Sunday, September 13, 2015

Hè Về Trong Kỷ Niệm - Lê Hoàng

       Năm ấy, đến bây giờ tôi cũng không còn nhớ vào khoảng năm nào – ước chừng vào năm 1958, 1959, tôi chỉ còn nhớ mình đang còn học trung học. Hồi đó, tỉnh Quảng trị tuy nhỏ nhưng rất êm đềm chưa có tiếng súng vang vọng lại.
Quảng Trị vào thời đó cũng có tới 4 trường Trung học. Trường Nguyễn Hoàng công lập, còn lại các trường Bồ Đề, Thánh Tâm, Phước Môn (Terexa) là tư thục.
       Học sinh đi học hầu hết bằng xe đạp hoặc đi bộ. Cứ mỗi buổi sáng, hay trưa, chiều tan trường thì những tà áo trắng của nữ sinh nổi bật khắp phố phường. Quảng Trị rất nhỏ hẹp, và ngả tư Trần Hưng Đạo/ Quang Trung là chính. Học sinh Nguyễn Hoàng tràn ngập trên đường Quang Trung, Lý Thái Tổ, học sinh Bồ Đề thì trên đại lộ Trần Hưng Đạo và góc chùa ở phuờng Đệ Tứ. Thánh Tâm và Phước Môn tập trung vào trước cửa nhà thờ đường Quang Trung là nhiều nhất. Gần hè, Quảng Trị cũng có những cây phượng nở hoa lác đác trên những ngả đường phố. Dọc theo bờ sông Thạch Hãn là đường Gia Long, mà ngày đó, chúng tôi thường gọi là con đường tình ái… vì cứ cô cậu nào “yêu nhau” thường hẹn hò cùng nhau ra bờ sông trên con đường này để nghe tiếng ve kêu, hoặc ngắm những con thuyền xuôi ngược và nhất là ở đây rất vắng vẻ, nói chuyện“tâm tình” rất là hợp ý.
     Hè qua, đến mùa tựu truờng, tôi còn nhớ những bài thơ của Huy Cận hay Xuân Diệu lại được bạn bè ghi chép tặng cho nhau như:
                  “Giờ nao nức của một thời trẻ dại!
                  “Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương!
                 “Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
                “Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc
                “Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học
                “Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên;
               “Trong sân trường tưởng dạo giữa Đào viên
             “Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ
            “Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ
           “Tim run run trăm tình cảm rụt rè
           “Tuổi mười lăm gấp sách lại đứng nghe
           “Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp.
                                         Tựu Trường, Huy Cận

