Wednesday, April 13, 2016

Bình Bài Thơ "Hỏi..." của Sông Thu - Châu Thạch









HỎI...

Hỏi trăng mỗi buổi bay qua
Có vô tình biết
Tình ta với nàng
Không người lỡ bước sang ngang
Không người tình phụ
Mà loan phím chùng!
Tình yêu hơn cả nước sông
Đam mê hơn cả
Triều dâng
Sóng trào!
Mà sao
Trăng hỡi
Vì đâu
Chia ly vĩnh viễn
Niềm đau ngút ngàn!...

Hỏi mây từ núi bay sang
Có qua bên ấy
Nơi nàng ngủ yên
Nhắn rằng: "Tôi vẫn yêu em "
Xin mây sà xuống
Chăn êm đắp giùm
Thay tôi sưởi ấm đêm đông
Vòng tay tôi vẫn
Ấm nồng hơi em....

Gió ơi
Đem đến hằng đêm
Nụ hôn tôi gởi
Trọn niềm yêu thương
Thì thầm giai điệu vấn vương
Niềm vui hoan lạc
Nỗi buồn chia phôi!

Hỏi sao lấp lánh trên trời
Sáng sao bằng được
Tình tôi với nàng?

Hỏi dòng suối mát trên ngàn
Có trong như mắt
Của nàng
Nhìn tôi?
Có êm như tiếng nàng cười
Vấn vương quấn quýt trọn đời trong tôi.

Sông Thu

Một câu chuyện có lẽ thật dễ làm cho lòng người mau cảm động. “Hỏi…” là một bài thơ của tác giả Sông Thu, viết như người đã vừa tiễn đưa phu nhân mình về nơi chín suối. Có lẽ biết bao người thân an ủi không làm vơi đi nỗi cô đơn trong lòng người ở lại nên bây giờ phải hỏi trăng, hỏi mây, hỏi gió để vừa tâm tình vừa nhờ trăng, mây, gió thực hiện giúp những điều mà thế nhân không làm được.

Nỗi đau trong bài thơ không thể hiện bằng nước mắt mà thể hiện qua vài hình ảnh chính, đã từng mang theo kỷ niệm của mối tình sâu đậm ngày xưa. Trăng, mây gió với bầu trời sao và suối phải chăng đã từng hiện hữu cho niềm hạnh phúc, cho hoan lạc của mối tình keo sơn thuở trước, nay lại quay về để chứng kiến nỗi cô đơn.

Vì vậy tác giả đã hỏi trăng cái mà trăng không thể biết:

  Hỏi trăng mỗi buổi đi qua
 Có vô tình biết
Tình ta với nàng

Hỏi trăng thì trăng làm sao biết được vì trăng đâu có linh hồn. Vậy  ở đây tác giả  hỏi trăng chỉ là thổ lộ chính lòng mình, uất ức với nỗi đau vô cớ mà nguyên nhân phi lý vô cùng:

Không người lỡ bước sang ngang
Không người tình phụ
 Mà loan phím chùng!

Với Sông Thu, loan phím chùng còn nhẹ, mà nó đứt lìa vĩnh viễn nữa kia. Hai câu thơ trên là một sự trọn vẹn cuộc tình, mà câu thơ thứ ba là lưỡi dao cắt đứt cái trọn vẹn đó đi,và biến tất cả thành một dấu than, một tiếng kêu đau đớn, một mũi tên bắn vút lên con tạo và đâm nhói vào con tim người đọc.   

Những câu thơ kế tiếp là những tâm tình gởi gắm vào trăng: “Tình yêu hơn cả nước sông/ Đam mê hơn cả/ Triều dâng/ Sóng trào” để rồi đem nghịch cảnh của mình chất vấn cùng trăng: “Mà sao/ Trăng hởi/ vì đâu/ Chia lìa vĩnh viễn/ niềm đau ngút ngàn…” 
      
Trăng chắc chắn lặng thinh, trăng chẳng trả lời, nên câu hỏi sẽ bay vào mù khơi, bay vào trống vắng. và cái lạnh trong hồn đã trở nên băng giá. Sao không hỏi người mà lại hỏi trăng? Vì hỏi trăng là hỏi chính ta, là Sông Thu hỏi chính Sông Thu, là Sông Thu vò võ một mình và đang tẻ lạnh linh hồn, đơn chiếc con tim. 

