L ên Núi Tìm Chồng - Trần Thị Đông Phương
...."Phải chăng những người đàn bà Việt Nam
chúng tôi, những người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, là người bị đọa đầy hơn tất cả
mọi người của thế gian?"
Trần Thị Đông Phương
Sáu năm dài thật dài, ngày này qua tháng khác, tôi
mong ngóng tin tức của chồng, biệt mù, không một ai trong tất cả
những người
đàn bà có chồng đang ở trại tập trung cải tạo, biết chồng mình sống ra sao, khỏe,
yếu như thế nào - mù tịt. Họa hoằn, tôi mới nhận được một mảnh giấy, với vài
dòng như công thức định sẵn. Bao giờ cũng là....anh học tập tốt..... lao động tốt....Em
yên tâm, cách mạng rồi sẽ khoan hồng cho anh về với gia đình và trở thành người
công dân tốt....mỉa mai và trơ trẽn, tôi nhận thấy như vậy - Tôi đang giữ trong
túi 4 miếng giấy - Cũng chỉ có bấy nhiêu chữ.
Tôi thu xếp hàng, đem gởi nhà người quen, để về sớm
hơn thường lệ. Trong nỗi khốn cùng, tôi cũng gặp được điều may - Chị Liệu, vợ
anh Lượng, họ là bạn của gia đình tôi - Anh chị Lượng trước 30-4-75, có tiệm
buôn bán xe gắn máy, xe đạp và phụ tùng, thuộc loại lớn ở Ngã Bảy, ngay đầu đường
Minh Mạng - Từ lúc 9 giờ sáng ngày 30-4-75, Anh Lượng cũng là quân nhân, chạy
ra bến Bạch Đằng và biệt tích đến bây giờ -Thoát hay chết chưa ai biết -Chị Liệu
là bạn học của tôi, ở lại với 6 đứa con, tiếp tục bán đồ xe đạp, chỉ là đồ xe đạp
thôi, vì nhà cửa kho hàng bị tịch thu - Liệu thương tình đã gọi tôi lên chỗ chị
ta, nhường lại cho tôi một số phụ tùng để bán lẻ nơi lề đường - Hai chị em mỗi
sáng trải chiếc poncho của chồng để lại, bầy lên đó những thứ phụ tùng xe đạp -
Trời cũng còn thương kẻ khốn cùng, nên những chú Bắc kỳ vào Sàigòn vẫn thích
tìm mua, nhờ vậy mẹ con tôi vẫn còn được ngày hai bữa cơm ăn.
Tôi về sớm vì con gái lên chỗ tôi bán hàng cho
hay: “Mẹ! có thư của Bố, kèm theo phiếu thăm nuôi, Bố dặn cách xin giấy đi
thăm, mẹ về coi thì mới biết được”- Sáu năm xa cách, tuy chẳng hề được nhìn mặt
một giây, nhưng dù vài chữ tôi vẫn thấy ấm lòng, nhìn nét chữ của anh, tôi hình
dung ra khuôn mặt yêu dấu của chồng, nhất là nghe thằng con út đọc thư oang
oang, tôi cũng vui được đôi chút và cầu nguyện xin ơn trên che chở cho chồng,
cho đồng đội của anh sống sót trở về - Lần này thì đúng là thư thật vì được viết
dài hơn một trang giấy - Tuy không được kể lể tâm tình, thương nhớ, khoẻ, yếu -
Bù lại, anh hướng dẫn tôi phải làm những gì để được chấp thuận cho đi thăm.
