Thursday, June 6, 2019

Tô Thùy Yên (1938 - 2019), 
                          Một Vì Sao Rụng 
                                         - Song Nhị
Tô Thùy Yên
Photo by SongNhị

Nói “Tô Thùy Yên - Một Vì Sao Rụng” có lẽ không quá đáng. Quả thật, Tô Thùy Yên là một vì sao trong bầu trời văn học miền Nam từ thế kỷ trước. Viết về Tô Thùy Yên, nhiều người đã làm, sau khi anh nằm
xuống. Thông thường một người khi còn thượng tại ít ai viết về tác giả và tác phẩm của người đó. Theo một số bài viết tôi mới đọc được thì Tô Thùy Yên bắt đầu làm thơ từ cuối thập niên 50s đầu 60s.
  
Tôi và Tô Thùy Yên cùng thế hệ, ra đời chỉ cách nhau mấy ngày, ở hai miền đất nước – tôi Hà Tĩnh; TTY Sàigon/Gia định, khi khởi đầu Thế Chiến thứ II.  Tô Thùy Yên không phải hứng chịu “trận đòn lịch sử” Cải cách Ruộng đất như tôi, là nạn nhân của “tai trời ách nước” ấy. Khi miền Nam thua trận, chúng tôi cùng bị tù đày từ Nam ra Bắc, tôi tám năm, TTY 13 năm…

Giữa chị Huỳnh Diệu Bích và bà xã tôi có liên hệ bà con, nhưng tôi và TTY ít có dịp gặp nhau. Lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau khi Cội Nguồn ấn hành tuyển tập thơ “Gởi Người Dưới Trăng” (*), tôi mời TTY góp thơ cho tuyển tập. Tôi nhận được hai bài thơ anh gửi cho: bài Ta Về và Mùa Hạn in vào sách.
  
Người cháu gái gọi nhà tôi là dì ruột sau khi đi dự tang lễ TTY ở Houston về Cali, gọi cho biết chị Huỳnh Diệu Bích có gửi tặng tôi hai tập thơ mới nhất của TTY. Như vậy là tôi không thiếu tap thơ nào của anh.

Một lần khác, TTY đến San Jose ra mắt thi tập “Thơ Tuyển” năm 1995  do Cội Nguồn tổ chức, giới thiệu. Tấm ảnh trong bài này là ảnh “độc quyền – All Rights Reserved” tôi chụp và chưa phổ biến, hình như người trong ảnh cũng chưa biết mình có tấm ảnh này.

Những ai từng tham dự những chuyến tàu đêm chở tù từ Nam ra Bắc không thể không tâm đắc mà còn lạnh gáy khi đọc “Tàu Đêm” của TTY. Bài thơ có 27 khổ, dài 108 câu.

Khổ I mở đầu cho cuộc hành hình ấy như sau:

Tàu đi. Lúc đó đêm vừa mỏi 
Lúc đó sao trời đã ngủ mê 
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy 
Long lanh muôn mắt tiễn người đi

Khổ thứ năm của Tàu đêm, mô tả cái hiện thực kinh khiếp trên những toa tàu chở súc vật:

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc 
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai 
Ta gọi rụng rời ta thất lạc 
Ta còn chẳng đủ nửa ta đây

Và bài Mùa hạn

Ở đây địa ngục chín tầng sâu 
Cả giống nòi câm lặng gục đầu 
Cắn chết hàm răng ứa máu mắt 
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau

“Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau”. Tại sao vậy? Vì mặc cảm tội lỗi? Vì xấu hổ? Hay vì nghi kỵ lẫn nhau…?  Cuộc hành hình mà cộng sản bày ra để trả thù quân cán chính VNCH chính là sự đày đọa tinh thần của những người thua cuộc. Trong các trại tù cải tạo” không thiếu gì nhưng màn đấu tố giữa những anh em cùng cảnh ngộ. Hàng ngũ tù “cải tạo” không phải là không có hiện tượng phân hóa, chia rẽ..

Khổ thơ sau đây tác giả muốn nói với những “tai to mặt lớn”, những kẻ quyền cao chức trọng một thời, chính là những người góp phần làm mất miền Nam, rằng hãy sống bình thản trong cảnh cá chậu chim lồng, hãy quên đi tội lỗi, Thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương lòng (Times heal all sorrows), chờ đợi cuộc hồi sinh tươi sáng:

Những ai hôm trước từng gây tội 
Hãy lắng tâm tha lấy tội mình 
Tự tại, thời gian chôn chính nó 
Đời lên lại mãi tựa bình minh

Nghệ Tĩnh 1979 

Tôi có biết tin TTY bị tai biến mạch máu não, không còn nhận ra ai nên tôi không gọi thăm, cho tới hơn một năm sau anh mất.

Tô Thùy Yên đã ra đi – Đi vào bất tử.

Song Nhị 
3 tháng 6/2019 


(*)  Tuyển tập 20 tác giả, Cội Nguồn1995