Tuesday, February 11, 2014

Bằng Lăng Tím - Hoàng Th Cổ Thành

            Mọi người khi nghe kể về chuyện tình của Thu thường gọi đùa là “chuyện tình ba trái bơ” bởi vì dây rê rễ má của câu chuyện tình này có dính tới ba trái bơ.   Với Thu thì đó chỉ đánh dấu một mốc nhỏ của một cuộc tình gian truân cách trở và có lúc tưởng như không bao giờ có đoạn kết.  Cả một sự đợi chờ bền bỉ trong vô vọng.  Cuộc tình mong manh như cánh hoa tím bằng lăng trong chiều lộng gió.  Bằng lăng đượm màu tím biếc
và mong manh trong khu vườn ngập nắng như người con gái tóc ngang vai, mỏng mảnh trong chiếc áo màu mực tím thưở còn thơ.  Có phải “tóc ngang vai ai biết ai đợi chờ” đã làm cho tình anh thêm vô vọng?  Anh đã phải chôn dấu hình ảnh bằng lăng tím trong tim cho đến bao giờ?
            Tuổi thơ của Thu quá êm đềm và đẹp đẽ.   Êm đềm nhưng mong manh vì chiến tranh xảy ra trên quê hương từng ngày một.  Đẹp đẽ nhưng chóng tàn khi bom đạn đêm đêm dội về thành phố.   Pháo kích vô tình hủy hoại êm đềm hạnh phúc của những gia đình nhà ai.  Vành khăn sô cho người goá phụ đang chờ đợi khi có tin dữ đến từ chiến trận, mảnh khăn tang mẹ quấn thay con khi số kiếp con mẹ quá ngắn ngủi.  Người lớn sống trong bất an, nhưng con trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa và lớn lên từng ngày.   Thu đi học tiểu học ở trường Nữ tiểu học nằm cạnh bờ sông Thạch Hãn.  Ngôi trường nhỏ đã ôm ấp bao ngày tháng ấm áp của tuổi thơ.  Nhà Thu ở khá xa ngôi trường, nhưng Thu và chị vẫn thường được ba chở đi học hàng ngày.  Những buổi trưa hè gió Lào thổi cát bụi bay tung mù mịt, những chiều Đông gió hắt từng cơn mưa lạnh buốt, những trận bão lụt vẫn cứ đến và đi như cơm bữa. . . tất cả những khắc nghiệt thiên nhiên đó của vùng đất Quảng Trị lại  đậm màu trong trí nhớ về tuổi thơ của Thu.  Thu vẫn mãi yêu thích màu phượng đỏ nở rộ hoa trong mùa hè.  Hái hoa phượng cài lên mái tóc để làm công chúa Bạch Tuyết như biệt hiệu chúng bạn thường gọi- hồi nhỏ Thu có nước da trắng, má hồng và môi đỏ nên chúng bạn thường gọi là công chúa Bạch Tuyết- Mặc áo mưa mới -mạ Thu vẫn cho tụi Thu mỗi mùa mưa một cái mưa khác nhau-đi dầm mưa hoặc lội nước lụt.  Có khi còn được cho tắm mưa với lũ bạn trong xóm nữa.  Chỉ mặc có cái áo “may-ô” và cái quần “ banh xô lây” đứng nhảy nhót dưới vòi nước máng xối với lũ bạn nhóc trạc bằng tuổi sao mà thích đến thế.  Tát nước, xô đẩy, la hét, cười đùa ròn rã. . . tất cả nhiệt tình chơi đùa của tuổi thơ trải dài theo tháng năm xa xưa ấy.
