô ra đến cửa trước. Anh ta dựng tấm bảng tựa vào cửa sổ, khóa cửa tiệm, và nói “Chào cô.”

Sáng hôm sau nàng lên xe buýt Trailways đi thành phố New York. Người tài xế đoan chắc với nàng rằng xe buýt sẽ dừng ngay trung tâm thành phố.

Nàng xuống xe tại xa cảng Port Authority, lòng ngập tràn cảm xúc xứ lạ đường xa, nhưng khi ra đến đường phố nàng liền nắm chặt những túi xách của mình, nhìn quanh và cảm thấy sợ hãi. Đâu là tiệm ăn trưa Ella? Đâu là rạp chiếu bóng Capital Theater? Công viên Wadden? Lò sản xuất bia? Đâu là tiệm bán các thứ năm mười xu? Đâu là Kayo Mackey và các đĩa nhạc của anh ta? Đâu là Duncan của Majestic?

Trên con đường phía trước xa cảng Port Authority một gã đàn ông tiến lại gần nàng. Quần áo của gã dơ dáy và có mùi.

“Tôi kêu tắc xi cho cô nhé? Cô định về đâu? Để tôi mang hành lý cho cô.”

Hơi thở nàng bị chận lại trong cổ họng. Nàng cố thở hắt ra và thốt lên, “Dạ được rồi. Cảm ơn ông. Được rồi, cảm ơn ông. Tôi đang đợi người nhà. Ông xã tôi sẽ đón tôi ở đây.”

Gã đàn ông bỏ đi.

Nàng đứng bên vệ đường ở trạm xe, nắm chặt hành lý, cảm thấy sức nặng của thành phố đang ép lên cơ thể mình, nghe được hơi thở đi qua hai lỗ mũi, sự náo nhiệt đập vào hai tai giống như tiếng búa địa ngục, và các tòa nhà cao tầng đang đè lên đầu mình. Nàng đứng đó trong mười lăm phút giữa cái nóng của mùa hè New York cho đến khi quần áo ướt đẫm mồ hôi và đồ lót dính sát vào người.

Nàng quay người, đi trở vào xa cảng Port Authority và đợi trong sáu tiếng đồng hồ chờ chuyến xe buýt kế tiếp về lại Andoshen.

Công việc của nàng ở tiệm Newberry đã được một quả phụ trẻ tên là Donna thay thế.

Ngày hôm sau ở hãng sản xuất thuốc lá xì-gà Savannah một nhân viên chuyên vấn xì-gà chết và nàng nhận được việc làm đang trống này.

NN Hùng dịch chơi.