Lạm Bàn Thêm Về Tranh Luận Việc Bình Thơ
- Châu Thạch
Thời gian gần đây,
trên nhiều trang web trong và ngoài nước có một cuộc tranh luận nhẹ nhàng nhưng
cũng gây được hào hứng cho bạn đọc, bạn viết . Châu Thạch tôi xin tường thuật
sơ lược và cũng mạo muội lạm bàn thêm
một vài ý kiến chủ
quan của mình, mục đích tạo thêm ít phút thư giản cho người
thích đọc.
Câu chuyện xảy ra bắt đầu từ việc nhà thơ Phạm Đức Nhì không thống nhất với ý kiến của nhà thơ Nguyễn
Khôi về bài thơ "Trăng lên" của Lưu Trọng Lư. Bài thơ như sau:
Trăng Lên
Vầng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh mơ say
hương nồng
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong
dòng mắt em.
Nhận xét về bài thơ nầy
nhà thơ Nguyễn Khôi viết như sau: “ Ý là muốn nói đến sự say đắm si mê của chàng với nàng (đó mới là chung chung chưa rõ
ràng), chỉ đến khi Thi sĩ thể hiện bằng hình tượng thơ cụ thể :
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
(Lưu Trọng Lư)
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
(Lưu Trọng Lư)
thì đó đã là một TỨ THƠ độc đáo”
Bằng nhiều lý luận,
nhà thơ Phạm Đức Nhì không công nhận ý thơ bày tỏ sự say đắm của chàng trai với
cô thiếu nữ mà ngược lại, Phạm Đức Nhì cho rằng ý thơ bày tỏ sự say đắm của
thiếu nữ với chàng trai. Phạm Đức Nhì viết: “Theo câu
cuối của bài thơ thì cô gái đang thu hút cả bóng hình chàng trai vào đôi mắt -
như một dòng sông - của mình, “cho phép” chàng được bơi lặng trong dòng sông
ấy, nghĩa là nàng đang nhìn chàng say đắm. Dựa vào cái nhìn say đắm ấy người
đọc có thể kết luận mà không sợ sai lầm: tác giả đã nhận biết và đã dùng tài
thơ của mình khoe với mọi người “Nàng
đã yêu ta đắm say” và rồi Phạm
Đức Nhì kết luận:
“để kết luận ý của bài thơ là “sự say đắm, si mê của chàng
với nàng” thì đó là một kết luận không đúng. Ý của bài thơ chính xác ra phải là
“Làng nước ơi! Người con gái ấy đã yêu
ta đắm say”.
Lạm bàn của Châu Thạch:
Nhà thơ Phạm Đức Nhì quan niệm như thế cũng có
cái lý của nó, tuy nhiên muốn biết chính xác
chúng ta phải xác định được ý thơ trong bài “Trăng lên” của tác giả thể
hiện cho lời của người nam hay lời của người nữ. Nếu “Trăng lên” là lời của cô
gái thì nhất định là cô ta đã công nhận chàng lọt vào mắt xanh của mình như
Phạm Đức Nhì đã nói. Ngược lại, “Trăng lên” là lời của người nam thỉ rỏ ràng
người nam chỉ muốn bày tỏ “sự say đắm si mê của chàng” như Nguyễn Khôi đã viết,
vì chuyện người nam chỉ nhìn vào mắt cô gái mà khẳng định cô ta đã yêu mình say
đắm thì thật ra quá hấp tấp và nếu thật như thế thì cũng chỉ sung sướng ngầm chứ
chẳng cần phải hô hoán lên bằng thơ như vậy. Dòng sông thì không phải chỉ có
một con thuyền mà có thể có hàng chục, hàng trăm con thuyền bơi lội trong đó,
làm sao chàng trai dám quả quyết con thuyền mình chiếm đôc quyền dòng sông ấy
?. Theo thiển ý của tôi bài thơ “Trăng
Lên” là lời của chàng trai, vì nếu là lời của cô gái thì không bao giờ cô tự ca tụng mắt mình “là
một dòng sông” cả.
Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây
khi nhà thơ Phạm Đức Nhì nhận được một email của khán giả gởi đến với câu phỏng
vấn :
“Chào ông PĐN, ông nghĩ
sao về nhận định của nhà phê bình văn học Thụy Khuê trong đoạn dưới đây về bài
thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư?”.