Hỏi trăng, trăng chẳng trả lời. người thơ lại hỏi mây và nhắn nhủ cùng mây: “Hỏi mây từ núi bay sang/ Có qua bên ấy/ Nơi nàng ngủ yên/ Nhắn rằng: 'Tôi vẫn yêu em'/ xin mây sà xuống/ Chăn êm đắp giùm/ Thay tôi sưởi ấm đêm đông/ Vòng tay tôi vẫn/ Ấm nồng hơi em”.

 Hãy đọc hai câu thơ vô cùng xuất sắc:

Xin mây sà xuống
Chăn êm đắp giùm

 Bài thơ hay, nhưng  hai câu thơ nầy có tác dụng nâng bài thơ thành đỉnh cao ngôn ngữ. Mây là hình tượng của vô thường, vẽ đẹp của phiêu du, mang tính chất phôi pha và như niềm đau xám đọng lại ở chân trời. Không ai dùng mây để ví cùng chăn êm nệm ấm. Chỉ có Sông Thu bất đắc dĩ không có gì đắp cho em mới nhờ đến mây để đắp. Câu thơ nghịch lý nhưng ý thơ mang nỗi đau cùng tận với bao nhiêu quẩn thúc quay quắt trong lòng. Nói như thế không phải là tác giả không dùng được mây để đắp ấm cho em. Vì tình yêu nóng cháy, vì đau thương sôi sục là vòng tay ấm nồng vô giá sẽ gởi vào mây, sẽ bay theo gió vào ôm em trong lòng mộ ngay cả lúc đêm đông.

Có lẽ trăng và mây cũng có chút vỗ về nên giờ đây lời thơ cho gió, cho sao, cho nước có vẻ ảo mơ niềm hoan lạc: “Gió ơi/ Đem đến hàng đêm/ Nụ hôn tôi gởi/ trọn niềm yêu thương/ Thì thầm giai điệu vấn vương/ Niềm đau hoan lạc/ Nỗi buồn chia phôi!/ Hỏi sao lấp lánh trên trời/ Sáng sao bằng được/ tình tôi với nàng/ Hỏi dòng suối mát trên ngàn/ Có trong như mắt/ của nàng/ Nhìn tôi?/ Có êm như tiếng nàng cười/ Vấn vương quấn quít trọn đời bên tôi”.

Hãy nhớ rằng đoạn thơ nầy chỉ là ảo mơ, ảo mộng Đây không thật là niềm hoan lạc mà đây là chính nỗi đau đến hồi cực điểm, là thời khắc mà Thúy Kiều bất tỉnh khi ngồi nhớ thương trên Lầu Ngưng Bích:

 Buồn trông gió cuốn đầy ghềnh
 Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

                                    ( Kiều Nguyễn Du)

Ầm ầm” ở đây là tiếng âm thanh dội vào tai Kiều trong khi tột đỉnh ai bi, và “ầm ầm” ở đây chắc chắc cũng đã dội vào lòng Sông Thu trong đoạn cuối của bài thơ. Sông Thu hỏi trăng và nhờ mây chỉ là dùng cọng rơm để bám víu khi mình đang trôi trên biển đau thương, và khi mà cọng rơm cũng chìm thì lấy đâu để làm điểm tựa? – Lấy gió, láy sao, lấy nước trên ngàn. Gió, sao và nước trên ngàn là vô tình và sự hoan lạc giả hình kia biểu hiện cho tâm thần như phân liệt của thi nhân trong giờ phút ấy, nói nói lên cái nỗi đau không còn quằn quại mà đến lúc hôn mê.

Trong những vế thơ chót, gió và sao và nước của Sông Thu chỉ là những lằn roi quất vào trong tâm hồn đang thương nhớ phu nhân.

Tôi không muốn nói cái hay của câu, từ hay kết cấu bài thơ vì những thứ đó không là gì đối với nỗi buồn hóa giông bão trong thơ. Tôi chỉ muốn nói đây là một bài thơ hay, hay như vòm nước mắt trong trăng, trong mây, trong gió và trong dòng suối trên ngàn.

Châu Thạch