Những ngày hè về, biết bao kỷ niệm tràn ngập trong lòng. Thời đó tuổi trẻ chẳng lo nghĩ gì nhiều về đời sống. Tuy gia đình không phải giàu có gì, nhưng tuổi trẻ hồi đó hồn nhiên và chưa nhuốm “bụi trần” nên rất vô tư trong đời sống thường ngày.
  Tôi là một học sinh xa nhà, ở cách thị xã vào khoảng 8 cây số. Thời mới  vào trung học tôi đi xe đạp, nhưng về sau gia đình có điều kiện hơn, nên tôi ra ở trọ hoặc kèm cho những đứa trẻ đang học tiểu học, để có điều kiện, phương tiện nơi ăn chốn ở.
     Lâu dần, cuộc sống cũng qua đi và bạn bè thường hay giúp đỡ lẫn nhau trong những trường hợp khó khăn.
      Hè năm đó, (1959) tôi chỉ về quê một tháng, và trở lại thị xã để học thi cũng như vui chơi với bạn bè.
   Năm đó, tôi ở nhà của Châu Thạch (Ngả ba Long Hưng), bạn học một lớp. Châu Thạch (Tr.v.Tr.) con nhà giàu, đại gia của thị xã Quảng Trị . Châu Thạch biết làm thơ và lãng mạn từ năm còn học đệ thất, đệ lục. Thơ học trò của Châu Thạch dạo đó chịu ảnh hưởng thơ Xuân Diệu và Huy Cận… Sau này khi ra đời rồi Châu Thạch mới có một lối làm thơ riêng biệt. Chúng tôi là hai thằng bạn “nối khố” từ lúc còn đi tắm sông Thạch Hãn quên mặc quần….
     Từ Tiểu học cho đến Trung Học, chúng tôi những học sinh sau năm 1954 nên có rất nhiều bạn tuổi đã lớn mà nay mới có điều kiện đi học, tuy học lớp nhất hay đệ thất, đệ lục mà có anh đã có người lo “tề gia, nội trợ” ở nhà . Những trường hợp này mấy bạn giữ kín vô cùng, nhưng rồi cái gì cũng không thể giữ mãi được. Như trường hợp Ng.v. Th. (Hải Lăng(Đ.M.H.( Triệu Phong) . Khi hiểu được hoàn cảnh, chúng tôi rất thông cảm cho bạn và thuờng cùng nhau đến thăm gia đình của bạn (Ng.v.Th. sau này là thiếu Tá …Đ.M.H. Sau này đại uý Nhảy dù).
 Thời gian qua, mỗi người một ngả, tuy vậy chúng tôi thường vẫn có những cơ hội gặp nhau. Hầu hết đều vào lính. Qua những năm sau nầy, chúng tôi biết được Trần Q. Ấm ( Thiếu Tá Cảnh sát giảng viên Đại học CSQG/Việt Nam đã mất ở Hoa Kỳ. Lê văn Viên  đại úy cảnh sát … Trần đ. Bé  ( Trung Uý BĐQ  đã mất) Trần Đ. Đàm (Đại Uý Pháo binh ) Nguyển Hữu Đôi ( Trung Uý  du học Hoa Kỳ về đã mất năm 1971 trong trận chiến ở Khe Sanh …Bùi Mạnh Hùng , Lê văn Tám đại úy sư đoàn nhảy dù , Nguyển văn Thanh thiếu tá  Quân Đoàn I Đà Nẳng Nguyển Duy Diễn Đại Uý/ pháo binh , Châu Thạch Trương văn Trạn trung úy  TK /Quảng Trị , Hoàng Kim Vân th/Úy mất tích khi chính biến xẩy ra ở Đà Nẳng  tháng 3/1975v.v…Còn rất nhiều không còn nhớ được.
 Chúng tôi xếp bút nghiên theo nghiệp nhà binh khi chinh chiến tràn về khắp nơi trên quê hương của miền Nam Việt nam.
    Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên – Vào mùa hè năm 1959, tôi ở lại nhà Châu Thạch, năm đó nhà Châu Thạch có một hai cái lò gạch ở Long Hưng – Lò Gạch Trương Kế- Lò gạch làm loại ngói móc – vào thời đó ở Quảng Trị có gạch này rất là mới mẻ. Mùa hè, chúng tôi ngoài việc học thêm bài vở, thường hay tổ chức những chuyến đi chơi bằng xe đạp lên Cam Lộ, Đông Hà hoặc lên thánh địa La Vang để cùng nhau thưởng ngoạn phong cảnh quê hương. Thường thường, một nhóm đi đông nhất chừng 30 người – hai mươi nam, mười nữ – hoặc ít nhất  năm, mười người. Những lần đi chúng tôi chuẩn bị thức ăn uống mang theo, luôn cả đàn guitar, mandoline v.v… Chúng tôi thuờng đi về trong ngày cho dù nơi xa nhất là Cam Lộ.
  Một lần , tôi nhận lời đi theo chuyến đò dọc… của anh Minh- Anh Minh hồi đó là thư ký của lò gạch “ Trương Kế” Gạch Trương Kế  cũng nổi tiếng không thua gì gạch của “ Nguyễn Hữu Đoan” ở Đà Nẵng . Chúng tôi chuẩn bị cho một chuyến giao hàng tại quận Triệu Phong (thôn gì thì tôi không còn nhớ nổi). Anh Minh chuẩn bị đầy đủ …. Ngoài gạch ra, trên thuyền có đủ rựợu trắng - một lít- cá khô, mực khô và có cả một hũ củ kiệu dưa hành (không biết ở đâu mà anh Minh đem theo, thường thì thứ nầy tết mới có). Chúng tôi xuất phát từ một nhánh sông ăn thông với sông cái tức là sông Thạch Hãn. Sáng tinh mơ, khi sương còn đọng trên đọt tre, anh Minh đã thức chúng tôi dậy để chuẩn bị lên đường. Anh Minh cũng là một nhà thơ – Thơ anh thường mang hơi hướm của Lưu Trọng Lư hoặc bi quan yếm thế như thơ Tú Xương. Anh Minh rất vui , mặc dầu anh có vợ, con, nhưng chịu chơi tới bến, đến lúc nhậu thì chẳng biết đến gì chung quanh. Tôi không còn nhớ đi trên chiếc đò dọc ngày đó có bao nhiêu người, ngoài tôi, anh Minh, Anh Ba Mạnh và người chèo đò. Khi vượt dọc theo sông Thạch Hãn đến ngả ba Triệu Phong/Nhan Biều, rẽ phải để xuôi về miền quê . Một bên là thuộc quận Triệu Phong, bên kia là xã Quy Thiện, thuộc Hải Lăng … chúng tôi giao ngói cho một thân chủ thuộc quận Triệu Phong vào khoảng hơn 2 giờ chiều, ăn cơm trên thuyền và bắt đầu quay về … Chuyến quay về thật là vui và mang đầy kỷ niệm . Giữa thuyền trống, một mâm gỗ được bày ra, trên mâm có một lít rưọu đế nổi tim bọt là rượu hảo hạng, một con mực khô nằm phơi râu dễ ghét, một đĩa củ kiệu dưa hành,v.v….. Tôi người bắt đầu đàn guitar và hát bài “Tình quê hương. Sau đó anh Minh ngâm thơ của anh và một bài thơ của Tản Đà:

