Saturday, July 18, 2015

Trần Hoài Thư, Tên Cowboy Hai Súng 
                                           - Lê Mai Lĩnh 

Bút danh của chàng là Trần Hoài Thư. Nhưng tôi không nói cho quý vị biết, hắn là Trần Hoài Thư đâu. Tên khai sinh của hắn là Trần Quý Sách.
Trần Quý Sách là một ký thác định mệnh, do ông cụ thân
sinh đặt cho hắn. Hắn biết điều đó, nên khi bắt đầu cầm bút như một vũ khí thứ hai, hắn chơi luôn, tới luôn, tự đặt tên cho mình là Trần Hoài Thư.
Con là một đứa con họ Trần, Quý Sách. Vâng, con phải là một gã họ Trần, Hoài Thư. Quý Sách hay Hoài Thư thì cũng thế. Một người nào đó là Quý Đô La, chúng ta không nên sợ. Nhưng chúng ta phải coi chừng, phải sợ, cái con người Quý Sách hay Hoài Thư.
Cái con người Quý Sách hay Hoài Thư này là báo hiệu của một sự khủng khiếp ghê gớm, chẳng phải chơi đâu.
Và quả đúng như thế.
Hắn đã lên đường, đã xuống bút, đã ra tay và rút súng và chơi hai súng. Đó là những năm cuối của thập niên 60. Đó là những năm mà Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế đang ngự trị chói lọi trên đỉnh cao Văn Học, là những đàn anh, bậc thầy, mà tuổi trẻ cầm bút chúng tôi phải kính trọng, phải vị nể. Họ khen một tiếng, chúng tôi mừng. Họ chọn đăng một bài trên Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Thế Kỷ Hai Mươi, là chúng tôi thích thú lắm.

Thế mà, với hắn, cái anh chàng Trần Hoài Thư này, thì khác. Hắn được đàn anh, bậc thầy tôn vinh, trọng vọng, nể nang ra mặt. Vì hắn đang báo hiệu một sự khủng khiếp.
Và tàng tàng, đều đều, cứ thế, những truyện anh xuất hiện trên Bách Khoa, Văn Học, Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Ý Thức, Nghiên Cứu Văn Học, Nghệ Thuật..., những tạp chí ngạo nghễ của một thời văn học thịnh vượng, dễ chừng cách nay đã trên 30 năm.
Bây giờ, ở đây, trước mặt, trên tay, của quý vị, là Ra Biển Gọi Thầm, tên đứa con của hắn. Hắn là đứa cực kỳ khôn ngoan. Ra Biển Gọi Thầm. Khôn. Ra biển mà gào, mà la, mà thét là thua. Thua ngay. Vì tiếng gào của hắn, tiếng la của hắn, tiếng thét của hắn, so với tiếng gào của sóng, tiếng thét của gió, tiếng la của mưa, thì có nhẩm nhò chi mô, có ăn thua chi mô. Nhưng Ra Biển Gọi Thầm thì «phê» lắm. Rất ăn tiền.
Ra Biển Gọi Thầm thì lại có người nghe. Tại răng rứa. Là vì, chàng đang gọi thầm với kỉ niệm, gọi thầm với quá khứ, gọi thầm với người chết, gọi thầm về quê nhà trong trí nhớ, hoài niệm. Hắn là đứa đang sống, cho và vì, những cái không còn.
Tôi có một ý nghĩ vừa chợt đến, mà trong sáng nay, lúc thức dậy vào 2 giờ sáng để viết về chàng, tôi chưa nghĩ ra. Là chàng, trong thế giới hoài niệm và dĩ vãng, chàng có thể là Vua, mà chàng cũng có thể là dân. Chàng có thể ngồi ở vị trí quan tòa hay đứng trước vành móng ngựa để nhận chịu bản án.
Tôi muốn nói là, chàng có thể hóa thân hay bị hóa thân, từ và vì, những bóng ma dĩ vãng.
Kiêu hãnh cho chàng biết bao và cũng tội nghiệp cho Trần Hoài Thư  biết bao.
Ra Biển Gọi Thầm. Hình ảnh của một Đạo Sĩ. Hẳn ông ta đang nhìn về phía mặt trời mọc. Ông phải có một cây gậy trong tay. Hình ảnh mới tuyệt cú mèo. Trần Hoài Thư, hãy võ trang cho ông già một cây gậy. Và hẳn nhiên, ông già tóc phải trắng toát đầu bạc.
Tôi sẽ không nhắc lại tên đứa con của anh là Ra Biển Gọi Thầm. Vâng tôi sẽ không nhắc lại.
Trong một mẩu quảng cáo anh gởi cho tôi nhờ đăng trên tạp chí Dân Việt. đại để»
Xin mời đọc vào trung tuần tháng 11
Ra Biển Gọi Thầm
Tuyển tập 21 truyện ngắn của Trần Hoài Thư

Có một điều anh đã làm tôi khổ, làm đau đớn cái thân già của tôi. Điều đã làm tôi bật khóc. Đó là anh viết:
«Từ một ngôi trường Đại Học, với người bạn gái Trung quốc từ chối ở lại Mỹ để trở về cùng Thiên An Môn... »
Vâng, từ một trường Đại Học, với người bạn gái Trung quốc từ chối ở lại Mỹ, để trở về cùng Thiên An Môn. Còn tôi thì sao? Lê Mai Lĩnh. Còn mầy thì sao?  Bao giờ thì mầy từ chối ở lại Mỹ để trở về cùng Thiên An Môn Sài Gòn, Thiên An Môn Hà Nội. Trong thơ mày, mày đã viết: «Củi đã có nhân dân, lửa đã có đồng bào. Hãy thắp sáng lên một trời quật khởi». Thì tại sao mày chưa về để cùng nhân dân, chiến hữu của mày làm nên điều đó, một Thiên An Môn Việt Nam. Đồ chó chết. Đồ hèn. Đồ Lê Mai Lĩnh. Hắn đã làm tôi khóc và tôi nguyền rủa tôi.
Cảm ơn Trần Hoài Thư đã cho tôi những dòng nước mắt. Từ những dòng nước mắt bạn cho tôi đó, tôi tin là đời tôi sẽ khá hơn.
Trần Hoài Thư phone cho tôi, nhờ tôi viết cho anh một cái gì đó về đứa con của anh, dù còn 15 ngày nữa mới ra khỏi nhà «hộ sinh». Tôi nhận lời ngay bởi hai lý do.
Một là, chỉ có tôi mới đủ thẩm quyền viết về anh. Tôi nghĩ vậy. Anh và tôi có cùng chung nhiều mẫu số. Cùng là

Con Người, cùng một Tổ Quốc, cùng một đội ngũ, cùng một chứng nhân trong chiến tranh, cùng là dân chơi hai súng, cùng xuất thân từ lò Thủ Đức, cùng trong Ban Biên Tập tờ Bộ Binh của trường, cùng quan điểm không cho mình là kẻ chiến bại trong cuộc chiến vừa qua, cùng là thứ tù khổ sai của CS, cùng là thứ lưu dân. Cái cùng sau hết, cùng cầm tinh Con Ngựa. Tuổi Ngọ. Với ngần ấy cái cùng, tôi đủ «chơi» với Trần Hoài Thư.
Tôi nói điều này với Trần Trung Đạo và tôi hứa với gã nhà thơ họ Trần, là, nếu tôi viết dở, tôi không còn là bạn của anh. Tôi mong bài viết này không làm tôi mất Trần Trung Đạo, như trước đây, khi viết về Trần Vấn Lệ, vì quá hay, tôi đã mất Lệ.
Hai là, được anh nhờ viết, là một vinh dự cho tôi. Được viết về Trần Hoài Thư là một niềm hạnh phúc của tôi. Được anh nhờ, được lọt vào mắt xanh của anh, tôi nghĩ, chắc mình cũng ngon cơm. Biết đâu, nhờ hào quang của anh, tôi bớt đi sự tăm tối. Tôi tự biết mình. Tôi không bằng anh.
Trước năm 1975, độc giả của anh nhiều lắm. Tôi thì ít xỉn. Trước năm 1975, nghe nói tên anh, nhiều người sợ. Tôi thì chẳng ai sợ cả. Thiệu-Kỳ-Khiêm, sợ anh. Hồ-Duẩn-Đồng sợ anh. Lãm-Du-Quang, sợ anh. Một ngòi bút có sức mạnh bằng cả sư đoàn. Điều này có không ? Nhưng một ngòi bút có thể bỏ tù một chế độ, trước nhân dân, trong lịch sử, tôi tin là có thật.
