Wednesday, June 28, 2017

Lê Mai Lĩnh Trên Những Chặng Đường Gai Lửa 
                                     - Thái Tú Hạp
 
Trong khoảng thời gian chiến tranh bùng vỡ khốc liệt trên quê hương thân yêu, Trường Bộ Binh Thủ Đức được xem như điểm hẹn của tuổi trẻ lên đường “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Hầu như các nhà thơ nhà văn miền Nam đã từng có tác phẩm đăng trên tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn
Học, Khởi Hành... đều hiện diện trên các mặt trận bốn vùng chiến thuật. Ở khắp các chiến trường xa, trong mỗi phút giây là mỗi thách thức với định mệnh. Nhưng đối với người lính trẻ lúc nào cũng tỏ ra can trường, vẫn an nhiên tự tại, vẫn xem cái chết tựa như lông hồng có gì phải quan tâm lo sợ “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. (Sa trường say khướt cần chi? Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về) (Vương Hàn-Chi Điền dịch), xem cuộc chiến như trò chơi.

​Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
​Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
​Lũ chúng ta sống một đời vô vị
​Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau...
​        (Nguyễn Bắc Sơn)

Ngông nghênh bạt mạng coi đời như cỏ rác, biểu tượng thái độ tuổi trẻ lúc bấy giờ. Vô nghĩa, phi lý không có niềm tin ở tương lai. Cuộc tử sinh bất ngờ đến độ người lính không còn cảm giác buồn vui. Ở mặt trận có thể thiếu nhiều thứ nhưng không thể nào thiếu thơ trong tâm hồn đã trót mang nghiệp vào thân. Chính nhờ cái thế giới thơ văn này tôi đã quen biết và nhớ đến hầu hết các bằng hữu chung cùng thế hệ đầy những bất hạnh, trong dòng lịch sử thăng trầm u uẩn đó.

Trong những bằng hữu quen tên nhưng chưa bao giờ gặp mặt này có nhà thơ Sương Biên Thùy (bút hiệu của Lê Mai Lĩnh, anh dùng vào những năm 1958 qua những tác phẩm của anh xuất hiện trên các tạp chí Văn Nghệ ở Sài Gòn).

Sau cuộc tang thương trầm thống, chúng tôi chẳng khác nào bầy chim trên giàn lửa, hốt hoảng bay lên tung cánh ra khắp phương trời để hít thở không khí tự do bát ngát tình người. Không ngờ nơi đất khách quê người, tôi gặp lại nhà thơ Sương Biên Thùy. Anh đã đến định cư ở thành phố Hartford thuộc tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ và tiếp tục làm thơ, viết văn, làm báo sau nhiều năm nghiệt ngã đau thương tận cùng ở các trại tù Cộng Sản từ Nam ra Bắc: Trảng Lớn, Long Khánh, Long Giao, Hoàng Liên Sơn, Lao Kay, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Gia Rai... Cái khí khái của người lính ngày xưa vẫn còn lẫm liệt bất khuất trong máu huyết Lê Mai Lĩnh “Tất cả chúng ta đều là những kẻ chiến bại trước sự đói nghèo của nhân dân. Trước quê hương khổ đau, chúng ta đều có tội, dẫu khoác cho nhau màu áo nào. Trái tim, máu, nước mắt tôi đây ngày trở lại, sau 3102 ngày khổ sai trong 10 nhà tù Cộng Sản từ Nam ra Bắc, xin trao tặng quê hương và bạn bè...”. Anh đã cố hết sức vắt óc moi tim nhớ cho ra những tác phẩm sáng tác trong các trại tù trong mọi tình huống khó khăn nguy hiểm, nhất là trong những giây phút bị dòm ngó theo dõi để tạo chứng cớ trả thù anh bằng những ngón đòn độc hiểm. Nhưng anh không bao giờ chết. Thi sĩ không bao giờ chết. Như Y Uyên, Bùi Giáng, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức... Còn hơi thở là còn tiếp tục làm thơ. Cho dù bàn viết ở nơi viễn xứ không khác gì những nghiệt ngã đau xót về vật chất như ở quê nhà, nó cũng đầy những tra tấn tinh thần kẻ sĩ. Nhưng chúng ta vẫn hiên ngang lên đường vượt qua tất cả mọi khó khăn. Khi anh còn ở trong những trại tù CSVN anh ngang ngạnh bướng bỉnh không cúi đầu khuất phục, chống đối chế độ đến cùng, anh đã từng bị kỷ luật Kiên Giam suốt 3 tháng ròng rã nhưng vẫn không dập tắt lửa trong hồn anh. Ngục tù đối với những người lính chiến kiên cường lẫm liệt chẳng khác như trạm dừng chân. Nhà chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu đã từng nói:

Cũng là hào kiệt, cũng phong lưu,
chạy mỏi chân thì phải ở tù.
Thân này vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm ngại ngùng chi

Khi nhà chí sĩ này bị bắt vào ngục thất ở Quảng Châu. Đến Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh, khi bị quân Pháp bắt đày ải ngoài đảo Côn Lôn, Cụ đã nhận định: “Những kẻ vá trời khi lỡ bước, Nam nhi hà sá chuyện cỏn con”. Nhà thơ Lê Mai Lĩnh đã nuôi dũng khí miệt mài thầm lặng sáng tác và anh đã gom góp lại bằng trí nhớ hơn năm mươi bài thơ có lửa, có tình yêu và quê hương, giao cho nhà xuất bản Sông Thu chúng tôi lo chuyện in ấn phát hành. Cõi thơ Lê Mai Lĩnh có cái khí khái của Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Trần Dần, Nguyễn Chí Thiện...

