Monday, March 30, 2015

Gạch Đã Ra Lò Lâm Chương
truyện ngắn

Hắn ở nhà thuê. Đặc tính của người thuê nhà là không ở một chỗ nào quá lâu. Hơn 20 năm sống trên đất Mỹ, hắn dời chỗ 7 lần. Và lần nào cũng thuê đúng tầng 3, trên cao chót vót. Cái số hắn là vậy.


Lúc còn ở Việt Nam, có lần hắn đi coi bói. Lão thầy bói hỏi hắn về ngày tháng năm sinh. Hắn mù tịt. Bởi hắn được sinh ra trong thời giặc giã, má hắn hoảng hốt bồng con chạy loạn trối chết. Bà ngoại hắn nói nửa đùa nửa thật, rằng má hắn đẻ rớt ra hắn trên đường chạy loạn. Sao lạ vậy? Có ai vừa chạy vừa đẻ không? Người ta đau bụng quằn quại rên la gần chết mới đẻ được. Nhiều đứa bé bướng bĩnh nằm ì không chịu ra, bắt buộc phải dùng biện pháp mạnh, giải phẩu nắm đầu lôi ra. Còn hắn tạo điều kiện dễ dàng cho người đã cưu mang hắn. Ngay từ lúc sơ sinh, hắn đã thể hiện tính nhân bản, chẳng làm khó ai bao giờ. Có điều lầm lẫn là hắn đã ra đời không đúng lúc. Rồi khi ổn định nhà cửa, mãi lo tất bật với miếng ăn hàng ngày, chẳng ai nghĩ đến chuyện làm cái giấy khai sinh cho thằng nhỏ. Coi như sự có mặt của nó trên cõi đời này là một chứng minh hùng hồn rằng nó là một đơn vị hợp pháp trong xã hội loài người. Má hắn đâu biết con bò, con trâu hay chiếc xe gắn máy cũng cần phải có giấy chủ quyền. Hắn không có giấy tờ gì cả. Mãi đến năm 7 hay 8 tuổi gì đó, hắn mới bắt đầu đi học. Cho đi học là một cách giữ chân hắn trong trường để đừng chạy nhảy rong chơi phá làng phá xóm. Chữ nghĩa không cần thiết. Má hắn người đồng quê, sống bằng vào ruộng rẫy, mọi sự suy nghĩ hết sức đơn giản. Chữ nghĩa mà làm ông làm cha gì ai? Lúc đói cũng phải xăn quần lội xuống ruộng cày cấy mới có miếng ăn. Hắn chưa đủ lớn để có thể xăn quần lội xuống ruộng. Phải cho hắn đi học để hắn đừng đi chơi. Đơn giản chỉ có thế. Nhưng nhà trường lại rắc rối, đòi phải có giấy khai sinh. Má hắn dẫn hắn ra hội đồng xã. Ông hộ tịch trợn trừng nạt nộ lớn tiếng, gạn hỏi đủ điều làm như má hắn lượm một thằng nhỏ ở đâu, hoặc ăn cắp con ai rồi mạo nhận là con mình. Trước thái độ dữ dằn của ông hộ tịch, má hắn khiếp vía, không sao nhớ được hắn sinh ra vào ngày tháng năm nào. Cuối cùng rồi cũng làm được cái giấy khai sinh, căn cứ vào thời điểm đất nước có những sự kiện như thế, và lấy đó làm dấu mốc năm sinh của hắn. Còn ngày tháng sinh không xác định được nên để trống. Đó là một thiệt thòi lớn cho hắn sau này. Hắn không lấy được lá số tử vi về vận mệnh của mình. Tương lai cuộc đời coi như mù mịt.

Hắn không biết ngày sinh tháng đẻ, lão thầy bói nhìn mặt xem tướng và xem chỉ tay cho hắn.

