Tuesday, July 14, 2015

Trịnh Công Sơn, Thảm Kịch của Một Thiên Tài (tiếp) 
                                                   - Lê Mai Lĩnh

NHỮNG AI ĐÃ GIẾT CHẾT TRỊNH CÔNG SƠN?

Qua những bài viết của các tác giả trong số báo VĂN đặc biệt về Trịnh Công Sơn, cũng như qua một số dư luận rải rác từ trước đó, có một số người cho rằng, do tinh thần chống
Cộng cuồng tín hay mê muội, do những đố kỵ hẹp hòi thiếu lòng bao dung, thông cảm và tha thứ, chính những người chống Cộng trong hàng ngũ Quốc Gia đẩy Sơn vào cái thế cô đơn không lối thoát, từ đó tạo nên những buồn chán thất vọng dẫn tới cái chết. Nói tóm, nhóm người này cho rằng những người kia đã dự phần trong những nguyên nhân đến cái chết của Sơn. Tôi không đồng quan điểm với lập luận này. Chúng ta hãy biết qua con người ông Đặng Tiến và nghe những gì ông Đặng Tiến phát biểu, chúng ta thấy ngay vấn đề. Về Ông Đặng Tiến, từ hơn 30 năm nay, trên những bài viết, cuốn sách do ông Đặng Tiến làm ra, tôi chưa hề thấy ông ấy dành một chút cảm tình nào khi nói về chế độ Việt Nam Cộng Hòa hay Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Và còn hơn nữa, hễ có dịp phải đề cập tới chế độ hay những con người của chế độ đó, ông thường có giọng móc lò, châm biếm. Cách đây hai năm, tôi có ý định cho ông ấy một bài học Thế Nào Là Lễ Độ. Bài viết đã viết xong. Trước khi gởi cho các báo đăng, tôi cho những người bạn tôi xem trước. Nhưng, các ông bạn Trần Hoài Thư, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Trần Doãn Nho, Nguyễn Bá Dĩnh, Thủy Trang đều đề nghị với tôi là THA CHO HẮN. Những người nầy rất biết tính tôi (tình cảm, nhẹ dạ) và họ cũng biết luôn ngòi bút của tôi (hiếu chiến, sắt máu). Nguyên nhân khởi thủy là, trong một bài viết của ông Đặng Tiến về tập thơ TÔI VÀ GIÓ MÙA của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, ông có chêm vào những đoạn móc lò, mai mỉa với hai tác giả ĐẠI HỌC MÁU (Hà Thúc Sinh) và HOA ĐỊA NGỤC (Nguyễn Chí Thiện). Mà như quí vị đều biết, hai tác giả nầy với hai tác phẩm kia, là nguyên nhân dẫn tới những phong trào tranh đấu chống Cộng tại Hải Ngoại. Hình như ông Đặng Tiến không thích chống Cộng và không muốn ai chống Cộng. Thế mà, trong bài viết của ông Đặng Tiến về Trịnh Công Sơn, ông đã hai lần khẳng định rằng, SỰ NGHIỆP CỦA TRỊNH CÔNG SƠN LÀ DO CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HÒA.

Lần thứ nhất ông viết: ‘’Dù đánh giá ra sao đi nữa, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là sản phẩm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, trong cả hai mặt tích cực và tiêu cực của chế độ nầy ‘’VĂN’’, số 53/54 trang 18.

Lần thứ hai ông viết: ‘’Phần lớn sự nghiệp của anh (TCS) đã thành hình và thành công dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa’’.

Trịnh Công Sơn là ‘’con đẻ’’ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, điều nầy ai cũng biết. Nhưng khi con người như Đặng Tiến tái xác nhận, những hai lần, đủ thấy rõ ràng ra làm sao. Trịnh Công Sơn là ‘’con đẻ’’ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Thế thì, những con người trong chế độ đó, nói chung,không thể giết chết Trịnh Công Sơn. Chúng ta có thể la mắng, chủi bới, thậm chí đánh đòn, nếu như người con hư hỏng, lười biếng hay không vâng lời, chứ chúng ta không thể giết. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Từ ngày 30/4 về sau, chúng ta là những người cha, người mẹ, người anh, người chị, đã dõi mắt trông về quê hương, cố quận, theo chừng đường đi nước bước của ‘’con chúng ta/ Trịnh Công Sơn’’ với những muộn phiền, lo lắng, căm giận và thất vọng. Nhưng cuối cùng  chúng ta đành bất lực khi nhìn đứa con của mình ‘’Bán linh hồn cho Quỉ’’. Chúng ta không giết con của chúng ta, nhưng đành chịu mất tiêu đứa con trong nỗi bất lực, đầu hàng do thời thế và nghìn trùng xa cách với thăm thẳm chiều trôi. Vậy thì, những ai đã giết Trịnh Công Sơn???
Nói theo ngôn ngữ Luật pháp và Tòa án, có HAI THỦ PHẠM và BỐN TÒNG PHẠM giết chết Trịnh Công Sơn.

