Thursday, August 6, 2015

Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh - Hoàng Nhất Phương
điểm sách

Hoàng Nhất Phương
        Ngay trang bìa của Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh có in những giòng chữ: "Tất cả chúng ta đều là những kẻ chiến bại trước sự đói nghèo của nhân dân. Trước quê hương khổ đau, chúng ta đều có tội, dẫu khoác cho nhau màu áo nào. Trái tim, máu, nước mắt tôi đây ngày trở lại sau
3102 ngày khổ sai trong 10 trại tù của Cộng Sản Việt Nam, từ Nam ra Bắc, xin trao tặng quê hương và bạn bè." Có thể nói mấy giòng ngắn gọn này chính là nội dung được gửi gắm trong Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh – một tuyển tập mà tác giả nói rằng ông đã viết cho người sống và người chết, viết cho cả quá khứ, hiện tại,và tương lai. Cũng theo lời Lê Mai Lĩnh, nếu quá khứ mách bảo cho ông viết về hiện tại, thì hiện tại lại sai khiến ông viết về tương lai, và tương lai chỉ thị cho ông viết về một tương lai xa hơn. Nói tóm lại ông viết theo “mệnh lệnh, sứ mạng, chỉ thị, hướng dẫn, của bốn ngàn năm lịch sử, của hồn thiêng sông núi” [1]



          Tác giả Lê Mai Lĩnh tên thật là Lê Văn Chính sinh trưởng tại Quảng Ðiền, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông bắt đầu bén duyên với nghiệp dĩ văn chương từ năm 1958, với bút danh đầu tiên là Sương Biên Thùy - cái tên quen thuộc với độc giả hâm mộ văn học nghệ thuật của Miền Nam, trước năm 1975. Lê Mai Lĩnh từng cộng tác với các tạp chí Nghệ Thuật, Khởi Hành, Gió Mới, Ngàn Khơi, Văn, Tiền Phong. Ông là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30 tháng 4 bị giam trong nhà tù cộng sản suốt 8 năm 6 tháng, kể từ tháng 05/ 1975 đến tháng 11 / 1983. Trong suốt 56 năm cầm bút từ ngày còn là học sinh lớp đệ thất của Trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, ông đã ấn hành 16 tác phẩm vừa cá nhân, vừa in chung với nhiều tác giả. Nổi bật nhất là “Thơ Lê Mai Lĩnh,” “Ðứng Ngồi Không Yên,” “Chân Dung Lê Mai Lĩnh,” “ Những Ðứa Con Hoang” …

            “Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh- Thơ-Văn-Tiểu Luận” dày hơn 600 trang gồm có 8 chương, do nhà xuất bản Cội Nguồn phát hành trong năm 2015 là tác phẩm mới nhất của ông. Như tất cả những người từng khóc cười theo vận nước nổi trôi [*], Lê Mai Lĩnh đã chọn quê hương đau khổ là đề tài để sáng tác. Những điều ông ký gửi trong từng trang sách nói về cuộc đời của cá nhân ông, từ thuở thư sinh tay trắng mộng đầy cho đến khi nhập ngũ trở thành quân nhân bảo vệ tuyến đầu tổ quốc. Và dĩ nhiên có cả 8 năm 6 tháng bị giam giữ trong nhà tù cộng sản. Dù ở trong bất cứ tình huống nào, dù tự do hay là bị gông cùm xiềng xích, Lê Mai Lĩnh vẫn là Lê Mai Lĩnh, một quân nhân trên chiến trường. Nhà văn Trương Anh Thụy đánh giá văn thơ của Lê Mai Lĩnh có “lửa ngông,” trong khi nhà văn Tâm Vấn nhận xét ông “có khí phách của nhà thơ, một kẻ sĩ trước thời cuộc.” [2]

HNP - 2:26am Thứ Sáu ngày 17 tháng 7 năm 2015
______

[1].Trích từ “Những Điều Nói Với San Jose” của ông Lê Mai Lĩnh.
[2]. Trích từ “Nhà thơ Lê Mai Lĩnh và tác phẩm mới chuẩn bị ra mắt” của Tâm Vấn.

[*]. Trích từ nhạc phẩm “Tình Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy.