Friday, July 7, 2017

Hướng Về Quảng Trị "Quê Hương Nỗi Nhớ Khôn Cùng" 
                          - Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

Bài viết của Trần Quốc Phiệt đăng trên Đặc San Hội Ngộ Đồng Hương Và Liên Trường Quảng Trị tại Houston, Texas, USA 2017. Vì bài viết khá dài, xin trích đoạn cuối như thay lời giới thiệu ngày vui.

Trân trọng, TQP

. . . . . . . . . . . . .

Quê hương vẫn xa vời vợi, nỗi nhớ thì nhớ mãi chẳng vơi, biết nói gì trước và nói gì sau rồi nói bao giờ cho hết cho cạn cho cùng. Thật là ngổn ngang trăm mối mỗi khi nhớ về. Thôi thì chúng ta hãy dìu nhau đi thăm từng phần, thăm núi thăm sông thăm phố phường làng xóm chợ búa, chùa chiền, nhà thờ, miếu đền thành quách ...

Là con dân Quảng Trị, sinh ra lớn lên từ nơi ấy, địa danh nào mà chẳng thân thương, nơi nào mà chẳng có dấu chân của chúng ta, nơi nào mà chẳng để lại trong đời những kỷ niệm tuổi thơ, từ tiếng cu gáy ban trưa, tiếng chặt rặt nhi nhô trên liếp tranh trên mái ngói, tiếng ve gọi hè, kể cả tiếng còi xe còi tàu mỗi lần ra bến, tất cả như còn nghe văng vẳng, tất cả đã dội về trong tiềm thức buồn vui lẫn lộn.

Ai trong chúng ta mà không trải qua giai đoạn ngồi nghe các cụ già giảng giải về gia tộc, về gốc gác gia tiên, về những địa danh trong làng trong xã, những am miếu đình chùa, mạch khe, con suối ngọn núi dòng sông. Và ai trong chúng ta mà không một lần từng đi trên những con đường cái quan, dưới vòm tre nghe âm thanh kẻo kẹt theo nhịp gió rung rinh, dưới ánh sáng bình minh nghe con dế kêu bên dường ruộng, nhìn con thia thia trủi bọt dưới gốc lúa đang độ trổ đồng đồng, cầm chiếc cần câu nhử cá trên bờ ao, hay ngắm đàn vịt trời bay ngang trong bầu trời tháng tư vào hạ.

Dấu chân hay bánh xe ai đó đã từng dẩm lên con đường lộng gió trước Tòa Hành Chánh hoa phượng rực rỡ mùa hè, lạnh buốt gió lật mùa đông, nhìn qua bờ sông Thạch Hản bãi cát Nhan Biều. Đứng trước chùa Tỉnh Hội nhìn qua Xóm Hà, những rặng tre la ngà rợp bóng mà gởi hồn về Chợ Sãi, Triệu Phong...

Từ bến xe đò rẻ ra đi Long Hưng, lên La Vang về Ba Bến, đi ngang Long Hưng, vượt Cầu Dài xuôi Nam vào Huế... Những ai đã từng bước ra từ những ngôi trường Nguyễn Hoàng, Thánh Tâm, Phước Môn, Bồ Đề... dập dìu trên đường Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng ... bây giờ là những cánh chim di bay đi vạn nẻo, ai còn ai mất, còn ai ngoái lại còn ai không? Những tháng năm yên bình êm đềm trôi qua, rồi những năm tháng tiêu điều, bây giờ ngồi đây ghi lại chuyện xưa bằng nỗi nhớ nhung lòng man mác bồi hồi trong nỗi buồn xa quê rười rượi.

Tất cả những hình ảnh ấy chúng ta mang theo suốt đời, nó theo ta mãn kiếp dù cho lưu lạc phương trời gốc bể. Cho nên mỗi khi ngồi lật lại dĩ vãng, trí nhớ hầu như bày ra mồn một, tất cả đó là hình ảnh quê hương tồn đọng trong mỗi một chúng ta.

