Chuyện Của Ba Tôi - Phan Bá Ân, Jr.
Ngày Mẹ tôi mất, tôi chưa tròn 3 tuổi, đứa em gái
còn đang bò, hai chị đi học mẫu giáo. Chúng tôi sống với ông mệ nội ở Sài Gòn.
Ba tôi theo đơn vị hành quân ở Quảng Trị. Tháng Bảy, năm 1973, Mẹ đưa tôi và em
gái ra Đà Nẳng thăm
Ông Mệ Ngoại, cũng như thăm ba tôi. Lúc ba mẹ con chúng
tôi chuẩn bị trở về Sài Gòn thì Mẹ tôi bị bệnh. Người được điều trị tại
Quân y viện Duy Tân, qua hai tuần thì mẹ tôi ra đi. Sau đám tang vài hôm hai
chị và tôi theo Mệ Nội trở vô Sài Gòn, em gái được ở lại với ông mệ ngoại.
Chúng tôi còn quá nhỏ để cảm nhận sự mất mát lớn lao khi không còn có mẹ. Tôi
và hai chị có lúc rất nhớ mẹ, không biết mẹ đang đi đâu, đang làm gì mà không thấy mẹ, bộ mẹ có
chuyện gì sao? Mệ săn sóc, gần gũi, lo lắng cho chúng tôi nhiều hơn. Hai chị
ngủ vói Mệ, còn tôi luôn nằm bên cạnh Ông, thỉnh thoảng ngủ chung với chú út.
Còn ba tôi rất lâu mới về thăm, ở nhà một
hai tuần rồi lại ra đi . Khi về phép ba
tôi không đưa chúng tôi đi chơi sở thú như lúc mẹ tôi còn sống, ba chỉ lái xe
chở chúng tôi đi Sài Gòn xem xi nê, ăn kem, ăn phở và đi mua sắm. Thời gian ba
tôi về nhà tôi được ngủ chung với ba.… Trong nhà, tôi có cảm giác thiếu thốn, mất mát một thứ gì đó. Mệ thường
thắp nhang trên bàn thờ, khóc thầm khi đêm về. Có lẽ Mệ đang nghĩ đến đứa con dâu xinh đẹp, ngoan hiền,
đãm đang thường chia xẻ mọi chuyện trong nhà và cũng là người đàn bà yểu mệnh, khi chỉ vưà 27.
Tôi lên 7
tuổi, thì ông nội qua đời. Căn nhà hai tầng đã vắng vẻ, càng trở nên hiu quạnh.
Ông tôi mất vì buồn, buồn vì cơ ngơi cả đời gầy dựng, phút chốc chỉ còn là
tay trắng. Nhưng có lẽ buồn vì gia đình này, căn nhà này quá yên tỉnh, quá vắng
vẻ từ tháng Tư năm 1975 và sau
đó một miền Nam sống trong một xã hội nghiệt ngã, nhiều nhiểu nhương.
Gia đình bác cả đã đi Mỹ. Chú kế cuả ba tôi kẹt lại ngoài Trung chưa biết tin,
rồi bác hai, ba tôi phải vô tù. Gia đình đông đúc ngày nào, bây giờ chỉ còn lại
Ông bà nội và tôi ở nhà vào những ngày
chú út , o út và hai chi tôi đến trường. Đến khi tôi vào học mẫu giáo, ông nội ra Hàm Tân thì ở nhà chỉ
còn một mình mệ. Khi Ông nội mất, hủ tro cốt được gửi vô chuà, nên hàng ngày mệ
tôi thường vào chùa, có lúc dẩn tôi đi theo …Mạ tôi sau 1975 còn nằm ở nghĩa trang Hoà Khánh. Gia đình
ông mệ ngoại, các dì, cậu tôi thì ở làng Tân Hà , huyện Hàm Tân. Bà Ngoại thỉnh
thoảng vào thăm chúng tôi và mua hàng về bán lại ở chợ Tân Hà. 1979 gia đình
bác Hai cũng ra đi theo bán chính thức.
Cuối năm 1981 chú kế ba tôi từ trại tù Bình Điền trở vê, O
út cũng vừa sinh một em trai, gia đình O ở Bình Chánh, không lâu sau đó ba tôi
cũng về từ Tân Kỳ, Nghệ An. Những nơi mà Mệ, Chú Út, Dì Th , chị Lm … đã mang
nhiều thứ lăn lội ra thăm Ba tôi sau khi
ông Nội chúng tôi qua đời. Tết đòan tụ năm đó, cả nhà còn lại 12 người, nổi buồn
phiền cuả Mệ nội có vơi đi. Còn chúng tôi đối với ba vừa ngại ngùng, vưà bẻn lẻn
có một chút xa lạ! Những ngày tết qua mau, niềm thương nhớ đến Ông Nội, Mẹ
chúng tôi với hoàn cảnh xa xôi với gia
đình bác cả và bác hai đã mang đến trong
nhà một nổi buồn trầm lặng. Sau những lần
nói chuyện to nhỏ với ba, mệ nội có vẻ âu lo, nhiều lúc trầm ngâm và lại khiến mệ tôi siêng đi Chùa hơn. Một hôm, ba
tôi gọi ba chị em chúng tôi lại và cho chúng tôi biết – là trước mắt (sau lần
ba, chị L và tôi cũng như chú dì út tìm cách ra đi bằng đường biển thất bại) ba đứa (lúc này có thêm chi Lh nưã dù chị Lh lại không muốn chút nào) phải ra đi trước khi có thể (theo Mệ đi
coi bói thì sẽ đi xuôi nếu có chị Lh đi vì chị ấy có số xuất ngoại?), còn ba
thì sẽ đi sau khi thuận lợi. Vì đời sống cuả chúng ta sau này sẽ rất khó khăn
dù muốn trở nên một cuộc sống bình thường. Ba dặn dò, cho chúng tôi biết phải
làm gì khi đến nơi, phải liên lạc và nhờ bác cả để bác lo cho các con sớm đòan
tụ. Ba cũng kể cho chúng tôi nghe những
gì ba tôi đã sống trong các trại tù ở miền Bắc từ Khe Thắm , Hoàng Liên Sơn,
Yên Bái và Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh. Ba cũng kể chuyện ba đi tiếp phẩm và đã gặp những
người đã từng ở trong quân đội Pháp, hay phục vụ trong chính quyền VN dưới triều
Bảo Đại trước năm 1954. Những thành phần này đã bị chính quyền CS ở miền Bắc (sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước) đày
lên Hoàng Liên Sơn qua chính sách “ấn định nơi cư trú “để cô lập và kiểm soát họ
(ở miền Nam thì chúng tiến hành qua
chính sách đẩy Họ lên vùng Kinh Tế Mới). Trong nhà chỉ có chú kế là không muốn
đi vì “sợ”. Vã lại chú ấy cũng có việc làm, một cuộc sống thoải mái, có nhiều bạn
bè, nhất là đang thời yêu đương .
