Xu ân Quang Trung - Cao Mỵ Nhân
Nữ sĩ Ngân Giang |
Thủa đó mới vào khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước,
tức là gần 3 thập kỷ nay, tôi được hân hạnh diện kiến một nữ thi sĩ danh tiếng
từ thời tiền chiến, là nữ sĩ Ngân Giang tại tư thất một nữ sĩ thuộc hội thơ Quỳnh
Dao, đường Trương Minh Ký, Sài Gòn.
Do cơ duyên cũng chỉ là bình thường vì hội thơ Quỳnh
Dao tuy thành lập ở miền Nam vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, nhưng gần như
quý vị nữ sĩ thành viên đều ở lứa tuổi đã hoặc đang bước vào lão hạng cao niên,
vì cố niên trưởng là nữ sĩ Cao Ngọc Anh cũng mới mãn phần cách ngày tôi đang kể
độ mười mấy năm. Nữ sĩ Cao Ngọc Anh là ái nữ cụ Cao Xuân Dục, vị quan triều
Nguyễn, nếu nữ sĩ còn "tại thế", thì đã ngoài trăm tuổi nhiều năm.
Nữ sĩ chủ nhân đón nữ sĩ Ngân Giang mới từ Hà Nội
vô Nam vài ngày, tạm trú tại ngôi nhà X. đường Phạm Đăng Hưng QI.
Khi tôi tới sân biệt thự Thu Nga, thì đã nghe những
chuỗi cười ròn ran của nữ sĩ Ngân Giang, có lẽ từ xưa, lối sống phong lưu và
hào sảng của nhà thơ Ngân Giang đã chẳng cần khách sáo lắm, bà nghe nữ sĩ Thu
Nga giới thiệu tôi ở thi đàn Quỳnh Dao, thì bà ngừng nói cười, ý nói có thật
tôi chỉ đang ở nữa số tuổi của quý bà, mặc quần tây mầu sáng, áo thung, mà làm
thơ... Đường nỗi gì... Nữ sĩ Thu Nga cười:
- Cao Mỵ Nhân là tác giả 2 câu trong bài thơ mà cụ
Thái Can (Thi sĩ, bác sĩ tiền chiến) vỗ tay ở nhà ông bà luật sư Lê Ngọc Chấn đấy:
Khói vẫn tương tư vàng khí phách
Sương còn khắc khoải bạc sông hồ
Nữ sĩ Ngân Giang nắm tay tôi:
- Sao em làm được thơ Đường, ai dạy vậy?
Đoạn chúng tôi ngồi xuống dãy ghế, đang đợi một số
khách, thơ khác, sẽ đến hàn huyên cùng nữ sĩ Ngân Giang.
Khách thơ gồm quý nữ sĩ thuộc hội thơ Quỳnh Dao,
và số ít khách ngoài hội, mời tới là vì quen biết nữ sĩ Ngân Giang từ ở Hà Nội
xưa, tức trước ngày chia đôi đất nước như quý cụ Tế Nhị, Trình Xuyên, Linh Điểu...và
nhất là cụ Bùi Khánh Đản bạn rất xưa của nữ sĩ Ngân Giang trước thủa di cư năm
1954.
Nữ sĩ Ngân Giang có đặc tính tháo vát, làm chủ
tình hình, khác với nữ sĩ Thu Nga gốc Huế, con quan Định Nguyên triều Nguyễn,
bà hỏi tôi ngay:
- Em có nghe tiếng chị bao giờ chưa, có ai từng nhắc
thơ chị không?
Nữ sĩ Ngân Giang xưng chị, hay mình với tôi. Tôi
nhanh chóng quan sát bà: quần đen, áo cánh Bắc may rộng như áo bà ba trong nam,
mầu xám, đi dép đen, tóc bạc trắng, bới cao. Tôi ngậm ngùi đáp:
- Em đã thấy hình chị, mặc áo dài nhung đen, quần
sa tanh trắng, tóc vấn trần, son phấn rất đẹp, ngồi ở sập gụ cẩn sa cừ, giữa
lòng Hà Nội.
Nữ sĩ Ngân Giang ngạc nhiên:
- Thế cơ à, sao em biết rõ vậy, lúc ấy chị còn quá
trẻ mà.
- Dạ thưa, em thấy in nơi trang sách của tập thơ về
Thi Ngân Việt Nam (Tiền Chiến).
Bỗng sắc diện nữ sĩ Ngân Giang cũng như chùng xuống,
thở nhẹ:
- Ngày xưa nhà chị giàu lắm, ở phố lớn giữ
"thủ đô" (Hà Nội) rồi cách mạng đến, ba lần, bảy lượt nổi trôi, giờ
chị ở số 3 Bãi Ngũ Xá, bán nước chè xanh (là trà lá, nước vối vv...đấy)
Tôi cần "phát biểu" một ý tưởng...hòa đồng
vui vẻ, trong sáng, để người thi sĩ nữ lưu, đã lão thành, không mặc cảm thời thế,
tôi giả bộ vui mừng:
- Ô, lạ quá, mấy vị thơ danh tiếng toàn ở những
nơi non nước hữu tình thôi à. Cụ Quách Tấn thì ở số 12 đường Bến Chợ Nha Trang,
cụ Vũ Hoàng Chương và cụ Đinh Hùng thì ở gần chùa Kim Liên Bến Vân Đồn Khánh Hội,
còn đại tỷ thì ở Bãi Ngũ Xã.