...Cười, không thể được
Khóc, chẳng phải hay
Giận mình, đời hèn mọn
Bất lực và nhỏ nhoi
Trước trăm muôn buốt nhói
Giữa nỗi đau nhân quần

Đọc lại thơ Ức Trai
Soi rõ tài thao lược
Đời múa hát vung gươm
Dựng lên người tầm thước
Muôn năm sau sử sách còn ươm...

Ra khỏi trại tù trên chuyến tàu cuối năm trở về mái ấm gia đình, Lê Mai Lĩnh không tỏ ra thái độ khiếp nhược sợ hãi, anh tự tin vào hồn thiêng sông núi, vào sự phẫn nộ của lòng dân đói khổ, và tự hứa với chính anh là phải tiếp tục con đường đấu tranh giành lại tự do dân chủ:

Chúng không giết được chúng ta
Sau ngày 30 tháng 4...
Chúng không giết được chúng ta
trong bóng tối
đói rét và sự lãng quên
Nơi núi rừng âm u Việt Bắc
Ta đã ra ánh sáng
Ta đã về đất sống
Nhất định chúng ta phải thắng
Nhất định chúng ta phải thắng...
​        (Chuyến Tàu Cuối Năm)

Đọc thơ Lê Mai Lĩnh chúng ta hình dung ra ngay quê hương Quảng Trị miền địa đầu giới tuyến, nơi anh đã sinh ra đời trong cái thời tiết đầy nghiệt ngã, khủng khiếp của mưa nắng Hạ Lào, của truyền thống bà Mẹ Giao Linh cắn răng nuôi thù đi nhận đầu con giữa chợ. Nhớ lại những ngày tái chiếm Cổ Thành, Quân Đội VNCH được thế giới vinh danh... Dòng sông Thạch Hãn như ông đồ già trầm mặc chuyện thế sự nghìn năm đổi thay hưng phế... Nhưng tôi vẫn yêu Quảng Trị có Thánh Đường La Vang, có ngôi trường Nguyễn Hoàng với cây phượng vĩ, yêu những nét nhạc đầy ắp âm hưởng nồng thắm quê hương của Hoàng Thi Thơ, và tiếng hát ngọt ngào trữ tình của Như Quỳnh...

​Bên cạnh những bài thơ có lửa chiếm đa số trong thi tập Thơ Lê Mai Lĩnh, chúng tôi tìm thấy cái thế giới nhẹ nhàng êm ả tình yêu lãng mạn khá thơ mộng của anh.

... Em có biết
Một tối Đông xám người ta chôn anh
Huyệt, là nơi trái tim em ngự tọa 

Và nhờ thế, anh phục sinh, sống lại...
...Anh hứa,
sẽ nổi gió cho diều em lên cao
cho tài năng,
nhan sắc em lên cao
Nhưng hãy ở lại mặt đất
Cùng anh nghe em
Trái tim nồng, hỡi người yêu dấu

Trong thơ, Lê Mai Lĩnh dùng nhiều từ ngữ rất hiện thực, thường tình như những mẫu đối thoại thân thương giữa hai người bạn, giữa hai người lính, thoạt nghe như khó chịu nhưng ngẫm nghĩ cảm nhận được trọn vẹn cái tình thâm rất dễ thương, đại khái như: Ba người anh dữ dằn, tôi biết mình nhỏ con, trói gà không chặt, chơi bạo, chơi xa, cầm khẩu súng trong tay, nẩy cò, làm thơ, uống rượu... tự nhiên chơn chất không hoa hòe hoa sói điệu nghệ. Tuy nhiên trong những cái tầm thường đôi khi cũng cần thiết cho đời sống, nhất là khi chúng ta bỏ tất cả những cái tầm thường đầy kỷ niệm đó để phải mỗi ngày nhìn ngắm những cảnh trí giả tạo chung quanh

Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối.
​Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng.
Giải nước đen giả suối chẳng thông dòng
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm.
​Cũng học đòi bắt chước hoang vu
​         (Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ)

Có thể hằng ngày chúng ta chạy theo đời sống ở miền đất quá mênh mông này, chưa quen nên vẫn có cảm tưởng như thời gian qua quá nhanh, một thoáng đã hơn mười năm, hai mươi năm, giật mình tưởng chừng cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ. Mỗi người đều tự lựa chọn cho chính mình một phương hướng nhân sinh phù hợp với tuổi đời. Càng “tri thiên mệnh” càng cảm thấy cuộc tử sinh thật vô thường, chuyện đến đi nơi thế gian này cũng chỉ
”nào ai tĩnh, nào ai say?

Chí ta, ta biết. Lòng ta, ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư?
Hồ thỉ. Hà tất, tiêu dao.
Cùng sầu với cỏ cây”
​     (Hồ Trường – Nguyễn Bá Trác)

Nhưng với nhà thơ Lê Mai Lĩnh thì lúc nào lửa cũng hừng hực trong tim. Có lần tôi phỏng vấn anh trước khi anh dự tính cho xuất bản thi tập Lê Mai Lĩnh, chính anh đã thố lộ chí hướng phải đạt đến. “Tiền bạc không làm mình bất tử, nhưng tham gia vận động lịch sử làm mình sống mãi với thiên thu”. Anh đang đi theo con đường gai lửa của Nguyễn Trãi, khí khái của Nguyễn Thái Học (không thành công thì thành nhân)... và cầu mong anh sớm được toại nguyện.

Sống trong đời ai cũng nuôi ước mơ, nếu không, chắc đời sống sẽ trở nên vô nghĩa. Người xưa đã bảo: “Thà thắp lên ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa hoài bóng đêm”.


Thái Tú Hạp