Rồi cũng có ngày xa ngôi trường tiểu học thân thương đó để lên học lớp cao hơn.  Ngày Thu thi đậu vào Đệ Thất trường Nguyễn Hoàng là cả một niềm kiêu hãnh cho gia đình nàng (vì hồi đó cả tỉnh chỉ có một trường trung học công lập nên thi vào rất khó).  Ai cũng vui lây với cái hạnh phúc đó của nàng.  Và nàng cảm thấy mình lớn hẳn lên trong chiếc áo dài trắng có đính cái bảng tên thêu bằng chữ đỏ.  Áo dài mới, nón lá mới, cặp táp mới, bút máy mới, sách vở mới và lòng nàng cũng mới lớn thêm lên. . .  Nhà của nàng ở quận Mai Lĩnh rất gần trường trung học Nguyễn Hoàng.  Lúc này Thu đi học không cần ba phải chở, mà ngày hai buổi cắp sách đến trường “nhảy nhót như chim sẻ”.  Mùa xuân, trời vẫn còn se lạnh nên mạ thuê người đan cho Thu chiếc áo len cánh tay màu tím bằng lăng mặc thêm vào ngoài chiếc áo dài trắng.  Chiếc áo len màu tím ôm ấp tấm thân mềm mại của người con gái làm nổi bật nhan sắc của nàng.  Mùa hè, những tà áo dài trắng của các cô học sinh lại tha thướt theo chiều gió.  Có nhiều khi gió Lào quá mạnh cũng đã tung bay các vạt áo rất cao khiến cho các cô gái cuống quít ghì chặt lấy chúng lại.  “Trời ơi!  Răng mà dị quá tề”.  Có khi Thu cũng đã kêu lên như vậy khi phải chống đở với sức mạnh của những đợt gió quái ác đó.  Mùa thu đến làm dịu bớt cái nắng gay gắt và những trận gió Lào với cát bụi mù mịt. Mùa thu đến là đúng mùa tựu trường.  Sân trường sau ba tháng hè yên ả bây giờ tấp nập tiếng chân chạy thình thịch của các nam sinh, tiếng guốc khua vang ở hiên trường của các nữ sinh hòa lẫn với tiếng gọi tên nhau, tiếng trêu ghẹo, chọc phá. . Hàng phượng trong sân trường lá vẫn còn xanh mướt nhưng chỉ chen vài cành phượng đỏ thêm vào đó những trái phượng đã thấy mọc lố nhố ra ngoài cành lá khá nhiều.  Đầu mùa thu ve sầu vẫn còn kêu nhưng thưa thớt chứ không inh ỏi như trong mùa hạ. -Tháng Bảy nước nhảy lên bờ- Sắp có những trận bão lụt rồi đây.  Nước từ bờ hồ dâng lên rất nhanh,tràn qua đường chảy xiết về phía sân trường Nguyễn Hoàng làm ngập tràn nước khắp nơi, có khi tràn lên bậc cấp của lớp học nữa.  Lại được nghỉ mấy tiết học.  Lại rủ nhau xắn quần, vén hai vạt áo dài lên đi lội nước lụt mà không cần phải xin phép ba mạ.  Trời ơi!  Vui kinh khủng cho dù là nhiều khi áo quần ướt mèm và lạnh ướt run cả người.  Mùa đông rét mướt kinh khủng và mưa dầm dề bao ngày đêm làm như muốn trả thù lại cái nắng khắc nghiệt của mùa hẻ .  Mưa cho thúi đất mới chịu thôi, mưa cho bom đạn dừng hẵn lại như lòng người đợi mong.  Mưa có thúi đất nhưng bom đạn vẫn nhả đều đều và chiến tranh càng ngày càng khốc liệt hơn. 
 Ba mạ Thu rất đông con nhưng chỉ có hai chị em nàng là gái.  Chị Thu quá thuần hậu nên cuộc đời của chị cũng rất giản đơn, chỉ có lúc anh rể đi học tập cải tạo thì có phần vất vả, nhưng đã được ba mạ chồng giúp đỡ và chăm sóc nên dần dần cuộc sống cũng  đã vượt qua được khó khăn lúc ban đầu phải sống xa chồng.  Và cuộc tình của Thu cũng bắt đầu từ quan hệ bà con bên chồng của chị nàng.  Bình thường mối quan hệ bà con dễ làm người ta gần gủi để phát triển tình cảm đôi lứa hơn, nhưng ở đây chính cái đó là một sự rắc rối khó gỡ được.  Giá như không có ngày đó anh từ Đà Lạt về thăm quê Quảng Trị và tình cờ trông thấy Thu ở ngôi nhà đối diện thì đã không có những rắc rối sau này.  Và giá như chị của Thu sau này không kết hôn với cháu gọi anh ấy bằng chú thì chuyện tình của Thu chắc cũng mộng mơ như bao người con gái khác. Thời gian sẽ cứ trôi đi thật nhanh và chuyện tình của nàng cũng sẽ trải dài theo tháng năm???