Trong nhận định của Thuỵ Khuê, ngoài những lời
ca tụng cái hay của “Trăng Lên” còn có thêm một ý khác lạ như sau: “Thi nhân thường
so sánh khuôn mặt đàn bà với vầng trăng. Cái khác lạ ở đây là Lưu Trọng Lư dùng
vầng trăng để mường tượng vầng trán người thanh niên nghiêng xuống mái tóc
người yêu: hình ảnh "vầng trăng lên mái tóc mây" vô cùng quyến
rũ.” Nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê còn kéo thêm Vũ Ngọc Phan vào để củng cố
lập luận của mình: “. Vũ Ngọc Phan là người đầu tiên khám phá ra hình
ảnh ấy, ông viết: "Mượn
vầng trăng nhô đầu lên đám mây đen mà tả cái phút ái ân của đôi trai gái trong
lúc giáo đầu thì như thế thật là đầy tình, đầy mộng, thật là thanh cao, thật là
tuyệt bút" (Nhà Văn Hiện Đại).” rồi bà nhấn mạnh thêm: “Chữ mây hàm chứa nhiều ý
nghĩa: mây là óng mượt
như sợi mây
(dùng để đan giỏ). mây còn có thể là mây mưa, mây gió. Mây cũng là cung mây, tột đỉnh của
hạnh lạc. Lưu Trọng Lư đã đặt hình ảnh: vầng trăng lên mái tóc mây bên cạnh hình ảnh thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em,
để lồng ấp hai linh hồn, hai hình hài say đắm, mắt trong mắt, trong khung cảnh
tuyệt đỉnh thần tiên, thơ mộng …”
Tất nhiên Nhà thơ Phạm Đức Nhì không bao giờ công nhận tứ
thơ nầy. Với bài viết “Trăng lên và phép ẩn dụ toàn bài” Phạm Đức Nhì đã giải
thích về phép ẩn dụ và cuối cùng, xin trích một đoạn phản biện của ông như sau:
“Nếu hiểu bài Trăng Lên là cảnh ái ân của đôi trai gái thì lúc ấy ngoài lửa
tình sẽ còn có lửa dục; mà lửa dục thì phải nói là “nóng như hỏa diệm sơn”. Mắt
em không còn “là một dòng sông” trong vắt để có thể in hình “thuyền ta” (1) ở
trong ấy nữa vì đã bị mờ đục bởi hơi nóng ngất trời của lửa tình, lửa dục. Và
“thuyền ta”, nếu may mắn, có một tích tắc nào đó lọt vào mắt em thì cũng
tròng trành, chao đảo, nghiêng ngửa như đang gặp cơn bão xoáy chứ làm sao có
thể “bơi lặng” được.”
Lạm bàn của Châu Thạch:
Đoạn nầy Châu Thạch
tôi đồng ý với Phạm Đức nhì hoàn toàn. Thật ra không có “vầng trăng lên máí tóc
mây” được mà chỉ có ánh trăng chiếu trên mái tóc mây thôi, còn vầng trăng thì
nó ở xa tít tận phương đông. Khi Lưu Trọng Lư viết “vầng trăng lên mái tóc mây”
thì đó chỉ là cái nhìn biểu kiến xuyên qua mái tóc cô gái thấy vầng trăng ở tận
trời xa. Nếu dùng mặt trăng để ám chỉ cái
trán của chàng trai thì cái trán đó phải xa mái tóc nàng ngàn vạn dặm. Hơn nữa
cái trán đàn ông mà đem ví với vầng trăng thì từ diển tích xưa cho đến nay chắc
chẳng mấy ai dùng vì hình dung nó làm xấu đi nét đẹp của đấng nam nhi. “Dùng
vầng trăng để mường tượng vầng trán người thanh niên nghiêng xuống mái tóc
người yêu” thật ra là một suy diễn cường điệu, vô tình bình cho bài thơ trở nên
rất hề vì cô gái sẽ bỏ chạy ngay khi thấy vầng trán như vậy ập xuống đầu mình.
Đồng thời gian nầy có một bài viết của tác giả Nguyễn Bàng
mà Phạm Đức Nhì xưng hô là bác Bàng. Bác Bàng sau khi phỏng vấn một cô giúp
việc và được cô cho biết cô “thích những bài thơ ngắn gọn, có vần có điệu, nghe
êm tai, dễ nhớ dễ thuộc” thì bác Bàng liền bày tỏ quan niệm về đọc thơ như sau:
“Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như
công chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết Thi pháp là cái
quái gì, cũng không cần biết Tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để
cố hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ
pháp mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng
vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang
cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường
kia.”