Thủ phạm thứ nhất giết chết Trịnh Công Sơn là TCS

Trong đời Trịnh Công Sơn, ông đã có ba lần tự sát. Có một cơ hội kéo dài rất lâu cho ông tìm lại sự sống (phục sinh), nhưng ông cũng đã không biết nắm thời cơ, để tới lúc nhắm mắt xuôi tay, làm cho nhiều người tiếc nuối, trong sự thương hại nhiều hơn là lòng kính trọng. Qua báo, theo một nguồn tin từ thân nhân của ông cho biết, là trước năm 1975, vì không muốn đi lính, nên ông đã uống dấm cho cơ thể giảm trọng lượng, nhưng do uống quá liều lượng cần thiết, từ đó người ông luôn luôn ốm yếu, không bao giờ quá 40 kilô. Vậy ta có thể xem như là lần thứ nhất ông tự sát vậy. Không những tự sát về mặt xác thân, mà ông còn tự sát về mặt sinh mệnh chính trị. Ông hay ai đó, đều có quyền từ chối đi lính. Nhưng muốn thế thì phải chấp nhận hình phạt của pháp luật là đi tù, chứ không có quyền và không nên hủy hoại bản thân. Nếu ông ta có một lý tưởng nào đó khác với các công dân khác hiện thời, thì ông cũng phải sống  để thực hiện lý tưởng của ông. Tự sát vì lý do đó thì rõ ràng là ông ta không có lý tưởng nào hết. Lần thứ hai ông ta tự sát là lúc ông đầu hàng Cộng sản, đặït mình dưới sự chỉ huy của chế độ, để biến mình thành tay sai hay bồi bút  của Cộng sản. Lần thứ ba  tự sát là lúc biết mình đã bị bệnh hành hạ do chất  độc của rượu tác hại, nhưng ông vẫn tiếp tục uống cho tới lúc phải vào nhà thương không có ngày về. 

Trong ba lần tự sát trên, lần thứ hai, biến mình thành bồi bút Cộng Sản là trầm trọng nhất. Ngay cả dấm hay rượu, cũng chỉ làm ông chết cái phần thân xác của ông mà thôi. Nếu không trở thành cán bộ Cộng Sản, viết và nói những điều không nên nói, không nên viết, thì ông vẫn trở nên bất tử trong lòng nhiều người. Chúng ta vẫn nghĩ về ông bằng sự yêu thương, kính trọng, chứ không phải với lòng thương hại, oán ghét hay căm thù. Một cơ hội cho ông tìm lại danh dự, uy tín và long kính trọng nơi mọi người đó là sau ngày Chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu hay lúc bức tường Bá Linh không còn nữa, giữa lúc những tiếng nói phản kháng, đấu tranh cho dân chủ ngày mỗi lan rộng trong và ngoài nước. Những Trần Độ, Thích Quảng Độ, Nguyễn Đan Quế, Tuệ Sĩ, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thanh Giang v.v. lên tiếng, như những trái đại bác bắn vào thành trì Cộng sản, thì tiếng nói của Trịnh Công Sơn, than ôi, ngậm mất tiêu, im phăng phắc. Ngậm miệng, im tiếng, như con sò lông mất lông. Với những sự việc như thế, chúng ta nói chính Trịnh Công Sơn đã  giết Trịnh Công Sơn, đâu có phải là không đúng.

Thủ Phạm Thứ Hai Giết Trịnh Công Sơn Là Cộng Sản

Hoàn cảnh lịch sử và xã hội của Hà Nội và Miền Nam sau năm 75 khác nhau, thế nhưng, những Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Quang Dũng ... (miền Bắùc), Cung Tích Biền, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Trịnh Công Sơn ...(miền Nam) đều chết như nhau. Điều đó đủ thấy cách giết người văn nghệ sĩ của Cộng sản tinh vi và độc ác như thế nào. Người văn nghệ sĩ trong chế độ Cộng sản anh không có quyền ‘’mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây’’. Anh không được quyền ở trên hay ngoài chính trị. Anh phải chịu sự chỉ huy hay là chết. Đơn giản chỉ như thế. Nói tóm, muốn sống anh phải viết theo mệnh lệnh, đơn đặt hàng của nhà nước, của Đảng. Trịnh Công Sơn đã đầu hàng, chịu nhận viết theo mệnh lệnh, theo đơn đặt hàng của Đảng, của Nhà nước.. Như thế cũng đồng nghĩa là Cộng sản đã giết Trịnh Công Sơn ... Có một cách KHÔNG CHẾT VỀ MẶT LỊCH SỬ là tự sát trưa ngày 30/4 hay một thời gian nào thích hợp và thuận tiện sau đó, hay chịu đi tù (cải tạo), CHỨ nhất định  không thỏa hiệp, không đầu hàng, không viết theo mệnh lệnh, từ chối mọi ân huệ, quyền lợi ... Tiếc rằng Trịnh Công Sơn đã không đủ dũng cảm làm được những điều ấy. Âu cũng là tại số.

Tòng Phạm Thứ Nhất Giết Trịnh Công Sơn Là Những Người Bạn Của Trịnh Công Sơn.

Sau ngày Trịnh Công Sơn chết, có một số người nhận mình là bạn của cố nhạc sĩ để nhỏ những giọt nước mắt thương tiếc bạn, nhưng đồng thời cũng trách móc người nầy, tập thể nọ, đã nghi oan cho Sơn, đã không hiểu được cõi lòng sâu thẳm của Sơn. Nhưng theo tôi, những người này nên liệt vào danh sách những người TÒNG PHẠM trong cái chết của Sơn. Hay nói một cách khác, những người này đem ra chém cũng đáng tội. TỘI HÈN và ĐẠO ĐỨC GIẢ.

Thực ra cái ngày 1/4/2001 chính là ngày CHÔN Trịnh Công Sơn, còn như chết, thì Sơn đã thực sự chết nhiều lần trước đó. Thông thường thì người ta hay khóc lúc chết chứ ít ai khóc lúc chôn. Lúc chôn, chỉ dành cho vợ con cha mẹ anh em ruột thịt mới khóc. Sau khi Sơn được chôn (chết trước rồi) tận bên Việt Nam, bên Mỹ này nhiều người bạn của Sơn khóc tỉ tê, khóc sướt mướt, khóc ròng ròng, khóc lả chả, khóc thút thít, khóc sụt sùi, khóc như mưa. Vậy thì, thử hỏi mấy ông bạn của Sơn, năm 1969, Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa cấm phổ biến nhạc của Trịnh Công Sơn, tại sao các ông không lên tiếng bệnh vực cho bạn mình nửa lời hay nửa chữ? Gần đây nhất, như vừa mới trước ngày 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn chưa chôn, tại Hải Ngoại nầy nhiều người đã lên tiếng, đã viết, chửi bới, nguyền rủa, gọi Sơn là tên phản bội, là tên bồi bút, là tên tay sai Cộng sản, tại sao các người không lên tiếng bênh bạn? Tính dũng cảm của người cầm bút để đâu? Lòng lương thiện và trách nhiệm của người trí thức ở đâu? Tại sao phải chờ lúc xác chết Trịnh Công Sơn được đem chôn, tức là lúc, những người chống SƠN tại Hải ngoại không còn xem SƠN lá một đối tượng cần mạt sát và thanh toán, các người mới lên tiếng bênh vực bạn mình. Thái độ sống như thế không gọi là HÈN sao được.

Như thế mới là chuyện nhỏ. Cái chuyện lớn lao hơn là, Trịnh Công Sơn đầu hàng Cộng sản để trở thành tên bồi bút phải qua một quá trình thời gian lâu dài. Chẳng lẽ chuyện này trong số bạn bè của SƠN không ai biết cả sao? Chắc chắn là phải có người biết hay rất nhiều người biết. Thế thì tại sao các ông không nhân danh tình bạn để khuyên SƠN những điều hay lẽ phải để cho SƠN dọn mình đi theo con đường khác, ra ngoài vòng cương tỏa của Cộng Sản. Tại sao các ông nhìn SƠN lao vào chỗ chết mà cũng cụng ly trăm phần trăm, dzô dzô, ngoài ra không còn nói gì khôn ngoan hơn cho bạn để bạn tìm đường tính toán đúng hơn, hay hơn. Có thể bạn bè của Sơn ở trong nước sợ, nhưng bạn bè của SƠN tại Hải ngoại thì sợ ai, sợ cái gì, mà không viết thư hay điện thoại nói chuyện và khuyên ngăn bạn.  Biết bạn mình lao vào vực sâu, hố thẳm, không nói gì. Chờ lúc bạn chết, đem chôn, chôn sau chết trước, mới nhỏ lệ tiếc thương, khóc lóc tỉ tê. Vừa vừa thôi. Các ông nội HÈN quá, các ông nội ạ. Các ông nội ở đây mà tôi muốn nói tới những người nhận mình là bạn của Trịnh Cọng Sơn, đang tập trung khóc trên tờ tạp chí VĂN của ông Nguyễn Xuân Hoàng sau ngày nhạc sĩ họ Trịnh tiêu diêu miền cực lạc...

Tòng Phạm Thứ Hai giết TCS Là Thân Nhân Của Trịnh Công Sơn

Thân nhân họ Trịnh cũng phạm một sai  lầm chung như những người bạn của họ Trịnh là không tìm đủ mọi cách để khuyên SƠN, chận đứng ngay từ đầu những dấu hiệu manh nha cho thấy là SƠN muốn thỏa hiệp với Cộng Sản. Nhân danh tình ruột thịt thiêng liêng, tiếng nói có giá trị hơn, hy vọng thành công mạnh hơn. Nhưng tiếc thay, là thân nhân đã không làm hay làm không đến nơi đến chốn.

Thêm một sai lầm khác là thúc đẩy SƠN ra làm ‘’cảnh’’ chủ nhân ông cho một NHÀ HÀNG ăn uống. Một con người nghiện rượu, đang bị những chứng bệnh trầm trọng do rượu, ra làm chủ một nhà hàng ăn uống thuộc loại cao cấp, thực khách hầu như chỉ cán bộ cao cấp và Việt Kiều, bán toàn loại rượu cao cấp, cũng là loại rượu giết người ngọt như dao găm mã tấu. Sức voi cũng chết huống hồ chi họ Trịnh  35 kilô. Tôi đã làm chủ quán nhậu và tôi đã biết cái chết đến như thế nào. Quán của tôi là QUÁN BÊN ĐƯỜNG, tựa đề một bài thơ của Quang Dũng tọa lạc tại phường Tân Phú, Quận Tân Bình. Quán rất đông khách và chủ nhân là tôi, được mệnh danh là chủ quán chịu chơi «nhất Thế Giới Việt Nam Cộng Hòa», do bởi, người nào, dù quen hay lạ, tôi cũng cho ghi sổ. Mỗi ngày, trong bao tử tôi chứa không dưới 50 lít chất lỏng gồm nước và đủ loại rượu, từ cao cấp nhất là bia lon Heineken, sang bia 50, Chương Dương, bia lên cơn (bia sinh tố) tới các loại rượu, đế Gò Vấp, già chống gậy, già bật ngửa, rượu nàng hương, rượu thuốc rắn, rượu thuốc cắc kè, rượu hòa máu chim sẻ … Bên cạnh rượu đủ loại mồi. Từ thịt ‘’nai đồng quê’’ tới vịt luộc, gà xé phay, nem, chả, mực khô, tôm khô củ kiệu, hôvilô (hột vịt lộn), hôvila (hột vịt lạt). Bún bò giò heo. Trong số đó, tiết mục ‘’Nai đồng quê’’ là hấp dẫn nhất. Nai đồng quê là thịt chó. Nhưng gọi thịt chó nó phàm phu tục tử quá. Quán Bên Đường nghe rất thơ mộng, chủ nhân là một người văn nghệ chịu chơi, gọi là Nai Đồng Quê mới hợp tình hợp cảnh. Mỗi ngày, từ sáng tới chiều, cái điệp khúc ‘’ông chủ quán chịu chơi quá, làm một ly với tôi đi ông’’, ‘’ông chủ quán trông văn nghệ quá, làm với tôi một xị đi ông’’, ‘’ông chủ quán đẹp trai quá, trăm phần trăm với chúng tôi đi nào’’. Mình lỡ mang danh chịu chơi, mình phải chứng tỏ mình chịu chơi thật, nên đôi lúc, khách mời tôi một chai, tôi mời khách 4 hay 5 chai. Vì một bàn nhậu thường là 4 hay 5 người, chẳng lẽ mình chỉ mời một người.Thuốc Jet hay ba số 555, tôi bỏ ra bàn nguyên gói, khách hút thoải mái. Nhưng, những cái lẻ tẻ đó không đáng nói. Điều tôi muốn nói là,cái chết được báo trước, đến chầm chậm với người chủ quán. Thử tưởng tượng, khi vào trong bao tử, thịt chó gặp rượu đế, tất nhiên có những phản ứng hóa học xảy ra. Tôi gọi là phản ứng A. Rối thịt chó gặp Nàng Hương, lại có phản ứng  hóa học khác. Tôi gọi là phản ứng B. Rồi thịt chó gặp bia lon Heineken, lại có phản ứng hóa học khác, tôi gọi là phản ứng C. Rồi rượu Nàng Hương gặp bún bò giò heo, tất nhiên có phản ứng hóa học khác nữa. Tôi gọi phản ứng hóa học AA. Rồi rượu ông già chống gậy gặïp thịt bò nhúng dấm, tất nhiên có phản ứng hóa học khác nữa. Tôi gọi là phản ứng hóa học BB. Rồi bia Chương dương gặp thịt vịt luộc, lại phản ứng hóa học khác. Tôi gọi là phản ứng CC. Cứ như thế, tôi làm mãi, viết phản ứng hóa học mãi, thế nào cũng tạo ra sự khủng hoảng giấy cho Hiệp Chủng Quốc. Xin quí vị  độc giả hiểu ngầm và thông cảm cho. Đó là tôi mới nói QUÁN BÊN ĐƯỜNG bình dân, mạt rệp, mà còn nguy hiểm như thế. Huống gì nhà hàng của Trịnh Công Sơn làm chủ, rượu ngoại cao cấp, mồi nhậu cao cấp. Đó là chưa nói đến SON MÔI của khách gái và NƯỚC BỌT của khách trai, bám vào thành ly, từ thành ly qua môi, miệng chạy vào bao tử, còn gây những phản ứng hóa học giết người tàn bạo không thua gì Chủ nghĩa Cộng Sản và tập đoàn lãnh đạo Hà Nội. Đó là chưa nói tới những con vi trùng của những căn bệnh xã hội Cộng sản nữa. Thế thì, với ngần ấy (hàng trăm, hàng ngàn) phản ứng hóa học va chạm nhau, chen lấn nhau, cọ sát nhau, đánh đấm nhau, xáp lá cà nhau, lúc thì công đồn đã viện, lúc thì tiền pháo hậu xung, lúc thì ba mũi giáp công, lúc thì chiến tranh qui ước, lúc thì chiến tranh du kích, đó là chưa nói đến độn thổ, đặc công hay người nhái ... thì làm sao với cái bao tử mèo của một người vừa đúng 35 kilô mà không chết được. Thật ti nghiệp cho thiên tài của chúng ta.

Tòng Phạm Thứ Ba Giết Trịnh Công Sơn, Bà Khánh Ly

Nói Bà Khánh ly giết Trịnh Công Sơn, thật ra, chưa đúng lắm. Nói đúng và chính xác thì phải nói, Bà Khánh Ly là người có thể cứu sống Trịnh Công Sơn. Nhưng vì bà không cứu, nên tôi liệt bà vào danh sách tòng phạm cho tiện việc sổ sách. Cái thời nàng đi chân đất, chàng đi dép Lào mòn đế, hát ở sân trường Văn Khoa, thơ mộng làm sao, lãng mạn làm sao. Thì mần răng từ cái dạo đó, con tim của nàng và chàng không tóe lửa, tóe khói vào nhau.. Rồi sau đó một thời gian dài hàng chục niên, vai bên vai , tay trong tay, chân gác lên  chân, thịt đè lên thịt, cùng nhau thực hiện chính sách ‘tam cùng’’ mà hai cõi lòng băng giá, cô đơn, bụi đời vẫn cứ trơ như là đá lạnh như là tiền.. Chẳng cho đời sau một tí nhau nối dõi tông đường, làm vẻ vang dân Việt. Như rứa mà không rách Bà Khánh Ly sao được. Nếu có người cho rằng Trịnh Công Sơn rụt rè, e ngại.., thì Bà Khánh Ly đâu phải mẫu người e ngại, rụt rè. Tấn công, tấn công, nhất trí tấn công, thống nhất tấn công, Bà Khánh Ly đủ bản lãnh làm như ri, như rứa. Tôi cam đoan với chư vị độc giả rằng thì là, nếu nàng chân đất, chàng dép Lào mòn đế, mà có với nhau một chút con, cuộc đời của nhà thiên tài nhất định le lói, sáng bừng như ngọn hải đăng. Cuộc đời của chàng sẽ đi vào khuôn khổ, khuôn khổ không có nghĩa mất đi tự do của người nghệ sĩ, thì sau ngày 30/4 chàng đã không chết thảm như thế. Nếu thực sự có lòng thương ông thầy họ Trịnh, một VĨ ĐẠI NHÂN, MỘT THÁNH NHÂN, tôi đề nghị bà Khánh Ly nên xuống tóc đi tu. Tu là cõi phúc, tình là giây oan. Nhưng nhớ cho tôi biết Bà tu chùa nào, để tôi tìm đến xin làm chú tiểu, ban ngày tụng kinh, ban đêm gõ mõ. Gõ theo nhịp MINH MẠNG THANG. Cam đoan không sai một tấc, một phân. Nói láo không nhận hoa quả.  Chuối, chè, xôi, tương, chao, đậu phọng.

Tòng Phạm Thứ Tư Giết Trịnh Công Sơn, Chính Là Tôi – Lê Mai Lĩnh

Câu chuyện tôi giết Trịnh Công Sơn như sau:
Một ngày nọ đầu năm 1993, từ trong nhà bưu điện đi ra, tôi gặp họa sĩ CHÓE. Anh còn là một nhà văn tên là Nguyễn Hải Chí (Chí Chóe). Chúng tôi viết chung cho tuần báo KHỞI HÀNH nên quen thân nhau. Anh hỏi tôi đi đâu. Tôi nói tôi đi xin tiền. Anh hỏi quen ai trong đó mà xin. Tôi nói tôi đi gởi thư sang Mỹ xin tiền con tôi. Anh hỏi tôi có bận gì không. Tôi nói tôi thất nghiệp. Anh nói tôi lên xe của anh. Honda dream. Anh chở tôi đến 52 Trần Quốc Thảo, là quán Cà phê văn nghệ của thành phố. Anh gọi 4 lít bia hơi, một gói ba số 555 và một con mực khô. Tôi nghĩ trong bụng là mình trúng mánh. Dạo đó, bạn bè mời nhau một ly cà phê sữa, điếu thuốc thơm đã là quí. Sau khi uống xong gần một lít đầu tiên, nhìn xa xa, phía bên phải, tôi thấy Trịnh Công Sơn ngồi với Trần Hữu Lục, nhà văn và một người đàn ông khác. Tôi nháy mắt về phía họ và hỏi Chóe, người đàn ông kia là ai, hai người kia thì tôi biết. Chóe nói đó là cựu dân biểu Lý Quí Chung. Đó là lần đầu tiên tôi biết mặt ông ta. Trần Hữu Lục dạy tại trường Bùi thị Xuân Đà Lạt, khi tôi là Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại chi khu Lạc Dương Đà Lạt. Mấy ngày cuối cùng trước khi Đà Lạt di tản, Trần Hữu Lục mất chiếc xe Honda dame, mà anh nghi cho người bạn cùng cư xá lấy trộm. Anh định nhờ chúng tôi, với tư cách nhà binh, hù dọa người kia, để lấy lại chiếc xe. Trong bọn tôi còn có Đại úy Nguyễn Vinh Hiển (tức nhà văn Hoàng Khởi Phong, hiện ở California) là trưởng đồn quân cảnh Đà Lạt, là nặng ký nhất. Chưa lấy được xe cho Lục, Đà Lạt di tản. Trần Hữu 
Lục, phần tiếc của, phần không có phương tiện chạy, anh ở lại Đà Lạt. Sau ngày 2/4/75 anh có công ở lại chờ Quân Giải Phóng. Nhờ thế, anh và Thái Lãng, tác giả cuốn NHẬT KÝ CỦA NGƯỜI TRUNG SĨ THÔNG DỊCH VIÊN, văn chương phản chiến, trở nên những khuôn mặt lãnh đạo Văn học Nghệ Thuật Tuyên Đức/ Đà Lạt sau ngày 30/4/75. Ngày 13/5/75 tôi trở lại Đà Lạt xem chừng của cải mình bỏ lại những gì. Gặp hai người ở khu Hòa Bình, họ khuyên tôi nên về trình diện tại Đà Lạt, họ sẽ kéo tôi vào Ban báo chí của Thành phố. Tôi ấm ớ hội tề. Ừ ừ cho qua chuyện. Tôi nghĩ, ngay cái việc tôi qua mặt Thiếu tá chi khu Trưởng, ra lệnh cho lính nghĩa quân thôn Thái Phiên bắt 5 con heo của cơ sở Việt Cộng sau ngày ký hiệp định Paris làm thịt khao quân, cũng đủ cho dân Thái Phiên chặt đầu tôi rồi. Nghĩ thế, tôi lạnh cẳng. Đêm Đà Lạt không ngủ, nằm nghe chó sủa. Bốn giờ sáng hôm sau mua vé xe về lại Saigon như chạy trốn. Mà tôi chạy trốn thật. Lầm lũi như một tên tộâi phạm. Sau khi uống gần xong hai lít bia, đốt vài điếu thuốc, ăn vài miếng mực, tôi nói với Chóe: ‘’ông ngồi đây, tôi qua bàn kia, tôi đấm vào mặt ba thằng kia ba đấm, rồi đời đưa tôi đi đâu cũng được’’. Chóe hoảng quá, lấy tay quàng vào vai tôi như muốn cầm giữ tôi lại. Chóe nói với tôi, là đời không đưa ông vào đâu hết, nhưng công an chắc chắn sẽ đưa ông vào tù. Nghe tới tù tôi hơi ngán. Tôi mới 9 năm tù chớ mấy, nhưng tôi đã biết lễ độ. Một đỗi sau Chóe kêu tính tiền. Tôi chia tay Chóe đi bộ về hướng cầu Trương Minh Giảng. Vừa đi vừa nhìn lại phía sau, xem xem có công an đuổi theo hay không. Biết đâu Chóe nói lại điều đó với Trịnh Công Sơn. Bây giờ tôi hối hận là tôi đã hèn nhát, tôi quá tệ. Giá gì ngày hôm đó tôi đấm vào mặt Trịnh Công Sơn sau khi cho anh ta một bài chiến tranh tâm lý chiến (tâm  lý chiến là nghề của tôi mà) thì biết đâu anh ta tỉnh ngộ, nhận ra lẽ thật đường ngay, không lao vào hố sâu bồi bút. Tôi hèn quá phải không quí vị. Tôi đã là tòng phạm giết thiên tài của chúng ta quá đi chứ.