Năm ấy Thu chỉ tròn mười ba tuổi và đang học lớp đệ lục ở trường Nguyễn Hoàng.  Cái độ tuổi ngây thơ ấy Thu chỉ biết ăn chơi cho chóng lớn.  Chưa biết chăm chút cho dáng dấp của mình, cũng chưa biết thẹn thùng e ấp khi gặp mặt anh con trai nào đó.  Mê chơi cũng như mê học.  Mê bạn còn hơn mê bồ (vì đã có bồ đâu mà biết mê bồ).  Vẫn còn thích chơi ù mọi, chơi trốn tìm, chơi bịt mắt bắt dê. . . Tất cả trò chơi trẻ con đó có lẽ không bỏ sót món nào mà Thu không thích.  Những ngày nghỉ học tất cả lũ bạn tập họp lại nhà Thu chơi nấu ăn, hoặc dồn tiền lại ăn quà vặt.  Nếu không có gì thì kiếm “đái mít” cắt mỏng và ướp mắm ruốc rồi dằn dưới cục đá lớn để rồi ăn sạch sành sanh.  Không cần biết về nhà có ăn được cơm không ?  Không cần biết có chát miệng gì không.  Cứ đánh chén cho hết một gói thật to.  Rồi chuyện trò, cãi vã inh ỏi.  Rồi ghẹo phá nhau.  Rồi cặp đôi người này với người nọ v.v. . .
 Anh đứng dưới góc sân nhìn lên cửa sổ căn nhà đối diện.  Một lũ con gái đang đứng tụm lại với nhau, chuyện trò rối rít.  Hồn nhiên cười đùa thỏa thích nên chẳng mấy ai chú ý đến anh chàng đang nhìn chăm chú như bị cuốn hút bởi khuôn mặt của một người con gái. Khuôn mặt đáng yêu quá!  Xinh tươi như đóa hoa hướng dương kiêu hãnh khoe mình dưới ánh nắng mặt trời.  Mát dịu như làn gió nhẹ đang đùa giỡn với những gợn sóng lăn tăn của mặt hồ trong đêm trăng sáng.  Đôi mắt đen huyền to sáng như có mãnh lực cuốn hút tâm hồn của người khác.  Nước da nàng trắng, má hồng, môi đỏ, tóc huyền xỏa ngang vai. . .nàng đã được thượng đế trang điểm nhan sắc cho từ dạo nào?  Người em bà con đứng bên cạnh bắt gặp cái nhìn say đắm của anh liền hỏi “ Anh đang nhìn đứa mô rứa? Phải con đứng ở phía trước không?”.  Anh lắc đầu vì thấy không đúng đối tượng đang cuốn hút hồn mình.  “ Chắc là cái con cao và ốm mặc áo trắng chứ gì?".  Anh lại lắc đầu lia lịa.  Người em đưa tay chỉ và hỏi tiếp “ Con ni hay con nớ nói đi chớ. Làm người ta tò mò chết đi được”.  Anh nói nhỏ nhưng cũng vừa đủ nghe “ Cô mặc chiếc áo màu hoa tím bằng lăng đó tề” – “Trời ơi!  Anh ác vừa vừa chứ.  Con người ta lau mũi chưa sạch nữa mà”.  Người em kinh ngạc kêu lên.  Anh thản nhiên đùa lại “Anh chịu nuôi cơm chờ người ta lớn lên mà”.  Câu chuyện dừng lại ở đây và anh quay lưng bước vào nhà.  Ngày hôm sau anh trở về Đà Lạt bỏ nửa chừng câu chuyện tình mới đơm bông.  Và sau này người em có tìm Thu kể lại cuộc nói chuyện giữa hai người nhưng xem ra Thu không mấy chú ý bởi lẽ nàng còn quá nhỏ và người đó cũng đã bỏ đi mất biết rồi.

