Thursday, January 8, 2015

Trường Ơi! - Nguyễn Thị Nho

Nguyễn Thị Nho
        Kỷ niệm là hương thơm của tâm hồn”
        Khuyết danh

                 Trước khi trở thành học trò Trường Trung học Nguyễn Hoàng, tôi đã trải qua 5 năm làm học trò của Trường Tiểu học Lam Thuỷ - ngôi trường làng khiêm tốn với những vần i tờ tờ i ti thuở ôm cuốn “Bé học vần” ấy chắp cánh cho bao người bước vào đời, cũng lắm người thành danh và bay đi xa - xa tận năm châu bốn bể. Không
biết ai còn nhớ đến chiếc nôi đầu đời chữ nghĩa ấy không nhỉ? Riêng tôi, tôi chưa bao giờ quên dù đã ba mươi ba năm đứng trên bục giảng sống với thế giới học trò, được bước chân vào những ngôi trường khang trang, sạch đẹp.
                Trường làng tôi được xây dựng trên một khuôn viên khá thơ mộng, nằm cạnh ngôi chùa làng uy nghiêm ngân nga từng hồi chuông cảnh tỉnh mỗi khi chiều xuống; trước mặt là con sông Vĩnh Định có bến đò ngang và sau lưng là cánh đồng lúa thoáng mát. Qua chiếc cổng có tấm biển ghi hàng chữ “Trường Tiểu học Lam Thuỷ” là hai hàng dương liễu xanh ngắt dẫn vào sân chính, nơi đây phượng vỹ được trồng chạy dài dọc theo các phòng học; phía sau trường cũng được trồng nhiều cây nên giờ ra chơi học trò không thiếu bóng mát để nô đùa. Tôi không biết trường được xây dựng từ lúc nào nhưng khi tôi đủ tuổi vào lớp Năm (lớp 1 bây giờ) thì trường đã có đủ 5 lớp. Tôi còn nhớ trong 5 phòng học đó có 2 phòng xây mới: một phòng làm văn phòng trường và một phòng được ưu tiên cho cho lớp học trò nhỏ nhất; các lớp còn lại theo thứ tự ở các phòng học mái tranh vách đất rộng rãi và mát rượi. Dãy nhà tranh nầy có lợi thế là mỗi lần tổng kết năm học, các bức vách bằng phên đất ngăn các lớp được tháo ra, thế là có ngay một hội trường rộng rãi đủ bàn ghế cho cả học trò và phụ huynh đến dự lễ.
                Người thầy đầu tiên tôi khi tôi bước chân vào trường là thầy Thuyên - người làng Diên Sanh. Thầy còn trẻ, viết chữ rất đẹp, vui tính nhưng có khi cũng nghiêm khắc. Tôi thích nhất là tấm biểu đồ học lực theo dõi học sinh được thầy treo bên tường cạnh bảng đen, với đầy đủ tên họ học sinh xếp theo vần. Những cột mốc từ kém, trung bình, khá, giỏi đến rất giỏi được thầy dùng bút đỏ vẽ những đường kẻ như mũi tên đậm nét. Khi có những nét vẽ mới của thầy, cả lớp đều mong mau đến giờ ra chơi để xúm nhau lại xem coi mình tiến bộ hay thụt lùi. Có những nụ cười tươi và cả những khuôn mặt ỉu xìu. Nhưng rồi ai cũng cố gắng để lần sau mũi tên đỏ ấy vượt lên chứ không bị tuột dốc nữa. Theo tôi nghĩ, đó là cách công khai học lực và động viên tinh thần thi đua học tập của học sinh rất hiệu quả. Vì nhà xa, phải ở trọ nên những chiều rảnh rỗi thầy thường đạp xe quanh làng, ghé vào nhà học trò thăm hỏi, khen ngợi hay nhắc nhở phụ huynh những điều cần thiết để con em mình tiến bộ và thầy luôn được dân làng niềm nở đón tiếp. Tôi còn nhớ bài tập viết đầu tiên của tôi được thầy cho 10 điểm - cao nhất lớp - là câu “Khỉ đố mèo leo cây khế”. Tôi cũng không quên cái lần bị thầy dùng bút nguyên tử đánh dấu trong giờ khám vệ sinh hàng tuần. Nhớ lại thuở ấy mà mắc cười, vào giờ khám vệ sinh thân thể thầy cầm cây bút nguyên tử săm soi “dung nhan” từng đứa. Cứ chỗ nào dơ là bị đánh dấu, bọn con trai bị đánh dấu nhiều nhất, con gái thi thoảng. Cái lần tôi bị đánh dấu vào sau vành tai, về nhà phải kỳ cọ đến đỏ cả da mới sạch mực nguyên tử, đau thấu ba ông trời. Nhưng cũng nhờ thế mà bọn con nít nhà quê tắm rửa kỹ hơn chứ không chạy xuống sông hụp mấy cái rồi lên theo thói quen cố hữu.