Nhưng mà, cái anh làm cho nhiều người sợ, thì đàn bà, họ không sợ anh. Vì thế anh có nhiều độc giả nữ. Từ đó anh có nhiều mối tình, nhiều tình nhân. Phải thế không người anh em. Thành thật khai báo đi «đồng chí» ạ.
Sợ tôi chờ đợi lâu, không có thời gian để đọc, để viết, chàng gởi tập bản thảo cho tôi. Và tôi đã nhận. Và tôi đã đọc.Và tôi đã sợ. Tôi không còn ý định hăm hở nữa, để đụng vào tác phẩm của chàng.
Đó là một bản phác thảo toàn bộ bản chất của chiến tranh Việt Nam. Đó là một pho tượng vô hình, khổng lồ mà mắt tôi không thể thấy hết. Đó là một bản cáo trạng, mà trong đó có hình ảnh của tôi như một thủ phạm, dẫu gián tiếp, mơ hồ. Đó là một tấm gương soi thấu suốt từ dĩ vãng tới tương lai.
Tôi khánh kiệt, tôi mạt rệp. Tôi u tối. Xin ông cho con đầu hàng. Bỏ cuộc. Tôi nhìn lại Lê Mai Lĩnh và tôi nhìn lại đứa con của anh, Ra Biển Gọi Thầm, tôi nói với lòng tôi, chớ tưởng bở nghe con, chớ đại ngôn, khoác lác nghe con. Đồ Lê Mai Lĩnh.
Hắn là con Đại Bàng, mày là chim sẻ.
Hắn ta là Hải Âu, chim Ưng, mày là gà què. Nhớ nghe con. Tôi không nói ngoa đâu.
Trong khi tôi là Con Rùa (Địa phương quân), sáng từ đồn, dẫn trung đội xuống đường, rà mìn, lục soát, cho lính bố trí, canh gác xong, lên võng nằm đọc sách, báo. Chiều, bắn ba phát súng, hiệu lệnh cho thu quân, vào đồn, để đêm với dân, với Việt Cộng, mặc cho chúng truyên truyên, thu thuế, bắt người và giết người. Tàng tàng, ngày lại ngày. Nắng mưa đều như rứa hết.
Trong khi đó, đại bàng Trần Hoài Thư nhảy trực thăng, leo núi đá, đột nhập, truy lùng, bao vây, phục kích, phản kích khắp các chiến trường, mât trận, có mặt trên hầu hết các điểm nóng của chiến tranh Vùng Hai.
Trong khi tôi thì, mỗi cuối tuần, bằng mọi cách, tìm về nhà ngủ với vợ, vợ mới cưới còn thơm mùi mít, thì hắn, không có ngày, có đêm, miệt mài trong rừng sâu, giữa hố bom, truông gai nhọn, đá núi sắc, hiên ngang, anh dũng, quần thảo với giặc, như một hiệp sĩ, như một người hùng với khẩu súng cầm tay và ngòi bút từ tim. Khẩu súng khạc ra lửa và ngòi bút làm nên chữ, nên văn. Anh viết bằng máu của chính mình và đồng đội. Từ đó, tác phẩm của anh mang sức mạnh của những trái pháo, những tạc đạn, những quả mìn, làm rung động Ngũ Giác Đài, là sụp đổ Điện Cẩm Linh, làm thoi thóp những thây ma còn di động ở Bắc Bộ Phủ.
Đúng như  thế đó. Lối viết của anh, hay lối đánh của anh, chiến thuật cũng như chiến lược, là chiêu đánh ngày trước của Nguyễn Trãi, Tâm Công. Đánh vào lòng người. Với lối đánh đó, chiến trường không có xác chết, súng đạn không làm thành chiến lợi phẩm, nhưng làm nên những trái tim nhức nhối, những lòng người thao thức, những phận đời đắng cay. Anh làm cho kẻ thù của anh, cũng như kẻ thù của nhân dân anh, anh làm cho đồng minh của anh, cũng gọi là người bạn của nhân dân anh, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên. Tác phẩm của anh là tấm gương soi, nhìn thấy cái bản mặt của chúng. Tàn ác là phản bội. Đạo đức giả vô luân. Không bỏ qua, cái bọn nhân danh lãnh đạo, để buôn bán chiến tranh, là xác chết đồng đội và máu xương đồng bào. Tác phẩm của anh sẽ trở thành bất tử. Lời tố cáo của anh, qua tác phẩm, sẽ sống mãi với thiên thu. Anh chơi tối đa, dù không nói ra, tao sẽ bỏ tù chúng nó, trong lịch sử. Hoan hô Trần Hoài Thư.
