Trạch Pháp Nhãn - Lê Hoàng
Lâu lắm rồi, tôi bận vài
công việc và hơn nữa tuổi lớn, lái xe đi lại đường xa tôi cũng làm biếng lắm. Chủ nhật vừa rồi, ông bạn già của tôi gọi điện thoại nói là sẽ đến chở tôi đi chùa. Tôi trả lời:
“Thầy Tuyên Hóa nay không còn giảng pháp
nữa. Có thể anh em mình đến viếng chùa dâng hưong và cầu nguyện cho gia đình an lành, sức khoẻ." Ông bạn tôi – tuy nói là bạn, nhưng anh lớn hơn
tôi vài tuổi, nên anh như ra lệnh: "Ông
thay áo quần đi, đợi tôi tới đúng 7giờ rưỡi đấy.”
Hai anh em đến San
Francisco chừng hơn 30 phút
lái xe từ Oakland đi… Tình cờ, tôi được một vị huynh trưởng Phật tử ở dây giới thiệu
một vị Đại Đức còn trẻ chừng khoảng vào trên bốn mươi hoăc năm mươi là cùng (đệ tử của thầy Tuyên Hóa). Sau khi làm lễ dâng hương xong, đến giờ
thuyết pháp Đại Đức Thích Như
Tuệ bắt đầu vào hội trường. Thầy trông mạnh khoẻ, vóc người
cao, nước da hồng hào và nhất là đôi mắt đen huyền, sâu thẳm chứa đầy nghị lực.
Thầy giảng thuyết về bài “Trạch Pháp nhãn,” có
nghĩa là Con mắt biết chọn pháp. Ý nghĩa: Học Phật
Pháp, mình cần phải có Trạch Pháp Nhãn, tức là con mắt biết chọn pháp, biết cái nào là pháp, cái nào không phải là pháp, cái nào là đen, cái nào là trắng, cái nào thiện, cái nào ác. Phải nhớ đừng nhận
lầm cái giả thành cái thiệt và ngược lại. Lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen, lấy thiện làm ác, lấy ác coi là thiện, đó là điều điên đảo. Khi mình muốn
nhận thức những cái pháp như vậy, cần phải có con mắt gọi là TRẠCH PHÁP NHÃN.
Đầu tiên, rũ bỏ ngã tướng, có ngã tướng
thì sẽ sinh ra đủ thứ chướng ngại, mà cũng
chẵng có trí huệ nữa. Có ngã tướng thì tự sinh ra TÂM ích kỷ, rồi sau đó sẽ sinh ra Tâm tư lợi, Tâm truy cầu, Tâm tham lam. Khi cầu không được,
tham không xong, thì lại phát sinh ra TÂM đấu tranh, cùng người tranh cường
luận thắng. Cho nên, quyét sạch NGÃ TƯỚNG. Thế nào
cái gọi là NGÃ TƯỚNG? Thế nào là NGÃ? Ai là cái NGÃ? Cái NGÃ này là ai? Quý
vị suy nghĩ, như câu “Niệm Phật là ai?” Ai là người niệm Phật? Câu này là THAM
chứ không phải là NIỆM. Nếu mình niệm tới, niệm lui thì vô ích, mình phải
THAM nó. Tham, như mình lấy cái dùi đục mà dùi nó, dùi mãi cho tới lúc nào đâm
thủng nó được tức là mình triệt ngộ minh bạch. Lúc nào mình chưa sáng suốt thì
lúc đó mình phải tham. Tham thiền không phải là đọc lui, đọc tới, giống như mình
đọc trong miệng: "Tôi niệm Phật, tôi niệm Phật, anh ta niệm Phật, ai là người
niệm Phật?” Đọc lui đọc tới như vậy là không đúng. Mình cần phải tìm “ Ai?”
Ai là người niệm Phật? Cái chữ Ai này
chính là “Kim Cang Vương Bảo Kiếm" - Lưỡi kiếm trí huệ, dùng lưỡi kiếm trí
huệ này mà chặt đứt hết các vọng tưởng khác. Khi vọng tưởng hết rồi thì trí huệ
tự nhiên hiện tiền.
Tham thiền là pháp môn cần phải tham, chớ
không phải niệm. Nếu niệm nhiều mà chẳng phải tham, thì đâu khác gì pháp môn
niệm Phật. Nếu quý vị nghĩ rằng niệm càng nhiều càng tốt (thay vì tham) thì đó
là điều hết sức sai. Không cần niệm cho nhiều, chỉ cần kéo hơi cho dài. Tham
cho nhiều, mấy giờ đồng hồ cũng được. Thậm chí THAM đến bảy, tám vạn kiếp cũng
không gián đoạn, thì đó mới là CHÂN CHÍNH tham thiền vậy.
Tại sao phải tham câu: "Niệm Phật là Ai?” Cái
chữ Ai này cũng đã nhiều lời. Chỉ vì con người mình giống như con khỉ, lúc nào
cũng phải cứ tìm cái này cái nọ để làm. Nếu không có chữ “Ai” để cho mình đi tìm, thì cái vọng tưởng không ở yên. Nên dùng chữ “Ai” nầy giống như lấy độc trị độc
“Dĩ độc công độc”. Khi mình không có vọng tưởng thì mới đúng là “Thời thời
thường phất thức” Có nghĩa là lúc nào cũng quét sạch. Tham thiền có nghĩa là
quét bụi. Tại sao cần phải quét bụi? Bởi vì mình không muốn cho TÂM bám đầy
bụi, mình muốn quét sạch tất cả mọi pháp, xa rời tất cả mọi tướng. Đó chính
là pháp môn Tham Thiền vậy.
Tóm lại, nếu mình không có con mắt chọn pháp,
không biết pháp nào là chân pháp thì mình
không biết thế nào là tham thiền. Không biết tham thiền thì chỉ phí công lao
tu tập. Nếu không nhận ra pháp môn chân chính thì có thể đi vào con đường TÀ ĐẠO. Cho nên Trạch Pháp Nhãn –con mắt biết
chọn pháp là rất quan trọng.
Lê Hoàng