Bạn Tôi - Hoàng Văn Thắng
Phan Văn Năng, thuở cắp sách đến trường |
Bạn là người mình kết nối những vui buồn; bạn là người đã giúp đó mình; bạn là những người luôn đứng bên mình khi mình lên cũng như mình xuống. Ở cái thuở đầu còn để chỏm, tôi đã ở ngoài nhà của mình nhiều hơn là ở trong nhà. Gặp ba mạ tôi dễ dài, thế là tôi tha hổ cà nhõng ngoài đường. Và nhờ những giờ phút cà nhõng đó, tôi đã gặp rất nhiều người bạn tuyệt vời, mà nay đã tuổi sắp phủi chân lên bàn thờ, nghĩ về những người bạn đó, tôi như sống lại những ngày mới lớn, những ngày đã trưởng thành, và những năm xế bóng. Người bạn mà tôi sẽ viết về ngày hôm nay là anh Phan Văn Năng. Những ai học ở trung học Nguyễn Hoàng trong những năm 61-68 đều đã đi qua Ty Thông Tin Quảng Trị, và chắc chắn đã biết người con trai có lông mày cong vút với màu mắt hạt dẻ, cậu con trai đó chính là Phan Văn Năng, bạn tôi.
Tôi quen Năng rất sớm, có thể nói anh là người
bạn đầu tiên và suốt đời của tôi. Năng không phải là người Quảng Trị, anh gốc
Huế nhưng ba anh, bác Phan Văn Hinh, là nhiếp ảnh gia của Ty Thông Tin Quảng Trị.
Gia đình Bác đến cư ngụ kế vườn Bông Quảng Trị, gần nhà anh Nguyễn Nghĩa và
Nguyễn Nhơn (con hai bác Nguyễn Hà). Tôi quen Nhơn và thường hay qua xem
anh vẽ tranh ngựa, vào những năm Mẫu Giáo, Và từ đó, tôi biết hai gia đình Ty
Thông Tin, là gia đình Nguyễn Hoàng, và gia đình Phan Văn Năng.
Tôi kết bạn với Năng ngay từ những năm tiểu học,
nếu tôi không lầm thì hai đứa tôi đi học cùng lớp với cô Tâm, vợ Thầy Thái Mộng
Hùng, từ lớp hai ở trường tiểu học Quảng Trị sau vườn Bông. Trường này sau để lại
cho nữ sinh, và đổi tên là trường Nữ Tiểu Học Quảng Trị do cô Liễu, con gái của
ông Phó Tỉnh Trưởng Tri làm hiệu trưởng.
Tôi và Năng trở thành như hình với bóng. Gia
đình Năng gồm có ngoài hai bác, có chị Điệp (sau này là vợ của anh Lê Nghiêm
Kính, mà ở nhà gọi là anh Bính. Có lẽ nếu tôi nói bút hiệu của anh Kính, mọi
người dễ nhớ hơn, là nhà văn tiếng tăm Huy Phương). Sau chị Điệp là chị Hương,
anh Phi, đến Năng và út là em Ty, với
cái tên rất hay là Phan Thị Thể Tần. Nói cho đúng, tôi ở bên nhà Năng nhiều hơn
là nhà mình. Hai bác dễ dãi, không hề nề hà chia thằng bạn con mình cái chén
đôi đũa. Tôi tự nhiên như người Hà Nội, ăn và ở trong nhà Năng suốt nhiều năm
tiểu học và cả trung học.
Cuộc đời cứ thế mà trôi. Đi học, qua rủ Năng, chiều về qua nhà Năng ,
chỉ để thấy nếp sinh hoạt tuy đạm bạc nhưng đầy hạnh phúc của gia dinh hai bác.
Với đồng lương khiêm tốn của một công chức bậc trung, bác trai đã lo cho cả nhà
tươm tất, lại thêm một miếng ăn ngoài gia đình nữa là tôi. Nhiều lần Mạ tôi nổi
quạu: Mi muốn ở bên đó thi tau làm giấy
cho mi luôn cho hai bác. Tôi biết mạ tôi ganh tị với mạ Năng nhưng ở nhà đâu có
gi vui, ở bên nhà hai bác Hinh luôn luôn có tiếng cười và nhũng sinh hoạt tấp nập.
Thế là tôi lờ đi lời răn đe của mạ toi, và cứ thế mà lớn lên trong nhà Năng.
Khí gia đình Năng dọn qua ở Ty Thông Tin ở cửa
trước trường Nguyễn Hoàng, thói quen của tôi không thay đổi. Suốt từ lớp tư đến
lớp đệ tứ trung học, hai đứa luôn luôn ngồi kề với nhau. Lớp có nhiều bạn, nào
là Nguyễn Hoàng, Trần Văn Long (sau này là bác sĩ ở Đà Nẵng), Phan Lục, Lê
Đình Bì, nay là CEO của Vietoday của San Jose, tôi chỉ gần gũi với Năng. Hai
anh em nhỏ to đủ chuyện và Năng luôn luôn thương mến tôi, chưa một lần cãi vã
hay giận hờn. Năng luôn luôn thương tôi, và chỉ mỉm cười khi thấy người bạn của
mình “quậy” quá.
Phan Văn Năng, thời binh lửa |
Qua năm đệ tam, tôi đổi bạn, Năng và tôi
không còn chung lớp. Tôi lại có những bạn mới, nhưng tôi vẫn ghé nhà Năng mỗi
trưa chiều cho tới ngày tôi vào Huế học năm Mậu Thân, và từ đó ra đi tha phương
cầu thực biền biệt. Tôi chỉ gặp lại Năng một hai lần ở Saigon, khi đó Năng đã
là một sĩ quan quân đội. Tôi vẫn ngạc nhiên không chấp nhận bạn mình trong bộ
quân ngũ phẳng phiu. Năng vẫn mặt trắng thư sinh, hai hàng mi cong vút ,không thể nào là
sĩ quan cầm quân được. Nhưng mà Năng là thiếu úy, rồi trung úy nữa thì phải, và như mọi sĩ quan
khác, Năng đi học tập sau 1975.
Năm 1971, tôi trở về Quảng Trị thăm gia đình,
đến thăm gia đình Năng thì lúc bây giờ chỉ còn chị Hương, và em Thể Tần. Cô bé
nhỏ nhắn ngày xưa bây giờ đã lớn. Tôi thú vị nhìn lại quãng đời đã qua dưới gia
đình Bác, và tự hỏi sẽ còn có ngày quần tụ như thế không. Ngày nay hai bác đã
theo nhau xuống suối vàng. Tôi không bao giờ quên được nụ cười hiền lành và rộng
rãi của hai bác. Điều dễ thương nơi hai bác đã trải xuống những người con của Bác,
phải nói là gia đình thật sự toàn mỹ về đạo đức và lòng tử tế.
Phan Văn Năng và phu nhân |
Ngày nay Năng đã an cư lạc nghiệp ở Nam Cali
với cô vợ trẻ tên Hoài đầy tài năng về nấu ăn, trồng cây trồng hoa và dạy con.
Hai đứa con Năng đã thành đạt, một đứa đã lập gia đình. Tôi vẫn tha phương cầu
thực ở những miền đất xa lạ, thảng hoặc về đến Nam Cali là lập tức hai anh em lại
hẹn hò nhau để chén anh chén chú. Năng chưa bao giờ uống quá hơn một chai, mặt
của bạn tôi sẽ đỏ ran lên lén uống thêm. Và với tôi, anh luôn luôn là người bạn
luôn luôn khoan thứ cho thằng em ngờ nghệch, đã đến gần cuối cuộc đời rồi mà vẫn
chưa có gì gọi là ổn định. Tôi biết chắc rằng anh luôn luôn thương mến tôi như
ngày nhỏ. Viết lại tình bạn nầy, không có gì hơn là để cho Năng biết là tôi
luôn luôn cảm kích những năm tháng được làm bạn với anh, và tình bạn này, sẽ
giúp tôi luôn luôn tin ở tình người, tình bằng hữu, cũng là một niềm vui khó tả
mỗi khi gặp những khó khăn trong cuộc sống.