ĐÔI ĐIỀU XIN THƯA VỚI QUÝ NGÀI CẦM BÚT TRONG SỐ VĂN ĐẶC BIỆT VỀ TRỊNH CÔNG SƠN

Với những bài viết trong số báo VĂN nầy, nếu là một người thầy giáo chấm bài, tôi sẽ cho điểm bài viết  của tác giả Bùi Bảo Trúc nhiều hơn cả. Bài viết tương đối cặn kẽ, sâu sắc. Nhưng ông đã có một sai lầm lớn khi kết luận : ‘’Trịnh Công Sơn trong thế đứng khó khăn, thế đứng dựa vào Nhân Bản và Dân Tộc đó, ông đã giữ được cho tới cuối đời mặc dù trong đời sống đã có lúc ông bị buộc phải đi trên sợi dây cheo leo, dưới chân là bờ vực hiểm nghèo’’. Theo ông Bùi Bảo Trúc, Trịnh Công Sơn đứng dựa vào Nhân Bản, Dân Tộc cho đến cuối đời. Đúng hay sai xin nhường quí chư vị độc giả phán xét. Tôi mà phân tích ra thì e quá dài thòng. Ông Đặng Tiến viết: ‘’Người ta đánh giá một tác giả qua những tác phẩm anh ta thực hiện, chứ không qua những tác phẩm mà ‘lẽ ra’ anh ta phải thực hiện, Nhân danh cái ‘lẽ ra’ ấy, người làm văn học nghệ thuật đã là nạn nhân của bao nhiêu là oan khiên, oan khốc và oan khuất. Người ta đánh giá một tác giả qua những tác phẩm anh ta đã thực hiện. Câu này đúng, quá đúng.

Nhưng khi Đặng Tiến viết ‘’chứ không qua những tác phẩm mà ‘lẽ ra’ anh ta phải thực hiện. Nhân danh cái ‘lẽ ra’ ấy, người làm văn học nghệ thuật đã là nạn nhân của bao nhiêu là oan khiên, oan khốc và oan khuất’’. Câu này khó hiểu và vô nghĩa trong trường hợp mọi người đang nói tới Trịnh Công Sơn. Điều rất rõ ràng ở đây là mọi người đang phê phán đánh giá tác phẩm Trịnh Công Sơn qua những tác phẩm Trịnh Công Sơn đã thực hiện (hiện có) trước và sau 75. Không ai nói tới và không ai chờ đợi cái ‘lẽ ra’ gì hết. Cái ‘’lẽ ra’’ chưa có thì làm răng mà ‘’nhân danh cái lẽ ra’’ được, để đẩy tác giả vào ba nỗi oan (oan khiên, oan khốc, oan khuất). Cũng ông Đặïng Tiến. Ông có óc khôi hài và ông kéo chúng ta vào mê hn trận khôi hài của ông khi ông cho rằng Trịnh Công Sơn làm khổ nhục kế để kéo dài hơi thở văn hóa của một chế độ đã bị bức tử. Họ Đặng viết: ‘’Nếu ai đó nói rằng (chỉ có Đặng Tiến nói/ chứ không ai khùng để nói/ ghi chú LML); Trịnh Công Sơn là một khổ nhục kế, để kéo dài hơi thở văn hóa của một chế độ chính trị đã bị bức tử, thì là lời đại ngôn, duy cảm, nghịch lý, vớ vẩn. Vớ vẩn trong một số lời ca trong tác phẩm Trịnh Công Sơn, NHƯNG BIẾT ĐÂU CHẲNG LÀ SỰ THẬT? Sự thật trong bao nhiêu cái vớ vẩn, kể cả trong lịch sử. Quí vị xem xem, tôi ‘’lên lớp’’ với ông Đặng Tiến như thế ĐÚNG hay SAI. Xin chỉ dạy cho tôi biết.

Ông Trịnh Cung viết: ‘’chúng ta không biết bi kịch đó cho nên chúng ta CÓ NHỮNG NGỘ HẬN ĐÁNG TIẾC’’.

Không những chúng tôi biết bi kịch đó, chúng tôi còn biết những bi kịch khác nữa, và CHÚNG TÔI KHÔNG NGỘ NHẬN. Về ông Thượng Văn thì quá xá quà xa. Kiến thức và lý luận không cao hơn đầu con vịt. Ông đặt ra hai vấn đề, nhưng cả hai đều trớt huớt. Thứ nhất ông hỏi chúng ta: ’’Và chúng ta đều quên rằng, trong lúc sinh tiền Ông (Martin Luther King) là người đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của Mặt trận Giải Phóng ở Việt Nam thời chiến. Thế thì tại sao chỉ và phải là Trịnh Công Sơn?’’ Câu này có hai điều chứng tỏ ông Thượng Văn thiếu khôn ngoan. Thứ nhất, ông chọn nhầm người. Martin Luther King có ủng hộ Mặt Trận thật, nhưng ông CHẾT QUÁ SỚM, trước khi Miền Nam mất, trước khi Mặt trận bị cho ra rìa, trước khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, do vậy việc ủng hộ Mặt trận của ông lúc đó không có giá trị gì cả.