Lão nói: “Con người thọ khí âm dương của Trời Đất và khí huyết của cha mẹ mà sinh ra. Từ bậc vua quan cho đến hàng dân dã cũng đều như nhau cả. Nhưng trong đó, máy tạo hoá có phân biệt khác nhau là cái tướng. Bởi vậy, người tuy đông mà không ai giống ai hết. Tướng ấy thể hiện người sang hèn, giàu nghèo, yểu thọ, ngay gian, kể ra không cùng. Hễ hình hài mang lốt tướng nào thì vận mệnh cũng theo hình tướng ấy, không khi nào sai.”

Nếu theo lý luận của lão thầy bói thì hình tướng của hắn coi như hỏng bét. Hắn không đẹp trai. Phụ nữ không yêu hắn. Họ chỉ thương hại. Nhiều người nhận xét mặt hắn có vẻ cù lần, lương thiện một cách đần độn. Cũng vì lương thiện một cách đần độn nên ở đời hắn thường chịu nhiều thua thiệt. Nhìn mặt xem tướng, mặt hắn toàn thể hiện những nét phá tướng. Còn chỉ tay hắn, những chỉ ngang lằn dọc xiên qua xẹo lại nát bấy, chẳng ra làm sao cả. Điều này chứng tỏ hắn gặp nhiều khó khăn, trắc trở trên đường đời. Nhưng hãy để thầy bói đoán xem sao. May ra lão tìm được đường chỉ nào khả dĩ hoá giải bớt những hắc ám trong đời hắn. Quả thật, lão nói rất nhiều. Toàn những điều bất hạnh. Hắn tự an ủi, rằng lão chỉ đoán mò và nói bá láp. Coi như trật lất hết. Duy chỉ một điều làm hắn nhớ mãi, bây giờ nghiệm lại thấy đúng.

Lão bảo: “Cậu cao số lắm.”
Hắn hỏi: “Cao số là nghĩa làm sao?”
Lão giải thích: “Đời cậu ba chìm bảy nổi, lắm lúc gian nan nguy hiểm, nhưng cậu yên tâm đi. Tất cả đều tai qua nạn khỏi.”

Hắn thở phào, thầm khen lão thầy bói nói đúng như thần. Nhà hắn nghèo, lại không có thân thế nhờ cậy ai nên khi đi lính, hắn được ưu tiên đưa ra chiến trường. Đời nào cái bọn con ông cháu cha mà ra trận mạc? Hắn khơi khơi xách súng ra chiến trường như đi bắn chim vậy. Không anh hùng mà cũng lắm phen vào sinh ra tử. Chẳng biết hắn có bắn chết thằng nào hay không. Khi lâm trận, đạn bắn như mưa, nhiều người ngã xuống. Chưa chắc đó là do viên đạn của hắn. Ngược lại, đồng đội hắn cũng nhiều người ngã xuống. Nhưng hắn thì 10 năm trận địa chưa mất một sợi lông chân, dù vất vả gian nan có thừa. Có người hỏi, sao hắn đi chinh chiến lâu thế mà không trầy trụa sứt mẻ gì? Hắn bảo vì hắn chạy giỏi và có biệt tài né đạn. Nói chơi cho vui vậy thôi. Thật ra, có lẽ vì cao số nên đạn tránh hắn.

Hắn hỏi thêm: “Ngoài cái chuyện tai qua nạn khỏi, cao số còn có nghĩa gì khác nữa không?”

Lão thầy bói nhíu mày: “Tương lai vận mệnh con người đâu thể nói rõ ràng như 2 với 2 là 4. Tuỳ cậu suy nghiệm từng sự việc xảy ra.”

Hắn cố gạn hỏi về cái chuyện cao số, mong lão thầy bói bật mí thêm về tương lai của hắn: “Thầy đã coi cho tôi thì xin nói hết những gì thầy biết.”

Lão có vẻ nổi cáu, xẵng giọng: “Cao số là cái số sống trên đầu trên cổ thiên hạ. Thôi, đủ rồi. Tiền quẻ bao nhiêu thì nói bấy nhiêu. Xin đừng hỏi nữa.”

Sống trên đầu trên cổ thiên hạ ư? Hắn nào dám mơ như thế. Hắn vốn người chậm lụt, trí năng thấp kém. Chỉ mong thiên hạ đừng bắt nạt đè đầu bóp cổ là may lắm rồi.

