Saturday, October 8, 2016

Nhãn Lồng Huế - Dnga

Ngày xưa Huế nổi tiếng với những ngôi nhà vườn, nhất là trong Nội thành. Những ngôi nhà vườn ấy thường được bao bọc bởi hàng rào bằng cây chè tàu dày và xanh mướt. Bên trong, ngoài các chậu cây kiểng, hoa thơm cỏ lạ được trồng
ở phía trước nhà còn lại phía sau vườn là cây ăn trái lâu năm. Nhà tôi cũng không ngoại lệ.

Mảnh vườn nhà tôi không rộng lắm, ở hai góc vườn phía trước nhà có hai cây nhãn già trồng tự bao giờ tôi không nhớ rõ, chỉ biết rằng khi tôi lớn biết ăn vặt thì đã thấy nó cho trái rồi. Gốc cây nhãn là nơi tụ tập của lũ con trai chúng tôi mỗi khi rảnh rỗi vì bóng mát của nó che phủ cả một vùng rộng mà dưới đó không hề có cây gì mọc được. Cái không gian cỏn con ấy là nơi lý tưởng cho chúng tôi chơi bắn bi lỗ, căn cù, tán nắp ken...hoặc là tán dóc mà không bị la vì làm ồn ào.

Hằng năm cứ khoảng giữa mùa xuân là cây nhãn bắt đầu trổ hoa. Hoa nhãn không thơm nhưng sáng sớm những bông hoa nhỏ li ti màu vàng nhạt rụng khắp mặt sân thật đẹp. Khi không còn hoa rụng nữa là trên cao bắt đầu thấy những trái nhãn nhỏ xíu đầu cành. Chúng tôi mải đi học và ham chơi nên không để ý đến chùm nhãn lớn tự khi nào.

Ở trong xóm tôi có một căn nhà nhỏ, nơi đó có hai mẹ con sống lặng lẽ. Con bé chừng lên tám, nhỏ con, tóc cắt ngắn, mà thời đó gọi là tóc "bum bê", làn da trắng xanh, rụt rè trông rất tội nghiệp. Điểm nó gây chú ý cho mọi người nhất có lẽ chỉ là đôi mắt. Quả thực đôi mắt nó tròn to và đen láy như hai hạt nhãn nên lũ chúng tôi thường gọi nó là con bé hạt nhãn. Ba mẹ tôi chỉ có hai chị em, chị lớn hơn tôi ba tuổi nên không thích những trò chơi thô bạo của lũ chúng tôi. Ngoài giờ học ra chị lủi thủi trong nhà quanh quẩn giúp mẹ tôi những công việc lặt vặt, những khi mẹ tôi đi vắng chị buồn hiu. Cho đến một hôm, mẹ con bé hạt nhãn qua nhà tôi đưa những thứ mà mẹ tôi nhờ mua ở chợ vì ngày hôm đó mẹ bận. Con bé núp sau lưng mẹ nó, chị tôi phát hiện và kéo nó vào nhà chơi. Không lâu sau đó chị tôi và nó quấn quýt nhau không rời. Thấy nó hiền lành mẹ tôi cũng thương. Tôi không quan tâm mấy đến nó, có khi thầm cảm ơn nó vì những khi mẹ đi vắng chị rủ nó về chơi thì tôi khỏi bị chị giữ ở nhà, chị sợ ở nhà một mình. Chị dạy cho nó cắt búp bê giấy, cắt hoa... những điều mà mẹ nó quá bận rộn không bày cho nó được. Không biết vẻ mặt của tôi hồi đó có dữ dằn không, mà mỗi khi nó thấy tôi là lấm lét tái xanh, những lúc ấy đôi mắt của nó còn mở to, tròn, và đen hơn nữa.

Thoắt một cái, thời gian trôi qua lúc nào không hay, những trái nhãn đã lớn, đứng dưới nhìn lên thấy từng chùm trái chi chít. Mẹ tôi bảo "Năm nay được mùa nhãn e mất mùa lúa thôi". Tôi chẳng hiểu thế nào. Rồi mẹ tôi kêu người về lồng nhãn để nhãn to đều chín ngọt, tránh bị dơi và chuột ăn. Tôi đi thông báo với lũ bạn ngày mẹ tôi lồng nhãn. Sau buổi ăn sáng, nhóm thợ lồng nhãn vác đến nhà tôi những cây thang bằng tre thật dài kèm với rất nhiều chiếc bao đệm lớn. Họ bắc thang lên, những cái thang tre mảnh khảnh cao ngất, những người thợ với mớ bao đệm giắt sau lưng thoăn thoắt leo lên thật tài tình. Họ túm những chùm nhãn bỏ vào bao và cột chặt lại thành một lồng nhãn. Quá trình làm việc của họ khiến một số trái nhãn rơi xuống đất, lũ bạn tôi reo hò tranh nhau nhặt. Những trái nhãn rơi tuy chưa chín nhưng chúng tôi vẫn thấy ngon làm sao! Con bé hạt nhãn đương nhiên là cũng có mặt, nhưng nó đứng một chỗ cắn móng tay, lặng lẽ nhìn, không dám xông vào tranh cùng chúng tôi, mặc dù nó rất thèm. Bằng chứng là khi chúng tôi lãng xa ra nó mới vào nhẹ nhàng tìm kiếm những trái còn sót lại. Đến xế chiều thì công việc lồng hai cây nhãn mới kết thúc. Trên cây bây giờ có rất nhiều cái bao đệm treo lủng lẳng trông giống "cây bao đệm" chứ không còn là cây nhãn nữa.

