Bay Hơi Dang Trầm - Lê Văn Trạch
Theo đà tiến hóa và
phát triển, con người chinh phục, cải tạo thiên nhiên để bảo đảm tồn tại, thỏa mãn
nhu cầu vật chất trong sinh hoạt, với trí tưởng tượng và sự năng động khám phá,
họ
đã có những thành tựu đáng kể! Những kết quả đạt được đôi khi tác động ngược lại,
phá hủy quân bình tự nhiên, tạo những mâu thuẫn gay gắt khó giải quyết, không
chỉ ở môi trường mà chính ngay trong bản thân họ!
Bằng tuệ nhãn để thấy
được những nguy cơ như thế, từ ngàn xưa, dưới những hình thức hướng dẫn tâm linh khác nhau,
nhiều bậc vĩ nhân đã đưa ra những giáo lý để dẫn dắt tâm thức đi theo đường thiện,
nhằm tạo sự cân bằng, ổn định xã hội, tiến đến mục đích tối hậu là con người có
được cuộc sống bình an, hạnh phúc .
Đất nước Việt Nam ảnh
hưởng trực tiếp và lâu dài văn hóa Trung Quốc, lấy triết lý Khổng Mạnh làm nền
tảng, triết lý này nhấn mạnh đến sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân, sự chính xác của
các ràng buộc và quy phạm làm người, trên hết gia đình là đơn vị căn bản để kiến
tạo xã hội, tất cả đó nhằm thiết lập một quan hệ gắn bó và những điều lệ khắt
khe kèm theo như một thứ Đạo giữa mọi thành phần xã hội: Vua-Tôi, Cha-Con, Thầy-Trò, Chồng-Vợ … mục đích giữ gìn giềng mối kỷ
cương phép nước, một cách tổng quát, họ phân công cụ thể theo giới tính: Đàn
ông lo việc bên ngoài, đàn bà chăm sóc chuyện gia đình theo những ước lệ định sẵn:
Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín và Công - Dung
- Ngôn - Hạnh với khuôn mẫu phải theo:
Trai
thời trung hiếu làm đầu
Gái
thời tiết hạnh làm câu răn mình
Người con trai phải
trung với vua, hiếu với cha mẹ, chăm lo trau dồi kiến thức để phục vụ xã hội, ý
tưởng này là một bắt buộc rất quyết liệt, biểu tượng sự hiện hữu, sống chết !
Có
trung hiếu mới đứng trong trời đất
Không
công danh thà nát với cỏ cây
Đối với phụ nữ trong tứ
đức, tiết hạnh là điều quan trọng, chả thế mà nhà vua có bảng vàng Tiết Hạnh
Khả Phong để ban cho những người mẫu mực, sắt son gìn giữ !
Từ ngàn xưa, trinh tiết
của người phụ nữ được loài người quan tâm đúng mức, tùy theo truyền thống văn
hóa và tôn giáo, mỗi khu vực đều có quan niệm, cách hành xử riêng … có bộ lạc ở
châu Phi xem trinh tiết của con gái là tài sản của cha mẹ, có quyền rao bán,
chàng nào trả giá cao nhất sẽ được . Trong lúc đó ở Ấn độ vào thời cổ đại,
trinh tiết là một thứ linh thiêng, người phàm tục không được thụ hưởng, kể cả
vua chúa, các đạo sĩ, thầy cúng, đại diện thần linh đón nhận sự dâng cúng này !
Cùng thời điểm đó, tại Ai Cập lại kỳ quái hơn: xứ sở này tôn sùng thần Kim
Ngưu, người ta chọn nuôi những con bò thuần chủng, sau bốn tháng tuổi, đem đến
miếu thờ để các trinh nữ hành lễ hiến dâng ! Ngay ở thế kỷ 21, tại Iran, tử tội
trinh nữ phải bị phá trinh trước giờ hành quyết !
Đối với truyền thống
văn hóa Việt Nam, trinh tiết là điều cốt lõi, đánh giá phẩm hạnh cá nhân, hơn
ai hết, người con gái được dạy dỗ để giữ gìn và chỉ trao cho người con trai sau
khi làm lễ thành hôn có sự chứng giám và chấp nhận của Tổ tiên Ông Bà Cha Mẹ,
thực sự là người chồng của mình ....