Sau những năm dài chinh chiến, tình thế bắt đầu đổi khác. Lúc những người mang dép râu, đội nón cối từ trong hang ổ rừng xanh xuất hiện trên các phố thị miền Nam, cũng là lúc hắn sa chân xuống hầm tai hoạ. Nói trắng ra là đi tù. Đi tù, nhân phẩm bị chà đạp, khổ nạn như con trâu bị bỏ đói mà bắt phải kéo cày. Vậy mà lão thầy bói bảo hắn sống trên đầu trên cổ thiên hạ. Ngược lại thì có.

Khi qua Mỹ, nhiều lần dời chỗ ở, và lần nào hắn cũng thuê đúng tầng 3. Thật tâm hắn không muốn thế, nhưng hai tầng dưới đã có người thuê rồi. Thôi, đành chịu vậy. Ở tầng 3, mỗi lần di chuyển đồ đạc vất vả vô cùng. Nhưng rồi hắn cũng tìm được lý do an ủi, lên xuống lầu cao là một cách tập thể dục. Người ta tốn tiền mua dụng cụ tập luyện thân thể. Hắn khỏi tốn khoản tiền ấy. Bạn hắn, phần đông đều cao tuổi, chân tay cò vạc yếu đuối. Có lần ông bạn già lẩy bẩy leo đến tầng 3 của hắn, há mồm thở dốc.

Ông nói như hụt hơi: “Ở trên đầu trên cổ thiên hạ càng mệt, chứ sướng ức chi?”

Câu nói vô tình làm hắn chợt nhớ lời lão thầy bói. “Cao số là cái số sống trên đầu trên cổ thiên hạ.” Trời! Chuyện tương lai xa hàng mấy chục năm mà lão nói trúng phóc. Hiện tại hắn đang sinh hoạt ăn uống, tắm rửa, ngủ nghê gì cũng trên đầu của 2 tầng nhà dưới. Trước kia, hắn lầm tưởng lão thầy bói muốn nói hắn ác ôn, chuyên môn đè đầu cưỡi cổ người khác. Hoá ra không phải thế. Lão ám chỉ cái số hắn ở trên cao. Ở Mỹ như vậy là số nghèo. Số mạt rệp! Số vất vả! Người giàu không xây nhà cao. Họ sợ đi lên đi xuống mỏi chân, lại dễ trượt té u đầu sứt trán như chơi. Họ chủ trương trải rộng mặt bằng, cơ ngơi chiếm nhiều diện tích khang trang mát mẻ. Khác với Việt Nam. Nhà nào lên lầu cao là giàu, dân có máu mặt. Người nghèo, nhà cửa chật chội, thấp lè tè. Ngước nhìn lên lầu cao, đôi khi mặc cảm thân phận mình nhỏ bé, thấp kém hơn thiên hạ.

20 năm hắn vẫn ở nhà thuê, chứng tỏ hắn nghèo thật. Khi mới qua Mỹ, hắn không có tiền sắm đồ đạc trong nhà. Hắn thường lang thang đi lượm những món đồ người ta vất đi, đem về dùng lại. Hắn nghĩ, nếu ở Việt Nam đem những món này ra chợ trời cũng bán được khối tiền. Thế thì ở đây người ta vất, tội gì mình phải mua? Mình chỉ lượm, chứ trộm cắp của ai mà xấu hổ? Nghĩ vậy, nhưng nhiều lúc thấy người ta dòm ngó, hắn cũng ngượng. Dù hắn đã tạo cái dáng như người nhàn rỗi dạo chơi để đừng ai chú ý.