Sau hơn sáu
năm gia đình chúng tôi mới có một ngày Tết đầy đủ, mới thấy Mệ tôi cười. Không
khí trong nhà hồi sinh, nỗi vui tươi hơn
dù vẫn còn luẩn quẩn đâu đó những nỗi âu lo khác, lúc ở bên ngoài xã hội đang
thay đổi, thân phận những người thuộc chế độ cũ cũng phải đối mặt những gì mà
nhà nước đang tiến hành cải tạo. Bộ mặt cuả thành phố được đổi tên đang méo xệch,
những con đường thẳng tắp cuả Sài Gòn ngày nào đã cong queo dần như người dân
miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội trước năm 1954. Rồi người dân Sài Gòn
cũng sẽ như thế. Sài Gòn sẽ thay đổi. Chính vì thế, và cũng vì tương lại các con, chấp nhận rủi ro
cũng phải đành! Và ba chị em chúng tôi đã đước bác cả bảo lãnh về sống ở tiểu
bang Texas vào năm 1981. Đến đầu năm 1983 thì ba tôi cũng đến Mỹ, cùng ở chung
với gia đình bác cả. Một thời gian sau cả nhà chúng tôi dọn ra. Lúc này Ba đi
làm trên Dallas, hai chị đi học ở trường trung học (cấp 3) Trinity, còn tôi thì học
cấp 2 ở trường Central. Bốn năm sau, ba tôi mua một căn nhà cũ, Bác Hai học
xong Bác sĩ ở Cali cũng dọn về Dallas. Một nửa gia đình đang ở gần nhau ở bên
này trái đất 15 năm sau ngày Mẹ tôi mất. Cuộc sống trên đất Mỹ không dể dàng gì cho những người đến sau với vốn liếng tiếng
Anh lõm bõm như ba tôi mà phải cưu mang ba đứa con còn đang đi học, dù chị L có
đi làm thêm sau giờ học cũng chẳng giúp được gì. Ba phải đi làm thêm buổi trưa
và buổi tối ở nhà hàng Tàu, 10 giờ tối thì đi làm ca đêm ở tiệm 7-Eleven trên
Dallas. Chị cả đã học xong lớp 12, cả nhà đang lo, chuẩn bị cho chị ấy đi
Denton để theo học Đại học TWU.
Một người
đàn ông trên 40 tuổi như ba tôi phải bôn ba để lo cho ba chị em chúng tôi – và
sau vài năm khi Mẹ tôi mất ,Mệ Ngoại đã
nhiều lần khuyên ba tôi nên tái giá. 15 năm sau kể từ ngày không còn vơ. Mệ nội
cũng đã dặm hỏi vài nơi để giới thiệu cho ba tôi, nhưng người chỉ ầm ừ cho qua. Trong cuộc sống hàng ngày, bảy ngày một tuần rất ít thời gian để nghỉ ngơi,
người chỉ uống vài chai bia trong bữa ăn chiều. Ba tôi ít bạn, hình như chỉ có
bác Nhai từ Arizona qua sống chung một thời gian ngắn là bạn, cũng chỉ liên lạc
khi bác ấy dọn về Houston. Những ngày gia đình chúng tôi sống ở apartment gia đình
bác cả đã giúp đỡ rất nhiều, đời sống trong nhà cũng khá đầy đủ. 1987 Ba tôi
tái giá với Dì, không lâu em gái tôi cũng đến sống với Ba. Lúc này chị L đã lấy
chồng, chị Ln và tôi cũng không còn sống chung với ba tôi nưã …
Năm 1987 Mệ Nội cũng đến Mỹ theo gia đình chú kế
ra đi theo diện HO. Sau đám tang bác hai
(1990) Mệ tôi quyết định về lại VN vì muốn sau khi chết được nằm bên cạnh Ông Nội
và bà con ở Làng. Mệ sống với gia đình O út ở Cư xá Lữ Gia.10 năm sau gia
đình chú Út cũng đã đến nơi mà thời gian từ ngày bác cả bảo lãnh cho đến khi đến
cũng gần hai mươi năm! Thế là gia đình chúng tôi đã đến Mỹ ngoại trừ gia đình O út.