Thử hỏi. Ai là người có cảm tình với Cộng Sản hơn Jean Paul Sartre, nhưng sau đó nguyền rủa Cộng Sản, cũng đâu có ai nguyền rủa hơn Sartre. Thứ hai, khi ông viết: ’’Thế thì tại sao chỉ và phải là Trịnh Công Sơn’’. Câu này hàm ý kết tội hơn là bênh vực TCS... Câu hỏi thiếu khôn ngoan thứ hai của ông Thương Văn là: ’’Ca ngợi về tình yêu như Trịnh Công Sơn đã làm trước và sau 1975 phải chăng cũng là một thái độ chính trị’’. Thưa ngài Thượng Văn, ngài chia bớt cho tôi cái dốt chứ, sao ngài dành cho mình nhiều vậy. Thưa ngài, những bài TÌNH CA của Trịnh Công Sơn trước 1975, trong chúng tôi và toàn thể nhân dân miền Nam không ai đặt câu hỏi hay nghi vấn gì về thái độ chính trị của tác giả hết. Nhưng cũng xin thưa với ngài Thượng Văn rằng thì là’’ những bài tình ca của Trịnh Công Sơn không thể tồn tại và sống được ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước năm 1975... Đó là một điều chắc chắn. Sau năm 1986 có đổi mới, giáo sư Việt cộng Hoàng Như Mai trong một buổi nói chuyện liên quan tới văn học cho biết, là trong thời kháng chiến, trong một bài thơ của thi sĩ Chính Hữu có chữ EM, cả đơn vị phải sinh hoạt nội bộ một tháng để tìm cho ra EM là AI. Ví dụ khác, theo cán bộ hồi chánh Phạm Thành Tài cho biết, bài thơ VƯỜN XƯA của Tế Hanh rất hay, nhưng cũng bị kết tội là ‘’cá nhân chủ nghĩa, làm giảm  tinh thần chiến đấu của bộ đội’’. Bài thơ như sau, rất hay, xin chép tặng quí độc giả những ai chưa biết
                                              
VƯỜN XƯA                    

Cây trong vườn cứ mỗi ngày mỗi xanh
Tóc mẹ già cứ mỗi ngày mỗi bạc
Hai chúng ta ở hai đầu công tác                     
Biết bao giờ trở lại vườn xưa
  
Hai chúng ta như ngày nắng tránh ngày mưa                     
Như mặt trăng mặt trời cách trở                     
Như sao hôm sao mai không cùng ở                     
Biết bao giờ trở lại vườn xưa
                     
Hai chúng ta như tháng mười hồng
tháng năm nhãn                   
Anh theo mây về tháng tám                     
Em theo chim về với tháng ba qua
                     
Một ngày Xuân anh trở lại quê nhà                      
Nghe mẹ nói ‘’Em có về hái ổi’’                     
Anh nhìn lên vòm cây nghe gió thổi                     
Lá như môi thì thầm gọi em về
                     
Một lần sau anh trở lại nhà                    
Nghe mẹ nói ‘’Em có về qua giếng giặt’’                   
Anh nhìn xuống giếng, giếng nước sâu trong vắt                   
Giếng nước sâu trong soi rõ bóng hình em
                   
Cây trong vườn cứ mỗi ngày mỗi xanh                     
Tóc mẹ già cứ mỗi ngày mỗi bạc                      
Hai chúng ta ở hai đầu công tác                     
Biết bao giờ trở lại vườn xưa

Chín năm ở trong tù, mỗi lần đọc bài thơ nầy tôi đều khóc. Lý do: Tôi ở tù ngoài Bắc, vợ tôi ở tù trong Nam. Không phải là hai đầu công tác, mà là, hai đầu đều ngục tù. Hôm nay, chép lại bài thơ nầy, tôi cũng đang khóc. Đủ biết bài thơ hay như thế nào. Trở lại câu hỏi của ông Thượng Văn. Hẳn nhiên những bài TÌNH CA của Trịnh Công Sơn sau 1975 là phải có thái độ chính trị. Tác giả phải biết như thế và thính giả cũng phải hiểu như thế. Mọi người đều biết như thế, chẳng lẽ ông Văn không biết. Vậy ông muốn cái gì ?

Ông Du Tử Lê viết: ‘’Cuộc chiến giữa các ý thức hệ, hay giữa những đối lực đã dứt, hai mươi năm đã lùi xa, người ta kiểm điểm những thương vong, kết tóm những đổ nát ... cùng lúc với nỗ lực thiết kế những rào cản, từ nhiều phía, đã không dập tắt được cõi nhạc Trịnh  Công Sơn. Nó vẫn bay bổng, vẫn thấm trong những nhịp Việt Nam lưu lạc’’.

Đoạn văn trên của ông Du Tử Lê là SÁO NGỮ, VU VƠ, không xoáy vào trọng tâm, tức là không nói rõ được điều gì hết. Duy một điều, ĐẼO GỌT, TRAU CHUỐT và LÀM DÁNG ngôn ngữ. Cõi nhạc của Trinh Công Sơn là cõi nhạc nào ? Cõi nhạc TÌNH CA trước 1975 hay cõi nhạc chính trị BỒI BÚT sau 1975 khi đã nhận làm cán bộ âm nhạc cho chế độ Cộng Sản. Liệu Ông Du Tử Lê có cần chúng tôi cho Ông nói lại hay không ...? Nếu là CÕI NHẠC TÌNH CA, vâng, chúng vẫn còn bay bổng, thấm thấu trong những nhịp đập Việt Nam lưu vong. Nếu là CÕI NHẠC CHÍNH TRỊ, BỒI BÚT kiểu ‘’em ra nông trường, em ra biên giới’’ hay «XÓA HẾT NHỮNG NGÀY TỐI TĂM, BÓNG DÁNG SAO VÀNG LỒNG LỘNG, ĐOÀN TÀU ĐI THỐNG NHẤT HAI MIỀN’’ hay ‘’KHI QUA RỪNG KHI QUA SUỐI, THẤY VUI THEO BƯỚC CHÂN ĐỒNG ĐỘI. TRONG NHỮNG NGÀY GIAN NGUY ẤY BIẾT BAO NHIÊU NHỮNG CÂU CHUYỆN VUI’’ thì không. Những dòng nhạc sặc mùi máu ấy xin dành cho ông Du Tử Lê thấm thấu và bay bổng. Mấy năm nay, có nhiều trường Đại học và tổ chức văn hóa tư nhân cho ông Du Tử Lê BAY BỔNG, nên bây giờ ôâng muốn LỘN NHÀO chắc. Vừa vừa thôi ông Đại Úy Lê Cự Phách. Hát xiệc, đánh đu, không phải là nghề của chàng...