                Những năm sau tôi tiếp tục học với quý thầy khác (trường tôi chưa có cô giáo nào chịu về dạy). Lớp tư (lớp 2 bây giờ) tôi học với thầy Quế người làng Trung Đơn. Thầy cao gầy và là người nhiều tuổi nhất trong số thầy giáo ở trường. Mỗi lúc sinh hoạt lớp thầy thường hò cho học trò nghe và tập học trò hò theo, phần lớn là hò giọng đò và hò khoan hò hụi. Thầy rất cưng học trò nhưng cũng hay doạ. Có lần thầy đặt một câu hỏi về phép ứng xử, gọi một lúc cả chục đứa lên bảng mà chả đứa nào trả lời đúng thầy liền bảo lớp trưởng ra sân bẻ một nhánh dương liễu làm roi rồi thầy gọi tên tôi, tuyên bố đây là chiến binh cuối cùng, nếu không giải cứu được chiến hữu thì cùng nộp mạng. Đứng lên trả lời mà mắt tôi cứ lấm lét nhìn cây roi trên tay thầy. Khi tôi dứt lời, thầy không phán đúng hay sai mà lại quơ roi thử đánh vào khoảng không, nghe tiếng vun vút làm cả lớp xanh mặt. Trong giây phút sinh tử ấy, bất chợt thầy vụt cây roi vào góc phòng rời tuyên bố: ‘Giỏi! Cho 10 điểm”. Rồi quay sang đám bại binh, thầy bảo “tha cho lũ vịt con, về chỗ học tiếp”.
                Năm lớp ba tôi được học với thầy Thể - ông anh bà con chú bác nên được thầy chăm sóc kỹ. Và vì thế tôi cũng phải cố gắng hơn để chứng tỏ số điểm mình đạt được là xứng đáng chứ không phải ưu tiên. Chuyện thầy làng dạy trường làng cũng có chuyện tức cười đấy, như chuyện kiêng tên. Tục người làng quê tôi là kiêng gọi tên người đã khuất hay các vị cao niên cho nên người ta thường nói trại ra chữ khác, bởi thế mới có câu nói đùa: Eng Hơi lên xe hờng, ra Đông Hờ mua thẻ hơng (Anh Hy lên xe hàng, ra Đông Hà mua thẻ hương - vì nhang và hương đều kiêng nên phải nói hơng). Ở lớp tôi có bạn tên Nguyễn Văn Tế, khổ nỗi tên bạn nầy trùng với vị cao niên nhà thầy nên bị thầy bỏ luôn dấu sắc. Thế là trò Tế trở thành trò Tê cho đến khi rời trường, không biết sau nầy bạn ấy có lấy lại được dấu sắc cho tên mình không nữa. Cũng vì thế mà trong giờ trả bài thường thức Xương và bộ xương có mẫu đối thoại nầy:
                Thầy: - Sao em không thuộc bài?
                Trò: - Thưa thầy em không dám học.
                Thầy: - Tại sao?
                Trò: - Vì đó là tên ông nội em.
                Thầy: - Sao em không đọc xang và bộ xang, xang sống, xang sườn?
                Trò: - Thưa thầy! Em chưa nghĩ ra.
                Không biết bạn ấy thật thà hay ma giáo nhưng thầy bỏ qua, không cho trò hột vịt vì lý do không thuộc bài.  Chuyện thật như đùa hè!