Việc đầu tiên là tôi phải mang thư, giấy thăm nuôi
của trại cải tạo gởi về, kèm theo hộ khẩu, đến phường, nơi cư ngụ để được xác
nhận là tất cả những thứ mang theo đó là đúng - Tình trạng cư trú của gia đình
đúng, là vợ chính thức của anh ấy. Phường chứng thực xong, viết cho mấy chữ giới
thiệu lên Quận, để chính thức cấp giấy đi đường, cho phép đến trại cải tạo thăm
chồng đang “học tập cải tạo”. Lên tới Quận, lại thêm một lần may mắn, trong lúc
ngồi chờ duyệt xét giấy tờ, tôi gặp được các chị cũng xin giấy đi thăm nuôi chồng,
hỏi ra thì được biết, các chị ấy là vợ anh Tâm (KQ), vợ anh Bình (BĐQ), chị Đỗ
văn Nhĩ (SĐ.18BB) và cô Tuyết, đi thăm hai người anh ruột, anh Lê Hoàng Nghi,
cùng trại Lam Sơn, Thanh Hoá. Sau đó Tuyết lại còn đi tiếp ra trại Ba Sao thăm
anh hai là Tướng Lê Minh Đảo, chưa lên đường, chúng tôi đã thấy mối cảm thương
dành cho Tuyết, lặn lội, cơ cực, đi thăm hai người anh đang trong tù cộng sản,
khoảng vài phút làm quen, cùng cảnh ngộ, nên chúng tôi thân nhau nhanh chóng và
hẹn nhau mua vé xe lửa, để được đi cùng chuyến và cùng toa xe, để chuyện trò
hàn huyên, hy vọng quên vất vả dọc đường.
Có giấy phép cho đi Thanh Hoá thăm nuôi chồng rồi,
tôi bắt đầu lo tiền để mua sắm thức ăn, chẳng còn gì ngoài mấy lon gạo, vài ký
khoai mì hợp tác xã bán theo hộ khẩu - Vật dụng thì còn cái tủ lạnh, biết bán
nó cho ai bây giờ? Nhìn quanh, tôi đang trơ trọi một mình, gia đình chồng thì
chưa liên lạc được, suy nghĩ đến đau cả óc, cuối cùng tôi phải cầu cứu mẹ:
- Mợ ơi! tuần sau con đi thăm chồng ở Thanh Hoá,
con chỉ còn đúng 30 $ và mấy lon gạo, phải làm gì bây giờ hở mợ! - Mẹ tôi im lặng,
suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Con xem có còn cái gì bán được thì bán đi - Mợ sẽ
nói các em mày nó phụ mỗi đứa một chút. Cố gắng đi con ạ! - Bố tôi nghe được,
ông thở dài, quyết định thật nhanh:
- Đừng lo, Cậu còn cái máy chụp hình Canon, bây giờ
cũng chẳng cần đến nữa, cậu cho con, đem lên nhờ cô Liệu quen biết nhiều bán
giúp, lấy tiền mà thăm nó.
Tủi thân thế đấy! lấy chồng làm quan, bao nhiêu
năm, giờ đây lại vẫn phải dựa trong vòng tay cha mẹ để nương nhờ. Bán chiếc máy
ảnh, tôi bán luôn chiếc nhẫn cưới một chỉ vàng đang đeo trên tay. Tạm đủ để mua
vé xe lửa và ít đồ khô, theo sự ấn định cho phép của “cách mạng” - Các em tôi
được mẹ tôi hô hào, đã xúm nhau mỗi đứa cho ít đồ ăn khô và chút tiền. Tôi tưởng
tượng thật nhiều về chuyến đi tìm chồng lần đầu, bao nhiêu ngày đêm mòn mỏi nhớ
thương, lo âu và cả hận thù, oán ghét kẻ đã giam cầm chồng tôi - Tôi suy đoán,
gặp nhau chắc anh mừng lắm - Tôi sẽ được sờ lên mặt, cầm tay chồng, dù chỉ chốc
lát cũng đã cho tôi nhiều an ủi và yên tâm tần tảo nuôi con chờ ngày anh về -
Đã sáu năm, cả hai chúng tôi đang bắt đầu vào tuổi già - Chúng tôi cùng ngoài bốn
mươi.
Đúng 5 giờ sáng Chủ nhật, tôi và thằng con thứ ba,
sau hai chị nó, mang đồ đạc lên ga xe lửa, thật ra đồ thăm cũng chỉ có trong
hai cái giỏ đệm (bao bị cói) và một túi nhỏ đựng vật dụng riêng của hai mẹ con,
cháu đeo sau lưng - Tới ga, tôi gặp đủ những chị đã gặp ở quận hôm đi xin giấy,
ngoài ra còn có các chị đi thăm chồng, nhưng khác trại như Thanh Cẩm, Thanh
Lâm, Kỳ Anh (Nghệ Tĩnh) v..v..
