Monday, December 5, 2016

Đại Học Xosbeeps - Dnga

Ngôi trường đại học này rất đặc biệt, tên Việt Nam là ĐẠI HỌC XÓ BẾP. Ban giảng huấn bao gồm một Hiệu trưởng, một Giáo sư và một Trợ giảng.

Vị Hiệu trưởng ấy chính là Cha tôi, một công chức bình
thường nhưng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Vị Giáo sư khả kính là Mẹ chúng tôi, người mà thời trước 1945 được đi học để xoá nạn mù chữ nên chỉ biết đọc biết viết, nhưng kho tàng giáo dục thì bao la, Lục Vân Tiên, truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Nhị Độ Mai, thơ Mụ Đội... thuộc không sót một chữ, còn tục ngữ ca dao câu đố thì lấy bồ đựng không hết. Tôi rất thán phục Giáo Sư ấy về điều này. Còn người trợ giảng đắc lực cho ngôi trường ấy là Bà Ngoại tôi, bà không biết chữ nhưng bà đọc ca dao tục ngữ vanh vách và đặc biệt là hò Huế, vè rất điêu luyện. Cả hai vị này hát ru em tuyệt vời.

Tôi vừa mở mắt chào đời là được đưa ngay vào ngôi trường này. Những tháng năm đầu đời tôi được toàn thể ban giảng huấn chăm sóc rất chu đáo từ ăn mặc ngủ chơi...cho đến khi bi bô hiểu được chút chút là phải học ngay.

So với bây chừ, ngôi trường thời ấy khá đông, có đến 8 học sinh! Ban giảng huấn phải làm việc cật lực ngày đêm, nhiều khi thấy học sinh trường mình không bằng trường khác Giáo sư thở dài "Cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con không" trông rất tội nghiệp. Những lúc như vậy Trợ giảng thường an ủi "Con chẳng chê cha mẹ khó/ Chó chẳng chê chủ nghèo", " Đông con hơn đông của". Tuy khó khăn là vậy, vị giáo sư khả kính của chúng tôi thỉnh thoảng lại đem một ít đồ ăn cho ngôi trường nghèo hơn bên cạnh, chúng tôi thắc mắc, giáo sư liền lên lớp "Người ăn thì còn, con ăn thì mất". "Ở hiền gặp lành, áo rách tan tành có kẻ vá cho". Cái còn mất của giáo sư lúc đó thật khó hiểu đối với chúng tôi cho đến mãi tận sau này khi lớn khôn tôi mới hiểu ra chân lý của Người.

Các sinh viên trường tôi nhiều khi cũng lắm trò, Thầy Hiệu Trưởng đi làm về mệt mà thấy ngôi trường lộn xộn, sinh viên lớn nhỏ cãi nhau chí choé liền rút cây roi mây trên chái nhà đằng ra đánh, Trợ lý liền can thiệp ngay: "đừng Giận mà mất khôn!", nhẹ tay thôi " Hùm dữ cũng không nỡ ăn thịt con". Chúng tôi được tha và thút thít trong góc nhà, Giáo sư vừa dọn cơm vừa giảng " Còn cha gót đỏ như son. Một mai cha mất gót con đen sì" liệu đó nghe chưa? Chúng tôi hiểu ra và thương Hiệu Trưởng hơn. Tối lại Trợ giảng xoa dầu vào vết roi giải thích thêm: " Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" đừng giận cha bay! Nhưng lúc đó tụi tôi vẫn rất sợ "thương bằng roi" nên đứa nào cũng ngoan ngoãn. Có lần anh cả tôi hái trộm ổi nhà hàng xóm bị phát hiện, Thầy Hiệu Trưởng cho anh tôi một trận nên thân, thầy bảo "Giấy rách phải giữ lấy lề", Giáo sư còn phụ họa thêm "Măng không uốn, tre vượt vồng". Đám sinh viên mặt mày xanh lét không đam tái phạm. Khi các học sinh đàn anh chị tôi lơ là trong việc chăm sóc đàn em hoặc thấy chúng tôi cãi nhau, Giáo sư dịu dàng giải thích "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", " Anh em như thể chân tay" "Chị ngã em nâng", "Một giọt máu đào hơn ao nước lã". Anh trai tôi học hành giỏi giang, có phần thưởng đem về hàng xóm xuýt xoa, Giáo sư cười cười bảo "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Ông Hiệu trưởng răn liền ngay: "Không Thầy đố mầy làm nên". Rồi quay qua động viên lũ chúng tôi phải cố gắng học hành "Có công mài sắt có ngày nên kim".