Nữ sĩ Ngân Giang cười lớn, đổi kiểu nói Bắc Kỳ
xưa:
- Con bé này (là tôi đấy) láu lỉnh thật, thôi được,
thế em nói đọc thơ chị ở đâu?
Tôi trả lời trịnh trọng:
- Thưa bài Xuân Mong Đợi đăng ở báo Tia Sáng Hà Nội
năm 1953 và, bài họa Thu Dĩ Vãng của cụ Bùi Khánh Đản mới đây, tại biệt thự
Song Linh, Bà Chiểu, chắc thơ làm lâu rồi, nhưng hôm đó, em mới được nghe...
Truyện trò tới đây, thì quý cụ khách thơ đã hiện
diện đông đủ, kín cả phòng, khách của nữ sĩ Thu Nga, tuy vậy cũng chỉ độ trên
20 người.
Quý vị làm thơ rồi yêu thơ, thì chẳng làm sao quên
được những giờ phút hội thơ, nên nữ sĩ Ngân Giang mỉm cười:
- Lâu nay Xuân Mong Đợi của tôi đã có nhiều vị họa,
ở Hà Nội cũng có vị họa hay lắm, nhưng mình không mang theo đây, nay Cao Mỵ
Nhân so với chúng mình (là quý cụ chủ, khách thơ trong ngoài hội Quỳnh Dao) thì
cần phải trải nghiệm nhiều, (tức là nữ sĩ Ngân Giang muốn nói tôi cần phải làm
nhiều thơ luật Đường mới vững được), vậy em về họa thơ Xuân Mong Đợi của chị đi
xem nào.
Thế là vào ngày 24-3-1987, tôi đã "nộp bản họa"
Xuân Hạnh Ngộ với lời ghi:
- Xin kinh tặng nữ sĩ Ngân Giang, sau tiệc mừng hội
ngộ lần thứ hai ở biệt thự Úc Viên của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, do nữ
sĩ Ngân Giang mới họa bài Xuân Mong Đợi (10 bài thất ngôn bát cú)
Với 10 bài Đường Luật, thì không thể chép nơi Chốn
Bụi Hồng này, Cao Mỵ Nhân tôi xin trích tạm như vầy:
Đoạn 1-
Như kiếp tằm
mê mải kéo tơ
Quên luôn
ngày tháng sống trong mơ
Từng vần
óng ả đang trào bút
Mỗi bước
bâng khuâng chợt vỡ bờ
Vẫn ý kinh
bang mà mộng mị
Còn tình
tri kỷ lại bơ vơ
Hỏi chi
Xuân hỡi, xin Chờ Đợi
Ta với
Xuân chung một cõi thơ
Đoạn 8- (4 câu sau).
...Không
dám nhìn lâu trong tiệc rượu
Chỉ cần im
lặng suốt canh gà
Cả cười
ngày tháng Xuân Mong Đợi
Đổi mới
tâm hồn hạnh ngộ qua.
Nữ sĩ Ngân Giang nhìn tôi, lặng lẽ đưa tay nắm thật
chặt tay tôi, bà nói:
- Hay em đừng cần đi đâu, ở lại với chị Mộng Tuyết
và chị, chị em minh cùng làm thơ...
Trời đất, nữ sĩ Ngân Giang biết quý vị hội thơ Quỳnh
Dao đang liên tiếp xuất cảnh, và tôi cũng sẽ xuất cảnh thôi. Nhưng thơ là một
chuyện, cuộc sống là một chuyện chứ.
Hôm nay, mùa Xuân đã qua lâu rồi, nữ sĩ Ngân Giang
mong đợi một mùa Xuân Quang Trung xa thăm thẳm, nữ sĩ cũng đã quá cố ít năm sau
đó.
Để chân thành kính nhớ nữ sĩ Ngân Giang, tôi xin
chép 2 câu kết của đoạn 10, cũng là kết của 10 bài họa thơ Đường Luật còn non
kém của tôi:
Kỷ nguyên
sau cũng yêu thời đại
Nguyễn Huệ
nghênh Xuân thật sục sôi
Nếu nữ sĩ còn tại thế, thì thời điểm chống Bắc
Kinh bành trường, sẽ khiến nữ sĩ sáng tác thêm nhiều thơ Xuân Quang Trung, Nguyễn
Huệ không chừng.
Hawthorne 25-5-2015
CAO MỴ NHÂN