Có lẽ đây là lần đầu, nên số người đi ra Bắc tìm
thăm chồng khá đông. Chúng tôi không đủ tiền mua vé tàu suốt, nghĩa là chạy thẳng
từ Sàigòn, không ngừng các ga nhỏ - Chúng tôi mua vé tàu chợ, thời gian đến sẽ
kéo dài hơn vì tàu ngưng nhiều ga, để khách buôn lên xuống. Chúng tôi chen chúc
nhau lên tàu, quả thực là vất vả, trong toa, kẻ nằm người ngồi ngổn ngang, đủ
các loại hàng, từ thú vật như gà, vịt, lại có cả hai con heo con, cũng được bỏ
rọ mang đi - Mùi phân thú, mùi mắm, mùi người nồng cả toa, mỗi lần bị đụng chạm
hay xô lấn, lũ gà, vịt kêu réo oang oác, hai con heo cũng eng éc phụ họa - Từ
thuở bé, tôi chưa được đi xe lửa lần nào, nay là lần đầu tiên, cảm thấy hơi khó
chịu, nhưng tự an ủi:
“Có chỗ cho mình đi là may rồi” - Chị vợ anh Nhĩ
thật nhanh nhẹn và mau mắn, chị vượt lên trước, loay hoay thế nào kiếm được một
chỗ trong góc toa, chị gọi chúng tôi mang đồ để chung vào một nơi, dễ canh chừng.
Chị Nhĩ dặn: “Chị em mình có ngủ thì chia làm hai, một nửa thức giữ đồ đạc, lơ
đễnh chúng nó lấy mất”
- Tiếp theo chị ghé tai từng người nói thật nhỏ:
“Nếu có tiền hay vàng giữ thật kỹ, coi chừng bị cắt túi đó, mấy thằng móc túi
nó lẹ và ma mãnh lắm”.
Chúng tôi cố thu xếp cho nhau để mỗi người có một
chỗ ngồi, lúc ngủ thì dựa người trên mấy cái giỏ đồ, hoặc tự gục trên hai gối của
mình, nhưng có lẽ không ai ngủ đúng nghĩa, mà chỉ thiếp đi trong cơn mệt, phần
háo hức mong gặp mặt chồng, phần lo lắng nên chỉ chập chờn theo âm điệu của tiếng
bánh sắt nghiến trên đường ray. Con trai tôi thì quên cả chật chội, chẳng quan
tâm đến mùi hôi hay thơm trên tàu, cháu len ra chỗ hai toa tàu nối nhau, có chỗ
cho người đứng, nó đứng giữa hai người đàn ông để an toàn và dõi mắt nhìn say
mê cảnh vật dọc đường, chỉ lúc thật mỏi mệt và mỏi mắt, cháu mới trở vào chỗ, tội
nghiệp cháu, nó sợ tôi mệt, đói, nên thỉnh thoảng lại nhắc chừng: “Mẹ ăn gì
chưa? Mẹ có khát nước không?”
Hành trình khởi sự từ ga Hoà Hưng Sàigòn, đến ga
Thanh Hóa vừa mất đúng 3 ngày, 3 đêm, tàu vào ga Thanh Hóa lúc 9 giờ sáng.
Chúng tôi vội vàng phụ nhau khiêng vác đồ thăm nuôi xuống, đặt cạnh đường ray.
Tất cả đều ngơ ngác, chốn lạ xứ người, chúng tôi lấy thư của chồng ra coi lại,
trong đó có chỉ dẫn của trại tù viết trên giấy. Chúng tôi đi về cuối ga, gặp
hai tù hình sự do một công an có súng đã đợi sẵn - Một trong hai anh tù hỏi:
“Các chị có phải “nà” người đi thăm cải tạo, trong trại “lăm Nam Sơn” (5, Lam
Sơn) không?” chúng tôi trả lời đúng, lúc đó người công an mới lên tiếng:
- Bọn tôi đợi ở đây để giúp các chị chở tiếp phẩm
vào trại - Hai thằng này sẽ đánh xe trâu đến để xếp đồ lên, chỉ chở đồ đạc thôi
nhé, người đi bộ theo sau - Đường khá xa và qua phà nữa đấy. Để tranh thủ, bây
giờ là 10 giờ - Đúng 10 giờ 30 ta sẽ về trại - Các chị vào trong lều gần xe
trâu nghỉ đi.
