Bầu Sữa Mẹ - Lê Mai Lĩnh
Lê Mai Lĩnh |
Em bé Hà Nội. Đến
hẹn lại lên. Mối tình đầu. Ngày tàn bạo chúa. Tuần lễ Thánh. Trẻ mãi không
già…. Đó là những cuốn phim chúng tôi được xem suốt thời gian đi tù Cộng Sản từ
Nam ra Bắc. Có những cuốn phim chúng tôi phải coi đi coi lại năm, bảy lần. Đó
cũng là một hình thức học tập, nên không ai trong chúng tôi có quyền vắng mặt
dù có bị đau ốm, trái trời trở gió. Có những đêm, đang ngồi xem phim, trời mưa
như thác đổ, tù nhân cũng không được rời sân bãi, phải chịu trận dưới mưa, ướt
như chuột, lạnh cóng cả người: Không thể hiểu khác đi, đó là hình thức tra tấn
mới, một lối trả thù mới, mà những kẻ chiến thắng dành cho chúng tôi, những kẻ
bại trận. Một lối trả thù của những trái tim chó sói.
Phim đầu tiên
chúng tôi được xem tại Trảng Lớn, dưới chân núi Bà Đen, ba ngày sau khi vào
trại là phim Em Bé Hà Nội. Phim do nữ diễn viên Trà Giang đóng. Tôi chỉ còn nhớ
một mình cô ta, những ai nữa tôi quên, chẳng muốn nhớ làm gì. Tôi nhớ lâu, có
lẽ, nhờ hai cái vú của cô ta. Và những ngày sau đó, toàn trại, láng nào ở láng
đó, chúng tôi học tập, phê phán, nhận định về tính ưu việt của nền điện ảnh Xã
Hội Chủ Nghĩa. Dưới đây là phần phát
biểu của tôi:
Ôi, hai cái vú
của chị Trà Giang, nó mới đẹp làm sao! Hai cái vú của chị Trà Giang, người nữ
diễn viên tài sắc vẹn toàn của phe Xã Hội Chủ Nghĩa miền Bắc phải tự hào về nữ
diễn viên ấy, về hai cái vú ấy. Hai cái vú không to cũng không nhỏ, hai cái vú
không ngắn cũng không dài, hai cái vú không đen cũng không trắng, hai cái vú
không cứng cũng không mềm. (Khi tôi nói không cứng cũng không mềm, tôi nghe
tiếng bạn bè chung quanh rì rào, có được bóp, được sờ đâu mà biết cứng hay
mềm).
Nhưng thưa cán
bộ, thưa các bạn, điều tôi muốn nói không phải là hai cái vú, mà là cái ở bên
trong hai cái vú, mà là cái ở xa xa, dưới hai cái vú. Tôi muốn nói đến giòng
sữa mẹ, qua hình ảnh chị Trà Giang, người nữ diễn viên tài sắc vẹn toàn, có hai
cái vú không đen không trắng, không ngắn không dài, không mềm không cứng (tôi
nghe tiếng bạn bè, lại cứng mềm nữa ông nội ạ). Vâng, những giòng sữa mẹ. Tất
cả chúng ta đều lớn lên từ giòng sữa mẹ. Kể cả bác Hồ kính yêu của chúng ta, kể
cả các ông trong Bộ Chính trị, vì tất cả mọi người chúng ta đều có cho mình một
người mẹ. Chúng ta đều từ những giòng sữa mẹ lớn lên. Trong đau khổ nhọc nhằn
một nắng hai sương, trong thao thức trăn trở ngày đồng sâu, đêm đồng cạn, mẹ đã
nuôi ta lớn lên, trong giông gió bão bùng, trong hạn hán lụt lội, trong đầu tắt
mặt tối, trong còng vai gãy lưng, mẹ vẫn không sờn lòng nuôi chúng ta lớn lên
từ giòng sữa mẹ.
Thế nhưng, (Thưa
cán bộ và các bạn cho tôi đốt thêm điếu thuốc nữa rồi tôi mới phát biểu tiếp).