Trong một lần hẹn hò,
Kim Trọng ngắm nhan sắc Thúy Kiều, con tim rạo rực và bản năng chiếm hữu hiện
ra như thói thường của người con trai khi ngồi cạnh người yêu:
Sóng
tình dường đã xiêu xiêu
Xem
trong âu yếm có chiều lả lơi
Thúy Kiều cảm nhận điều
ấy, nhưng vốn được giáo dục chu đáo về quan hệ nam nữ khi chàng chưa là chồng của
mình, nàng đã nhẹ nhàng ngăn lại:
Vẽ
chi một đóa yêu đào
Vườn
hồng chi dám ngăn rào chim xanh
Đã
cho vào bậc bố kinh
Đạo
tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ngoài ra, trinh tiết của
người con gái Việt Nam còn là uy tín dòng họ và danh dự làng xã: Trong tục lệ
cưới hỏi, khi đưa dâu về nhà chồng, bà cô hoặc bà dì ở lại, để trong đêm động
phòng, nếu người chồng phát hiện vợ mình mất trinh, sẽ dựng giường lên, đuổi cô gái ra khỏi nhà, bà Dì / Cô kia có nhiệm vụ
dẫn cháu trở về !
Có nhiều làng có những
luật lệ khắt khe, dã man đối với phụ nữ không chồng mà chửa (chửa hoang) bằng
cách đào hố, nằm xỉa úp bụng xuống mặt đất, giăng nọc ra (đóng 4 cọc và trói tứ
chi vào đó), rồi đánh, có nơi đuổi cô gái ra khỏi làng !
Có thể ở góc khuất thầm
kín của Tình yêu, người con gái cắn răng chịu đựng những hậu quả do sự mất mát
của mình, nhưng Cha Mẹ là người đau khổ, cảm thấy xấu hổ đối với những người
chung quanh, gia đình nào có con gái phạm lỗi xem như " Gia môn bất hạnh" ! Đặc biệt người Mẹ, tự thấy trách
nhiệm thuộc về mình (Con hư tại Mạ, má hư
tại trưa), chẳng yên tâm để làm được việc gì !
Kim
găm hò áo mất rồi
Uổng
công, Cha Mẹ đứng ngồi không yên !
Màng trinh chỉ là cấu tạo
của cơ thể theo bình thường vật lý, sự mất đi đánh dấu một thay đổi để chuyển
sang giai đoạn phát triển toàn diện mang trạng thái hoàn hảo khác. Nhưng theo
quan niệm người xưa, nó là tiết hạnh, là kho báu vô cùng quý giá, hơn thế, còn
là một biểu tượng thiêng liêng, mất nó, mất tất cả:
Ôi
thôi rồi khóa rớt chìa rơi
Rương
vàng hở nắp, bay hơi dang trầm
(Có
bản ghi: Lư đồng hở nắp, bay hơi dang trầm. Trên thực tế là vậy, bởi vì khi
xông trầm, nắp có hở, hương trầm mới bay ra, chuyện thường tình, thế thì đâu có
gì để phải thất thanh kêu trời ! Rương vàng là câu nói ẩn dụ biểu trưng cho một
diễn đạt khác, để bổ sung ý này, ta hãy nghe lời than vãn của chàng trai khi bị
người tình phụ:
Ngày
nào em nói em thương,
Như
trầm mà để trong rương chắc rồi.
Bây
giờ khoá rớt chìa rơi.
Rương
long nắp vỡ, bay hơi mùi trầm)
Xem đây như là lời của
người Mẹ, đưa hai bàn tay ra, thảng thốt
kêu trời " Ôi thôi rồi ! " - đặc ngữ biểu tượng một mất mát bất ngờ ập
đến ... khóa, chìa mỗi thứ một nơi, bị bẻ gãy, kho tàng mất sạch !
Chữ
Trinh đáng giá ngàn vàng !
Nhưng ở đây, vàng bị đẩy
xuống một bậc, chỉ là vật liệu, chiếc rương để giữ thứ quý giá hơn, không những
thế mà còn cung kính thiêng liêng nữa !
Từ trạng thái vật lý
bình thường, sự trinh tiết mang ý nghĩa trang trọng, đôi khi như là huyền thoại,
ảnh hưởng cả một nền đạo lý, cho nên khi rương
vàng hở nắp, hơi dang trầm bay đi, tất cả sụp đổ, kéo theo chuỗi hệ lụy
ràng buộc, đan chéo nhau !
"Đập
cổ kính ra .. " để trân quý một thời tổ tiên ta đã có
những ý niệm đúng mức về giá trị đạo đức trong quan hệ giữa con người, ý niệm ấy
là động lực tạo sự bình an, niềm tin để cùng nắm tay nhau xây dựng và phát triển,
hình thành một giai đoạn lịch sử thịnh vượng, bờ cõi được mở mang, để chúng ta
có được một giải giang sơn gấm vóc như hôm nay .
Lê Văn Trạch