Trong khi săn nhặt đồ cũ, hắn gặp một đồng nghiệp người Mễ. Anh này qua Mỹ trước hắn vài tháng, tiếng Anh cũng ấm ớ như hắn. Cả hai vừa nói chuyện vừa dùng đôi tay diễn tả. Tuy nhiên, anh ta có đầy kinh nghiệm trong nghề. Anh bảo phải có một chiếc xe đẩy khi đi lượm đồ cũ. Hắn nói không thể kiếm được. Tuần sau, anh ta cho hắn một chiếc shopping cart giống như chiếc của anh đang đẩy, và truyền đạt cho hắn những kinh nghiệm vô cùng quý giá: “Điều gì người Mỹ tính rồi thì khỏi tính lại, vì họ đã tính rất chính xác. Nơi nào người Tàu đã bỏ đi thì đừng đến ở, vì họ rất giỏi mưu sinh mà còn thất bại thì mình không thể thành công. Đồ đạc gì của người Việt Nam vất thì đừng lượm, vì người Việt vốn tính cần kiệm nên đồ họ bỏ ra thì không ai còn dùng được nữa.”

Sau một thời gian quen biết, anh bạn Mễ sắm được chiếc xe hơi cũ. Chiếc xe trông thảm, trầy trụa móp méo tùm lum, nhưng tiếng máy nghe êm. Mới đầu hắn tưởng anh ta lượm được ở đâu đó. Nhưng không, anh bảo mua rẻ của một thằng bạn Mễ. Từ khi có chiếc xe, anh giải nghệ đi lượm đồ cũ, chuyển hướng đi yard sale. Đây cũng là một cách săn lùng đồ cũ dưới hình thức khác. Mỗi cuối tuần, anh chở hắn đi. Đồ yard sale bán rẻ như cho. Đối với hắn, đi yard sale cũng là một cái thú. Đi hoài, đâm ra ghiền yard sale. Và hắn khám phá ra có nhiều người cũng ghiền như hắn. Những bộ mặt quen thuộc ấy, hắn gặp hoài ở các địa điểm yard sale. Cuối tuần, thay vì đi chơi, họ đi ngắm đồ yard sale may ra vớ được món bở với giá rất bèo. Hắn đọc báo, thấy nói có người mua khung hình cũ về tháo ra, bắt gặp những đồng tiền xưa hoặc giấy tờ tuỳ thân cũ từ cả trăm năm trước. Những thứ lâu đời đó bỗng trở thành vô giá đối với dân chơi đồ cổ. Dân chơi đồ cổ là dân nhiều tiền lắm của. Khi đã đam mê, họ có thể chơi ngông dám bỏ ra số tiền rất lớn để đổi lấy một món đồ cũ mèm, xem ra không còn chút giá trị thực dụng nào cả. Hắn mong một ngày mình cũng có được món đồ gì lọt vào mắt xanh của dân sưu tầm đồ cổ. Không mua vé số mà cũng trúng độc đắc. Nhưng dịp may ấy chẳng bao giờ đến với hắn. Bởi lão thầy bói đã nói rồi, số hắn ở trên cao, nghĩa la số nghèo.

Nói đến đồ cổ, không thể không nói đến những món không cần phải cổ, cũng có thể đem bán đấu giá. Đó là đồ dùng của các nhân vật nổi tiếng đã chết rồi. Cái đồng hồ, cây bút của cố tổng thống John F. Kennedy, hoặc cái quần lót của nữ tài tử Marilyn Monroe. Hắn thật không hiểu người ta tranh nhau đấu giá để mua cho được cái quần lót của Marilyn Monroe làm gì? Ngắm chăng? Nó cũng như trăm nghìn cái quần lót người khác, có gì lạ mà ngắm? Ngửi chăng? Trước khi mang ra đấu giá, người ta đã tẩy giặt sạch rồi. Còn hơi huớm gì mà ngửi? Từ cái quần lót của Marilyn Monroe, hắn nhớ lại chuyện ông vua Tự Đức cũng “xếp tàn y lại để dành hơi” sau khi nàng cung nữ yêu lìa đời. Hắn tưởng tượng, mỗi khi nhớ cái mùi của người đã từng chung chăn gối, nhà vua lấy cái quần lót của nàng đưa lên mũi ngửi một cách say mê với đôi mắt lờ đờ ngây dại. Hắn bật tiếng cười khan. Trăm họ thần dân mà biết nhà vua ngửi quần lót đàn bà thì còn ra cái thể thống gì?