Thế nhưng, thật
tội nghiệp cho mẹ, đớn đau cho mẹ. Thật tội nghiệp đau đớn cho hai vú của chị
Trà Giang, thế nào mà chẳng có lúc bị bầm dập, bị bóp. Nhờ sữa mẹ lớn lên,
nhưng rồi, những đứa con của mẹ, ngang tàng, hung hãn, đứa chạy theo chủ nghĩa
này, đứa vuốt đuôi theo chủ nghĩa khác, không còn nhớ tới mẹ, chúng chém giết
nhau, gà nhà bôi mặt đá nhau, phá trường phá lớp, phá nhà thờ chùa chiền, bom
đạn bắn phá bừa bãi lên thân thể của mẹ, lên quê hương của mẹ bằng sức thúc
đẩy, chiêu dụ của những chủ nghĩa ngoại lai, xa rời dân tộc. Những đứa con của
mẹ, nhờ giòng sữa mẹ lớn khôn, giờ không còn nhìn mặt anh em, giết nhau không
chùn tay, chặt đầu không chút xót thương, mắt con mẹ đã mù, tai con mẹ đã điếc,
tội nghiệp cho mẹ biết bao, tội nghiệp cho cái bên trong và cái bên dưới của
chị Trà Giang biết bao, là giòng sữa mẹ,
là giòng sữa của chị Trà Giang, gái một con trông mòn con mắt. Ôi chị Trà Giang
đẹp não nùng, múp, mướt và mượt biết bao, nhờ phe Xã Hội Chủ Nghĩa, nhờ tài
lãnh đạo thần thánh của Bác đã hun đúc lên chị Trà Giang, người nữ diễn viên số
một, hàng đầu của điện ảnh Hà Nội.
Người nữ diễn
viên có hai cái vú không ngắn không dài, không đen không trắng, không cứng
không mềm, được đem đi trao đổi văn hóa từ Đông sang Tây, từ Paris đến Ma-Rốc,
từ Angola tới Luân Đôn, từ Chi Lê tới Mạc Tư Khoa, hai cái vú trứ danh nhất thế
kỷ hai mươi ngập tràn máu lửa của người dân vô tội. Hai cái vú của chị Trà
Giang có sức mạnh tố cáo những thế lực bạo tàn phi nhân và phi dân tộc. Thật
tội nghiệp và oan ức vô cùng cho cái bên trong và nhất là cái bên dưới của chị
Trà Giang. Thật oan ức vô cùng cho cái bên trong và nhất là cái bên dưới của
chị Trà Giang. Suốt đêm hôm qua tôi không ngủ, chập chờn trong ký ức tôi là hai
cái vú của chị Trà Giang, người nữ diễn viên, sản phẩm của bác Hồ kính yêu và
chủ nghĩa Xã Hội cực kỳ ưu việt, cùng với hai cái vú của chị Trà Giang, mướt và
mượt hết ý, tôi còn nhớ những đầu lâu người chết bị chôn sống, những xác người
bị banh ra vì mảnh đạn pháo kích, những trận bom rơi của những thế lực ngoại
bang, tất cả làm tôi, những lúc êm dịu khi nhớ tới hai cái vú của chị Trà
Giang, không đen, không trắng, không to không nhỏ, không dài không ngắn, không
cứng không mềm. (Lúc nầy tôi nghe bạn bè chung quanh tôi nói, đêm nay khối
thằng ‘bắn máy bay’). Những lúc kinh hãi khi nghĩ tới những hồn ma xác chết.
Cảm ơn chị Trà Giang, cảm ơn hai cái vú của chị Trà Giang. Chị Trà Giang muôn
năm. Hai cái vú của chị thật vô cùng vĩ đại. Hai cái vú, hình ảnh bầu sữa mẹ,
đem chiến thắng về cho nhân dân. Phần phát biểu của tôi đến đây là hết.
Thưa nhà văn
Trần Hoài Thư, viết về Bầu Sữa Mẹ, tôi có thể viết dài hàng ngàn trang, nhưng ở
đây, nếu tôi viết dài ra, hóa ra tôi viết láo. Trên đây là lời phát biểu thật
tới 99,99 phần trăm của tôi ngày hôm đó. Và kể từ năm đó cho tới suốt gần 10
năm tù, tôi là đứa bị theo dõi tận tình nhất. Chúng cho mình phát biểu, không
phải vì tự do, nhưng là, chúng nó muốn đo mức “phản động” của mình tới đâu. Tôi
sợ chó gì chúng nó. Được dịp cho mình nói hết ý nghĩ của mình, được hâm nóng
nhiệt tình anh em và mua vui cho anh em chốc lát là thích lắm rồi. Trước sau
tôi vẫn là:
“Tù bọn nầy,
đừng có sợ linh tinh
Làm thế, chỉ khổ
cho thân mình
Hơi sức đâu mà
lo trời mưa nắng
Cứ bơ người mà
giữ sức bình sinh”.