Thời gian
đã trôi qua quá nhanh. Tuổi đời càng ngày càng chồng chất, mọi người phải tất bật
với chuyên áo cơm. Ngày tôi lấy vợ, Ba, gia đình chú kế, hai chú trong going họ
cũng có mặt chúc mừng. Và là lúc tôi quay về gần gũi với ba hơn một chút, rồi
tôi có cháu trai, ba tôi cũng thường đến thăm. Thỉnh thoảng chúng tôi cùng đi
ăn nhà hàng với Ba và em gái tôi. Cuộc sống tưởng cứ như thế, nhưng miệng đời lại
không để yên. Dì út gửi thư qua cho em gái tôi với lời lẽ không xây dựng tí
nào.-“Mẹ tôi ở đâu trong long ba tôi ?” Bạn cuả Bác gái tôi thì to nhỏ với các
chị cuả tôi –“mẹ kế con chồng” giưã cái xã hội bình đẳng, lúc chúng tôi đã học
qua bước vào Đại Họ! Dù trước đây tôi
đã từng ghét Ba khi nghe như thế, nhưng Ba tôi lấy người đàn bà khác là có tội
hay sao? Mẹ tôi đã mất 15 năm rồi mà. Tôi tự hỏi Mẹ tôi yêu ba, yêu chúng tôi
nhiều như người từng nói, từng nhớ sao người có thể đành đoạn để ra đi? Không
phải ba từng đau khổ, từng khóc vì nhớ mẹ, chúng tôi đã rất cô đơn vì thiếu mẹ
hay sao? Mẹ không còn cũng đã làm cho Ông Mệ Nội, Ông Mệ Ngoại cả hai gia đình
dau khổ vì mất con, rồi thương nhớ hay sao? – Duyên số, hai chữ ác nghiệt! Vợ
tôi cũng quyết định chia tay với tôi. Thằng con trai lúc ở với Ba lúc theo Mẹ,
nó may mắn vì không ai gọi nó “mồ côi” dù ba mẹ nó đã không còn ràng buộc. Còn
tôi chẳng khác gì Ba tôi cuả năm 1973, mất vợ! Ai có lỗi trong chuyện này? Rồi
một lúc nào đó tôi sẽ lấy một người đàn bà khác, không biết cuộc đời có kết tội
tôi như đã từng đối với ba tôi không? Một người bỏ chồng, ly dị chồng có giống
một người bỏ chồng vì số mạng không? Có một chút hơi khác – nhưng nghiã “chia”
lại giống nhau. Tôi nghĩ như thế. Và tôi thông cảm cho Ba hơn.
Ba tôi đã sắp
đến 73 tuổi rồi. Trong bữa ăn mừng "Ngày cuả Ba” (Father's Day), ba tôi đã bảo ba anh em
chúng tôi dành thời gian để đi đến một trong những nhà quàn gần đây để mua
“dich vụ ma chay” cho ba. Tôi lặng người rồi nói – Ba, còn sống lâu mà. Ba tuổi,
tôi đã mất Mẹ, 45 tuổi không lẽ tôi không còn Ba hay sao? Quá nhỏ nên không biết
đã mất mẹ, nhưng tôi biết rất rõ sẽ mất
cha. Chết cũng là chuyện bình thường nhưng tôi không đủ can đảm để tưởng tượng
chính tay tôi khi đạt ngón tay vào để bấm nút
kích điện để hoả thiêu người. Nghĩ đến điều này lòng tôi thật chua xót,
tôi lại thương ba hơn. Với hai chị, em gái tôi có lẽ họ không cảm nhận như tôi
đã có khi tôi gặp người.
30 năm trước tôi giận Ba, nghĩ Ba nhẩn tâm quên Mẹ,
bỏ các con cuả Ba. Sao Ba có thể ích kỹ
khi yêu, cưới một người đàn bà khác? 30 năm sau, lớn lên tôi mới hiểu, và tôi
qúa trẻ con. Thằng con trai của tôi đã rất vui khi theo tôi về VN dự đám cưới
cuả tôi! Nó vẫn hạnh phúc vô tư bên người mẹ mới, không thắc mắc gì khi cuối
tuần về nhà mẹ ruột. Dù tuổi cuả nó còn nhỏ so với tôi thời đó.
Ba Tôi! Tôi không biết Ba còn sống với chúng tôi
bao lâu nưã?
PBA, Jr.