Trường tôi có 3 nữ sinh, vị Giáo sư và Trợ giảng rất khắc khe với các nữ sinh, luôn hăm he "Cái nết đánh chết cái đẹp" " Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" phải nhớ điều này! Giáo sư rao giảng việc bếp núc hằng ngày, bài gia chánh luôn được nhắc nhở phải chu đáo từng ly, phải biết "trông trong - ngó ngoài": "Con gái trong nhà trịnh mắm trịnh dưa, trịnh mô nguyên để lại, trịnh mô lưa đậy đằn". Theo giáo sư thì con gái phải "Không ăn cũng để nắm cầm tay, biết khi mô đoái biết ngày nào no". Sau ni có làm bà nọ bà kia có đầy tớ cũng phải biết mà chỉ cho họ làm chứ đừng để người ta cho ăn chi ăn nấy (lời của Giáo sư bây giờ mới thấy thật là chí lý!). Giáo sư tập cho chúng tôi bếp núc, nêm nếm rất kỹ sợ chúng tôi sau này "Thực bất tri kỳ vị". Nấu ăn xong, khi dọn cơm lên bàn, nhất là khi có bà con họ hàng đến ở lại dùng bữa, bao giờ giáo sư cũng dặn dò lũ chúng tôi "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng" hí! Sợ lỡ chúng tôi làm quá tay mà ốt dột. Thấy chúng tôi ngon miệng giáo sư cười giả lả "Của không ngon đông con cũng hết", "ăn vóc, học hay!"

Lũ chúng tôi đi học rất ngại mang theo áo mưa vì sợ làm căng phồng cái cặp sách vở vốn đã nhỏ xíu, giáo sư lo xa " Ra đi là sự đã rồi, mang tơi đi doại kẻo hồi ông mưa". Trời xứ Huế là rứa đó! "Mai mưa trưa tạnh chiều giông". "Mưa thì thúi đất thúi đai" "nắng thì nứt đố đổ vách". Vừa nhét cái áo mưa vào cặp, giáo sư vừa dặn dò đến trường thì "Chọn bạn mà chơi" con hí. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" đó con.

Rồi đến lúc chúng tôi cũng lớn khôn, rời ngôi trường đại học yêu dấu đó để vào đời, lúc này vị Trợ Giảng đã đi xa, Giáo sư luôn luôn dặn dò: ra đời "Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng". Bằng kinh nghiệm sống của mình, giáo sư còn nhắc chúng tôi cẩn thận với những lời dụ dỗ, xu nịnh, phải biết nghe những lời trung thực vì "Mật ngọt chết ruồi, mắm mặn chết troai bao giờ", ngoài đời có nhiều người"Khẩu Phật tâm xà" lắm đó.
Khi chúng tôi lập gia đình giáo sư lại giáo huấn "Một sự nhịn, chín sự lành" không được "Chồng chúa vợ tôi", "thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn".

Một lần thấy tôi tiêu tiền hơi rộng tay Giáo sư phán ngay "Tiết kiệm có sẵn đồng tiền, phòng khi túng lỡ không phiền luỵ ai" đừng quen thói "Có đồng nào xào đồng ấy", "Phí của trời, mười đời chẳng có", đàn bà trong nhà phải biết "tích cốc, phòng cơ". Sợ tôi ăn tiêu hoang phí sẽ không tiết kiệm được, giáo sư còn ví von "Chồng cái dũi, vợ cái oai" đừng làm "cái oai lủng đáy!". Vợ chồng tôi ra riêng mở phòng mạch, Giáo sư dạy cách làm ăn: làm bác sĩ phải biết "tu nhân tích đức", "có đức mặc sức mà ăn", " năng chuyến hơn đầy đò". Chính nhờ những câu giáo huấn này mà chúng tôi được rất nhiều thứ trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống tinh thần.

Cậu con trai tôi lúc còn nhỏ cũng mê Giáo sư Bà Ngoại về lãnh vực câu đố dân gian và ca dao tục ngữ. Nhờ Giáo sư Bà Ngoại mà cậu nhỏ khi học tiểu học đã có điểm cao về môn này. Giáo sư Bà Ngoại đọc nó chép đầy vở đem đến trường làm cô giáo cũng ngạc nhiên vì có nhiều câu rất cắc cớ mà trong sách không ghi chép.

Còn rất rất nhiều, vô vàn những bài học khác nữa ăn sâu trong tiềm thức chúng tôi mà tôi không thể viết ra hết. Chúng tôi chỉ biết vận dụng nó trong cuộc sống hằng ngày.
Bây giờ ngôi trường năm xưa vẫn còn đó nhưng Ban Giảng Huấn đã đi xa. Giáo trình giáo án không có để lưu cho hậu thế nhưng những bài giảng sâu sắc của Người chúng tôi không bao giờ quên, thỉnh thoảng vẫn đọc vanh vách. Cái giáo trình đặc biệt đó đã đào tạo cho chúng tôi thành những con người với đầy đủ NHÂN-NGHĨA-LỄ-TRÍ-TÍN.

Dnga
04/12/2016
(Ngày đông nhớ về Ban Giảng Huấn)
(ảnh có tính chất minh hoạ mượn từ Internet)