Wednesday, January 28, 2015

Quan Hệ Giữa Dân và Lãnh Đạo 
                                            - Trúc Thanh Tâm
tiểu luận

     Thời kỳ quân chủ phong kiến ở nước ta, dân không được phép nhìn vào mặt vua, vì như thế là " phạm thượng " . Thế giới Ả Rập cũng có những câu chuyện kể : Dân phải chạy trối chết mỗi lần vua chúa đi ngang qua phố xá, nếu không sẽ bị lãnh ngay một mũi tên nhọn.
Vua chúa có đời sống riêng và công việc cai trị hết sức độc đoán mà dân không được quyền biết đến.
    Đến nay, thời kỳ ấy chỉ còn trong sách sử, nhưng hình như nó chưa thật sự biến mất khỏi tâm tưởng của nhiều người. Ở một số địa phương, không ít người dân chưa hề biết các lãnh đạo ở tỉnh, thành, quận, huyện, thậm chí cả phường, xã... là ai. Rõ ràng là hiện nay, nhiều người còn không biết các vị Bộ trưởng nước mình. Mặt không được nhìn, tên không được biết, thử hỏi làm sao biết " ổng " đang làm gì ? Không biết, làm sao mà bàn, mà làm, mà kiểm tra?
    Gần đây, chúng ta nói nhiều đến những sự thay đổi cần thiết để tiến hành dân chủ hóa, sao chưa thấy đề ra việc cải thiện mối quan hệ giữa dân và người lãnh đạo ? Thiết nghĩ, khi nói rằng người lãnh đạo là đại diện của dân, thay mặt dân hành xử công việc lãnh đạo đất nước, tức là dân phải biết người ấy như thế nào để chọn lựa, bầu lên, và dân phải hiểu người ấy đã làm việc ra sao để còn tranh luận và chất vấn khi cần thiết.
    Hiện nay, Nhà nước thường có kế hoạch công tác, chương trình hành động để giải thích chủ trương, đường lối... Nhưng nghị quyết, chương trình thường mang danh một tập thể. Khi nghị quyết ấy không được thực hiện, khiến tình hình đất nước và cuộc sống người dân... sau nhiều nghị quyết, cũng vẫn như cũ, thậm chí còn xấu hơn, thì ai chịu trách nhiệm?
    Tôi xin đề nghị các nhà lãnh đạo nên có kế hoạch xuất hiện định kỳ trước công chúng, có thể qua các phương tiện truyền thông đại chúng, để trình bày những vấn đề chiến lược của người lãnh đạo, của Nhà nước. Điều nầy sẽ giúp dân biết... mặt lãnh đạo của mình, biết việc làm sắp tới của Nhà nước ( để mà bàn, làm và kiểm tra ), đồng thời là điều kiện buộc người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, khi đường lối, chương trình hành động của Nhà nước không được thực hiện hoặc thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả mong muốn.
    Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa dân và lãnh đạo như vậy là hết sức cần thiết cho bước đầu của tiến trình dân chủ hóa hiện nay .

TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)