Khoảng đường từ Thanh Hóa vào đến trại 5 Lam Sơn
thăm thẳm, qua đồng, qua ruộng, hết ruộng đến núi, lại rừng - Nàng chinh phụ
trong Chinh phụ ngâm, má hồng truân chuyên như thế nào, chỉ đọc, chỉ nghe mà
không thấy. Bây giờ, chúng tôi, những người vợ lính đi lên núi, vào rừng tìm chồng,
có lẽ cơ khổ và truân chuyên hơn bà vợ chàng hào kiệt của Chinh phụ ngâm khúc,
gấp mấy lần. Dọc đường, ai cũng phải ngồi xuống xoa bóp chân mình nhiều lần.
Tôi có cảm giác như mấy chục mũi gai đâm vào lòng bàn chân, chị Nhĩ khóc mếu
máo:
“Cha ơi! Mẹ ơi! sao lúc nhỏ cha mẹ không tập cho
con đi bộ” - Cũng còn may, chúng tôi ai cũng đi giày vải (Bata), nếu đi giày
khác chắc chết. Cả bọn ai cũng lặc lè, sắp qụy, duy nhất có con trai tôi, vì tuổi
nhỏ, mong gặp Bố, lại được đi xa lần đầu, lạ cảnh, thỉnh thoảng cháu liều lĩnh
đu lên sau xe trâu ngồi đỡ vài phút, cũng không bị quở trách, vì thế, cháu có vẻ
chưa đau chân và mệt - Cố gắng cách mấy, chúng tôi cũng không thể nào đến trại
Lam Sơn kịp trong ngày, đường đi khá xa, có lẽ cũng vài chục cây số, mặt trời
đã tụt sau dãy núi phía Tây, dãy đồi thấp, hàng cây hai bên đường bắt đầu nhòa
bóng, thỉnh thoảng mới gặp hai, ba người đi thồ hàng, đạp xe vội vã vượt qua hoặc
ngược ra ga Thanh Hóa.
Chúng tôi đi thêm được chừng hai cây số, đến một
khu phố buôn bán, có ngôi chợ nhỏ đã họp xong buổi sáng. Người công an áp tải
cho lệnh hai “tài xế xe trâu” dừng lại nghỉ, đường còn xa, không đi kịp. Họ chỉ
cho chúng tôi khu nhà trọ, dặn dò: “ Các chị thuê chỗ ngủ trọ, sáng mai tập
trung tại quán nước chè, ta sẽ đi tiếp”.
Mẹ con tôi đã trải qua một đêm chưa bao giờ khiếp
hãi đến thế - Bộ ván, chiếc chiếu ước chừng đã khá lâu không được làm vệ sinh,
giặt giũ - Thật mệt, nhưng giấc ngủ vẫn không đến với chúng tôi, vì nhiều lý
do. Nỗi sợ ám ảnh, phải đối phó với hàng trăm, hàng ngàn con rệp, chị em đành
ngồi kể chuyện cho nhau nghe chờ sáng.
Khoảng 12 hay 1 giờ trưa hôm sau thì chúng tôi tới
trại 5 Lam Sơn, con đường ngoằn ngoèo, vòng qua dãy núi đá không cao lắm, xuyên
qua một khu đất rộng đang canh tác, nhìn từ xa, không ai biết, tới gần, chúng
tôi mới nhận ra - Họ là tù, toàn thể là nữ tù, chia thành nhiều tốp, trồng đậu
phọng, cấy lúa v...v... Đám người này khá đông, nhưng dường như họ là những bộ
máy, lạnh lùng làm công việc của mình, âm thầm như những chiếc bóng, đầu phủ
kín bằng những tấm khăn vải để chống nắng. Người cuốc đất, người nhổ cỏ, hoàn
toàn lặng lẽ, đến cả hai giám thị công an, một nam và một nữ, như hai pho tượng,
ngồi kế bên nhau trên bờ đường. Trên lưng áo vải mỗi người đều có hàng chữ Lam
Sơn 5, chúng tôi còn gặp thêm hai toán người đang đập đá để nung vôi - Nhận ra
chúng tôi, một vài anh cũng lên tiếng hỏi: “Các chị đi thăm ai?”, nhưng chỉ có
thế, vì các anh đã buộc phải im tiếng.