Và nhờ thế, tôi
đã sống sót. Và nhờ thế, hôm nay, tôi tiếp tục chiến đấu. Sứ mệnh của nhà văn,
không thể quay lưng với số phận dân tộc. Trước một dân tộc khổ đau, vì bạo tàn, vì áp
bức, vì độc tài, trước đồng bào đang bị bóc lột, bị chà đạp, bị mất quyền làm
người, khi phẩm giá con người bị cướp đoạt.
Là nhà văn, anh
là một con chó, tệ hơn một con chó, nếu anh không lên tiếng bênh vực, đấu tranh,
đòi lại quyền làm người cho nhân dân anh. Cuộc đấu tranh, hẳn không phải thành
công trong một sớm một chiều, và đôi khi, nếu cần hy sinh, phải hy sinh cả một
đời nhà văn, một thế hệ. Anh là nhà văn, anh phải đốt lên ngọn lửa, ngọn lửa
đấu tranh, cho đời anh còn lại hay cho đời sau tiếp tục, khi anh thấy cuộc đấu
tranh đó, rõ ràng, dứt khoát là có chính nghĩa, là đúng, trước một kẻ thù nhân
dân, hiện nay là Cộng Sản, đã quá rõ ràng, là phi nhân và tàn bạo, một lũ cướp
của giết người, lộ liễu, trâng tráo mà ai cũng biết, mà ai cũng ghê tởm.
Nói ra điều này,
không có gì là mới, nhưng nó vẫn phải được nói lại nhiều lần, như một điệp
khúc, mãi mãi, được nhắc lại. Là cần thiết, mãi mãi được nhắc lại, vì cuộc
chiến đấu có thể sẽ còn lâu dài, trong khi đó, không nhiều, nhưng có những kẻ
đang tâm thỏa hiệp với kẻ thù nhân dân, vì được chia chác những bổng lộc, với
Cộng sản, bằng tài sản cướp bóc của nhân dân hay bằng bán rẻ tài nguyên Tổ quốc
cho ngoại bang. Chúng mua chuộc những kẻ, trước đây, cùng hàng ngũ với chúng
ta, nay quay lại, phản bội nhân dân, phản bội những chiến hữu của họ trong cuộc
chiến rõ ràng có chính nghĩa.
Chưa chiến thắng
được Cộng sản trong nước do những khó khăn chúng ta chưa vượt qua, do đội ngũ
chúng ta chưa hoàn bị, do tổ chức chúng ta chưa hoàn thiện, nhưng chúng ta không
thể để những tên phản bội ở hải ngoại tác oai tác quái, làm trở ngại cho cuộc
đấu tranh của chúng ta, làm thất bại niềm hy vọng của nhân dân và chiến hữu
trong nước đang tiếp tục chiến đấu trong lòng kẻ thù, đang hy vọng vào sự tiếp
sức của chúng ta, không nhiều, nhưng chắc chắn có và cần thiết.
Là những đứa con
của mẹ, nhờ bầu sữa mẹ, chúng ta lớn khôn, làm người, chúng ta không thể hoài
hoài làm những đứa con bất lực. Hãy làm lại, sau một lần thất bại. Hãy đứng lên
sau một lần vấp ngã. Mẹ không tha thứ cho chúng ta, những đứa con của mẹ, một
lần ngã xuống là gục luôn, một lần thất bại là xuội luôn. Hãy nghĩ về tổ quốc
mẹ đang bị giày xéo, đồng bào mẹ đang lầm than bởi những đứa con vong ân bội
nghĩa, bán linh hồn cho quỷ ngoại lai. Hãy đoàn kết lại, cùng làm một cuộc Phục
Sinh, vì Mẹ, cũng là vì quê hương, tương lai giống nòi.
Phải thế không
nhà văn Trần Hoài Thư./
Lê Mai Lĩnh