Món Nợ Đầu Xuân - Phạm Hồng Ân
truyện ngắn
Chợ xã bắt
đầu vắng tanh. Người ta vội vã thu xếp hàng hóa, tất bật về nhà để kịp chuẩn bị
đón Tết. Hôm nay là ba mươi. Ngày giao thừa. Ngày tống cựu nghinh tân. Gia đình
nào nghèo nhất cũng phải có dĩa trái cây, dĩa mứt, hoặc vài
lát bánh tét đặt
lên bàn thờ. Giờ này, cái đồng hồ quán cà phê chú Tửng chỉ đúng ba giờ trưa. Thế
mà, con đường làng đã rợp bóng người. Trai thanh gái tú ăn mặc bóng loáng, kéo
nhau đi lũ lượt.
Chỉ có
tôi, vẫn còn đứng đây. Giữa khu chợ thưa thớt, với xấp vé số dày cộm. Hôm nay
đài Cửu Long. Cái đài khốn kiếp, tuần nào cũng có lô độc đắc vô tay cán bộ. Còn
dân, Sáng mua chiều vứt. Tội nghiệp, họ cầm đồng tiền chắt chiu để mua những tờ
giấy lộn, chết tiệt.
Chiều
qua, thằng con tôi đã cảnh cáo:
– Cửu
Long là cõng lu. Nặng chình chịch. Ba coi chừng “ôm” đó! Lãnh in ít thôi ông
ơi!
Mẹ, nó
còn nhỏ, nên ăn chưa no lo chưa tới. Nó chưa biết chi về tục lệ ông bà. Chiều
ba mươi Tết, khạp gạo phải đầy tràn. Nước nôi phải lai láng. Tệ lắm, cũng phải
có một phong bánh in cúng ông bà, vài cây pháo chuột để đốt đì đạch đón giao thừa
chào mừng năm mới. Lãnh in ít thì lấy đách chi mà ăn. Lấy cái gì làm tiền để
mua gạo, mua bánh.
Từ Ðây về
nhà, tôi nhẩm đếm sẽ leo hết 14 cây cầu khỉ chênh vênh chập chùng. Sẽ lội qua 4
ấp : Phú Bần, Phú Kiệt, Phú Keo và Phú Hàn. Xấp vé số, ít ra cũng vơi hơn phân
nửa. Bọn trẻ đang có tiền lì xì. Chúng muốn lấy hên cuối năm. Ở đây, trong cái
chốn đồng không mông quạnh này, chúng chỉ còn cách thử thời vận bằng đánh bạc
hoặc mua vé số cầu may. Rồi, tôi sẽ lời chút tiền. Trở về căn chòi mục nát ở
Phú Hàn, cạnh bờ ao cá tra của chị hai Rớt, thắp nén nhang đầu năm tưởng tiếc
ông bà. Rồi, vợ chồng con cái sẽ quây quần bên mâm cơm đạm bạc, ôn cố tri tân,
tính toán chuyện tương lai.
– Anh bán
vé số ơi, vào đây cho em mua vài vé…
Một cô bé
thấp thoáng trong sân vườn. Vạt áo bà ba màu hoàng yến phất phới như đôi cánh
nàng tiên nào đó trong huyền thoại.
–
Anh lựa hộ dùm em 10 vé, cầu may…
Tôi trao
10 vé cho nàng. Những con số đen đủi, lăn quay một cách hèn hạ trên bàn tay mượt
mà, mềm mại của cô bé.
– Em tên
Út, con của Tám Bòn, bà con bên vợ với anh đây…
Căn nhà
mái ngói trong đám mía đường tịch mịch này đây, bỗng vươn ra, lớn dần, và nhào
lộn trong trí nhớ tôi. Hôm ở tù về, vợ tôi có dẫn đến, giới thiệu với cậu tám –
một người chủ vườn trung niên, từng lưu lạc khắp nơi trong thời chiến tranh còn
ác liệt.
– Em dạy
học ở Mỹ Tho, mới về.
– Ồ…thì
ra cô…là giáo chức…Rồi, về chơi…chừng nào cô trở lại lớp học?
– Em trốn
luôn. Giáo chức…vức cháo dài dài…Em không còn tinh thần phát huy nghề nghiệp nữa…
Tôi ngậm
ngùi. Khuôn mặt Út bỗng mập mờ hư ảo trước mắt tôi. Ðó là một khuôn mặt trái
soan thanh tú, chỉ tội có nốt ruồi phá tướng nằm vắt ngang môi trên, dưới cánh
mũi phập phồng. Thế rồi…nàng sẽ như tôi. Sẽ về vườn làm cỏ, lội mương, chôn cuộc
đời son trẻ vào các vũng nước ao tù.
Trong số
khách hào phóng mua vé số tôi mỗi ngày, Tư Ðà là một thanh niên có những nét đặc
biệt. Hắn thường đến nhà tôi vào lúc gà gáy sớm, lúc sương còn ướt đầm ngọn cỏ.
Hoặc khi trời tối mịt, khi bóng đen trùm phủ ấp Phú Hàn, chỉ có ánh đuốc của hắn
lập lòe bùng cháy trong đêm.
Hắn đến để
rút dăm tờ vé số chết tiệt, rồi ngồi bó gối cùng tôi uống trà, rung đùi kéo những
hơi thuốc rê mịt mù sương khói. Ðôi khi, trong cơn mưa dai dẳng buồn nẫu ruột,
hắn cắp nách xị đế chạy tìm tôi, rồi hái quách trái bưởi non làm “mồi”, hai anh
em ngồi lai rai đến khuya lơ khuya lắc.
Tư Ðà
sinh ra và lớn lên tại Phú Hàn. Và chỉ biết có đồng ruộng, con trâu, cùng cỏ
cây hoa lá. Ðến tuổi thanh niên, người ta dí vào tay hắn cây AK, rồi đẩy hắn ra
bờ sông làm du kích ấp. Tội nghiệp, suốt thời gian đi du kích, hắn chỉ biết trốn
chui trốn nhủi trong những căn hầm hôi hám, khi máy bay hoặc tàu thủy của lính
Cộng Hòa thi nhau tăng hỏa lực đì đùng. Cứ bị dồn vào chiến cuộc như thế, hắn
không có điều kiện cắp sách đến trường, nên dốt đặc cán mai, một chữ i tờ lận
lưng cũng chẳng có. Chiến tranh chấm dứt, khi tiếp xúc với đủ thành phần trong ấp
Phú Hàn, Tư Ðà cảm thấy thua thiệt. Hắn bắt đầu đau khổ, chán đời, mượn rượu
tiêu sầu. Rồi…tìm đến tôi – một kẻ bị đời chán – bầu bạn giải khuây.
Sáng mồng
một tết năm nọ, tự dưng, hắn mang đến tặng tôi một gói Samit đầu lọc. Hút thuốc
rê khét lẹt đã lâu, bỗng dưng có Samit như bắt được vàng, tôi vội hít vào tận
phổi những hơi khói thơm lừng, sảng khoái đưa tâm trí mình về cõi mê hoang,
quên mất Tư Ðà đang lúng ta lúng túng mở đề câu chuyện.
– Anh
sáu, tui…tui…có chuyện…nhờ anh…
Tôi rung
đùi, từ tốn rót tách trà “quạu” cho hắn :
– Chuyện
gì? Cứ nói. Bạn bè nhau, khách sáo chi nữa, ông bạn?
Hắn hồi hộp
ngó láo liên xung quanh, rồi e dè kề sát tai tôi :
–
Tui…nói, anh đừng cười. Tui…tui…thương…cô Út, con Tám Bòn…
Tôi chưng
hửng, ngó hắn từ đầu đến chân, từ chân lên đầu.
– Thì…cứ
việc tỏ tình. Biểu lộ cho nàng biết tình yêu của mình.
Mắt hắn đỏ
hoe, cuống quít nhìn tôi một cách thiết tha :
– Anh hút
Samit thêm đi. Rồi…suy nghĩ, viết dùm em lá thư tỏ tình. Anh thông cảm,
giúp…em…
Những
ngụm thuốc Samit làm tôi hưng phấn, thoải mái tinh thần. Mùi thuốc ngọt lịm,
thơm phức…cứ thoang thoáng xung quanh – gây nên cảm giác ngất ngây chất ngất. Gần
mười năm qua, tôi đã làm bạn với thuốc rê. Ôi, những sợi thuốc rê đen mun và
hăng hắc, hút với giấý nhựt trình chỉ ngửi được mùi giấy khét lẹt. Vậy mà nó
cũng kích xúc, cũng tê mê, giải phá cơn sầu. Cám ơn Tư Ðà, người mang đến cho
tôi gói samit tuyệt vời giữa chốn khỉ ho cò gáy này.