Sau khi làm những thủ tục của trại tù xong, đã vào
buổi chiều, hết giờ thăm nuôi, chúng tôi phải chờ qua ngày sau. Người cán bộ phụ
trách thăm nuôi, dẫn chúng tôi vòng ra sau căn “nhà việc” (văn phòng) để đến
nhà vãng lai - Sáu người ở chung một gian nhà, vách ván, mái ngói, kê ba chiếc
giường tre, trong trại tương đối sạch hơn, chiếu còn mới - Họ cho mượn mùng, nếu
ai không có, chúng tôi rủ nhau xuống bếp, ngay đầu nhà, có sẵn củi, nồi - củi
phải mua mỗi người 5 đồng, nồi cho mượn, vợ Bình (BĐQ) đem lon mắm ruốc xào thịt
ra xào lại để tiếp tế cho chồng, tôi cũng xào lại lon gà kho gừng cho khô thêm.
Thời gian chờ đợi, dằn vặt, xao xuyến trong lòng
chúng tôi không ít, cứ đứng lại ngồi - Mỗi lần có anh “cải tạo viên” đến, chúng
tôi lại rướn cổ nhìn, nhưng vẫn là chồng người ta - Mấy ông tuy là mặc đồ lành
lặn, sạch sẽ, nhưng nhìn bóng dáng đi, bộ điệu cố ưỡn ngực thẳng lưng, vẫn chẳng
dấu được cái tiều tụy, tàn tạ, trên thân thể. Ai cũng giống nhau, sự hành hạ
qua năm tháng đã làm họ mất thật nhiều phong độ, cố giữ cho thẳng mà vẫn xiêu vẹo
- Giờ này qua giờ khác, lại mất một ngày nữa chờ. Chúng tôi an ủi nhau, mình tới
trại sau, nên được gặp sau, chắc chắn ngày mai sẽ đến lượt mình.
Ngày thứ ba, kể từ ngày chúng tôi bưóc vào khu thăm
nuôi của trại 5, chừng 10 giờ sáng, cán bộ thăm nuôi đến gọi chi Tâm (KQ) và
Tuyết, em anh Lê Hoàng Nghi lên phòng thăm nuôi, mọi người vui hẳn lên và hồi hộp
- Mười lăm phút sau, việc thăm nuôi xong, chị Tâm và Tuyết trở lại, mặt đỏ vì vừa
khóc xong - Tuyết vội vàng thu xếp đồ và nói: “Em chào các chị, em phải đi ra
Ba Sao ngay bây giờ, may quá, có xe của trại ra Thanh Hóa, họ cho em quá giang”
- Nhìn theo Tuyết quảy đồ ra cửa, chúng tôi không ngăn được xúc cảm - Tội nghiệp
cô bé, lặn lội, tất tả, đi thăm hai anh ở cách nhau hàng trăm cây số.