                Lên lớp nhì (lớp 4 bây giờ) tôi lại học với thầy Thuyên. Khá vui nhưng đám con trai nghịch ngợm cũng sợ thầy một phép vì thầy đã nắm rõ thóp của đám học trò của mình từ thuở i tờ.  Năm đó trường tăng lớp nhưng chưa xây thêm phòng học kịp nên phải mượn nhà tăng của chùa làm phòng học tạm và lớp nhì của tôi phải dời qua đó. Hồi đó các vùng lân cận đã mất an ninh, thi thoảng trong giờ học có tiếng súng vọng về. Một lần không biết thầy có việc gì cần phải rời lớp trong giờ học nhưng sợ ồn ào nên thầy bảo: “Thầy có việc gấp phải vắng mặt trong chốc lát. Các em hãy quỳ lên ghế, khoanh tay lại, miệng đọc nhẩm: “Tôi không nói chuyện, nếu nói chuyện sẽ bị thần lớp vặn cổ”. Và thế là lũ học trò nhà quê cứ quỳ mà niệm chú mặc tiếng súng mỗi lúc một gần, mùi thuốc súng xông lên khét lẹt và tiếng bà con trong xóm kêu nhau í ới. Mãi đến khi ông từ giữ chùa chạy vào, thấy thế ông la lớn: “Bọn con nít nầy không biết sợ hả? Chui xuống bàn mà tránh đạn đi chứ. Đồ ngốc”.
Cái thuở làm học trò trường làng vui lắm. Tôi còn nhớ những bài hát thuở ấy. Mỗi sáng sớm, khi mặt trời còn ngái ngủ thì tiếng trống trường đã vang lên từng hồi dội khắp làng trên xóm dưới. Thế là không cần đồng hồ, bọn trẻ vẫn đi học đúng giờ. Trên đường đến trường, những bàn chân nhỏ thoăn thoắt bước với những lời ca chuyền nhau vang vang khắp đường quê: "Trong trời xanh gió nô đùa reo mừng. Ta đi mau gió la đà vướng chân trong nắng mai tươi cười lòng ta vui như mây hồng... Ngắm ngắm xem xem quê nhà ta, dưới bóng cây kia trường làng ta, đang chào đón với lòng thiết tha...". Sau 3 tiếng trống, học trò sắp hàng, chào cờ rồi nối đuôi nhau vào lớp. Khi nghe trống báo giờ ra chơi, cả lớp đứng dậy hát: "Ta học nhiều lắm rồi nào anh em ơi! Xếp sách ta ra ngoài sân ta chơi. Sân rộng cùng nô đùa tự do ta sướng vui. Đùa trong phút giây cho tâm hồn càng sáng tươi..." Và khi tan học lại đứng lên hát: "Tan học rồi là tan học rồi (có đứa nghịch ngợm hát Tan học rồi là tôi học ràn). Nghiêm trang đứng lên em chào thầy cô. Đi đều hàng và ca lừng trời. Vui tươi tiến lên chia tay ra về".
Trường làng vui nhất là dịp tết Trung Thu. Thôi thì đứa nào đứa nấy thi nhau chẻ tre vót nan dán lồng đèn đến đứt tay chảy máu. Mấy đứa con trai làm biếng thì chặt một khúc lồ ô rồi đổ dầu vào, cuốn thêm nùi vải làm bấc thế là có cây đuốc cháy rừng rực. Đêm Trung Thu trăng tròn vành vạnh, giữa sân trường là một đống lửa to. Học trò vây quanh theo lớp để nhận bánh kẹp từ tay thầy rồi cùng nhau hát ca vui chơi văn nghệ. Tôi nhớ mãi vở kịch ngắn của lớp chị tôi diễn năm đó. Với đề tài "Mai ăn khỏi trả tiền", diễn đến đoạn chia bánh, đứa đóng vai láu cá bẻ cái bánh ra làm thành hai phần không bằng nhau, vừa liếc qua liếc lại nhìn hai miếng bánh vừa hát "Bên ni già hay bên tê già?" (già: phần nhiều hơn); đứa đóng vai khờ khạo, thật thà chỉ vào một bên. Đứa láu cá hát tiếp: "Cắn một miếng cho vừa" - và ghé miệng ngoạm vào phần bánh "già". Dĩ nhiên là cắn sao cho 2 miếng bánh vẫn không đều nhau - rồi lại hát tiếp: Bên ni già hay bên tê già? cứ thế cho đến khi nó xơi hết cái bánh khiến đứa khờ khạo lăn đùng ra ăn vạ làm khán giả cười lăn lóc. Năm đó lớp tôi tham gia tiết mục "Trí khôn của ta đây". Tội nghiệp hai thằng con trai to con phải đội chiếc mền màu đen làm trâu, và cũng tội cho đứa đóng vai hổ bị đánh tơi bời. Khi trăng đã cao, đống lửa sắp tàn và bánh kẹo cũng bị xơi sạch bong, lũ học trò chia tay tỏa về các xóm. Những ngọn đuốc lồ ô vẫn rừng rực trên các con đường làng cùng tiếng ca bập bùng khắp thôn xóm: "Trăng Trung Thu là trăng Việt Nam tươi mới. Đêm Trung Thu đèn sao cờ bay phất phới. Câu ca vang trời, đây tết thiếu nhi, ta hát bài hát vui tươi..."
Hết những ngày nắng chang chang làm bỏng những đôi chân trần đến lớp lại mùa lũ lụt, đường sá ruộng đồng lênh láng một màn nước đục lờ nhưng lũ học trò vẫn xắn quần, tay đưa tập vở cao lên đầu để lội nước đến trường. Con sông hiền hòa mọi ngày thong thả trôi bây giờ nước nguồn đổ về cuồn cuộn, con đò ngang chông chênh không dám đưa người. Thế là thầy trò hai bên bờ đứng gọi nhau í ới. Học trò bên nầy sông bắc tay làm loa réo: "Thầy ơi!!!". Bên kia bờ nam thầy cũng bắc loa tay "Ơi!!!". Trò tiếp tục từng tiếng một: "Thưa Thầy! Thầy có cho chúng em nghỉ học hôm nay không???". Tiếng thầy trò lồng lộng giữa trời không hòa lẫn cùng tiếng réo của dòng nước lũ. Chừng nào nghe tiếng "Có" của thầy đám học trò mới lục tục lội nước trở về nhà. Thương làm sao lũ học trò nhỏ nhà quê ngây ngô và hiếu học.
Khi tàng phượng trong sân trường bắt đầu trổ bông hay trên đường đến trường thỉnh thoảng lại phảng phất mùi hoa dẻ mọc hoang bên bờ sông là chúng tôi biết ngày hè đang đến. Những ngày cuối tháng tư ôm sách đến trường mà nhìn màu lúa xanh bắt đầu chuyển thành tấm thảm vàng, hay thửa ớt chín đỏ bên bờ mương là đứa nào cũng mong mau nghỉ hè để phụ giúp cha mẹ thu hoạch. Lễ tổng kết cuối năm của trường tôi tưng bừng như ngày hội. Hồi đó học trò có thể dự đoán mình sẽ được nhận thưởng nhưng chưa biết vị thứ đâu nhé. Ngày tổng kết, không chỉ toàn thể học sinh của trường có mặt mà cả phụ huynh nữa. Những tấm phên ngăn phòng học dãy nhà tranh được tháo ra để đủ chỗ cho mọi người tham dự. Sau khi hoàn tất các nghi thức chào cờ, giới thiệu, ...Thầy giáo phụ trách từng lớp theo thứ tự lớp nhỏ trước, lớp lớn sau cầm bảng tổng kết lên bục sân khấu đọc điểm - thành tích học tập của học sinh lớp mình một cách công khai để mọi người cùng biết, nhưng chừa số học sinh được lĩnh thưởng lại. Thế là trò nào chưa có tên sẽ vô cùng hồi hộp, trống ngực cứ đánh thình thịch không biết mình xếp vị thứ nào đây? Mãi đến giờ G, khi thầy hiệu trưởng công bố trao giải học trò mới biết. Thường là trao giải từ thấp đến cao, càng chưa nghe xướng danh thì càng hồi hộp. Và niềm vui vỡ òa khi hạng Nhì vừa xướng xong - nghĩa là phần thưởng nhất lớp sẽ về mình. Ôi! Niềm hạnh phúc sung sướng không chỉ của học trò mà còn lây lan cả cha mẹ. Có con cái năm nào cũng nhận thưởng là một vinh dự cho gia đình lắm lắm. Và nói không phải khoe nhưng hầu như năm nào chị em nhà tôi cũng ôm trên tay những phần thưởng ưu hạng khi rời hội trường. Và phần thưởng ấy luôn có đủ sách vở cũng như dụng cụ học tập cho niên học mới. Bởi vậy mùa khai trường nào ba mẹ tôi cũng không cần sắm sách vở cho con.
Có một mùa hè làm tôi nhớ mãi - đó là mùa hè năm tôi học lớp Nhì.
Hè năm đó đúng là Mùa chia tay giữa thầy và trò. Sau lễ tổng kết, thầy hiệu trưởng tuyên bố năm học tới thầy Quế và thầy Hai sẽ chuyển đi nơi khác. Vừa nghe, học trò khóc như ri dù có học với thầy hay không. Mà có phải chỉ bọn học trò nhỏ mau nước mắt đâu? Cả thầy và phụ huynh cũng nghẹn ngào quẹt nước mắt liên tục đấy. Khi tiễn thầy xuống đò ngang qua sông, chúng tôi chạy theo níu áo thầy bịn rịn khiến thầy Hai (người làng Cu Hoan) không cầm lòng được đã cất giọng hò cảm tác: Thầy ra đi bỏ bầy em dại. Thầy ra đi để lại tình thương. Thương người thương cả xóm giềng. Xin đừng quên kẻ vấn vương nghĩa thầy. Khi chiếc đò cập bến bờ nam, thầy dắt xe đạp lên bờ mà cứ đứng nhìn vọng sang, không nỡ đạp xe đi. Còn bên nầy sông học trò cứ réo những tiếng Thầy ơi! Nghe xót cả ruột. Ôi! Tình nghĩa thầy trò ngày xưa sao mà quý hóa!
Thế rồi lớp cuối cấp đã tới, tôi thấy mình oai lắm. Là lớp lớn nhất của trường nên luôn gánh mọi việc. Kéo cờ nầy, hướng dẫn các lớp nhỏ trong những giờ tổng vệ sinh toàn trường nầy. Rồi lo tổ chức, sắp xếp bàn ghế thành hội trường và sân khấu, còn phải tập dượt các tiết mục văn nghệ đặc sắc, phụ thầy phát quà bánh trong các dịp lễ, tết... Nói chung lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) hồi đó quan trọng lắm.
Năm học đó tôi được thầy Khiết - người từ Hương Trà - Huế về nhận chức hiệu trưởng và phụ trách giảng dạy luôn lớp Nhất. Thời gian đó làng tôi không còn yên ổn nên sáng thầy đến dạy, trưa là lên tỉnh, không còn thời gian đi quanh làng thăm gia đình học sinh như các năm trước nhưng không vì thế mà tình cảm thầy trò thiếu ấm cúng. Rồi một đêm quân lính hai bên đụng độ, trường bốc cháy. Sáng hôm sau đến trường, chúng tôi đứng trước đống tro tàn tan hoang còn nghi ngút khói mà đau đớn, cả thầy lẫn trò đều nức nở. Thế mà chúng tôi vẫn tiếp tục học cho hết năm. "Trường" bây giờ phải tách ra thành 5 địa điểm, phòng học là các nhà dân chung quanh trường cho mượn, bàn ghế học trò là những bộ ghế ngựa cũng của dân làng cho mượn được kê tách ra từng tấm. Vất vả như vậy mà mùa hè năm đó khi thi vào lớp Đệ Thất trường Nguyễn Hoàng bạn bè cùng lớp của tôi đều đỗ cao, trong đó tôi đoạt giải thám hoa đấy.
Ngày khai trường năm 1966, tôi trở thành học sinh trung học của trường Nguyễn Hoàng - xa rời làng quê mãi mãi vì chẳng bao lâu thì nhà tôi cũng bị phá hủy trong một trận đánh, cả gia đình đành bỏ làng quê, dắt díu nhau ra tỉnh để tránh bom rơi đạn lạc. Trường mất nhà tan, đàn chim lạc bay đi tứ xứ. Lâu lắm rồi tôi hầu như chưa gặp lại một lần thầy hoặc bạn ngày xưa ấy. Thế nhưng trong tôi luôn sống mãi hình ảnh ngôi trường làng thân yêu có bóng cây che mát. Và tôi mãi nghĩ về những người thầy kính yêu đã dạy tôi thời tiểu học cùng lũ bạn nhà quê chơn chất, dại khờ của thời thơ ấu.
Nhớ làm sao! Nỗi nhớ cứ đỏ hồng ngập ngàn như những tàng phượng trong sân trường năm nao; hay thơm lừng như mùi bắp rang ấm nồng túi áo trong những ngày đông giá lạnh.
Trường ơi!                                                                                               
                                                                                                                
Biên Hoà (Tháng 6/2011)
                                                                                                                     
CHS/Nguyễn Thị Nho
Sinh năm: Tháng 12/1955                             
Quê quán: Lam Thuỷ - Hải Vĩnh –
Hải Lăng – Quảng Trị
Học NH từ 1966 đến 1973
Ban A
Địa chỉ hiện tại: Phường Quyết Thắng -                                   
Biên Hoà- Đồng Nai