Không phải nghi ngờ, anh là nhà văn đích thực. anh chàng còn là một thi sĩ. Nhưng để đó, tôi sẽ làm việc sau, với anh.
Vâng, Đại bàng Trần Hoài Thư là như thế. Không nói sai một tấc, một ly. Vậy thì mầy là cái thá gì mà dám đụng vào Đại bàng, hỡi thằng Lê Mai Lĩnh mắt sâu râu rậm.
Đúng như thế. Anh là Đại bàng, tôi là chim sẻ. Anh là đại dương, tôi là ao tù.
Thôi tôi sợ ông lắm rồi. Nhiều thằng sợ ông, thêm tôi nữa, có sao. Ông tha cho con. Anh tha cho em. Mày tha cho tao. Tôi sợ đụng vào đứa con của anh lắm lắm.
Thưa anh Trần Hoài Thư,
Tôi nói dzậy, nhưng không phải dzậy. Anh biết tính tôi mà. Đã hứa là phải làm. Đã chơi không biết run. Tôi sẽ tới luôn. Một trăm phần trăm. Cạn ly.
Vâng. Một trăm phần trăm. Cạn ly.

Tôi sẽ không nói với quý vị, Ra Biển Gọi Thầm gồm 21 truyện ngắn. Tôi cũng sẽ không nói với quý vị, tập truyện dày 222 trang không tính cả bìa.
Tôi cũng quên luôn, và quý vị cũng không cần nhớ, truyện có bao nhiêu nhân vật. Già, trẻ, sồn sồn, dậy thì, vị thành niên, đực hay cái. Không nhớ là tốt. Nặng óc. Nhọc thân.
Nhưng có điều mà chúng ta không thể quên. Cái điều này nó đã làm thay đổi mọi số phận. Cái điều này nó không tha, không từ chối, phủ bóng đêm đe dọa lên mỗi người chúng ta. Tôi muốn nói tới con quái vật chiến tranh.
Vâng. Con quái vật chiến tranh. Mà là chiến tranh Việt Nam. Một thứ chiến tranh không giống ai. Một thứ chiến tranh mang quá nhiều bộ mặt ba trợn, ba que, ba xạo. Một thứ chiến tranh mang tính chất xà bát. Nó không phân định lằn ranh, giới tuyến, không có hậu phương, tiền tuyến rõ ràng, dứt khoát. Chiến tranh trên mỗi mâm cơm, từ một quả lựu đạn ném vào. Chiến tranh trên mỗi chiếc giường ân ái, từ một quả đạn pháo kích rót xuống. Từ một cỗ quan tài nổ tung, người chết hai lần, do một quả mìn chôn giấu dưới mặt đất. Vân vân và vân vân. Trong một cuộc chiến tranh, mà chính nghĩa và phi nghĩa, được hiểu như thế nào cũng được.
Một cuộc chiến tranh thực kỳ cục. Một cuộc chiến tranh không giống ai. Một cuộc chiến tranh, mà, trong khi người lính ngày đêm săn lùng, tìm kiếm, truy kích, tìm diệt đối phương, kẻ thù, thì cấp lãnh đạo, ông tướng mặt trận lại đi bán gạo, thuốc tây cho kẻ thù Việt Cộng.
Cứ như thế. Hết biết. Không giống ai. Không giống con giáp nào. Mập mờ. Lừng khừng. Chao đảo. Ngả nghiêng. Rối như tơ. Đen như mõm chó.
Và Trần Hoài Thư đã xuất hiện. Ngòi bút của anh là thứ ánh sáng rọi vào bóng đêm, đem ánh ngày lại, phân biệt, phải trái, đúng sai, với anh, với bạn bè, cho cuộc đời phía trước.
Trong Nhật Ký Hành Quân, trang 129, anh nói: «Tôi đang viết về một thảm kịch cho con cháu chúng ta trong tương lai, để sau này khi lớn lên chúng sẽ hiểu về cuộc chiến này». Đúng như thế. Tác phẩm của anh là một thông điệp gởi tới tương lai. Nhà văn Trần Hoài Thư làm cái công việc đại diện cho chúng ta, nói lên cái thảm kịch chiến tranh Việt Nam vừa qua, để khi lớn lên, con cái chúng ta hiểu về nó, tức là, cũng để cho chúng hiểu về chúng ta, mà thông cảm và tha thứ. Nếu thiếu điều này, sự hiểu biết về chiến tranh Việt Nam, chúng sẽ nguyền rủa chúng ta. Chúng sẽ nghĩ, chúng ta là những kẻ bỏ ngũ và thua cuộc.