Cuối cùng rồi cũng đến phiên mình, sáng ngày thứ
tư ở trại (thật ra mới có ba ngày rưỡi) vợ Bình, vợ anh Nhĩ và tôi, cùng được gọi
lên nhà thăm nuôi một lượt, ba người ngồi một bàn, con trai tôi ngồi sau lưng
tôi - Chừng 10 phút sau thì một tên công an bước vào phòng, anh cán bộ thăm
nuôi vội đứng dậy chào rồi nói: “Báo cáo anh, các chị ấy đã tập họp đủ”, chúng
tôi chưng hửng, tự hỏi: “sao lại thế này, chồng tôi đâu?, thằng quỷ dịch này là
đứa nào? bước vào chẳng chào hỏi, mặt như âm binh, lạnh ngắt “. Một chút sau hắn
mới lên tiếng:
- Chào các chị - Các chị đi đường chắc vất vả lắm,
nhưng nghỉ mấy ngày, chắc cũng khỏe rồi - Tôi là Bắc, cán bộ chấp pháp trại,
hôm nay đến đây có mấy điều quán triệt với các chị - Hắn ngừng lại, nhìn mặt
chúng tôi thật chậm và làm oai - Tôi cũng nhìn lại hắn, quan sát và nghĩ: “Hèn
chi nó làm chấp pháp (an ninh) là đúng, mặt tái xanh, mắt như hai lằn chỉ, môi
dầy và đen như hai miếng thịt trâu phơi nắng” - Tên Bắc chợt hỏi:
- Chị nào là vợ “cải tạo viên” Bình, chị nào là vợ
“cải tạo viên” Đỉnh? - Chúng tôi dơ tay - Lại im lặng và hồi hộp.
- Thật là quá đáng, từng ấy năm học tập cải tạo, uổng
công “cách mạng” quan tâm giáo dục, chưa nói tốn cơm, tốn của - Chồng các chị
thuộc loại không thể cải tạo, “cách mạng” rồi sẽ phải xử lý. Tôi và X. rụng rời,
nghẹt thở, há miệng mà không thở được - Giọng tên Bắc lại cất lên chì chiết:
- Một bọn phản động, ngoan cố, cấu kết với nhau,
ra sức chống phá “cách mạng”, cách này, cách khác - Bọn phản động ấy có chồng
hai chị - Tụ họp lại bày đặt tuyệt thực, yêu cầu cải thiện, cho nên trại đã tạm
thời kỷ luật các tên này, để tạo cơ hội hối lỗi cho bọn họ - Các chị không tin
lời tôi nói à? Đây, để chứng minh, tôi đọc cho các chị nghe lệnh tạm giam những
tên phản động. Cấm thăm nuôi bốn lần. Hắn đọc tên từng người: Nguyễn Xuân, Hồ
văn Phước, Phan Nhật Nam, Hồ Công Bình và chồng tôi, có tất cả trên 10 người,
nhưng tới lúc này thì tôi mắt hoa, đầu váng, mọi vật quay như chong chóng - Vẫn
giọng tên Bắc:
- Đấy bọn phản động, nguyên cả một buồng, các chị
hiểu không? Giờ phút này rồi, còn gì nữa đâu mà vọng động - Các chị về viết thư
động viên chồng hối cải, lao động, học tập cho tốt, để còn về chứ - Trại lần
này họp, các đồng chí lãnh đạo đã nhất trí để hai chị đi về, lần sau sẽ thăm
nuôi.
Tôi cố chõi tay, để đầu không gục xuống bàn, đưa
tay trái véo nhẹ lên tay vợ Bình - Cần phải can đảm - Lát sau vợ Bình hỏi:
- Trại không cho gặp, vậy xin cho chúng tôi gửi
thuốc và chút đồ ăn cho chồng tôi có được không?
- Không được, đã là kỷ luật thì phải cấm hết, mang
về đi các chị - Trại đã lo đủ cả, thuốc men, ăn uống không lo. Biết là vô ích
khi mình đang nói với một xác ướp, nên chúng tôi càng im lặng. Tên Bắc đãi bôi:
- Các chị yên tâm, động viên chồng học tập cho tốt,
biết đâu chừng sau lần kỷ luật này, các anh tiến bộ, lại được tha về sớm.
Tôi có ý nghĩ muốn trở thành người đàn bà đanh đá,
chửi vào mặt thằng xác ướp này vài câu, nhưng nghĩ lại, làm vậy là dại - Thôi!
- Liếc qua vợ Bình cười nửa miệng - Muôn ngàn cơ cực, đến mà không gặp. Niềm
đau, nỗi buồn đã đóng băng trong lòng hai người chúng tôi.