Trả lời bài của bác Nguyễn Bàng, nhà thơ phạm Đức Nhì viết bài “Câu
chuyện thưởng thức thơ” trình bày về 3 chức năng của một bài thơ. Đó là chức
năng truyền thông chuyền tải thông điệp,
chức năng thẩm mỹ truyền đến người đọc và chức năng nghệ thuật hồn thơ. Để kết luận Phạm Đức nhì có những ý sau đây:
“Một trong những
nhiệm vụ của việc bình thơ là nâng tầm thưởng thức của người đọc thơ.”, “Đọc
thơ chỉ bằng trí sẽ không thấy hơi nóng của cảm xúc, không “bắt” được hồn thơ,
sẽ chẳng bao giờ cảm được cái hay trọn vẹn của thơ. Còn nếu chỉ đọc thơ bằng
hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì sẽ như chị giúp việc, một là, lắm
khi gặp những tuyệt tác thi ca lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời“tự sướng”,
sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà
mắt cứ sáng long lanh, mặt rạng rỡ như đóa hoa xuân.”
Lạm bàn của Châu Thạch:
Theo tự điển giải thích, “công chúng” có nghĩa là mọi
người. Vậy bác Bàng chỉ phỏng vấn một cô giúp việc mà vội vàng kết luận đó là
“đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng” thì không chính xác bao giờ.
Cô giúp việc chỉ thuộc vào lớp người bình dân ít học chớ không phải công chúng.
Công chúng thì có mọi tầng lớp: ít học, có học và trí thức. Lớp người bình dân,
ít học dầu đọc thơ, nghe thơ một cách đơn sơ nhưng không phải là họ không có
nhu cầu để “thưởng thức thơ trọn vẹn” như Phạm Đức Nhì đã nói. Ngày xưa những
người nông dân chân lấm tay bùn thuộc làu Kiều và hiểu Kiều là vì họ được tiếp
thu những gì mà giới nho sĩ chuyển tải
đến họ qua trò chuyện, qua tiếp xúc trong làng thôn, trong thân thuộc. Ngày nay
các chị giúp việc, các người làm thuê, làm mướn tôi luyện kiến thức, nâng cao
cảm nhận qua đài phát thanh, truyền hình và qua mọi giao tiếp giữa đời. Những
người thích nghe thơ và thuộc thơ như chị làm vườn của bác Bàng họ luôn luôn có
nhu cầu học hỏi và luôn luôn tự học, họ sẳn sàng đứng lại hàng giờ để lắng nghe
, “hiểu cho bằng được bài thơ” của “các nhà bình tán”. Chúng ta không phải mới
bước vào lớp học đã được dạy cho “cầm dao mổ xẻ những con chữ “ rồi sao? Chúng
ta học văn thì thầy giao “cầm con dao mổ xẻ những con chữ” trong các bài thơ,
bài văn cho ta bắt chước, đó chính là tri thức của thầy dạy ta làm người .
Chúng ta làm bài tập làm văn là chúng ta tập “mổ xẻ nhưng con chữ” mà thầy giao
ra đề cho ta để cho ta tập làm văn mà cũng tập làm người . Vậy sao bây giờ
chúng ta lại đề cao cái “không cần phải học ngữ pháp. Không cần phải biết thi
pháp là cái quái gì, cũng không cần biết cái tu từ học với ẩn dụ” là sao? Rồi
chúng ta kết tội nhưng người nghiên cứu những cái đó, phổ biến những cái đó là
“làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia” thì có bất công lắm
không? Người “cầm con dao để mổ xẻ con chữ” có khi nhẹ tay, có khi nặng tay, có
khi vấp phạm nhưng tôi nghĩ nếu không có
những người đó thì những áng văn chương bất hủ cũng sẽ mai một với thời gian vì
nhờ họ mà những ý thơ, tứ thơ hay trong các áng văn chương, trong các câu ca
dao bóng bẩy được truyền tụng bằng miệng, được ghi chép bằng sách cho đời nầy
qua đời khác, nâng cao trình độ cảm nhận của quần chúng là đủ mọi lớp người. Những
nhà phê bình văn thơ cũng chỉ nói giùm cho công chúng nhưng diều mà công chúng
thích thú nhưng vì thiếu năng khiếu trời cho để viết nên họ chỉ cảm thụ trong
lòng mà không diễn đạt được, khi đọc được nhưng lời bình luận trúng ý họ, họ vô
cùng sung sướng. Tôi đã từng thấy những bác xe ôm nhảy cởn lên cười ha hả khi tôi
giải thích cho họ hiểu một tứ thơ thâm thuý tiềm ẩn trong câu thơ nào đó ./.
Châu Thạch