Chưa kể là khi mở tấm bản đồ tỉnh Quảng Trị , in đậm những địa danh: Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, Hương Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong, Mai Lĩnh, Trung Lương,và như thế đi xuống từng Xã, xuống từng Làng, từng bến đò, từng khúc sông, từng cây cầu, từng cánh đồng, từng động cát, từng lùm cây, từng con đường, từng ngõ xóm...Tất cả những nơi nào chúng ta từng nghe tên, từng bước chân qua đều đã hằn sâu trong ký ức đó là quê hương đó là nỗi nhớ, là nỗi nhớ không bao giờ vơi.

Tìm đâu những bóng hình xưa, những hình ảnh được xem là biểu trưng cho Quảng Trị, bảng tên trường Nguyễn Hoàng, Cổ Thành Đinh Công Tráng, Cầu Ga, nhà thờ La Vang, chùa Sắc Tứ... Tất cả đã không còn hay đã biến dạng, gieo cho chúng ta một nỗi ngâm ngùi luyến nhớ lại cái thuở thanh bình với những năm tháng an vui.

"Quê Hương Và Nỗi Nhớ" thật dễ thương với cảm xúc tuổi thơ, những ngày mộng mơ học trò, dù mảnh đất "cày lên sỏi đá" nhưng đậm đà từ cuộc sống thể hiện qua câu hò điệu hát. Thế rồi những gì đã đến để ly tán tám hướng mười phương. Dấu tích cũ mất rồi, hình ảnh chỉ nằm trong tranh vẽ và ký ức, hay có còn chăng cũng không nguyên vẹn, lại là nỗi xót xa!

Nhìn những cái tân tạo thay vào để cho chúng ta thấm một nỗi đau, nỗi đau từ đâu mang đến. Oái ăm thay, lớp người tư vệ lại nhận nỗi đắng cay!
Quê hương một thuở yên bình, một thời hoa mộng bây giờ đã ra như thế đó! lắng lòng chiêu niệm dĩ vãng mà buồn, một nỗi buồn ray rứt triên miên!

Cổ Thành, dãy phố buồn thiu, dòng sông Thạch Hãn, đại lộ kinh hoàng... biết bao cái điêu tàn trên mảnh đất quê hương yêu dấu. Những con người hãnh tiến làm sao hiểu thấu nỗi đau này!

Ai cũng có niềm tự hào về quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, qua lịch sử, địa lý, nhân văn... Càng nhớ lại càng xót xa trên hoang tàn đổ vỡ, từ đâu và do đâu, câu hỏi đã có sẵn câu trả lời, sau hơn bốn chục năm thì những gì trong tối tăm nay đã được tỏ bày ra ánh sáng.

Như phần ở trên đã nói, tôi chỉ xin gởi ra một lá thư trong ngày vui hội ngộ, trong nỗi mừng gặp gỡ đồng hương, tôi chỉ muốn mượn cái chủ đề này để khơi về những kỷ niệm quê nhà còn ẩn tàng trong nỗi nhớ. Nhưng cũng xin thưa rằng tôi cũng không thể không ghi thêm những oái ăm, những nỗi đau sau ngày thua cuộc. Nếu có ai cũng cảm nhận nỗi buồn nhưng không muốn khơi lại thì đành xin lỗi, và  rằng tôi vì quá mặn nồng với cố xứ nên dòng văn chảy ra từ con tim mình không còn phương kìm hảm.

Lá thư cũng khá dài, chúng ta nên trở lại với ngày vui hội ngô, hòa với niềm vui chung hôm nay, hãy cùng nhau xiết chặt bàn tay hát vang lời ca hẹn ngày trở lại.

Chúc mọi người mạnh khỏe, vui tươi, hưởng trọn niềm hoan lạc bây giờ, và gặt hái thành đạt trên bước đường đi tới tương lai..
Thân mến gởi lời chào trân trọng.

 Trần Quốc Phiệt
 Gốc gác: An Lưu, Chợ Cạn
 (Gởi từ thung lũng Hoa Vàng, đầu tháng Tư, 2017)