Bắc hướng qua chị Đỗ Văn Nhĩ, giọng trở nên dịu
dàng
- Chào chị Nhĩ, hết mệt rồi phải không? Vất vả quá
đấy nhỉ - Chị vui lòng cho tôi xem thư và giấy thăm nuôi từ trại gửi về cho chị
nào - Liếc đọc lá thư, tờ giấy thăm nuôi, tên Bắc hỏi tiếp:
- Chị nhận được thư này lúc nào?
- Tháng 8, cán bộ. Trong thư đề tháng 3, nhưng
tháng 8 tôi mới nhận được, có sao không cán bộ? - Tên Bắc thở dài, cố làm vẻ
trang nghiêm:
- Tiếc quá, chị nhận thư anh Nhĩ hơi muộn, sớm hơn
thì chị đã gặp chồng, bây giờ thì quá muộn.
- Trời, sao vậy cán bộ, chồng tôi làm sao, anh ấy
bị cái gì? Anh Nhĩ làm sao rồi?
- Chị bình tĩnh nghe tôi nói, như chị đã biết, anh
ấy có hai ba thứ bệnh từ thời “ngụy”, vừa suyễn, vừa cao máu, trại đã chữa hết
sức rồi, đồng chí y tế đã tận lực, nhưng anh Nhĩ đã chết hồi giữa tháng 6 - Anh
ấy là người cải tạo tốt, sắp được tha về.
- Trời ơi là Trời! chồng tôi sao lại chết - Ba mẹ
ơi! chồng con chết rồi! Anh ơi! Tưởng ra đây gặp anh, bây giờ anh đi mất, bỏ mẹ
con em, bỏ ba má sao anh -Chồng tôi năm nay mới có 32 tuổi, làm sao mà cao máu?
Anh ơi, anh chết oan rồi!
Hai chúng tôi cùng chồm qua, ôm lấy vai chị Nhĩ, cố
kềm, nhưng rồi cũng khóc theo, vợ anh Bình mếu máo khuyên: “Chị nín đi, chị nín
để hỏi cán bộ anh ấy chôn ở đâu chớ” - Chị Đỗ văn Nhĩ rũ xuống như tàu lá, toàn
thân lạnh và mềm oặt, hơi thở đứt quãng. Chị Nhĩ đã mê đi trong cơn đau mất chồng.
Vợ Bình vội lần trong túi áo bà ba lấy ra chai dầu gió thoa lên trán, thái
dương cho chị Nhĩ miệng vẫn gọi liên hồi - “Tỉnh đi, dậy đi để đi tìm mộ chồng
chứ! Tỉnh dậy đi chị Nhĩ!”. Im lặng một lúc, khoảng năm, mười phút, tên cán bộ
Bắc lại nói:
- Thôi, để tranh thủ, trại sẽ giao lại cho chị vật
dụng của chồng chị và giấy chứng nhận anh Nhĩ đã chết bệnh. Sau đây, tôi bận
công tác, đồng chí Cận (tên cán bộ phụ trách thăm nuôi) sẽ đưa chị ra chỗ mả
anh ấy - Tôi và vợ Bình cũng xin đi theo, nhưng không được chấp thuận.
Mấy chị em chúng tôi quay về Sàigòn lúc mờ sáng
ngày hôm sau - Ngày thứ năm ở trại “cải tạo” của chồng, nhìn những dãy nhà cũ kỹ,
khóa kín cửa, tôi tưởng tượng là chồng tôi đang phải bị giam nhốt trong những
ngôi mộ đó, gần ngay kế bên mà cách biệt muôn trùng. Ngày đi náo nức, mong
ngóng hy vọng bao nhiêu, nay trở về, cõi lòng tan tác, sự thất vọng chiếm hết mọi
suy tư - Chúng tôi đi trong vô thức - Tội nghiệp chị Đỗ văn Nhĩ, nếu không có bạn
đồng hành chúng tôi phụ giúp, không hiểu có còn đủ sức, đủ nghị lực để về với
các con không - Điều an ủi là ngày về, nhân chuyến xe trâu đi không, họ đặc ân
cho chúng tôi quá giang, với giá 10 đồng một người đến ga Thanh Hoá.
Phải chăng những người đàn bà Việt Nam chúng tôi,
những người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, là người bị đọa đầy hơn tất cả mọi người
của thế gian.
Trần Thị Đông Phương