Mùa hè đỏ lửa 72 đã biến thành phố nhỏ của Thu thành bình địa.  Những dãy nhà nho nhỏ với khu vườn xinh xinh, những dãy phố cao dọc theo đường Trần Hưng Đạo, những khu phố nhỏ bao quanh chợ Quảng Trị, những hàng phượng vĩ ôm ấp bờ sông Thạch Hãn, những dãy nhà bao quanh thành cổ, khu hành chánh, nhà thương, nhà thờ, chùa Tỉnh Hội và ngay cả ngôi trường Nguyễn Hoàng, nơi ôm ấp niềm kiêu hãnh của các cô cậu tú trong tương lai… tất cả đều biến mất.  Như trong giấc mơ, như trong truyện cổ tích, Quảng Trị mất tất cả, chỉ còn sót lại dấu tích chiến tranh như hố bom, gạch vụn nát, vườn tược tan hoang, xác xơ tiêu điều và nổi buồn da diết của người dân Quảng Trị phải bỏ xứ đi lập nghiệp ở nơi vùng đất mới. Còn đâu những ngày thi tuyển vào trường Nguyễn Hoàng đầy ắp tiếng xì xào, bàn tán của các cha mẹ học sinh về đề thi ở phía ngoài trường và bên trong trường lạnh ngắt như tờ, nghe rõ cả những bước chân của những người giám thị đang theo dõi cuộc tuyển sinh.  Và đâu đây có còn tiếng gọi chào mời khách ơi ới của những chú lơ xe, tiếng cằn nhằn của bác tài xế sao hôm nay vắng khách đến thế, tiếng loa thông tin đang cho nghe một bài nhạc nhảy Hùng Cường và Mai lệ Huyền hát.  Ơ kìa! Chỉ còn sót lại đám lục bình với những bông hoa màu tím hoa cà đang chen mình trong dòng nước, đã bị thu hẹp lại bởi những vật liệu của những ngôi nhà đổ nát tràn xuống gần như lấp cả hồ nước.
 Theo dòng người tị nạn gia đình Thu đặt chân đến vùng Cam Ranh.  Vùng đất mới dành cho người tị nạn cũng còn hoang sơ lắm làm lòng người càng thêm lo âu sợ hãi và nỗi buồn nhớ quê càng lớn dần trong tâm khảm.  Có điều là buổi đầu đến định cư mọi người đều được chính phủ trợ cấp giúp đỡ tiền bạc cũng như vật liệu làm nhà ở.  Những khu nhà tiền chế được dựng lên trong buổi đầu đặt chân đến tuy đơn sơ nhưng đầy ắp lòng thương của những người bạn đồng cảnh ngộ.  Đi đâu gặp nhau ở chổ thân quen cũng nói về Quảng Trị, nhớ về thành phố đã mất dấu vết, hỏi thăm nhau ai còn, ai mất, ai ở, ai đi, ai nhớ về ai, ai bỏ lại ai đằng sau lưng để sống trong khung cảnh mới . . . Gia đình Thu cũng phải hòa nhập theo đời sống mới.  Ba vẫn sống đời sống trong quân ngũ.  Mạ lo trông coi đàn con đang lớn dần theo năm tháng và trồng trọt vườn cây ăn trái.  Chị em Thu cũng vẫn cắp sách đến trường. Thu cũng có bạn học mới, thầy cô mới.  Ở đây cây trái tốt tươi hơn ở quê nhà, nhất là cây mãng cầu, cây xoài.  Những vườn xoài mới được trồng trong những ngày mới đặt chân đến bây giờ đã xanh um và đầy những trái. Những trái xoài tượng, xoài cơm, xoài cát là loại trái cây quý ở quê nhà nhưng trái lại ở đây lại rẻ rề.  Những giàn cây thanh long trông giống như những cây xương rồng ở vùng sa mạc nhưng hoa rất giống hoa quỳnh đẹp thanh nhã và đài cát vô cùng.  Những trái thanh long ăn mát ngọt nhưng sao hương vị cũng không đậm đà và ngon tuyệt vời như những trái cám mít của ngày xưa thân ái ấy.  Mùa hè cũng có phượng đỏ cả một góc trời, cũng có ve sầu réo rắt trong suốt mùa hè và những thứ ấy không thể làm phai nhạt đi những kỷ niệm tuổi học trò của Thu với ngôi trường Nguyễn Hoàng dấu yêu.  Có phải những thứ đã tuột khỏi tầm tay thường là những thứ được chôn chặt trong lòng lâu nhất? Thu vẫn thường tự hỏi lòng mình như thế để giải thích cho chuyện mình vẫn ôm chặt trong tim bóng hình của trường Nguyễn Hoàng ngày đó.  Rồi cũng đã tới lúc chị Thọ vâng lời ba mạ cất bước theo chồng, một anh chàng biên tập viên cũng là người Quảng Trị của mình.
Tháng Tư năm 75 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống gia đình của Thu.  Ba Thu đi học tập cải tạo trong một thời gian dài, và ngay cả anh rể Thu cũng vậy.  Tội nghiệp chị Thu phải vất vả đi thăm nuôi chồng và ba.  Gia đình Thu phải đi vùng kinh tế mới.  Ngay cả Thu cái dự định đi theo học ngành luật cũng phải bỏ cuộc vì có cha là sĩ quan “ngụy” và đành ở nhà với mẹ và các em ở vùng đất hoang sơ kinh tế mới.  Ở đây thời gian như dài hẵn ra.  Ngày quạnh hiu.  Đêm quạnh hiu. Sống trong lo sợ và nghèo túng vì ba đã đi tù không biết bao giờ mới được gặp mặt vợ con và nguồn tài chính từ ba cũng không còn nữa.  Mạ Thu cố gắng tảo tần mua bán để có đuợc đồng ra đồng vào nuôi con qua ngày tháng.  Không còn cơm trắng, canh ngon nữa mà thay vào đó là những nồi cơm độn khoai, bo bo ăn không đủ no cho lũ con đang độ tuổi lớn.  Mạ Thu ốm và già đi rất nhiều.  Nhiều khi nhìn mạ mà Thu thấy lòng quặn đau và thương mạ đã vất vã hy sinh cho gia đình rất nhiều.  Thu phải làm gì để phụ mạ nuôi các em đây?  Hay Thu đi lấy chồng để trong nhà bớt một miệng ăn?  Hay Thu đi kiếm việc làm để mạ có thêm tiền đi thăm nuôi ba?  Trời ơi! Có biết bao nhiêu câu hỏi mà không tìm được một câu trả lời thỏa đáng.  Không còn một lối thoát và cái nút thắt nghèo khó càng ngày càng xiết chặt thật khó tháo gỡ.
Rồi nút thắt đó cũng có lúc được tháo gỡ.  Thu từ giã mạ và các em đi học một trường cao đẳng ở sông Cầu.  Thu được vào ở nội trú và dần dà cuộc sống cũng tạm ổn định.  Cũng còn ăn không đủ no (vì ăn tập thể mà), cũng còn nghèo khó lắm (vì đời sống học trò kiếm đâu ra đồng bạc cắc nào ngoại trừ số tiền học bỗng rất khiêm tốn hằng tháng trường chu cấp cho), nhưng ít ra Thu cũng lo được cho bản thân mình và hy vọng khi ra trường Thu sẽ kiếm được việc làm để phụ mạ Thu nuôi cả gia đình.  Những mộng mơ ao ước của người con gái mới lớn không còn tồn tại mà thay vào đó chỉ còn là những lo toan, sợ hãi cho tương lai của mình.  Bây giờ chỉ biết cố gắng học và phó thác cho định mệnh đưa đẩy cuộc đời của người con gái.  Sẽ có ai thương mình? Có ai cùng chia ngọt xẻ bùi với mình?  Có ai đi bên cạnh cuộc đời?  Có ai đưa bờ vai cho mình dựa khi có những khổ đau? 
Thế mà trong hoàn cảnh nghèo khó đó của Thu anh đã tìm đến nàng với tình yêu mãnh liệt và bền bỉ.  Ngày đó anh đã ra trường đi dạy và do sự thúc giục của cha mẹ anh tìm về nhà để xin thưa chuyện dạm hỏi một cô bạn đồng nghiệp trong trường cho anh.  Số phận trớ trêu thay khi anh đến nhà chị Thọ để thăm thì biết được Thu đang đi học ở sông Cầu.  Tình yêu anh dành cho người con gái năm xưa bùng cháy trở lại.  Anh nhớ đến khuôn mặt xinh xắn đáng yêu của nàng, đôi mắt to đen huyền nổi bật trên khuôn mặt trắng hồng.  Chiếc áo len màu tím bằng lăng.  Tiếng cười hồn nhiên ngây thơ…Tất cả những hình ảnh đó phút chốc hiện về rất nhanh trong trí nghĩ và anh chợt thấy lòng mình xao xuyến khi nhớ tới nàng.  Ước ao được có nàng trong vòng tay, ước ao được nghe tiếng nàng cười, ước ao được đi bên cạnh nàng…Và anh quyết tâm phải đi tìm nàng cho bằng được dẫu biết rằng sẽ có những khó khăn trở ngại đang đợi chờ.