Trở lại chuyện của hắn. Hiện tại, nhà hắn đầy đủ tiện nghi với những đồ đạc săn nhặt từ thùng rác và yard sale. Vợ hắn lắc đầu, cho rằng những thứ hắn tha về toàn là của người chết mà thân nhân của họ muốn tống khứ đi. Con hắn gớm ghiếc, bảo đấy là đồ dùng của người mắc bệnh Aids, cần phải vất bỏ tẩy uế. Hắn không đồng quan niệm với vợ con. Nhưng nhiều đêm nằm ngẫm nghĩ, săn nhặt đồ cũ cũng vì nghèo. Hơn thế nữa, nó thành thói quen. Tương tự như khi hắn ra khỏi tù, đi đường thấy cái bao nhựa nylon cũng lượm bỏ túi. Một thói quen bệnh hoạn đã thâm nhập vào tận xương tuỷ, do đời sống quá khó khăn thiếu thốn trong tù tạo nên. Cũng như khi mới qua Mỹ, liệng bỏ những cái bình đựng sữa, đựng nước bằng nhựa nylon thì tiếc, mà giữ lại thì không biết để làm gì. Không phải một mình hắn có triệu chứng bất thường như thế. Một trung tá Mỹ lái máy bay dội bom miền Bắc Việt Nam bị bắn rơi, rồi bị bắt làm tù binh 7 năm ở trại tù Hoả Lò, Hà Nội. Sau ngày trao trả tù binh giữa Mỹ và Cộng Sản Bắc Việt, ông được báo chí phỏng vấn. Ông nói về những nỗi đắng cay trong tù. Và điều đó đã ngấm sâu vào ông, trở thành thói quen vô thức trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, khi đi cầu ông dùng rất ít giấy vệ sinh để lau chùi, dù cuộn giấy vệ sinh chẳng đáng gì để ông phải bận tâm suy nghĩ về sự tiết kiệm. Hắn cũng nhớ lại thời gian hắn bị lưu đày ra đất Bắc, không có đến mảnh giấy vụn làm vệ sinh. Hắn phải dùng miếng giẻ rách xé ra từ quần áo cũ để lau chùi. Mỗi khi đi tiêu ngoài rừng, nếu dùng lá cây thi bất tiện lắm. Lá cây trơn láng, chùi không sạch. Lá cây nhám, có nhiều lông làm xót ngứa hậu môn. Dùng miếng giẻ là tiện nhất. Chùi xong, xếp miếng giẻ cho vào túi nhựa nylon, rồi cất vào túi quần. Buổi chiều về ngang con suối, vệ binh cho dừng lại tắm rửa, luôn tiện giặt miếng giẻ để lần sau dùng nữa. Hắn dùng hoài, cho đến khi nào có được miếng giẻ khác thay thế tốt hơn. Khi còn ở tù, lúc nào hắn cũng thủ sẵn miếng giẻ trong túi. Chỉ cần hai miếng giẻ là đủ dùng cho cả năm.

Khi nghĩ về số phận, hắn tự hỏi, hắn đâu làm nên tội gì, sao ông Trời bất công với hắn? Hắn không tự chọn sinh ra trong một gia đình nghèo nàn thiếu trước hụt sau. Hắn lại sở hữu một cái đầu kém thông minh, không có một năng khiếu đặc biệt gì để bon chen cùng thiên hạ. Vào quân đội thì làm con chốt thí trên chiến trường. May mà con quái vật chiến tranh chưa kịp nhai xương hắn thì cuộc chiến chấm dứt, nên còn được cái mạng trở về. Rồi hắn bị đẩy vô tù. Người ta trút lên đầu hắn bao nhiêu là tội lỗi tày trời, rằng phản bội tổ quốc, bán nước cầu vinh. Tự vệ chống lại thằng ăn cướp mà gọi là phản bội sao? Và cái thân cùng đinh của hắn thì quyền hành gì mà có thể bán cả giang sơn tổ quốc? Ra khỏi nhà tù, hắn tìm cách vượt biên ngay. Bởi quá tin người, hắn bị lừa đảo hết tiền và suýt bỏ mạng. Phải đến chuyến thứ 13, hắn mới đi trót lọt. Người ta kỵ con số 13, nhưng vận mệnh của hắn lại hợp với con số xui xẻo này.