” Rung rinh nước chảy qua thì đèo, (Thuyền thì ai)Thuyền ai một lá, dậm chèo quanh non ? Đá trơ, trơ mãi (a) thì mòn
       Khối tình bóp bẹp, vo tròn lại nguyên.
      Giang sơn, một chiếc mui thì) bồng,
     Sông to (mà) gió cả hãi hùng lắm phen!
    Anh thương em má lúm đồng tiền .Phấn son em chẳng biết, con thuyền (đênh) lênh đênh
    Sông thu ngược gió xuôi thuyền,(Thuyền thì xuôi) Thuyền xuôi gió ngược cho phiền long anh.
 (Ta trót) Đem nhau xuống thác lên ghềnh. Trăm năm đôi chữ “chung tình” ai chớ có quên.
    Con sông nước chảy lờ đờ,
   Thuyền trôi lững thững, trăng tờ mờ soi
   Công danh chi nữa chàng ơi!
  Chàng về dậm mũi cho tôi lái thuyền.
   Những bài thơ anh Minh ngâm lên đều mang “tâm sự” của anh ở bên trong. Thuyền về, anh Ba Mạnh hình như mệt lơ, nên chẳng nghe anh ngâm thơ gì cả…. Hồi đó cái lò gạch Trương Kế” là của gia đình họ Trương ở Quảng Trị , mà người trực tiếp điều hành là anh ba Mạnh và thư ký kế toán là anh Minh. Tụi tui đều là những người không liên quan gì cả, chỉ vui chơi đi theo để được uống rựơu, ngâm thơ, đàn hát, đời thưở đó thật vô tư và chẳng có suy nghĩ gì nhiều cả.

     Sau này, thời thế sinh loạn lạc, mỗi người mỗi ngã không còn sống gần bên nhau nữa. Những kỷ niệm thời còn học sinh ở Quảng Trị của tôi có nhiều niềm vui, buồn lẫn lộn. Nào làm chim xanh  cho anh Tư Bằng với chị Th… thỉnh thoảng cũng đưa thư của anh Công cho chị Trợ ,dạo đó tôi ít thấy anh Thanh xuất hiện ở Quảng Trị. Sau này, tôi mới biết anh vào khoá 4 Thủ Đức vào thời đó còn Pháp và anh ra trường với cấp bậc Thiếu Úy( mãi sau này anh  giải ngũ  không theo nghiệp đao binh).
 Cậu bé út Quốc Hoà có cái đầu khá to nên học rất thông minh. Năm đó Hoà đang học tiểu học, chừng lớp ba hay lớp tư gì đó. Cậu ta hỏi tôi một cậu “Tại sao mặt trời mọc phía Đông, lặn phía Tây mà không ngược lại?” Tôi bí chẳng biết trả lời ra làm sao !  Sau này, tôi cũng quên mất, cho đến khi vào Sài Gòn gặp Hòa còn đi học KTS tôi nhắc lại cậu ta cười và bảo “Em đâu có nhớ!” . Tôi cười, và nói “Bây giờ anh trả lời cho em nhé… Em đợi khi nào mặt trời đi ngủ sớm là em sẽ thấy ngược lại “Mới đó mà hơn nửa thế kỷ đi qua… Mọi người đều già hoặc sắp già để chuẩn bị cho cuộc đời “luân hồi” với thời gian muôn đời trong thế gian, vũ trụ quay cuồng này.

Quảng Trị quê tôi ngày xưa bây giờ không còn nữa. Những con đường nhỏ nay cũng đổi tên. Trường Nguyễn Hoàng cũng chẳng còn, Bồ Đề chỉ còn một bức vách để làm kỷ niệm, Thánh Tâm, Phước Môn xóa nhoà trong ký ức… 

Mong rằng những kỷ niệm trong tôi vẫn tồn tại và không bao giờ quên cho dù tuổi già đang chồng chất đè nặng .
                                                               Lê Hoàng