– Dễ
thôi. Tôi viết dùm anh…bây giờ.
Thế rồi,
lá thư tình được tôi nắn nót một cách lãng mạn. Tôi “cóp” nguyên xi bài Un
Secret của nhà thơ trữ tình Pháp Félix Arvers thế kỷ 19, được nhà văn Khái Hưng
dịch lại bằng lời Việt, đặt tên là Tình Tuyệt Vọng. Tư Ðà hồi hộp thay tôi sang
tận Phú Keo bán vé số. Hắn đột nhập vào đám mía đường tịch mịch, khẩn thiết mời
mọc Út mua số, rồi ấp a ấp úng trao lá thư tình.
Vài ngày
sau, giữa lúc tôi đang ngồi xếp bằng dưới chiếu, tẩn mẩn ghi lại kết quả xổ số
từ radio – Tư Ðà thình lình xuất hiện. Hắn hí hửng đưa cho tôi xem lá thư hồi
âm, rồi choàng vòng tay qua vai tôi, biểu lộ lòng biết ơn trìu mến.. Nét chữ mềm
mại con gái khiến tim tôi se lại. Hàng loạt kỷ niệm học trò hiện ra miên man, dắt
tôi trở lại thời áo trắng xa xưa. Không cầm lòng được, tôi dẹp radio sang một
bên, cầm bút viết ngay dòng chữ hồi âm. Thế rồi, thư qua thư lại, thư lại thư
qua…ròng rã gần hơn năm trời. Cho tới một hôm, đúng ngay ngày ấp Phú Hàn đồng
loạt quết bánh phồng đón tết. Giữa tiếng thình thịch thình thịch vang rân khắp
xóm làng, Tư Ðà vui vẻ đến nhà tôi, trịnh trọng trao tấm thiệp cưới với nụ cười
rạng rỡ. Như vậy, bắt đầu từ hôm nay, tôi đã chấm dứt nhiệm vụ của một kẻ se
duyên. Cầu mong mối tình Tư Ðà và Út trọn đời gắn bó.
Chẳng hiểu
hạnh phúc có thật sự đến với cặp tình nhân này hay không? Chỉ biết, khi tôi sắp
sửa đi Mỹ, Út vội vã đến tìm tôi, rồi nhanh nhẹn lôi tôi ra phía hàng cam xanh
um trĩu trái.
Ðêm ấy
cũng là đêm giao thừa. Nhà nào nhà nấy đều đốt đèn thắp nhang đỏ rực cả khu ấp.
Dưới bóng tối vây quanh của vườn cam, trong ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn nhà
tôi hắt ra, tôi thấy những giọt nước mắt lả tả rơi não nề trên khuôn mặt Út.
– Có phải
những lá thư năm xưa, chính anh là tác giả…Anh viết hộ cho Tư Ðà phải không?
Tôi quính
quáng, nghẹn lời :
– Ơ…ơ…
– Anh hại
em, hại cả một đời. Tư Ðà không xứng với em. Anh ta mù chữ, dốt tính toán, chẳng
giúp cho em được chi hết…
Tôi xót
xa nhìn Út, khuôn mặt trái soan mập mờ, lung linh một cách tội tình.
– Ơ…ơ…Anh
xin lỗi…
Út úp mặt
vào hai bàn tay khóc rấm rức. Bờ vai nhô lên, rung rinh như một cánh buồm trên
sóng nước. Ðột nhiên, nàng cất tiếng, quát lớn vào tai tôi :
– Anh ác
lắm, tàn nhẫn lắm !…
Rồi vụt bỏ
chạy như điên, khuất dần trong bóng đen mịt mùng của ấp Phú Hàn.
Cho tới
giờ này, ở phương trời viễn xứ xa lạ, tôi vẫn luôn bị dày vò, vẫn ân hận mãi về
chuyện se duyên lá lay này.
PHẠM HỒNG
ÂN