Khoảng sau ba bốn tuần gì đó, họ lại đem thang và lần này đem theo cả xe kéo đến. Họ lại leo lên cái thang ẻo lả ấy để bẻ những lồng nhãn rồi cẩn thận cột vào một đầu dây đưa xuống đất tránh làm rụng những trái nhãn đã chín bên trong lồng. Dĩ nhiên là lũ con nít trong xóm một lần nữa lại tụ tập để lượm nhãn rơi và nhất là những trái lẻ rớt ra ở trong lồng ngọt lịm . Con bé hạt nhãn cũng có mặt. Sau khi công việc bẻ nhãn hoàn tất, số nhãn được chia làm hai, một nửa trong số đó là của những người có công lồng nhãn. Mẹ tôi chọn những chùm ngon nhất dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên và để dành nấu chè hột sen bọc nhãn lồng, món ăn mà ba tôi yêu thích. Số còn lại kêu người bán đi một ít, còn bao nhiêu là mẹ phân thành nhiều bó để đem biếu hàng xóm và không quên chia phần cho những đứa con nít đang vây quanh, trong số đó có nó. Khi nó ra về mẹ tôi còn dúi thêm cho nó một bọc lớn. Tôi nhìn theo nó bằng ánh mắt ấm ức...

Cứ thế, những mùa nhãn trôi qua, chúng tôi lớn dần lên. Gốc cây nhãn không còn là chỗ hẹn lý tưởng của bọn tôi nữa. Số lượng bài tập ở nhà cứ tăng dần theo chiều cao, cân nặng và con số lớp học của chúng tôi, nó choán gần hết phần thời gian ở nhà. Khoảnh đất dưới gốc nhãn không còn các lỗ bi, lỗ để đánh căn...hoạ hoằn chúng tôi mới gặp nhau nơi đây nhưng chỉ ngồi dưới đất trong chốc lát rồi giải tán. Mẹ tôi thấy vậy nên đặt vào bên cạnh cây nhãn một chiếc xích đu. Lũ con trai chúng tôi rất ngại ngồi xích đu. Từ ngày có xích đu, chị tôi thường kéo con bé hạt nhãn ra đây, họ thì thầm với nhau chuyện gì tôi không biết nhưng có vẻ ra chiều thích thú lắm. Con bé bây giờ tóc đã dài ra không còn "bum bê" như trước nữa, nó khác trước nhiều lắm, duy chỉ có đôi mắt là không đổi. Hình như tôi thấy mắt nó càng ngày càng đẹp hơn.

Học xong trung học, ba tôi gởi chị tôi vào Sài Gòn ở với bác tôi để học tiếp lên đại học. Phải xa nhau, chị tôi và nhất là con bé có vẻ rất buồn. Chị tôi chia tay vào cuối mùa nhãn, hai hạt nhãn của nó ướt đẫm. Từ ngày chị tôi đi căn nhà trở nên im lìm hơn. Mẹ chỉ còn mình tôi nên rất chăm chút, với mẹ tất cả đều ưu tiên cho việc học của tôi. Trong nhà mọi thứ đều được làm một cách khẽ khàng. Rồi từ đó, con bé hạt nhãn cũng thôi không sang nhà tôi nữa. Thỉnh thoảng mẹ tôi nhớ chị, gọi nó qua chơi nhưng nó chỉ sang một lát là về ngay. Tôi cũng không hề gặp nó trên đường đi học, mặc dù trường nó học cách trường tôi không xa. Thấy cái xích đu lâu ngày không ai ngồi, tôi ra đó, rồi nhớ bâng quơ...

Chị tôi đi xa, là con trai trong nhà, tôi phải ở Huế để học tiếp đại học nối nghề ba tôi. Một mùa hè, chị tôi nghỉ học về nhà, không khí trong nhà lại rộn ràng. Chị hỏi mẹ tôi về con bé hạt nhãn, điều mà tôi cũng mong chờ nhưng không dám nói ra. Mẹ tôi bảo ra tết vừa rồi hai mẹ con nó đã qua chào để dọn vào Nam sinh sống. Chị tôi thở dài, còn tôi thì cảm thấy như có gì mất mát. Chị tôi bảo khi quay lại Sài Gòn chị sẽ cố gắng kiếm nó. Tôi hình dung chị tôi quý và thương nó như một đứa em gái. Tôi cầu mong cho chị tôi gặp lại con bé hạt nhãn ngày nào.

Tháng ngày trôi qua, có biết bao biến cố trong cuộc sống khiến tôi không còn ở Huế nữa, nhưng căn nhà cũ của tôi vẫn ở đó, hai cây nhãn ngày càng già nua ấy ba mẹ tôi vẫn giữ lại. Những lần trở về ngôi nhà xưa, tôi thơ thẩn quanh vườn, dừng lại lâu nhất dưới gốc nhãn, cái ghế xích đu chắc quá cũ và không ai ngồi nên đã được cất đi.

Huế vẫn còn nhiều những cây nhãn cả cũ lẫn mới trồng. Bây chừ người ta không còn lồng nhãn như trước nữa, nên cũng không kiếm đâu ra lũ trẻ con đi lượm nhãn rơi. Biết vậy, nhưng tôi vẫn không thôi đi tìm hai hạt nhãn đen nhánh của ngày thơ.
Tôi ao ước, giá như ngày ấy mỗi mùa nhãn tôi cũng bắt chước mẹ gói cho em thêm bọc nhãn, thì bây giờ biết đâu tôi được mang theo hai hạt nhãn kia rồi...

Dnga
11/2015