Trong ý nghĩ đó, Trần Hoài Thư còn có sứ mệnh của một nhà chép sử. Người chép sử, thoát ra từ vị trí chứng nhân và nạn nhân, bằng máu của chính mình, qua ngòi bút, vẽ lên những trang sách bi tráng, từ đau buồn hiện tại, báo hiệu niềm lạc quan vô bờ ở tương lai, từ cúi mặt nhận chịu hiện tại tới ngẩng cao đầu kiên hãnh mai sau. Nhất định là như thế. Rõ ràng là như thế.
Trần Hoài Thư đang làm cái công việc trả Sự Thật lại cho Sự Thật, sau nhiều năm im lặng. Một lần nữa, riêng tôi, xin cảm ơn nhà văn Trần Hoài Thư.
Thưa quý vị,
Xin quý vị hãy coi như nãy giờ tôi không nói gì hết, tôi không hiểu gì hết. Chim sẻ làm sao hiểu được đại bàng, ao tù làm sao biết được ngọn nguồn của đại dương.
Tôi cũng có cảm tưởng, là biết đâu, trong số quý vị có mặt hôm nay, cũng như tôi, một số ít người, sẽ không hiểu thấu đáo, tường tận những gì nhà văn Trần Hoài Thư gởi gắm qua tác phẩm của anh, Ra Biển Gọi Thầm.
Đặc sệt, nhung nhúc, lũ lượt, những chữ và chữ, qua 222 trang sách, không đếm xuể, dòng nào, truyện nào, cũng có cái bóng chiến tranh trùm kín, khỏa lấp, tràn đầy.
Đúng như thế. Vì chủ đề của Ra Biển Gọi Thầm  là viết về chiến tranh, nói về chiến tranh. Do vậy. Vì thế cho nên, muốn đi vào trái tim đen của chàng, đi vào những ngõ ngách tâm hồn chàng, chúng ta hãy xem, hãy nhìn, hãy khám phá, hãy nghiên cứu, hãy căng thần kinh, hãy béc con mắt, hãy banh lồng ngực xông tới, tìm cho ra, nắm cho vững , đâu là bản chất của chiến tranh Việt nam.
Chỉ khi nào chúng ta hiểu được, bản chất của chiến tranhViệt Nam, chúng ta mới hiểu được tâm hồn chàng, nỗi đau cũng như niềm vui của chàng.
Trong ý nghĩ đó, tôi định là, những trang kế tiếp bài viết này, tôi thử đề nghị với quý vị, một cái nhìn về Bản Chất cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Nhưng buổi chiều nay, Trần Trung Đạo phone cho tôi, nói với tôi gởi gấp bài viết về Trần Hoài Thư để đánh máy, cho kịp số báo sắp phát hành là tờ Đồng Tâm của anh Trần Mih Trí và Nguyễn Thanh Huy. Tôi OK.
Do vậy, phần nói về bản chất của chiến tranh Việt Nam xin quý vị cho tôi khất lại lần khác, số sau, tôi sẽ trình bày.
Nói về nhà văn Trần Hoài Thư, có lẽ tôi còn nói nhiều hơn nũa.
Tạm thời xin ngưng ở đây.
Điều sau cùng tôi muốn nói là, xin cảm ơn song thân anh, đã cho ra đời một Trần Quý Sách. Tiếp đến, tôi cảm ơn chị Trần Hoài Thư và những người nữ đã đi qua trong đời chàng. Từ những trái tim nồng nàn của những người nữ đó, đã kết thành một Trần Hoài Thư nhà văn và nhà thơ.

Hoan hô người đàn bà
Muôn năm những người nữ
Vạn tuế những người tình
Cảm ơn những đôi mắt thật sắc, những mái tóc thật dài, những nụ hôn nồng cháy. Mắt đã chém, tóc đã cột, nụ hôn đã cầm tù, cho ta biết thế nào là Thú Đau Thương khi trái tim khóc những dòng lệ đỏ.
Điều này tôi nói hộ cho Trần Hoài Thư và mượn Trần Hoài Thư nói hộ cho lòng mình. Nếu bài viết có gì lạng quạng xin quý vị tha thứ cho tôi.

Lê Mai Lĩnh