Bây giờ, hắn đang ở Mỹ. Phần đông người Việt ở đây đều có đời sống thoải mái. Tiền bạc, xe hơi, nhà cửa đàng hoàng. Sao hắn vẫn ở nhà thuê? Có phải tại hắn lười biếng? Hay mệnh Trời đã định? Hắn phản đối ông Trời, và quyết tâm cải lại số Trời. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết, “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Hắn sẽ thắng thiên. Hắn sẽ làm giàu. Hắn sẽ thí mạng cùi làm việc để có nhiều tiền. Đang làm tà tà ngày 8 tiếng trong nhà in, hắn xin làm thêm giờ phụ trội. Đầu tắt mặt tối, mệt nhoài thở chẳng ra hơi. Muốn có nhiều tiền, thật khổ lắm thay! Một ông bạn thấy hắn quá vất vả để trở mình làm giàu, bèn nói một câu chí lý: “Ở Mỹ, người ta cho con ngựa ăn no, nhưng bắt phải chạy đua.” Hắn đang làm con ngựa chạy đua. Máu hắn đã bị vắt cạn trong các trại tù Việt Nam, khi sang đây thì đã sức cùng lực tận, còn đua với ai được nữa?

Một năm trời làm con ngựa chạy đua, hắn bã người. Hắn ra tiệm thuốc Bắc, mua sữa mật ong chúa về uống mỗi ngày. Theo quảng cáo, đây là loại thần dược làm tráng dương cho người già, tăng sức cho người trẻ. Càng uống, hắn càng kiệt sức. Khốn nạn! Lúc nào tay chân hắn cũng rã rời, mệt mỏi và buồn ngủ. Hắn nổi giận, ném mấy lọ thuốc còn lại vào sọt rác. Hắn nghi mình có bệnh tiềm ẩn gì đó đang rúc rỉa dần xương thịt. Hắn đi bác sĩ. Sau khi thử nghiệm, bác sĩ cho toa mua multi vitamin, khuyên hắn cần nghỉ ngơi và ăn uống điều độ. Bệnh tiềm ẩn mà cách điều trị đơn giản vậy sao? Thôi thì hãy tin nơi bác sĩ. Dù sao ông ta cũng đã khổ công mài mòn bao nhiêu cái đít quần trong các giảng đường y khoa. Chứ không phải như mấy cha nội mới biết đọc i tờ, theo Việt Cộng vào rừng khiêng xác chết và rửa ghẻ một thời gian, khi ra thành phố bỗng trở thành bác sĩ ngang xương. Do kiến thức y khoa giới hạn, thay gì cứu người, họ trở thành kẻ sát nhân. Đã có nhiều người bỏ mạng vì loại bác sĩ xuất thân từ rừng xanh rồi. Thằng con trai của hắn là một trong những nạn nhân ấy. Hắn căm hận gọi loại bác sĩ này là bác sĩ tử thần. Căm hận thì nói thế thôi, chứ hắn làm gì được ai?

Bắc sĩ dặn mỗi ngày uống 1 viên multi vitamin, hắn chơi luôn 2 viên một ngày cho chắc ăn. Đồng thời, hắn nghỉ làm thêm giờ phụ trội. Không còn đầu tắt mặt tối nữa. Sức khoẻ hắn phục hồi nhanh chóng.

Những lúc rỗi việc, hắn hay lôi Truyện Kiều ra đọc mua vui như lời cụ Nguyễn Du nói. Gần cuối truyện, hắn chú ý đến đoạn thơ: Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Thì ra qua thân phận nàng Kiều, cụ Nguyễn Du muốn nhắn lại người đời sau rằng cụ đã từng muốn cải mệnh trời, nhưng cuối cùng đành chịu thua. Một thi nhân bậc nhất của Việt Nam còn phải chấp nhận ngậm đắng nuốt cay, hắn là cái thá gì mà cưỡng được số trời đã định? Nói theo kiểu Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc, kiếp này hắn như gạch đã ra lò, định hình rồi không thay đổi được nữa.

Lâm Chương