Bà KHÁNH LY nhận xét con người Trịnh Công Sơn như sau: ‘’Ông Trịnh Công Sơn là người nhạc sĩ duy nhất chỉ sống cho người mà không sống cho mình. Cái ông quan tâm tới là gia đình, là bạn bè, là anh em. Và trên hết là Dân Tộc, là Quê Hương. Có nghĩa là ông là người Việt Nam và ông yêu quê hương, yêu Tổ Quốc. Cho nên tôi nói ông ở lại Việt Nam là điều đúng. Và ông đã ở lại Việt Nam, ông đã sống những tháng ngày ở Việt Nam sau năm 1975 bằng cả một tấm lòng, một trái tim không nặng nề cho dẫu có những đau đớn ông phải trải qua, có những nỗi oan ông phải gánh chịu. Và chính những điều đó của ông Trịnh Công Sơn, hình ảnh của ông lại càng trở nên VĨ ĐẠI HƠN, LỚN LAO HƠN trong trái tim tôi, trong sự suy nghĩ của tôi’’.

Một con người, thời thanh niên uống dấm để trốn lính, nhưng sống nhờ vào bạn bè bằng những đồng tiền lính, thời trung niên đầu hàng Cộng sản trở thành tay sai, bồi bút, phủ nhận sự nghiệp văn nghệ của mình từ trước, thời lão niên, uống rượu như một thái độ tự sát, không một lời ăn năn, sám hối vì không thấy được những sai lầm của mình trong qúa khứ. Lẽ nào con người ấy yêu Quê Hương, Tổ Quốc, lẽ nào con người Vĩ Đại và Lớn Lao. May là Bà Khánh Ly là đàn bà, chứ một thằng đàn ông nào mà nói như thế, thì chắc là ăn đòn tới chết. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, VĨ ĐẠI ở đây biết đâu Bà Khánh Ly nói theo nghĩa đen, là CÁI ĐUÔI TO (Vĩ là đuôi/ Đại là to). Liệu chúng ta có nên hiểu là Trịnh Công Sơn là người có cái ĐUÔI TO, mà chỉ có Bà Khánh Ly mới biết. Thôi. Độc giả muốn hiểu sao cũng được.

LỜI CUỐI CÙNG CHO MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG

Ông SƠN, truớc năm 1975. Tôi là người duy nhất công khai viết bài bênh vực Ông.  Ngày 7/5/1975 ra mắt BAN QUÂN QUẢN, tôi gặp Ông lần đầu tiên, cũng là cuối cùng, dưới gốc cây đa bên hông dinh ĐỘC LẬP. Tôi nói và Ông cảm ơn tôi về bài báo đó. Năm 1979, trong nhà tù tại Vĩnh Phú, tôi đọc bài viết của Ông đăng trên số báo ĐỐI DIỆN tròn 100 số. Ông viết: ’’Sau một đêm ngủ dỗ, sáng hôm sau thức dậy, thấy nhà máy, công trường mọc lên như nấm’’. Tôi tự nhủ: ‘’Thằng nầy hỏng, Đồ hèn’’. Suốt những năm tháng về sau, những tưởng ông khá hơn sau Liên Xô, Đông Âu, bức tường Bá Linh sụp đổ, tôi chờ đợi ông, tiếng nói dõng dạc của người trí thức văn nghệ sĩ, tiếng nói đại diện cho những tiếng đau thương của 75 triệu đồng bào. Hóa ra, hư vô. Hóa ra, điều tôi tự nhủ từ năm 1979 trong nhà tù Vĩnh Phú lại là ĐIỀU TIÊN TRI/ Thằng nầy hỏng/ Đê hèn. Sau nầy ra Hải Ngoại, có thêm duy nhất một lần nữa, tôi nguyền rủa ông. Vì trước đó tôi nghĩ, sẽ có ngày THẦN TƯỢNG BỊ XÉ XÁC. Và, tôi muốn im lặng. Tôi không muốn quấy rầy giấc ngủ ngàn thu của ông, dù tôi biết, ông không hề nhắm mắt. Ông không bao giờ nhắm mắt. Nhưng tôi không thể im lặng không lên tiếng, vì SỰ THẬT, vì LỊCH SỬ và cũng vì ÔNG.

Có người, nhân danh bạn của ông, muốn viết bài bênh vực ông, chúng lại kết tội ông. Có người, nhân danh bạn ông , khóc ông, dù trước đó chúng đã giết ông. Tệ hơn hết là, có người, nhân danh bạn ông, muốn dành lẽ phải về ông, nhưng lại xuyên tạc LỊCH SỬ và SỰ THẬT. Có một tác giả nào đó nói đúng: ’’Suốt đời, ông là người cô đơn dù chung quanh rất nhiều bạn’’.

Mục đích tôi viết bài nầy là viết vì những người đó. ‘’Cái gì của Trịnh Công Sơn, trả lại cho Trịnh Công Sơn. Cái gì của Sự Thật và Lịch sử, trả lại cho Sự Thật và Lịch Sử’’. Tôi xin nói thêm nữa một điều tiên tri: ông không chết đâu. Gia tài âm nhạc của ông quá lớn và quá độc đáo, mà đồng bào ta thì luôn luôn có lòng bao dung và tha thứ.

Sơn Không Chết Đâu Sơn.
Amen.

Viết giữa lúc cơn suyễn hành hạ/ lục tuần rồi
LÊ MAI LĨNH
28/5/2001