Khi trở về Đà Lạt anh đã phải tìm cách sắp xếp lại cái dự định hôn nhân trước kia của mình và sau đó anh tìm lên sông Cầu thăm Thu.  Phút giây chờ đợi gặp lại nàng thực hồi hộp và lo lắng.  Hồi hộp vì không biết cô bé ngày nào bây giờ thay đổi thế nào?  Có phải sẽ rất mỹ miều và xinh đẹp hơn?  Lo lắng vì không biết nàng có chấp nhận anh không khi hai người có cái quan hệ họ hàng bà con “tréo cẳng ngỗng” như thế này.  Anh rể của nàng lại cháu của anh.  Liệu nàng có nhớ đến anh và có để cho anh gặp mặt nàng không?  Nhưng anh không thể kìm hãm được sự mong muốn được gặp nàng.  Tình yêu nàng mà anh đã dấu kín trong lòng bao năm qua nay bùng cháy mãnh liệt.  Ước gì có đôi cánh để anh được bay đến bên nàng.  Ước gì anh có nàng bên anh mãi mãi.  Anh tự sắp xếp mẫu đối thoại giữa anh và nàng mà lòng như được chắp cánh bay xa.  Anh thấy mình như trẻ lại và rất vụng về, ngu ngơ trong tình yêu.  
Thu thực bất ngờ khi nghe lớp trưởng gọi có người nhà đến thăm.  Và càng ngỡ ngàng hơn khi gặp mặt anh.  Gặp anh nàng thực bối rối vì chợt nhớ lại lời tâm sự của người em của anh đã nói với nàng hồi ở Quảng Trị.  Gặp anh nàng cũng thấy vui mừng vì lâu lắm rồi không có ai lên thăm nàng ở chốn sông Cầu hẻo lánh này cả.  Hai người bối rối nhìn nhau và đã không nói được gì nhiều về tấm lòng của mình ngoài những câu thăm hỏi vu vơ.  Tình yêu của anh như những đợt sóng dâng tràn nhưng khi gặp nàng thì trở thành những đợt sóng lăn tăn vỗ về bờ cát.  Anh không nói được gì cho dẫu đã sắp sẵn ngàn lời nói yêu thương với nàng.  Nhưng phải nói gì đây khi hai người mới lần đầu gặp mặt?  Rất lâu, rất lâu rồi ngày xưa ấy, ở thành phố ấy anh đã có dịp tỏ tình cùng nàng đâu?  Và còn nàng thì làm gì mà biết được nỗi lòng của anh?  Dạo ấy tuổi của nàng chỉ mới mười ba và anh cũng không có thời gian để ươm mầm cho tình yêu của mình nữa.  Gặp lại anh ở đây nàng đã hỏi rất tự nhiên “Sao chú biết Thu ở đây? Chú lên thăm ai ở đây vậy?” Anh chỉ nàng và cũng trả lời tỉnh bơ “Thăm em chứ thăm ai”.  Thu chỉ biết nhìn anh và mĩm cười e thẹn.
Sau khi trở về Đà Lạt anh tìm cách tiếp tục liên lạc với Thu.  Tình cảm trải dài trên từng lá thư, nhưng hình như chữ nghĩa vẫn không đủ để nói lên hết tâm sự của anh.  Từng lá thư được gởi đi, từng phút giây đợi chờ thấp thỏm lo âu. Liệu anh có hy vọng gì không khi có ý muốn đeo đuổi nàng?  Cái quan hệ bà con trớ trêu như thế thì phải giải quyết thế nào đây?  Gia đình nàng sẽ có cái nhìn thế nào về câu chuyện tình này?  Nhiều câu hỏi đặt ra làm anh thấy lòng mình nặng trĩu vì cảm nhận được những khó khăn đang đón chờ.  Nhưng anh vẫn không thể nào quên đi cô gái với chiếc áo màu hoa tím bằng lăng.  Anh chợt nhớ ở sông Cầu cũng có hàng cây bằng lăng với những chùm hoa tím và ao ước sẽ có ngày anh và Thu sẽ đi bên nhau dưới những hàng cây đó.  
Chuyện tình ba trái bơ bắt nguồn từ đây.  Chuyện kể ngày nọ có chàng trai tìm đến thăm người yêu với gói quà chỉ có ba trái bơ.  Chàng trai dở khóc dở cười vì tất cả trái cây ngon mà anh đã mua cho người yêu đã bị mấy đứa cháu ăn sạch chỉ còn sót lại ba trái bơ mà thôi.  Anh quyết định vẫn đem cho nàng ba trái bơ còn lại với lòng mong mỏi nàng thấu hiểu cho tấm lòng của mình.  Quả thật bạn bè của nàng đều ủng hộ chàng vì cho rằng tình cảm của chàng dành cho nàng rất chân thật.  Tuy mỗi người chỉ ăn một miếng bơ nhỏ xíu từ phần quà đó nhưng xem ra ai cũng cảm động tấm lòng của chàng và cũng vì thế cố gắng vun đắp cho cuộc tình đó.  Với Thu chuyện ba trái bơ chỉ làm nàng buồn cười vì thấy anh ngây ngô quá.  Chỉ có những lá thư với những lời thư đầy ắp thương yêu mới làm thay đổi lòng nàng sau này.  Thực ra ở sông Cầu Thu đã nhận được rất nhiều ái mộ từ những chàng trai.  Tại nơi này, ở thời điểm này Thu mới chính là công chúa Bạch Tuyết đang làm say đắm bao người.  Từ những cán bộ cho đến những cậu học trò trường Thủy Lâm ai cũng muốn giành làm chủ trái tim của Thu.  Ông thượng úy bộ đội thường lấy lòng Thu bằng những gùi bắp thật lớn, thằng bạn học Thủy Lâm viết thư cho Thu thường xuyên còn hơn anh nữa.
Sự đeo đuổi bền bỉ của anh đã từ từ nắm bắt được trái tim của Thu.  Từ buổi đầu tiên Thu đã từ chối tình anh ngay lập tức vì Thu biết rằng trở ngại quan hệ họ hàng đó ba mạ Thu không thể chấp nhận được.  Thu đã có lần trả lời thư anh để nói cho anh rõ những trở ngại đó.  Oái ăm thay Thu lại để lộn thư cho người bạn Thủy Lâm vào trong đó.  Như vậy tình yêu của anh càng được chắp cánh bay cao hơn nữa.  Và đúng là sau này ba mạ Thu phản đối kịch liệt vì cho rằng cuộc hôn nhân này khó coi lắm.  Thế mà anh vẫn trường kỳ đeo đuổi cuộc tình vô vọng này.  Tuy anh không thể hái sao trên trời cho nàng nhưng nếu Thu muốn phá vườn xoài ở sông Cầu để trồng vườn thông anh cũng có thể làm được.  Anh mong ước không những làm vợ chồng với nàng ở kiếp này mà kiếp sau anh cũng muốn cùng nàng lập lại mối tơ duyên này. 
Cuối cùng anh cũng đạt được mơ ước của mình là đã cùng nàng kết chặt mối lương duyên.  Ba mạ Thu cũng không thể để con gái mình đánh mất tuổi xuân.  Đã có ngày anh cùng đi dạo với cô gái dưới hàng cây bằng lăng.  Hoa bằng lăng màu tím lã lơi trong gió đùa nghịch lên bờ vai cô gái mặc chiếc áo hoa tím bằng lăng.  Đúng là hoa bằng lăng tím đợi chờ tia nắng làm tím biếc màu hoa, nhưng tình anh với cô gái ở xứ có hàng cây bằng lăng thì không còn phải đợi chờ vô vọng nữa.  Anh yêu nàng mãi mãi cho hết kiếp này và còn hẹn cả kiếp sau cũng thành đôi thành cặp nữa.  Giá có ai hỏi anh: “Yêu nàng áo bằng lăng tím hay yêu hoa bằng lăng?”  Anh sẽ trả lời không do dự anh yêu hoa bằng lăng cũng chính tại nàng có cái áo màu tím bằng lăng.

                                                                        Hoàng Thị Cổ Thành
                                                                        San Jose 21-01-2014